Thạc Sĩ Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    172
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    TÊN ĐỀ TÀI: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu​
    Information

    MS: LVVH-LLVH019
    SỐ TRANG: 134
    NGÀNH: VĂN HỌC
    CHUYÊN NGÀNH: LÝ LUẬN VĂN HỌC
    TRƯỜNG: ĐHSP TPHCM
    NĂM: 2010



    Information


    MỞ ĐẦU

    1. Lý do chọn đề tài:

    1.1 Say mê trên hành trình tìm kiếm “hạt ngọc” ẩn chứa trong mỗi con người, Nguyễn
    Minh Châu đã yêu thương và tin tưởng, lặng lẽ và sẻ chia, thấu hiểu và dâng tặng đời bao tặng
    phẩm quý giá. Đó là những trang viết vừa giàu chất văn, chất thơ ở tình người cao đẹp vừa nồng
    mặn xót xa ở những dòng cảm nhận về cuộc sống đời thường nhiều bộn bề trăn trở.
    Trước 1975, người đọc đã biết đến Nguyễn Minh Châu qua Những vùng trời khác nhau,
    Mảnh trăng cuối rừng, Cửa sông, Dấu chân người lính những tác phẩm ghi nhận sinh động
    bức tranh về hiện thực cuộc sống và chiến đấu của quân dân Việt Nam trong những năm chống
    Mĩ cứu nước hào hùng.
    Sau 1975, nhất là sau công cuộc đổi mới đất nước, với Bức tranh, Cỏ lau, Người đàn bà
    trên chuyến tàu tốc hành, Phiên chợ Giát , Nguyễn Minh Châu và các sáng tác của ông một
    lần nữa có sức hấp dẫn đặc biệt đối với bạn đọc. Và mọi người đã nghĩ nhiều đến Nguyễn Minh
    Châu hơn với tư cách “nhà văn sớm nhất có sự trăn trở, khát khao đổi mới văn học” [48;tr 5], là
    một trong “những người mở đường tinh anh và tài năng đã đi được xa nhất.” [52; tr 256]
    Từ chiến tranh về hòa bình, từ chiến trường về hậu phương nhưng tác phẩm Nguyễn Minh
    Châu vẫn không hề đứt đoạn trong cảm hứng sáng tạo, trong việc thể hiện tư tưởng và quan niệm
    nghệ thuật về con người của tác giả. Nhà văn đã nhận chân được ở đây một gương mặt thật của hậu
    phương nhưng vẫn tiếp tục là chiến trường trong cuộc sống đời thường không khói súng. Bên cạnh
    đó, không thể không kể đến một sự tiếp nối và cách tân khác đã góp phần không nhỏ trong việc
    khẳng định cái riêng, cái đặc sắc của trang sáng tác Nguyễn Minh Châu. Đó là sự tiếp nối và cách
    tân chính trong nghệ thuật kể chuyện, trong “cái duyên kể chuyện” của tác giả.

    1.2 Có thể nói, so với những sáng tác ở thể loại tiểu thuyết, thì mảng truyện ngắn và bút ký
    của Nguyễn Minh Châu được các nhà nghiên cứu chú ý muộn hơn. Nhưng không vì thế mà thành
    tựu của những trang viết sau này của tác giả mất đi sự quan tâm, ưu ái và đánh giá cao của bạn đọc.
    Ngược lại, có nhà nghiên cứu còn nhận diện được ở đây sự hiện thân đầy đủ cho quá trình sống còn
    của trang viết nhà văn “Nguyễn Minh Châu viết nhiều tiểu thuyết. Từ Cửa sông đến Mảnh đất tình
    yêu, tất cả 8 cuốn ( ). Nhưng cái mà nhà văn để lại cho đời không phải là những tác phẩm dài hơi
    ấy mà là dăm ba truyện ngắn in rải rác trên báo chí, trong các tập truyện cuối đời của anh.” [38; tr
    346]. Riêng Nguyễn Minh Châu cũng đã một lần nói rõ sự tâm đắc của mình đối với thể loại sáng
    tác này “ có thể viết một truyện vừa hay một truyện dài nhưng tôi lại đem cô đúc tất cả vào trong
    một truyện ngắn vì tôi không thích viết dài.” [38; tr 306] và cũng đã từng ngậm ngùi mà hạnh phúc tự đánh giá “Mình viết văn, cả đời tràng giang đại hải có khi chỉ còn lại vài cái truyện ngắn.” [38; tr 259]
    Khi xét ở phương diện nghệ thuật trần thuật trong tác phẩm, thì những sáng tác thuộc thể loại
    truyện ngắn của nhà văn có những đặc trưng riêng rất đáng được khảo sát và tìm hiểu. Đó là đặc
    trưng ở sự hạn định của câu chữ, sự lựa chọn đề tài, tạo tình huống truyện, kết cấu trần thuật
    Những điều này vừa quy định cũng vừa được thể hiện một cách sinh động, cụ thể qua việc chọn
    điểm nhìn, xác định chủ thể trần thuật, tổ chức, sắp xếp các sự kiện, tình tiết câu chuyện cũng như
    việc lựa chọn dạng lời văn với giọng điệu trần thuật phù hợp. Đây chính là những yếu tố quan trọng
    góp phần làm nên cái riêng, cái độc đáo của nghệ thuật trần thuật của tác giả.

