Luận Văn Nâng cao sức cạnh tranh của Pacific airlines trong vận tải hàng không

Thảo luận trong 'Chưa Phân Loại' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Nâng cao sức cạnh tranh củaPacific airlines trong vận tải hàng không

    MỞ ĐẦU
    1. Tính cấp thiết của đề tài
    Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm từ 2006 - 2010 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã chỉ rõ: Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế theo lộ trình, phù hợp với chiến lược phát triển của đất nước từ nay đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Chuẩn bị tốt các điều kiện để ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện và có hiệu quả với các nước ASEAN, các nước châu Á - Thái Bình Dương Củng cố và phát triển quan hệ hợp tác song phương tin cậy với các đối tác chiến lược, khai thác có hiệu quả các cơ hội và giảm tối đa những thách thức, rủi ro khi nước ta là thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO) [7].
    Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thời gian qua có những bước tiến khá nhanh chóng và mạnh mẽ.
    Mặc dù vận tải hàng không vẫn nằm ngoài khuôn khổ các lĩnh vực dịch vụ thuộc phạm vi điều chỉnh của WTO, song điều này không có nghĩa là hàng không đứng ngoài tiến trình hội nhập. Trên thực tế, ngành hàng không còn được xem là lĩnh vực có mức độ hội nhập quốc tế khá cao so với các lĩnh vực giao thông vận tải khác.
    Với tầm quan trọng đặc biệt của hàng không trên nhiều khía cạnh kinh tế, an ninh, chính trị, quốc phòng, ngoại giao quá trình hội nhập của ngành hàng không luôn được Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải quan tâm chỉ đạo. Thời gian qua, Cục hàng không dân dụng Việt Nam và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng không cũng đã và đang có nhiều hoạt động hội nhập tích cực.
    Đối với các hãng hàng không, để tận dụng cơ hội có được từ các thị trường vận tải hàng không mới, các hãng hàng không của Việt Nam cần nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo các dịch vụ văn minh, hiện đại nhưng đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là yếu tố không thể thiếu được đối với bất kỳ sản phẩm dịch vụ nào trong thời kỳ hội nhập để tạo ra sự thu hút đối với hành khách.
    Nhìn một cách sâu xa hơn, vấn đề cốt lõi của các hãng hàng không Việt Nam trong quá trình hội nhập chính là phải nâng cao sức cạnh tranh. Để làm được điều này, việc chủ động tìm kiếm các nguồn lực, không ngừng đầu tư, đổi mới công nghệ và trình độ quản lý là những nhiệm vụ rất quan trọng. Trong quá trình nâng cao sức cạnh tranh của hãng hàng không, việc phát triển đội ngũ người lái, tiếp viên, thợ kỹ thuật và cán bộ quản lý có ý nghĩa chiến lược. Ngoài ra, đội tàu bay của hãng phải hiện đại hóa và nâng dần tỷ lệ sở hữu.
    Căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế của Nhà nước và ngành, đề tài: “Nâng cao sức cạnh tranh của Pacific airlines trong vận tải hàng không” đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 được nghiên cứu xuất phát từ mong muốn vận dụng kinh tế chính trị Mác - Lênin vào thực tiễn hoạt động của Công ty. Xây dựng các định hướng về chiến lược nhằm mục tiêu giúp cho Công ty có một tầm nhìn xa hơn, nhạy bén hơn, năng động hơn, để có thể hoạt động một cách có hiệu quả trong thời buổi cạnh tranh gay gắt như hiện nay.
    Trên con đường tìm kiến hướng phát triển của Công ty cổ phần Pacific airlines trong tương lai, trong điều kiện mà Nhà nước Việt Nam đang thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, sự cạnh tranh thương mại về hàng không ngày càng gay gắt và quyết liệt, thì thời cơ và thách thức được chia đều cho con đường về phía trước của công ty.
    2. Tình hình nghiên cứu của đề tài
    Việc kiến tạo những giải pháp nhằm nâng cao sức cạnh tranh của vận tải hàng không, chủ động hội nhập kinh tế là những đòi hỏi cấp bách đối với ngành hàng không dân dụng Việt Nam. Nhiều nhà nghiên cứu kinh tế hàng không đã có những đóng góp tích cực cho ngành như:
    - “Chiến lược kinh doanh vận tải hàng không của Tổng Công ty hàng không tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Đài Loan” của Trần Thanh Sơn.
