Luận Văn Nghệ thuật những bài thơ viết về thế giới trẻ thơ trong Góc sân và khoảng trời của Trần Đăng Khoa

Thảo luận trong 'Khảo Cổ Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Mở ĐầU
    1. Lí do chọn đề tài
    1.1. Lí do khách quan
    “Một em nhỏ làm thơ” - chuyện này đã trở thành hiện tượng vào năm 1966 - lúc Trần Đăng Khoa mới lên 8 tuổi - làm những bài thơ đầu tiên tại xã Quốc Tuấn - Nam Sách - Hải Dương. Trần Đăng Khoa đã đóng góp nhưng bài thơ của mình vào cuộc đời, và đóng góp cái thế giới tâm hồn trẻ con vào trong thơ. Những dòng thơ hồn nhiên và ấm áp tình người đó đã nhanh chóng làm xôn xao lòng người đọc, cả người lớn lẫn trẻ con. Thơ Khoa chứa chan một tình yêu, tâm hồn thắm thiết với thế giới xung quanh. Chính vì lẽ đó đã tạo nên điều kì diệu, tạo nên sự hấp dẫn trong thơ Khoa. Trong nước biết thơ Khoa đã đành, thơ Khoa còn truyền ra cả ngoài nước, các em thiếu niên nhỏ tuổi mùa hè 1968 truyền nhau đọc rất thích các bài thơ của Trần Đăng Khoa.
    Ngay bản thân tôi khi còn nhỏ đã được bà dạy đọc bài thơ “ Con bướm vàng” và cảm thấy rất thích mặc dù lúc ấy chưa biết tác giả là ai. Rồi lớn lên một chút, đi học Tiểu học lại được học rất nhiều bài thơ hay của Trần Đăng Khoa như bài: Cây dừa, Trăng ơi từ đâu đến?. Mẹ ốm và bài Nghe thầy đọc thơ. Những bài thơ ấy tôi không chỉ thuộc mà luôn in đậm trong tâm trí tôi, đến bây giờ thơ Trần Đăng Khoa vẫn luôn chiếm được cảm tình, sự yêu mến của tôi đặc biệt là những bài thơ Khoa viết khi còn nhỏ.
    1.2. Lí do chủ quan
    Ngày nay Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân ta rất quan tâm tới bậc Tiểu học, coi đây là nền tảng trong hệ thống giáo dục quốc dân. Bậc học này sẽ trang bị cho các em những tri thức sơ giản nhất về tự nhiên, xã hội, con người, giúp các em có cái nhìn đúng đắn về thế giới khách quan. Những tri thức này sẽ được các em vận dụng vào học ở các lớp trên và giải quyết những vấn đề liên quan trong cuộc sống. Trong đó môn Tiếng Việt giúp các em rất nhiều trong học tập cũng như trong giao tiếp. Cảm thụ văn học ở Tiểu học là một vấn đề được các thầy giáo, cô giáo quan tâm. Việc hình thành và rèn luyện kỹ năng cảm thụ thơ văn cho học sinh bậc Tiểu học cũng có nghĩa là giúp các em cảm nhận cái hay cái đẹp qua từng bài tập đọc trong sách giáo khoa. Mỗi bài văn, bài thơ sẽ được các em tiếp nhận với những hiểu biết cảm xúc khác nhau. Các em sẽ thấy mình được sống lại trong thế giới huyền diệu mà nhà văn đã tạo ra. Các em sẽ có sự đồng cảm sâu sắc với nhân vật, với tác giả và càng có niềm tin, tình yêu vào cuộc sống. Khi đã biết cảm nhận cái hay cái đẹp của văn chương trong học tập thôi thúc các em say mê tự tìm hiểu vẻ đẹp các tác phẩm văn chương lớn có giá trị ở cả bên ngoài sách giáo khoa. Được tiếp cận với cuộc sống qua văn chương các em càng thêm yêu quý Tiếng Việt càng có ý thức bảo vệ và giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt. Thế giới mà tác giả tạo ra trong các tác phẩm văn chương có sự đóng góp lớn của các biện pháp tu từ. Khi phân tích mà bỏ qua các biện pháp tu từ thì việc phân tích bình giá thường nặng về cảm nhận chủ quan thiếu cơ sở khoa học. Khi nắm rõ yếu tố nghệ thuật này thì việc cảm thụ văn học của các em sẽ được định hướng và nâng cao; sự ham thích văn học của các em ngày càng được bộc lộ.
    Để học sinh có những kĩ năng cảm thụ văn học cơ bản thì vai trò hướng dẫn của giáo viên là rất quan trọng. Vậy nên người giáo viên cần có sự hiểu biết nhận thức về các biện pháp tu từ: so sánh, nhân hoá, ẩn dụ, Chỉ khi nào giáo viên thuần thục các biện pháp tu từ thì việc hướng dẫn học sinh cảm thụ văn học mới đạt hiệu quả.