    1.3 Đa dạng ở lĩnh vực sáng tác (tiểu thuyết, truyện ngắn, phê bình tiểu luận), phong phú ở
    tầng vỉa ý nghĩa trên từng trang viết, sáng tác Nguyễn Minh Châu cả trước và sau 1975, đặc biệt là
    những năm cuối thập niên 80, luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc và giới nghiên cứu
    phê bình. Mỗi bài viết, mỗi công trình nghiên cứu là một cách nhìn, một tiếng nói, một suy nghĩ,
    một cảm nhận riêng của người viết xoay quanh vấn đề con người và tác phẩm của nhà văn. Trong
    những bài viết đó, ít nhiều các vấn đề về điểm nhìn trần thuật, nghệ thuật xây dựng tình huống
    truyện, ngôn ngữ và giọng điệu trong sáng tác Nguyễn Minh Châu đã được đề cập và lý giải. Nhưng
    thật sự chưa có công trình khoa học nào lấy việc tìm hiểu về “Nghệ thuật trần thuật trong truyện
    ngắn Nguyễn Minh Châu” làm đối tượng nghiên cứu một cách toàn diện và sâu sắc.
    Với tất cả những lý do đó, trên cơ sở kế thừa thành tựu của người đi trước, người viết mong
    trong giới hạn nhất định, đề tài mà luận văn đã chọn - “Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn
    Nguyễn Minh Châu” sẽ là cơ hội để người viết tiến hành tìm hiểu các yếu tố nghệ thuật làm nên
    nghệ thuật trần thuật của truyện ngắn Nguyễn Minh Châu trên tinh thần khoa học và toàn diện nhất
    có thể, để từ đó hướng đến một cách hiểu và cách lý giải thuyết phục về cái hay, cái độc đáo và hấp
    dẫn của truyện ngắn Nguyễn Minh Châu, đặc biệt là dưới góc độ thi pháp trần thuật.
    Hy vọng việc tìm hiểu tính nghệ thuật trong “cái duyên kể chuyện” của Nguyễn Minh
    Châu là một đóng góp của người viết trong việc làm đầy đặn hơn chân dung của một tài năng lớn
    về văn học nghệ thuật của dân tộc.

    2. Lịch sử vấn đề:

    Theo thống kê của một số nhà nghiên cứu thì “từ truyện ngắn đầu tiên Sau một buổi tập in
    trên Văn nghệ quân đội số 10/1960 đến truyện ngắn cuối cùng Phiên chợ Giát và những ghi chép
    Ngồi buồi viết mà chơi hoàn thành trong những ngày cuối cùng trên giường bệnh thì Nguyễn Minh
    Châu đã có 29 năm cầm bút với 13 tập văn xuôi và 1 tập tiểu luận phê bình” [48; tr 13]. Thành tựu
    đó thể hiện rõ quá trình lao động không mệt mỏi của nhà văn trong nỗ lực vươn tới những tác phẩm

    có khả năng chuyển tải được những vấn đề bức xúc thuộc về tầng tâm của cuộc sống con người
    ngày ấy và hôm nay.
    Xoay quanh vấn đề về Nguyễn Minh Châu và các sáng tác của ông, đặc biệt ở mảng truyện
    ngắn, đến nay đã có nhiều bài viết, nhiều công trình khoa học gắn liền với nhiều tên tuổi lớn như:
    Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Văn Long, Huỳnh Như
    Phương, Trịnh Thu Tuyết, Tôn Phương Lan, Mỗi bài viết là một cách nhìn, một quan điểm, một
    suy nghĩ và một cảm nhận riêng. Trong giới hạn nhất định, người viết tập trung vào các ý kiến nổi
    bật trong bài viết có liên quan đến mục đích và phạm vi nghiên cứu của đề tài đã chọn.