    - “Chiến lược cạnh tranh trên thị trường quốc nội của Pacific airlines” của Nguyễn Tú Hùng.
    - “Nâng cao năng lực cạnh tranh của Công ty Cổ phần hàng không Pacific airlines” của Nghiêm Xuân Quân.
    - “Xây dựng hàng không chi phí thấp tại Việt Nam đến năm 2020” của Dương Cao Thái Nguyên.
    - “Chiến lược phát triển Công ty hàng không cổ phần Pacific airlines đến năm 2010” của Trần Quang Minh .
    Các công trình trên có mục đích nghiên cứu, xây dựng và phương pháp tiếp cận khác nhau nên còn chưa phù hợp với tình hình vận tải hàng không của Pacific airlines. Trước sự phát triển của nền kinh tế và yêu cầu của thực tiễn, đề tài sẽ kế thừa kết quả của các công trình đã có, đồng thời nghiên cứu một cách có hệ thống, toàn diện về những năng lực sẽ giúp Pacific airlines nâng cao khả năng cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế.
    3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
    3.1. Mục đích nghiên cứu
    Trên cơ sở nghiên cứu những lý luận chung về vận tải hàng không, thực tiễn nhu cầu vận tải hàng không dân dụng trong điều kiện đặc thù của Việt Nam, luận văn sẽ đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của Pacific airlines trong lĩnh vực thương mại.
    3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
    Để đạt được mục đích đó, luận văn phải thực hiện các nhiệm vụ sau:
    - Nghiên cứu thực tiễn những vấn đề về sức cạnh tranh của các hãng hàng không dân dụng, thông qua đó định hình những khả năng cạnh tranh của hãng.
    - Nghiên cứu để làm rõ sự cần thiết phải nâng cao sức cạnh tranh của Pacific airlines trong hội nhập kinh tế quốc tế.
    - Đề ra một số lộ trình, phương án cụ thể và một số giải pháp nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hãng.
    4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
    4.1. Đối tượng nghiên cứu
    Hoạt động hàng không dân dụng bao gồm nhiều lĩnh vực như hoạt động không lưu, hệ thống cảng hàng không sân bay, hoạt động vận tải Luận văn tập trung vào lĩnh vực vận tải hàng không nội địa của Pacific airlines, bao gồm vận tải hành khách và hàng hóa.
    4.2. Phạm vi nghiên cứu
    - Nghiên cứu thực tiễn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp so với các đối thủ cạnh tranh trong nước.
    - Nghiên cứu nhu cầu thị trường vận tải hàng không trong nền kinh tế xã hội nước ta đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, những tiềm lực có thể giúp vững bước trên con đường hội nhập, thực sự đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
    5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
    Đề tài lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, các lý thuyết về quản trị và các quan điểm cơ bản của Đảng Cộng sản Việt Nam là cơ sở, phương pháp luận cho việc nghiên cứu. Sử dụng việc khảo sát tình hình thực hoạt động vận tải hàng không làm cơ sở thực tiễn. Đề tài được nghiên cứu trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử kết hợp với các phương pháp nghiên cứu cụ thể như sau:
    - Phương pháp tổng hợp số liệu và các báo cáo tổng kết thực tiễn về hoạt động vận tải hàng không trong thời gian qua tại Việt Nam.
    - Phương pháp thống kê phân tích, hệ thống, chọn mẫu so sánh và một số phương pháp nghiên cứu khác.
    6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
    - Ý nghĩa khoa học: Các phương án và giải pháp được nêu ra trong đề tài là kết quả của sự vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, các quan điểm của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực vận tải hàng không trong nước trước xu thế hội nhập.
    - Ý nghĩa thực tiễn: Luận văn đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao sức cạnh tranh ở thị trường nội địa khi đất nước mở cửa, tạo tiền đề phát triển bền vững cho doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
    Những phân tích và đề xuất của đề tài đều dựa trên cơ sở khoa học và phù hợp với khả năng của Pacific airlines, đề tài có thể là tài liệu nghiên cứu, tham khảo trong quá trình phát triển kinh tế hàng hóa trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
    7. Kết cấu luận văn
    Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn được kết cấu gồm 3 chương, 7 tiết.
     
Đang tải...