Luận Văn Nghệ thuật thể hiện hình tượng nhân vật nữ trong Cửa hoa hồng

Thảo luận trong 'Chưa Phân Loại' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    A. PHẦN MỞ ĐẦU
    1. Lý do chọn đề tài

    Thiết Ngưng xuất hiện trên văn đàn Trung Quốc hiện đại như một cơn gió lạ bằng một sự ráo riết đến kỳ cùng. Bà mang tới một phong cách riêng, một tiếng nói riêng và một hình hài riêng cho văn học qua những tiểu thuyết viết về những nhân vật nữ dưới cái nhìn thuần túy nữ tính.
    Hình tượng nhân vật nữ với cuộc sống đời thường, với mối quan hệ gia đình và xã hội không còn xa lạ gì với văn học. Tiếp thu tư tưởng nữ quyền của phương Tây, văn học Trung Quốc đặc biệt là văn học nữ đương đại đã đạt được nhiều thành tựu và có những ảnh hưởng nhất định. Bên cạnh hàng loạt các cây bút trẻ đầy tài năng và sáng tạo, văn học nữ Trung Quốc cũng nổi lên với nhiều tên tuổi lớn. Đặc biệt, độc giả không quên lối viết đầy bản lĩnh của một Vương An Ức, Trương Kháng Kháng, Thiết Ngưng Thiết Ngưng được xem là một cây bút có sức sáng tạo dồi dào. Đồng thời bà được xem là gương mặt tiêu biểu của nền văn học Trung Quốc đương đại. Với Thiết Ngưng, “cuộc sống càng ngày càng phức tạp và đa dạng, những màn trình diễn trên sân khấu lớn ấy cũng luôn đổi thay mới mẻ, văn học ngày nay cần có đủ khả năng để thể hiện cuộc sống đa chiều, mà nhà văn phải là người thể hiện cuộc sống ấy. Có ý thức thể hiện cuộc sống, rất có thể có những tác phẩm tỏa sáng, nếu là thứ ánh sáng “đạo”, chẳng khác nào lớp men bẩn trên đồ sứ giả cổ, và còn tạo thành một thái độ, ấy là khinh thường bạn đọc và bản thân văn học” [20,8]. Chính vì thế, trong sáng tác của mình, Thiết Ngưng luôn ý thức được sứ mệnh cao cả của người cầm bút.
    Tiểu thuyết Cửa hoa hồng được xem là tập đại thành trong sáng tác của Thiết Ngưng. Tác phẩm đã ghi đậm dấu ấn sáng tạo của một phong cách đặc biệt. Trang văn của Thiết Ngưng đầy sức lôi cuốn bạn đọc. Đặc biệt, bà có biệt tài đi sâu vào thế giới nội tâm cũng như cuộc sống của nhân vật nữ. Ở tác phẩm này, Thiết Ngưng chú trọng đến thế giới tinh thần, phương thức sinh tồn và đời sống của người phụ nữ. Trong cái thế giới tinh thần nữ tính của Thiết Ngưng, có yêu thương, trìu mến, có chiếm hữu, có dịu dàng và cả ghen tỵ, hiềm khích, có nhân nhượng và có cả phản bội. Thông qua việc mô tả sự cạnh tranh, tàn sát lẫn nhau của mấy thế hệ phụ nữ trong Cửa hoa hồng, Thiết Ngưng muốn phơi bày hiện thực của đất nước Trung Hoa nửa sau thế kỷ XX.
    Trong Cửa hoa hồng, nhân vật nữ là hình tượng trung tâm, là đối tượng mà nhà văn thể hiện quan niệm về nhân sinh, về thế sự. Đồng thời, tác phẩm còn cho người đọc thấy khả năng sáng tạo của một phong cách đặc biệt. Vì vậy, thiết nghĩ, nhân vật nữ xứng đáng được khảo sát trong một công trình nghiên cứu về tiểu thuyết của nữ văn sĩ Thiết Ngưng.
    2. Lịch sử vấn đề
    Hầu hết nhân vật trong Cửa hoa hồng đều là nữ. Vì thế, bạn đọc có lý khi cho rằng Cửa hoa hồng là cánh cửa con gái. Có thể gọi những mâu thuẫn, những cuộc đấu tranh triền miên hoặc âm thầm, hoặc công khai giữa nữ và nữ, giữa nữ và nam trong tác phẩm là cuộc “chiến hoa hồng”.
