Thạc Sĩ Nâng cao vai trò của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng trong điều kiện thực hiện thí điểm không tổ

Thảo luận trong 'THẠC SĨ - TIẾN SĨ' bắt đầu bởi Phí Lan Dương, 30/11/13.

  1. Phí Lan Dương

    Phí Lan Dương New Member
    Thành viên vàng

    Bài viết:
    18,524
    Được thích:
    18
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU
    Trong tổ chức bộ máy Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các cơ quan chính quyền địa phương giữ vị trí, vai trò rất quan trọng. Chính quyền địa phương mạnh thì sẽ góp phần tăng sức mạnh cho chính quyền trung ương. Ngược lại, nếu chính quyền địa phương suy yếu thì cũng sẽ ảnh hưởng đến sức mạnh của chính quyền trung ương và kể cả hệ thống chính trị.
    Sau cách mạng tháng tám thành công, ngày 02 tháng 9 năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, là nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Châu Á. Cùng với việc lập các cơ quan trong bộ máy nhà nước, ngày 22 tháng 11 năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh về tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Đây là văn bản pháp luật đầu tiên quy định về chế định Hội đồng nhân dân - là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Tiếp theo đó, chế định Hội đồng nhân dân được kế thừa và phát triển trong các Hiến pháp 1946, 1959, 1960, 1992 và được quy định cụ thể trong các Luật về tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 1958, 1962, 1983, 1989, 1994 và 2003 cũng như các văn bản pháp luật khác.
    Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật thì Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Hội đồng nhân dân được tổ chức ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Hội đồng nhân dân quyết định hầu hết các vấn đề quan trọng thuộc các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của địa phương; giám sát việc thực hiện các Nghị quyết của mình và giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở địa phương.
    Trong những năm qua, Hội đồng nhân dân đã phát huy vai trò của mình, góp phần thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Trung ương, đồng thời phát huy quyền chủ động sáng tạo của địa phương, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân địa phương và thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt làm được, còn có những hạn chế nhất định trong việc tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp như mô hình, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động, thẩm quyền quyết định, vv Đặc biệt, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, bộ máy nhà nước ta luôn được đặt ra để nghiên cứu cải tiến, sắp xếp, tổ chức lại để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, hướng tới xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Vì vậy, trong những năm gần đây vấn đề nghiên cứu bỏ HĐND huyện, quận, phường lại được đặt ra, thực tiễn thời gian qua cho thấy, do các lý do khác nhau mà có nhiều ý kiến đặt ra yêu cầu nghiên cứu không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp huyện, phường, cụ thể:
    - Khi tiến hành sửa đổi toàn diện Hiến pháp năm 1980 có không ít ý kiến đề nghị nghiên cứu bỏ HĐND cấp huyện hoặc cấp phường;
    - Tiếp theo đó khi sửa đổi Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 1994 và năm 2004 cũng có nhiều ý kiến đề nghị bỏ HĐND cấp huyện, quận, phường.
    Để có cơ sở vững chắc để quyết định có bỏ HĐND huyện, quận, phường hay không? Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa X đã xem xét, quyết định chủ trương thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường. Tiếp theo đó ngày 15 tháng 11 năm 2008 tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XII đã xem xét thông qua Nghị quyết số 26/QH12 về việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường. Thành phố Đà Nẵng là một trong 10 địa phương được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chọn làm thí điểm thực hiện không tổ chức HĐND tại 07 quận, huyện và 45 phường theo Nghị quyết số 724/2009/UBTVQH12 ngày 16 tháng 01 năm 2009.
    Trong điều kiện không còn tổ chức Hội đồng nhân dân cấp huyện, quận, phường hiện nay, thì trách nhiệm của HĐND thành phố càng nặng nề hơn, HĐND thành phố cần phát huy hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động, khắc phục những hạn chế, tồn tại nhằm phục vụ tốt hơn, có trách nhiệm hơn với người dân địa phương. Do vậy, trong kiện toàn tổ chức chính quyền địa phương hiện nay, việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của HĐND thành phố nhằm mục đích đảm bảo cho chính quyền của địa phương thực sự là chính quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là rất cần thiết. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, Hiến pháp năm 1992, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 đều quy định trong tổ chức bộ máy nhà nước ta có HĐND ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Tuy nhiên, qua nhiều năm triển khai thực hiện, thực tế đã nảy sinh nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn cần phải xem xét lại các chế định này, nhất là trước yêu cầu cải cách nền hành chính quốc gia hiện nay, đảm bảo theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Chính vì vậy, Quốc hội khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 26/2008/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2008 về thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Để triển khai thi hành Nghị quyết này của Quốc hội, ngày 16 tháng 01 năm 2009, Uỷ ban thường vụ Quốc hội khoá XII ban hành Nghị quyết số 724/2009/UBTVQH12 công bố danh sách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, trong đó có thành phố Đà Nẵng. Bước vào triển khai thực hiện thí điểm, mặc dù nhận được sự chỉ đạo sâu sát, trực tiếp và hướng dẫn tận tình của các cơ quan trung ương, nhưng cũng như các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác, thành phố Đà Nẵng vẫn gặp không ít khó khăn, trở ngại nhất định trong vận hành tổ chức bộ máy nhà nước cả 3 cấp thành phố, quận, huyện, xã phường, nhất là trong tổ chức và hoạt động của HĐND thành phố Đà Nẵng. Để đảm đương được nhiệm vụ mới rất nặng nề là gánh vác nhiệm vụ mà trước đây cả 3 cấp Hội đồng nhân dân cùng làm nhưng nay chỉ do HĐND thành phố Đà Nẵng thực hiện, đòi hỏi HĐND thành phố phải tự nâng cao vị trí, vai trò và cường độ hoạt động của mình. Đây chính là lý do chúng tôi chọn đề tài nghiên cứu:

    “Nâng cao vai trò của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng trong điều kiện thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường”.


    1. Sự cần thiết tiến hành nghiên cứu

    Về mặt lý luận, Hội đồng nhân dân là một thiết chế dân chủ, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Xuất phát từ thực tiễn xây dựng và tổ chức chính quyền nhiều năm qua ở nước ta, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài cho thấy, dù tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình chính quyền phân cấp hay mô hình chính quyền tự quản thì nơi nào có Ủy ban thì nơi đó phải có Hội đồng hoặc một thiết chế đại diện của nhân dân. Theo đó, Hội đồng nhân dân là cơ quan đại diện của nhân dân, do nhân dân trực tiếp bầu ra, là cơ quan quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương; đồng thời cũng là cơ quan có trách nhiệm tổ chức giám sát các quyết định của chính mình. Ủy ban nhân dân là cơ quan tổ chức thực hiện các quyết định của Hội đồng nhân dân cùng cấp và các chính sách, chủ trương, pháp luật của cấp trên; đồng thời chịu sự giám sát của Hội đồng nhân dân cùng cấp.
    Vấn đề không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường đang được triển khai trên địa bàn 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng là một vấn đề rất lớn, có liên quan trực tiếp đến mô hình tổ chức các thiết chế trong hệ thống chính trị ở một tỉnh. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giải đáp câu hỏi vì sao trong 3 cấp chính quyền địa phương mà chỉ tổ chức Hội đồng nhân dân ở cấp này mà lại không tổ chức Hội đồng nhân dân ở cấp khác? Vì sao ở một cấp hành chính lại không tổ chức Hội đồng nhân dân mà vẫn giữ lại các thiết chế khác trong hệ thống chính trị ở địa phương, thậm chí có thiết chế lại được đề nghị tăng cường về tổ chức và hoạt động. Vấn đề cần được làm rõ là cơ quan chịu trách nhiệm thể chế hóa các Nghị quyết của cấp ủy Đảng cùng cấp để Ủy ban nhân dân tổ chức thực hiện, chắc chắn không thể giao cho Hội đồng nhân dân cấp trên được; vậy cơ quan nào sẽ thay thế Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ này? Trường hợp không có Hội đồng nhân dân thì chính quyền cấp đó có được coi là một cấp chính quyền hoàn chỉnh, một cấp ngân sách hay không? Cấp ủy Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương đó được tổ chức như thế nào? Đặc biệt cấp ủy Đảng nơi đó có còn là cấp chỉ đạo toàn diện mọi vấn đề của địa phương không? Vì khi không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận thì những vấn đề liên quan đến nhân sự, ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội đều do cấp thành phố quyết định. Mặt khác ở những nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân thì Ủy ban nhân dân chỉ là cơ quan hành chính đơn thuần, không còn là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân cùng cấp nữa . Tất cả những vấn đề này đều cần được tập trung nghiên cứu một cách thận trọng, nghiêm túc để trước mắt là đảm bảo công tác thí điểm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thực hiện tốt, về lâu dài sẽ là căn cứ quan trọng để báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội và Ủy ban sửa đổi Hiến pháp xem xét sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về bộ máy chính quyền thành phố nói riêng, chính quyền địa phương trong cả nước nói chung. Đây là chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội và Nhà nước ta. Việc thực hiện thí điểm nhằm mục đích cuối cùng là tìm ra hướng đi đúng về hoàn thiện bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở địa phương theo hướng tinh gọn, giảm cồng kềnh nhưng vẫn đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.
    Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định chủ trương xây dựng chính quyền địa phương theo hướng tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động; nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp, bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định về tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi được phân cấp; tiếp tục thực hiện thí điểm chủ trương không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường
    Điều 119 Hiến pháp năm 1992, Điều 1 Luật Tổ chức HĐND và UBND quy định: Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan Nhà nước cấp trên. Hội đồng nhân dân quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng của địa phương, xây dựng và phát triển địa phương về kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương, làm tròn nghĩa vụ của địa phương đối với cả nước.
    Điều 8 Luật Tổ chức HĐND và UBND xác định rõ: Hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân được bảo đảm bằng hiệu quả của các kỳ họp Hội đồng nhân dân, hiệu quả hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và của các đại biểu Hội đồng nhân dân.
    Từ những quy định trên, thấy rằng việc nghiên cứu nhằm đổi mới, nâng cao vai trò của Hội đồng nhân dân thành phố là rất cần thiết, đặc biệt là trong quá trình thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường hiện nay. Chính vì lý do đó mà mặc dù đề tài này rất khó khăn đối với những cán bộ làm công tác văn phòng như chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm và kiên trì nghiên cứu, kết hợp nghiên cứu lý luận với thực tiễn, với mong muốn góp được chút ít công sức nhỏ bé của mình để đề xuất, tham mưu cho Hội đồng nhân dân thành phố trong quá trình triển khai, thực thi quyết sách chính trị quan trọng về đổi mới chính quyền địa phương nhằm hoàn thành tốt chủ trương thí điểm của Đảng, Quốc hội và Nhà nước.
    Việc nghiên cứu đề tài này hiện nay là rất cần thiết, bởi lẽ với số lượng công việc rất lớn của cả 3 cấp Hội đồng nhân dân nay dồn về một cấp, với số lượng nhân sự quá ít ỏi mà phải gánh vác một khối lượng công việc quá lớn nên sự quá tải là vấn đề đương nhiên. Nhưng vấn đề là làm sao chọn lọc trong số rất nhiều những công việc ấy các công việc thật sự cần làm, cần sự giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố, đó mới là vấn đề quan trọng. Và đó cũng chính là một trong những định hướng lớn mà đề tài hướng đến.