    2.1 Những nhận xét về cảm hứng nghệ thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu:

    Ngay từ rất sớm, khi tiếp xúc những sáng tác thuộc giai đoạn đầu của Nguyễn Minh Châu,
    trên báo Văn nghệ số 364 - năm 1970 các tác giả Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Hữu Tá đã đưa ra nhận
    định “Chưa có thành tựu nào thật tài hoa, xuất sắc. Nhưng bước đi của anh – dù sao cũng đã 10
    năm rồi, nói chung là chắc chắn. Từ những bút ký, truyện ngắn đến Cửa sông, anh cứ tiến dần từng
    bước rõ ràng về con đường mình đi, với thái độ cần cù, thận trọng của một con người không chủ
    quan, tự mãn.” [38; tr 27].
    Sau 1975, tiếp tục tự khẳng định mình qua loạt tác phẩm ra đời sau đó, Nguyễn Minh Châu
    và các sáng tác của ông, đặc biệt ở thể loại truyện ngắn đã không ngừng thu hút được sự quan tâm
    của nhiều người. Điển hình nhất phải kể đến Hội thảo “Trao đổi về truyện ngắn của Nguyễn Minh
    Châu những năm gần đây” do Tuần báo Văn nghệ tổ chức vào tháng 6 năm 1985.
    Xem xét truyện ngắn Nguyễn Minh Châu từ nhiều phương diện khác nhau, có người đã lên
    tiếng khẳng định và ủng hộ những dấu hiện tích cực trong bước đường cách tân nghệ thuật của nhà
    văn.
    Phan Cự Đệ đã đưa ra nhận xét khái quát về hai giai đoạn sác tác của Nguyễn Minh Châu:
    “Nguyễn Minh Châu là một trong những nhà văn xuất sắc của ta. ( ). Truyện ngắn của ta sau bảy
    năm có một bước phát triển mới, ngày càng hiện đại hơn, đáp ứng nhu cầu bạn đọc ngày càng cao
    hơn. Truyện ngắn những năm gần đây của Nguyễn Minh Châu cũng có những ưu điểm ấy. Nó
    không dừng lại ở trực giác mà đi sâu vào tâm lý tiềm thức. Nguyễn Minh Châu muốn đóng góp vào
    sự thức tỉnh con người từ phần sâu kín bên trong của bạn đọc.” [38;tr 292].
    Cùng với Phan Cự Đệ thì Tô Hoài và Xuân Thiều đồng cảm nhận được nét cộng hưởng
    đáng quý giữa con người thật và câu chuyện hiện diện trên trang viết Nguyễn Minh Châu. Tô Hoài
    khẳng định: “Đọc Nguyễn Minh Châu, người ta thấy cuộc đời và trang sách liền nhau. Chặng
    đường đời hôm nay cũng như từng đoạn sáng tạo trên giấy của tài năng. Những cái tưởng như bình
    thường lặt vặt trong cuộc sống hằng ngày dưới con mắt và ngòi bút Nguyễn Minh Châu đều trở
    thành những gợi ý đáng suy nghĩ và có tầm triết lý” [38;tr 295]. Xuân Thiều khi làm cuộc đối sánh

    trang sách và trang đời của nhà văn, cũng đã không quá lời khi khẳng định: “Nguyễn Minh Châu có
    thiên hướng tìm cái đẹp trong đời sống bình thường, những con người bình thường ngay từ lúc cầm
    bút viết văn. ( ). Nguyễn Minh Châu sống như thế nào thì những trang sách của anh thể hiện như
    thế ấy, bản lĩnh ngòi bút của anh được khẳng định. [38;tr 396].
    Riêng với Lê Lựu, tác giả của một Thời xa vắng thì cái tài văn của Nguyễn Minh Châu xét
    đến cùng được quy lại hai điều đáng kể: “Điều thứ nhất: anh là một trong những nhà văn duy trì sự
    tìm tòi, góp phần làm cho văn học không nhạt, giúp cho văn học có cái để bàn. Điều thứ hai là anh
    nhìn đâu cũng ra truyện ngắn. Đến gần đây sự thể hiện của Nguyễn Minh Châu đã thành công.
    Trước đây, nếu như truyện Giao thừa còn ương thì nay truyện của anh đã chín.” [38; tr 298-299].
    Tiếp tục nhìn nhận giá trị về tư tưởng nghệ thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu,
    Phong Lê cũng đã chỉ ra tính “không dễ hiểu ”, tính “đa thanh phức điệu” của truyện ngắn của
    Nguyễn Minh Châu trong sự cảm nhận của độc giả “Truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu không dễ
    hiểu. ( ). Trong truyện của anh, mọi cái đã vỡ ra tạo nên những khoảng trống, phải nghi ngờ, phải
    nghĩ”. [38; tr 299]. Và tác giả bài viết cũng chỉ ra rằng cái khoảng trống ấy đã được lấp dần bởi tài
    năng sáng tạo của Nguyễn Minh Châu khi mà “Nguyễn Minh Châu dần tạo ra một thế giới nghệ
    thuật của anh: cái quyết định không phải ở đề tài ( ). Trên chặng đường đi tìm, Nguyễn Minh
    Châu đào sâu vào tầng tâm, tham gia vào cuộc đấu tranh giữa các xấu và cái tốt. Trong cái mấp mé
    hằng ngày, giữa cái xấu và cái tốt, truyện ngắn Nguyễn Minh Châu giúp níu chúng ta lại.” [38; tr
    299].
    Nguyễn Kiên cũng góp thêm tiếng nói khẳng định giá trị tích cực mang tính định hướng mở
    đường của truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu, đặc biệt là những tác phẩm ra đời ở giai đoạn sau.
    Tác giả viết: “Truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu phù hợp với nhu cầu phát triển chung. Nó vượt
    ra một cái gì gọi là chuyện riêng của Nguyễn Minh Châu. Sáng tác của anh để chúng ta bàn bạc
    được nhiền vấn đề lớn hơn” [38; tr 300].

    Nhìn chung thì nhiều nhà nghiên cứu đã lên tiếng ủng hộ sự tìm tòi đổi mới của Nguyễn
    Minh Châu, khẳng định một tài năng đã được định hình và càng dần về sau càng vươn tới độ chín
    cần thiết. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn lo ngại về sự tự bứt mình
    sang một cương thổ sáng tạo mới của nhà văn.
    Phong Lê khi khẳng định văn tài của Nguyễn Minh Châu cũng đã chỉ ra những điều khó
    hiểu trong tác phẩm “Truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu không dễ hiểu. Tôi cũng có lúc nghi ngờ
    cả sự hiểu của chính mình. Đọc Khách ở quê ra, tôi khó khăn tự hỏi rồi phải liệt kê ra một loạt ý
    tưởng của truyện nhưng rốt cuộc vẫn không biết đâu là vấn đề của truyện.” [38; tr 299]