    Cửa hoa hồng là tác phẩm nổi tiếng của Thiết Ngưng. Sau khi ra đời đã có một số ý kiến nhận xét, đánh giá về tác phẩm. Trong lời tựa đầu cuốn sách, có nhà bình luận nêu ý kiến “Thiết Ngưng đã thao túng cuộc chiến tranh hoa hồng hết sức sinh động; nêu lên một khả năng nghiên cứu mới về tâm lý phụ nữ và xã hội học phụ nữ” [20,5]. Tư Kỳ Văn – nhân vật chính trong Cửa hoa hồng là một nhân vật mới có màu sắc kỳ lạ mà tác giả cống hiến cho bức tranh văn học Trung Quốc trong thời kỳ mới. Có nhà bình luận còn phân tích “tính tiên phong” của tác phẩm trên văn đàn Trung Quốc thời bấy giờ.
    Có ý kiến cho rằng: “Cuộc tranh luận dai dẳng trong tâm hồn của một con người: Mi Mi (hồi nhỏ) và Tô Mi (khi trưởng thành) là một kiểu sáng tạo nội tâm rất sáng tạo, độc đáo của Thiết Ngưng”. Bên cạnh đó, nhân vật chính – Tư Kỳ Văn lúc “gặp cảnh ngộ không bình thường đã tỏa ra một năng lượng bất ngờ và sự dẻo dai bền bỉ, buồn vui lẫn lộn” [20,6].
    Những ý kiến đánh giá, những lời khen ngợi giành cho tác phẩm của Thiết Ngưng như minh chứng chứng minh một cây bút nữ có phong cách đặc biệt. Bên cạnh những ý kiến đánh giá chủ quan cũng như khách quan từ các nhà bình luận, từ độc giả cho Cửa hoa hồng thì tới nay, chưa có một công trình nghiên cứu nào đề cập đến những vấn đề cụ thể mang tính cốt lõi của tác phẩm. Nhân vật nữ của Cửa hoa hồng mới được các nhà nghiên cứu, phê bình quan tâm và mới chỉ dừng lại ở một số ý kiến chủ quan khái quát chứ chưa có một công trình nghiên cứu một cách riêng biệt và trọn vẹn về đề tài này.
    Mặc dù vậy, những lời nhận định, giới thiệu về tác phẩm cũng là phần tư liệu quý báu cho người viết khi thực hiện đề tài này.
    3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
    3.1. Đối tượng nghiên cứu
    Khóa luận sẽ đi sâu vào tìm hiểu hình tượng nhân vật nữ.
    3.2. Phạm vi nghiên cứu
    Khóa luận sẽ khảo sát tiểu thuyết Cửa hoa hồng. Mặt khác, người viết còn tham khảo một số tác phẩm trong trào lưu văn học nữ để tiện cho việc đối chiếu và so sánh.
    4. Phương pháp nghiên cứu
    4.1. Phương pháp lịch sử - xã hội: Vận dụng kiến thức văn học sử Trung Quốc, xem xét hoàn cảnh ra đời và ảnh hưởng của yếu tố lịch sử - xã hội đến mạch ngầm văn bản.
    4.2. Phương pháp cấu trúc hệ thống: Phân tích đề tài gắn với cốt truyện, với hệ thống nhân vật, mối quan hệ qua lại của các nhân vật trong tác phẩm và ngay trong bản thân nhân vật nữ.
    4.3. Phương pháp phân tích, tổng hợp: tiến hành đi sâu, mổ xẻ những khía cạnh cụ thể của từng vấn đề. Qua đó, khái quát, tổng hợp và khẳng định, đưa ra ý kiến về vấn đề được tiếp cận

    4.4. Phương pháp so sánh: So sánh những nét tương đồng và dị biệt trong tính cách và đời sống nhân vật để có cái nhìn khái quát hơn.
    Ngoài ra người viết còn sử dụng các kiến thức về lý luận văn học, thi pháp học, tự sự học để hoàn thành đề tài này.
    5. Đóng góp của đề tài
    Đề tài sẽ góp thêm tiếng nói trong việc tìm hiểu tính cách, số phận và dạng thức sinh tồn của các nhân vật nữ trong tiểu thuyết Cửa hoa hồng. Bên cạnh đó, người viết nhằm giới thiệu thêm phong cách sáng tác của một tác gia đương đại Trung Quốc với hướng đi đầy táo bạo.
    6. Cấu trúc khóa luận
    Chương 1: Nhân vật nữ - một kiểu hình tượng trung tâm trong sáng tác của Thiết Ngưng
    Chương 2: Nhân vật nữ trong Cửa hoa hồng với khát vọng hạnh phúc và trạng huống sinh tồn.
    Chương 3: Nghệ thuật thể hiện hình tượng nhân vật nữ trong Cửa hoa hồng.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...