    3
    . Mục tiêu đề tài:
    Mục đích lựa chọn đề tài “Nâng cao vai trò của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng trong điều kiện thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường” là nhằm nghiên cứu, tìm ra phương pháp, cách làm hiệu quả nhất để tham mưu cho Hội đồng nhân dân thành phố, Thường trực HĐND thành phố, các Ban của Hội đồng nhân dân thành phố, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố trong quá trình điều hành, triển khai, phục vụ hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước địa phương trong quá trình thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường trên địa bàn thành phố, vừa đảm bảo thực hiện chức năng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân thành phố; vừa đảm bảo những điều kiện tốt nhất để nền kinh tế thành phố phát triển, đem lại việc làm, thu nhập và cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bình yên cho nhân dân thành phố. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân thành phố, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cử tri thành phố và xã hội.
    Mục tiêu hướng đến của đề tài “Nâng cao vai trò của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng trong điều kiện thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường” là tập trung nghiên cứu, làm rõ những kết quả đạt được; những khó khăn, vướng mắc; kiến nghị các giải pháp khắc phục nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường; đồng thời khẳng định vị trí, vai trò của Hội đồng nhân dân thành phố Đà trong hệ thống chính quyền thành phố; tập trung chủ yếu vào các vấn đề lớn như sau:
    1. Sự cần thiết và mục tiêu mà đề tài hướng đến;
    2. Cơ sở lý luận của đề tài;
    3. Đánh giá tổng quan về tình hình kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng trong bối cảnh triển khai thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường;
    4. Đánh giá chung về hoạt động của Hội đồng nhân dân trong điều kiện thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường;
    5. Nâng cao vai trò của Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng trong điều kiện thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường;
    6. Nâng cao vai trò của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng trong điều kiện thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường;
    7. Nâng cao vai trò của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng trong điều kiện thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường;
    8. Nâng cao vai trò của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng trong điều kiện thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường;
    9. Nâng cao vai trò của Tổ đại biểu, đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng trong điều kiện thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường;
    10. Nâng cao vai trò của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND thành phố Đà Nẵng trong tham mưu, phục vụ Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng trong điều kiện thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường;
     
Đang tải...