    Và Bùi Hiển, ông đánh giá cao bước tiến trong nghệ thuật viết truyện ngắn của Nguyễn
    Minh Châu ở “ý nghĩa rõ, thái độ dứt khoát, nội dung ấy lại được phục vụ bằng những tình tiết khá
    đắt và tập trung, những chi tiết độc đáo, sắc sảo” nhưng đồng thời cũng tỏ ra quan ngại khi cho
    rằng “Về một số truyện ngắn khác nữa, trong đó anh đẩy sự tìm tòi khám phá về nội tâm, về hình
    ảnh cuộc sống và ý nghĩa cuộc đời theo một hướng có vẻ phức tạp hơn nhưng chưa hẳn là sâu sắc
    hơn. Đặc biệt tôi nghĩ đến Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành và Khách ở quê ra [38;tr 291].
    Cùng đề cập đến phần “không dễ hiểu” của truyện ngắn Khách ở quê ra, Vũ Tú Nam cũng
    không ngại nêu lên ý kiến: “Một vài truyện của anh Châu bị rối, có phần khó hiểu.( ). Ở một vài
    truyện anh tìm chưa tới, chưa đạt.” [38; tr 302].
    Với Triều Dương thì điều khiến ông quan tâm khi tiếp xúc truyện ngắn Nguyễn Minh Châu
    chính là một phong cách viết hơn “lạ” của nhà văn mà theo ông thì “Ngay cả trong một truyện ngắn
    sau đó, truyện Hai con nhóc Nguyễn Minh Châu lại bộc lộ lối viết ấy, rối rắm, lan man, để người
    đọc không bắt được chủ đích hoặc muốn hiểu thế nào cũng được” và “Gần đây anh lại cho in
    truyện ngắn Khách ở quê ra vẫn lại lối biểu hiện ấy nhưng do độ dài và dung lượng của truyện, sự
    rối rắm càng tăng lên.” [38; tr 303].
    Từ đây có thể thấy trong cuộc Hội thảo đã cùng lúc xuất hiện hai luồng ý kiến có vẻ trái
    chiều nhau nhưng điều thú vị là cả hai đều đồng khẳng định cái mới (dù là rối rắm hay khó hiểu đi
    nữa) trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu, đặc biệt là trong dăm bảy năm gần đây. Cái mới đó
    trước hết phải kể đến “những vệt tư tưởng mà tư duy nghệ thuật và sáng tác của ông đã để lại khá
    sâu đậm trong văn học Việt Nam đương đại” [38;tr 513] và sau đó là “những nỗ lực cách tân sâu
    sắc và toàn diện về nghệ thuật biểu đạt, từ nhân vật đến cốt truyện, tình huống, từ giọng điệu ngôn
    ngữ đến điểm nhìn trần thuật của nhà văn”[38;tr 513]. Và đây cũng là những yếu tố chính góp
    phần khẳng định “một phong cách trần thuật có chiều sâu” được bắt nguồn từ giai đoạn trước và
    càng dần về sau càng vươn đến độ chín của tác giả.

    2.2 Những nhận xét về Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu ở cả hai giai đoạn sáng tác trước và sau 1975:

    Có thể nói từ trước đến nay vấn đề về Nguyễn Minh Châu và các sáng tác truyện ngắn của
    ông đã được các nhà nghiên cứu xem xét khá kỹ lưỡng ở từng tác phẩm cụ thể, ở từng giai đoạn
    sáng tác gắn liền với quá trình trăn trở tìm tòi, với nhu cầu tự đổi mới mình trong cách nghĩ và cách
    viết của nhà văn. Trong giới hạn nào đó, các bài viết này đã ít nhiều đề cập đến “nghệ thuật trần
    thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu” ở một vài khía cạnh cụ thể nhất của nó.
    Trong một bài viết của mình, Nguyễn Thanh Tú đã cập đến vấn đề “chủ thể trần thuật” khi
    tiến hành khảo sát “Nghệ thuật kể chuyện trong Mảnh trăng cuối rừng”. Ở đây, tác giả đã phân tích
    và lý giải khái niệm kịch hóa nhân vật người kể chuyện để từ đó chỉ ra hiệu quả nghệ thuật mà dạng