    Tuy nhiên, trong trường Tiểu học lâu nay khi phân tích, bình giá thơ giáo viên và học sinh thường ít chú ý khai thác đến phương diện ngôn ngữ của bài văn, bài thơ. Cụ thể là ít khi chú ý phân tích các biện pháp tu từ về ngữ âm, ngữ nghĩa, cú pháp. Đây là một thiếu sót đáng để chúng ta lưu tâm.
    Tập thơ “Góc sân và khoảng trời” của nhà thơ Trần Đăng Khoa rất quen thuộc với học sinh Tiểu học. Đây là tập thơ hay, gần gũi phù hợp với độ tuổi các em không phải vì ngôn ngữ thơ chau chuốt, hay vì tập thơ được viết ra bởi một người được mệnh danh “thần đồng” thơ. Tập thơ được các em yêu thích bởi ngôn ngữ trong sáng, giản dị, giàu sức biểu cảm; những hình ảnh trong thơ dung dị, thân thương. Một điều độc đáo là tập thơ được viết ra bởi một chú bé có tâm hồn nhạy cảm cùng với trí tưởng tượng cực kỳ phong phú. Những vần thơ, bài thơ của Khoa đều ấm lên tình yêu, niềm tin vào cuộc sống. Qua cái nhìn ngộ nghĩnh đáng yêu của trẻ thơ Trần Đăng Khoa đã tạo nên một thế giới trẻ thơ ở trong thơ. Đọc thơ Khoa không chỉ các em thấy được sự đồng cảm với mình mà bạn đọc lớn tuổi thì được tìm lại tuổi thơ của mình. Chính vì vậy “Góc sân và khoảng trời” được đông đảo bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc nhỏ tuổi rất yêu thích.
    Tác giả Trần Đăng Khoa lại rất có “duyên” với sách giáo khoa Tiếng Việt Tiểu học. Theo giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chủ biên bộ sách này khi tìm chọn văn bản thơ đưa vào sách giáo khoa thì thấy thật thú vị: Trần Đăng Khoa là một trong số rất ít tác giả mà ở lớp học nào của bậc Tiểu học đều có thể chọn thơ đưa vào sách. Có tới 12 bài thơ của nhà thơ nhí Trần Đăng Khoa được chọn làm văn bản đọc trong sách giáo khoa trước và sau năm 2000: ò .ó o; Kể cho bé nghe; Khi mẹ vắng nhà ., Cây dừa, Tiếng võng kêu Bởi lẽ trong thơ Khoa các em tìm thấy cuộc sống hàng ngày của mình, thế giới trẻ thơ của mình.
    Là giáo viên Tiểu học tương lai, tôi mong muốn được tìm hiểu và hoà vào thế giới riêng của các em, tạo ra niềm tin yêu ở các em . là cơ sở để người giáo viên tìm ra phương pháp dạy học tối ưu nhất giúp học sinh chiếm lĩnh và phát hiện tri thức mới một cách hiệu quả nhất, trang bị cho tôi thêm những kiến thức, sự hiểu biết trong hành trang của người giáo viên Tiểu học tương lai. Chính những lý do trên đã thôi thúc tôi chọn đề tài : Nghệ thuật những bài thơ viết về thế giới trẻ thơ trong “Góc sân và khoảng trời ” của Trần Đăng Khoa với hi vọng hiểu rõ hơn về cuộc sống xung quanh trong con mắt học sinh thân yêu của mình.
    2. Lịch sử vấn đề .
    Tại Việt Nam cũng như trên thế giới, thật hiếm có nhà thơ thiếu nhi nào lại sáng tác được nhiều bài thơ mà bài nào cũng hay, cũng chan chứa cảm xúc như Trần Đăng Khoa, quả là “hiếm có khó tìm”. Thơ Trần Đăng Khoa lớn lên “Từ góc sân nhà em” để rồi vươn xa hơn tới những “Khoảng trời”. Thơ Khoa không chỉ được bạn đọc trong nước hâm mộ mà còn được dịch và in ra nhiều thứ tiếng trên thế giới: Nga, Hungari, Pháp, Đức, Nauy, Thuỵ Điển, Khoa thực sự là niềm tự hào của nền văn học thiếu nhi nước nhà. Vậy mà chưa có một công trình khoa học sâu sắc nào nghiên cứu về thơ anh, có chăng chỉ là những lời nhận xét, những bài viết nhận định khen ngợi tài năng thơ Khoa
    Báo phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh số 2 ngày 6/1/1999 tác giả Hà Văn Thuỷ từng đánh giá: “Ba mươi năm trước, thơ Trần Đăng Khoa xuất hiện như một thần đồng giữa những đứa trẻ làm thơ lúc đó, Khoa bộc lộ phẩm chất đặc biệt phẩm chất thần hay trạng. Phẩm chất thần hay trạng mà tác giả nói đến ở đây chính là khả năng thơ ca đặc biệt của một chú bé phản ánh thế giới riêng của mình - thế giới trẻ thơ - bằng nghệ thuật thơ ca. Trần Đăng Khoa muốn thâu tóm toàn bộ vẻ đẹp trong cuộc sống trẻ thơ từ đó giới thiệu, bày tỏ tình cảm hết sức chân thành của mình để tâm hồn trẻ thơ của các em nhận được sự đồng cảm của mọi người
    Hay nhà thơ Xuân Diệu đã từng nhận xét: “Hàng vạn em nhỏ cát tiếng gáy ò ó o ở khắp nơi, Khoa ở trung tâm của cuộc đồng ca vang tương lai ấy .