    chủ thể trần thuật này trực tiếp mang lại cho câu chuyện kể. Đó là khả năng “tăng cường tính thời
    sự cho câu chuyện được kể, thời điểm kể rất gần so với thời điểm câu chuyện được kể xảy ra, chất
    thời sự vẫn nóng hổi, mọi chi tiết vẫn tươi nguyên sự sống” [38; tr 164].
    Và Nguyễn Thanh Hùng khi tìm hiểu về “Cái hay và cái đẹp của Mảnh trăng cuối rừng”
    cũng đã phát hiện: “Với Mảnh trăng cuối rừng, mỗi thi pháp trong phương thức kể đều thể hiện kết
    quả tìm tòi nghệ thuật sáng tạo của Nguyễn Minh Châu” [38; tr 144]. Theo tác giả, việc Nguyễn
    Minh Châu để câu chuyện được tái hiện qua lời kể của nhiều chủ thể trần thuật khác nhau chính là
    biểu hiện cụ thể của “biện pháp phục khuyết (catalyse) trong nghệ thuật kể chuyện”[38; tr145]. Xét
    cụ thể ở Mảnh trăng cuối rừng, tác giả bài viết đã chỉ ra hiệu quả nghệ thuật của biện pháp phục
    khuyết này “Người này bổ sung cho người kia những lãng quên và chưa rõ ràng để làm đầy dần
    câu chuyện. Mỗi người kể là một người người nghe, theo dõi khắc khoải không kém gì nhân vật
    Lãm. Chỉ có một người biết tất cả đó là chúng ta - những người đọc” [38; tr 145]. Để sau đó tác giả
    bài viết đi đến khẳng định “Chẳng lẽ chỗ này không phải là cái mới trong cách kể của Nguyễn Minh
    Châu đó sao?” [38; tr 145]. Như vậy ngay từ Mảnh trăng cuối rừng thì cách kể chuyện lôi cuốn thể
    hiện rõ sự dụng công sáng tạo của Nguyễn Minh Châu trong việc xây dựng những dạng chủ thể trần
    thuật sinh động đã thực sự chinh phục được sự mến yêu của độc giả.
    Đến sau 1975, hàng loạt tác phẩm truyện ngắn Nguyễn Minh Châu như Bến quê, Người đàn
    bà trên chuyến trên tàu tốc hành, Phiên chợ Giát lại tiếp tục gây xôn xao dư luận bởi những
    bước đi tiên phong nhưng chắc chắn của nhà văn.
    Tập truyện ngắn Bến quê thực sự làm hài lòng nhà nghiên cứu Trần Đình Sử bởi “một phong
    cách trần thuật có chiều sâu”. Và ông đã không ngại khẳng định rằng: “Trong số những nhà văn
    trăn trở tìm tòi đổi mới tư duy nghệ thuật và tiếng nói nghệ thuật, Nguyễn Minh Châu là một ngòi
    bút gây được nhiều hứng thú. Bắt đầu từ truyện ngắn Bức tranh, rồi tập Người đàn bà trên chuyến
    trên tàu tốc hành và nay là tập Bến quê, truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu xuất hiện như một
    hiện tượng văn học mới, một phong cách trần thuật mới” [38; tr 188].
    Tôn Phương Lan khi tiến hành khảo sát hàng loạt sáng tác Nguyễn Minh Châu (bao gồm tiểu
    thuyết và truyện ngắn) cũng đã đồng khẳng định quan niệm trên của Trần Đình Sử khi cho rằng
    “Trước những năm 80, điểm nhìn trần thuật của Nguyễn Minh Châu cơ bản theo xu thế đối ngoại”
    [48; tr145]. Nhưng càng dần về sau khi hiện thực cuộc sống thay đổi thì quan niệm nghệ thuật của
    nhà văn cũng dần thay đổi theo: “Từ quan điểm trần thuật sử thi, Nguyễn Minh Châu đã dần chuyển
    sang quan điểm đời tư thế sự, do vậy mà các hình thức trần thuật của ông cũng có những chuyển
    đổi” [48; tr 146].
    Cũng trong công trình nghiên cứu này, khi tìm hiểu về giọng điệu chủ đạo trong sáng tác
    Nguyễn Minh Châu, Tôn Phương Lan đã khẳng định “Có một giọng điệu trữ tình xuyên suốt nhiều

    sáng tác của Nguyễn Minh Châu mà điểm nhìn trần thuật của lối tư duy sử thi đã góp phần thi vị
    hóa những khó khăn gian khổ” [48; tr 161]. Nhưng đến càng dần về sau, khi những điều triết lý giản
    dị mà sâu sắc dần thay thế cho những yếu tố chính luận gắn liền với những bước đi lớn của thời đại
    thì mặc dù vẫn đi về trong giọng điệu trữ tình quen thuộc nhưng giờ đây truyện ngắn Nguyễn Minh
    Châu trầm lắng hơn, đượm nhiều trắc ẩn hơn trong dòng cảm nhận, suy tư về cuộc đời của tác giả.
    Cùng quan tâm đến vấn đề giọng điệu truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu, Lê Thành Nghị
    cũng cho rằng: “Trong những thiên truyện gần đây của Nguyễn Minh Châu, một phong cách tưởng
    đã định hình đang tự biến đổi. Tác giả thay đổi chất giọng, ngôn ngữ, thay đổi góc nhìn phần lớn để
    truy tìm đến tận cùng những biểu hiện tâm lý phức tạp” [38;tr 301].
    Còn với Phong Lê thì ngòi bút Nguyễn Minh Châu cơ hồ đã tỏ hết vẻ đẹp thiên phú của nó
    khi chuyển tải được cái muôn vàn phức tạp của thanh âm cuộc sống vào tất cả những khoảng trống
    phải nghi ngờ, phải nghĩ trong tác phẩm. Tác giả viết: “Đúng là Nguyễn Minh Châu là người có
    giọng điệu riêng, mà nói đúng hơn anh là người đa giọng điệu. Cái đa giọng điệu, cái đa thanh của
    cuộc đời đã vào anh. Tất cả các cung bật có trong cuộc đời: cái cao thượng, cái ti tiện, cả cái bi lẫn
    cái hài, anh đều đưa vào truyện ( ). Trong truyện của anh mọi cái đang vỡ ra tạo nên những
    khoảng trống phải nghi ngờ, phải nghĩ” [38;tr 299].
    Kế đó, Nguyễn Tri Nguyên trong “Những đổi mới về thi pháp trong sáng tác của Nguyễn
    Minh Châu sau năm 1975” cũng đã dành không ít sự quan tâm vào việc tìm hiểu giọng điệu trong
    truyện ngắn Nguyễn Minh Châu. Tác giả viết: “Giọng kể của tác giả không còn đơn thanh điệu nữa
    mà đã chuyển sang đa thanh điệu và phức điệu. [38tr 245]. Và sự đa thanh phức điệu này cũng
    được tác giả chỉ ra những sắc điệu cụ thể “lúc thì thân tình suồng sã, lúc hài hước kín đáo, lúc thì
    nghiêm nghị đến khe khắt nhưng cũng có lúc đôn hậu ấm áp”. [38;tr 245].
    Bên cạnh chủ thể trần thuật và giọng điệu trần thuật thì vấn đề về lời văn trần thuật và kết
    cấu trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu cũng được nhắc đến khá nhiều trên các bài
    viết, các công trình nghiên cứu ở một vài nét sơ lược của nó.
    Nguyễn Trọng Hoàn trong “Truyện ngắn Bức tranh – sự đối diện và thức tỉnh lương tâm ”
    đã có cái nhìn khái quát về ngôn ngữ trần thuật, cách thức trần thuật, giọng điệu trần thuật trong
    truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu khi cho rằng: “Ở Nguyễn Minh Châu còn phải kể đến sự kết
    hợp nhuần nhị giữa ngôn ngữ đa thanh và thời gian, không gian đồng hiện. Khi lùi vào độc thoại
    nội tâm, lúc chuyển sang đối thoại trực tiếp, lúc cắt ngang bình luận ngoại đề, sự đan xen linh hoạt
    đó khiến cho ngôn ngữ tác phẩm có một giọng điệu phức hợp, tạo nên hiệu quả cá biệt hóa hình
    tượng nhân vật từ bình diện điểm nhìn trần thuật” [38; tr 171].
    Ở một trường hợp khác, lời văn trần thuật tinh tế hấp dẫn trong truyện ngắn Nguyễn Minh
    Châu cũng được Nguyễn Thanh Hùng đề cập đến trong một tác phẩm cụ thể: “Ngoài ánh trăng kỳ

    ảo, Mảnh trăng cuối rừng còn chứa đựng chất thơ trong lời kể tinh tế và chân xác. Nguyễn Minh
    Châu đã kết hợp kể với tả. Tả như mơ, như siêu thoát, không bao giờ tát cạn.” [38;tr 148]. Hay một
    kết cấu trần thuật “rất lạ” của truyện ngắn Nguyễn Minh Châu cũng được Nguyễn Trung Hiếu nhận
    diện “một trong những cái lạ của Nguyễn Minh Châu là Người đàn bà trên chuyến trên tàu tốc
    hành: lạ về nhân vật, lạ kết cấu và lạ cả về logic của truyện”. [38; tr 185].
    Riêng Trần Đình Sử thì thấy được biệt tài của nhà văn trong việc sử dụng ngôn ngữ trần
    thuật làm cơ sở hình thành hệ thống giọng điệu trần thuật sinh động, phong phú và đa dạng. Tác giả
    viết: “Anh là nhà văn có biệt tài sử dụng chi tiết, miêu tả chân dung, môi trường, khắc họa tâm lý
    Anh lại sành vận dụng ngôn ngữ nửa trực tiếp, dựng lại được những giọng điệu khác nhau của nhân
    vật, chẳng hạn như Khách ở quê ra, Hương và Phai ”[38; tr192].
    Bên cạnh đó, khi tìm hiểu về cái hay, cái đặc sắc của truyện ngắn Nguyễn Minh Châu các
    nhà nghiên cứu đã không quên đề cập đến vấn đề kết cấu truyện ngắn của nhà văn khi xem đây là
    một trong những yếu tố chính làm nên nét riêng không trộn lẫn của ông trong bước đường cách tân
    nghệ thuật văn chương ở giai đoạn đầu còn nhiều băn khoăn, bỡ ngỡ.
    Hoàng Thị Văn trong “Đặc trưng truyện ngắn Việt Nam từ 1975 đến đầu thập niên 90”, khi
    đặt truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu bên cạnh truyện ngắn của nhiều cây bút khác đã cho rằng
    “Truyện ngắn Nguyễn Minh Châu hầu như không có kiểu kết thúc mở. Khép lại những câu chuyện
    đời, nhà văn đều bày tỏ thái độ hoặc dẫn dắt bạn đọc hướng đến một cách cảm nhận và biểu thị thái
    độ đối với cuộc đời, với một số phận con người.”[89; tr165].
    Kiểu kết cấu này phần lớn tương ứng với một loại truyện ngắn Nguyễn Minh Châu mà ở đó
    tính luận đề của nó hiện thị trên trang viết tương đối rõ. Và trong một lần tham gia Hội thảo,
    Nguyễn Minh Châu cũng đã không ngại nói rõ chủ kiến của mình “Mỗi truyện ngắn tôi nêu ra một
    trường hợp cụ thể và xen vào mạch kể chuyện, tôi bàn bạc về quan niệm sống hoặc báo động một
    điều gì”[ 38; tr 295].
    Nguyễn Trọng Hoàn trong nhiều bài viết của mình đã chỉ ra những biểu hiện cụ trong nghệ
    thuật xây dựng câu chuyện của nhà văn “Cốt truyện trong Bến quê là cốt truyện tâm lý. Ở đây có sự
    nghịch lý trong sự tự ý thức cao độ của nhân vật”. [38; tr 139]. Còn “Ở Bức tranh tác giả đã sử
    dụng kết cấu trùng điệp có tính liên khúc”. [38;tr 171].
    Văn Chinh khi khảo sát tập truyện ngắn Cỏ Lau đã chỉ ra dấu vết của tiểu thuyết ẩn trong vài
    câu chuyện ngắn ngủi của nhà văn: “Cỏ lau gồm ba truyện ngắn bị phá cách để thích nghi thời điểm
    hiếm hoi của người hiện đại dành cho tiểu thuyết văn chương ( ). Mỗi truyện từ trên dưới 60
    trang, dày đặc chi tiết, cuồn cuộn sức vóc và điệp trùng ý nghĩa.” [38; tr 224]
    Có lẽ cũng bởi sự điệp trùng ý nghĩa này mà truyện ngắn Nguyễn Minh Châu thường tạo ra
    được nhiều cách hiểu từ phía bạn đọc. Từ đó cũng dễ dẫn đến nhiều luồng ý kiến khác nhau thậm