    Báo Madeleine Riffau đã từng nhận xét: nói Tới Việt Nam anh hùng là nhắc tới Khoa, thiếu nhi nhà thơ Việt Nam, những tiếng hát có sức mạnh hơn quả bom.
    Tập thơ "Góc sân và khoảng trời " của nhà thơ Trần Đăng Khoa đã gây được nhiều sự chú ý bởi đây là một trong các tập thơ hay nhất trong các sáng tác của thiếu nhi thời kì kháng chiến chống Mĩ. Đã có nhiều nhà văn, nhà thơ giới thiệu khá hay tập thơ này trong đó phải kể đến nhà thơ Xuân Diệu. Trong giáo trình “Văn học thiêú nhi Việt Namtác giả Trần Đức Ngôn- Dương Thu Hương cũng đề cập đến khía cạnh nội dung của tập thơ song ở mức độ khái quát, chung chung. Tôi thấy rằng tập thơ không chỉ phản ánh được cảnh vật, con người, thiên nhiên thời kì chống Mĩ mà giá trị đặc sắc, nổi bật của tập thơ là chứa đựng trong đó cả một thế giới trẻ thơ của Khoa và rất nhiều em nhỏ khác cùng thời đó trong cuộc sống hàng ngày và trong các mối quan hệ với thế giới xung quanh. Điều đặc biệt là cái thế giới ấy được vẽ ra bằng cách nhìn, cách nghĩ rất đáng yêu, hồn nhiên với một tài năng thơ ca thiên bẩm. "Cái thế giới nhỏ của em Khoa' cũng được đề cập trong các bài viết, bài báo của nhiều tác giả như : Vũ Nho, Nguyễn Trí –Nguyễn Trọng Hoàn, Trần Mạnh Hưởng hay trong một số cuốn sách, giáo trình khi nói về các biện pháp tu từ cũng đã trích dẫn thơ Trần Đăng Khoa để phân tích Chứ chưa có một công trình nào nghiên cứu sâu sắc cái “thế giới nhỏ ấy về phương diện nghệ thuật. Đọc thơ Khoa tôi thấy những điều tưởng chừng như giản dị, mộc mạc nhưng qua ngòi bút của Khoa người đọc luôn cảm nhận được sự mới mẻ, gần gũi thân thiện lạ thường được thể hiện qua hệ thống ngôn ngữ hồn nhiên, trong sáng có sự hỗ trợ của các biện pháp tu từ và cái nhìn trong veo ngơ ngác của con trẻ. Điều này sẽ được thể hiện ở đề tài "Nghệ thuật những bài thơ viết về thế giới trẻ trong Góc sân và khoảng trờicủa Trần Đăng Khoa”Tôi hy vọng rằng mình sẽ có một số đóng góp nhỏ khi tìm hiểu tập thơ “Góc sân và khoảng trời qua đề tài này.
    3. Mục đích-Phạm vi nghiên cứu.
    3.1. Mục đích nghiên cứu.
    Trẻ em không ngừng dõi con mắt ngạc nhiên nhận thức và khám phá thế giới hiện thực xung quanh. Chú bé Trần Đăng Khoa không chỉ khám phá mà còn truyền những gì mình thu nhận được từ cuộc sống vào trong thơ theo những đặc trưng riêng. Tuy nhiên trong khuôn khổ của một khoá luận tôi chỉ nghiên cứu phương diện nghệ thuật viết về những gì gần gũi và thân thiết nhất gắn với lứa tuổi trẻ nhỏ được phản ánh trong "Góc sân và khoảng trời" của Trần Đăng Khoa.
    3.2. Phạm vi nghiên cứu.
    Tập thơ "Góc sân và khoảng trời" của Trần Đăng Khoa. Nhà xuất bản Giáo dục 2007.
    4. Phương pháp nghiên cứu.
    4.1. Phương pháp đọc sách, tài liệu
    4.2. Phương pháp phân tích, tổng hợp
    4.3. Phương pháp so sánh
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...