    chí là trái chiều nhau khi đánh giá về nét đặc sắc, độc đáo của truyện ngắn của nhà văn. Nhưng điều
    thú vị là dù có thể tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau về ý nghĩa tác phẩm nhưng đến nay hầu hết
    mọi người đều phải thừa nhận rằng trong sự tìm kiếm, nâng niu và gìn giữ “hạt ngọc” ẩn chứa trong
    mỗi con người thì Nguyễn Minh Châu đã không ngừng nâng mình lên khỏi những lối mòn quen
    thuộc để trở thành một đại diện tiêu biểu “thực hiện được những thay đổi khi cần phải đổi thay và
    thực hiện được những chuyển biến bước đầu xuất sắc.” [38; tr 281]
    Tóm lại có thể thấy rằng:
    Từ trước đến nay, vấn đề về Truyện ngắn Nguyễn Minh Châu và nghệ thuật trần thuật
    trong truyện ngắn của nhà văn vẫn luôn là vấn đề lý thú, không ngừng thu hút được sự quan tâm,
    tìm hiểu của đông đảo học giả, các nhà nghiên cứu, các giới phê bình văn học trong và ngoài nước.
    Có người đã hướng sự quan tâm của mình đến nghệ thuật kể chuyện của Nguyễn Minh Châu ở một
    trường hợp cụ thể (Nguyễn Mạnh Hùng với Mảnh trăng cuối rừng; Nguyễn Trọng Hoàn với Bến
    quê ). Có người tập trung làm rõ chất thơ trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu, chỉ ra cái
    hay và biệt tài của nhà văn trong việc kịch hóa nhân vật người kể chuyện (Nguyễn Mạnh Hùng,
    Nguyễn Thanh Tú ). Hoặc có người lấy việc khảo sát các kiểu cấu trúc và tình huống trong truyện
    ngắn Nguyễn Minh Châu làm đối tượng nghiên cứu (Bùi Việt Thắng). Và trong đó, không thể
    không kể đến Tôn Phương Lan với chuyên luận khoa học của mình - tìm hiểu về “Phong cách nghệ
    thuật của Nguyễn Minh Châu”. Ở đây, tác giả bài viết đã tiến hành khảo sát trên toàn bộ các sáng
    tác của Nguyễn Minh Châu dưới góc nhìn phong cách học để tìm hiểu và chứng minh về sự tồn tại
    một phong cách nghệ thuật Nguyễn Minh Châu ở các phương diện: Tư tưởng nghệ thuật, nhân vật,
    tình huống và điểm nhìn trần thuật, giọng điệu và ngôn ngữ trong các sáng tác của nhà văn.
    Cũng chính ở những bài viết và các chuyên luận khoa học này mà một số phương diện trong
    nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu đã được đề cập và lý giải. Nhưng trong
    giới hạn nhất định, do tính chất về đối tượng, mục đích và phạm vi nghiên cứu khác nhau nên sự
    quan tâm ở những bài viết này mới chỉ dừng lại ở đôi lời nhận xét, nhận định khái quát; hoặc thu
    hẹp khi khảo sát một tác phẩm cụ thể hoặc khái quát khi tiến hành khảo sát trên toàn bộ sáng tác của
    nhà văn dưới góc nhìn phong cách học. Vì thế như một lẽ tất nhiên khi các bài viết này chưa có điều
    kiện tập trung một cách sâu sắc và toàn diện về các đặc điểm và nét riêng trong Nghệ thuật trần
    thuật của truyện ngắn Nguyễn Minh Châu. Và người viết cũng được biết rằng đến nay, chưa có một
    công trình khoa học nào lấy vấn đề tìm hiểu về Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn
    Minh Châu đặt dưới góc nhìn thi pháp học làm đối tượng nghiên cứu của đề tài. Người viết rất
    mong trong giới hạn nhất định, đề tài mà luận văn đã chọn - Nghệ thuật trần thuật trong truyện
    ngắn Nguyễn Minh Châu sẽ là cơ hội để người viết tiến hành khảo sát, thống kê, phân tích và lý

    giải các yếu tố nghệ thuật làm nên nghệ thuật trần thuật của Nguyễn Minh Châu trên tinh thần khoa
    học và toàn diện nhất có thể.
    Nguyễn Minh Châu đã từng nói: “Bất cứ một cây bút nào cũng không thể làm công việc của
    cả một nền văn học. Miễn là mỗi người với tất cả tấm lòng chân thành đối với cuộc sống, hãy in cho
    thật sâu đậm dấu vết bản sắc tư tưởng cùng tiếng nói nghệ thuật riêng của mình – tức cũng đã là
    chút đóng góp” [38; tr 307]. Hy vọng kết quả nghiên cứu này cũng sẽ là một đóng góp nhỏ bé của
    người viết trong việc đưa đến một cách hiểu, một cách nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về giá trị của
    những thành quả lao động nghệ thuật mà Nguyễn Minh Châu đã cống hiến cho đời, đặc biệt khi xét
    ở phương diện nghệ thuật trần thuật của nhà văn khuôn lại ở thể loại truyện ngắn và trải dài ở hai
    giai đoạn sáng tác trước và sau 1975.

    3. Phạm vi nghiên cứu:

    Giới hạn ở đề tài nghiên cứu, luận văn tập trung vào mảng sáng tác của Nguyễn Minh
    Châu ở lĩnh vực truyện ngắn trong cả hai giai đoạn trước và sau 1975. Đây là mảng sáng tác thể
    hiện rõ sự dụng công và tài năng sáng tạo của nhà văn trong nỗ lực vươn tới những cách tân, đổi
    mới về tư duy nghệ thuật tự sự. Trong quá trình nghiên cứu, luận văn tập trung tìm hiểu những
    yếu tố nghệ thuật chính làm nên một phong cách riêng về nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn
    Nguyễn Minh Châu. Từ đó, luận văn hy vọng đưa ra những lý giải mang tính thuyết phục về cái
    hay, cái hấp dẫn trong “nghệ thuật kể chuyện” của Nguyễn Minh Châu trải qua bao thế hệ bạn
    đọc.

    4. Phương pháp nghiên cứu:

    Để thực hiện được mục đích đặt ra trong phạm vi tự giới hạn, trong quá trình nghiên cứu,
    luận văn đã sử dụng phối hợp một số phương pháp chính sau:

    4.1 Phương pháp phân tích tổng hợp:

    Phương pháp này được sử dụng với tần suất cao trong luận văn. Đi từ việc khảo sát phân
    tích từng tác phẩm, người viết chú ý đến những yếu tố nghệ thuật chính làm nên nét riêng trong
    nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu như chủ thể trần thuật, kết cấu trần
    thuật, lời văn và giọng điệu trần thuật. Từ việc phân tích đó, người viết hướng đến tìm nhận
    những kết luận mang tính tổng hợp nhất, khái quát nhất làm nên một ngòi bút Nguyễn Minh Châu
    sẵn “cái duyên kể chuyện”.

    4.2 Phương pháp hệ thống:

    Người viết sử dụng phương pháp hệ thống trong quá trình nghiên cứu để từ đó có được
    một cái nhìn hệ thống về những yếu tố nghệ thuật tương đồng, gần gũi, những yếu tố mang tính
    “ổn định” góp phần hình thành phong cách nghệ thuật Nguyễn Minh Châu, đặc biệt tập trung ở
    mảng truyện ngắn, soi chiếu dưới góc nhìn của thi pháp trần thuật.

    Ngoài ra, để có cái nhìn toàn diện, khách quan khi đánh giá vấn đề, trong quá trình nghiên
    cứu người viết còn sử dụng phối hợp các phương pháp khác như: phương pháp thống kê, phương
    pháp so sánh, đối chiếu với chừng mực nhất định mà mục đích cuối cùng là làm rõ những yếu
    tố nghệ thuật làm nên nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu.
    Song song với việc vận dụng phối hợp các phương pháp trên, người viết còn vận dụng
    những kiến thức học được về các khoa học liên ngành như: lý luận văn học, thi pháp học, phong
    cách học, phương pháp luận nghiên cứu văn học để phục vụ hiệu quả vấn đề người viết chọn
    làm đề tài cho chuyên luận.

    5 Đóng góp của luận văn:

    Người viết hy vọng kết quả mà luận văn gặt hái được là những đóng góp hữu ích về:
    - Khảo sát và lý giải một cách có hệ thống, thuyết phục đối với những yếu tố nghệ thuật
    chính làm nên tính hấp dẫn của “Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh
    Châu”.
    - Khẳng định có sự tiếp nối và cách tân trong nghệ thuật trần thuật của Nguyễn Minh
    Châu, đặc biệt ở lĩnh vực truyện ngắn. Đây luôn được xem là một trong những yếu tố nghệ thuật
    chính khiến nhà văn có thể trụ vững và thật sự đã rất thành công ở cả hai giai đoạn sáng tác.
    - Nguyễn Minh Châu còn là một trong những tác giả có tác phẩm được chọn giảng ở
    trường Phổ thông nên kết quả luận văn nghiên cứu sẽ có những đóng góp nhất định cho việc
    nghiên cứu và giảng dạy của người giáo viên đứng lớp sau này.

    6 Kết cấu luận văn:

    Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, luận văn có cấu tạo gồm 3 chương:
    Chương 1: Chủ thể trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu
    Chương 2: Kết cấu trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu
    Chương 3: Lời văn và giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...