Luận Văn Nâng cao hiệu quả thực hiện Quy chế văn hóa công sở của UBND huyện - Từ thực tế UBND huyện Đông Anh

Thảo luận trong 'Hành Chính' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    #1 Thúy Viết Bài, 5/12/13
    Last edited by a moderator: 17/3/14
    PHẦN MỞ ĐẦU
    1. Tính cấp thiết của đề tài
    Văn hóa như một tổng thể những giá trị tinh thần, văn hóa đặc trưng cho một xã hội hay một nhóm xã hội, nó hàm chứa trong bản thân không chỉ văn học, nghệ thuật mà còn bao gồm cả phương thức sống, các quyền cơ bản của con người, hệ thống các giá trị truyền thống và tín ngưỡng.
    Trong giai đoạn hiện nay, văn hóa còn đang trở thành động lực chủ đạo của các cơ quan, tổ chức, bởi khi nói đến bất kỳ một cơ quan, tổ chức nào cũng đều nói đến nét văn hóa riêng và nó cho phép người ta có thể phân biệt được giữa các cơ quan, tổ chức thông qua những phương thức điều hành khác nhau. Văn hóa tổ chức nó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức cũng như phương thức tồn tại và phát triển của cơ quan, tổ chức.
    Văn hóa được tạo ra như là một cơ chế khẳng định mục tiêu của cơ quan, tổ chức, nó hướng dẫn và uốn nắn những hành vi ứng xử của con người trong cơ quan, tổ chức đó và sự tác động của văn hóa tới hoạt động của cơ quan, tổ chức có cả yếu tố tích cực và yếu tố tiêu cực. Do đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải có phương thức lãnh đạo, chỉ đạo hữu hiệu sao cho phát huy được tối đa những mặt tích cực và hạn chế tối thiểu những mặt tiêu cực của nó.
    Qua hơn hai mươi năm đổi mới , với nhiều thành tựu đã đạt được, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, đất nước ta ngày càng khẳng định được vị trí trên trường quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém và nhất là sự suy thoái về đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức, tình trạng xuống cấp của hệ thống các giá trị văn hóa công sở trong các cơ quan hành chính hiện nay, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ chưa cao, còn có hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, còn có thái độ quan liêu, hách dịch trong quan hệ ứng xử, giao tiếp với công dân và chưa thực sự xem mình là " công bộc " của dân .điều đó, đã gây nên bức xúc trong đời sống xã hội, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan, tổ chức trong quản lý nói chung, quản lý nhà nước nói riêng.
    Xuất phát từ tình hình trên và cũng khẳng định tầm quan trọng của văn hóa công sở, ngày 02/8/2007 Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ban hành kèm theo Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước, trong đó chứa đựng các quy định về bài trí công sở, trang phục, giao tiếp và ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ. Thực chất, việc quy định văn hóa công sở là để các cơ quan, đơn vị trên cơ sở đó công khai, minh bạch về thủ tục trong giải quyết công việc cho các tổ chức, công dân cũng như quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ; xây dựng lề lối và mối quan hệ trong công việc thật sự khoa học, hiệu quả thiết thực nhằm đảm bảo kỷ cương, kỷ luật trong các cơ quan nhà nước, đồng thời nhằm phát huy tính chủ động, tích cực, sự tương trợ, đồng thuận và đề cao trách nhiệm của mọi cán bộ, công chức.
    Ủy ban nhân dân huyện do Hội đồng nhân dân huyện bầu ra, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân huyện và cơ quan nhà nước cấp trên . Ủy ban nhân dân huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên toàn bộ địa giới của huyện, góp phần bảo đảm sự chỉ đạo, quản lý thống nhất trong bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương tới cơ sở.
    Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, trong thời gian qua các UBND huyện đều đã xây dựng và ban hành Quy chế văn hóa công sở nhằm triển khai phù hợp với cơ quan mình. Song việc thực hiện quy chế văn hóa công sở còn nhiều bất cập và có nơi chưa được triển khai thực hiện một cách thống nhất. Chính vì thế, cần phải có sự đánh giá, nhìn nhận một cách khách quan để có cơ sở khoa học trong việc xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả quy chế văn hóa công sở đối với UBND huyện nói chung.
    Do vậy, tôi chọn đề tài “ Nâng cao hiệu quả thực hiện Quy chế văn hóa công sở của UBND huyện - Từ thực tế UBND huyện Đông Anh - Hà Nội ” làm đề tài nghiên cứu và viết luận văn của mình.
    2. Mục tiêu, nhiệm vụ đề tài
    Trên cơ sở nghiên cứu lý luận về văn hóa công sở nói chung và thực trạng thực hiện quy chế văn hóa công sở của UBND huyện Đông Anh hiện nay, những thành công và hạn chế của việc thực hiện quy chế văn hóa công sở này; yêu cầu của công cuộc đổi mới đặt ra đối với việc thực hiện quy chế văn hóa công sở này, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế văn hóa công sở.
    Nhiệm vụ nghiên cứu : Để thực hiện mục tiêu nghiên cứu đặt ra, luận văn tập trung giải quyết những nhiệm vụ chủ yếu sau :
    - Nêu bật những vấn đề lý luận chung về văn hóa, văn hóa công sở và thống nhất những khái niệm có liên quan đến vấn đề đặt ra.
    - Nghiên cứu sự ảnh hưởng của văn hóa công sở với hiệu quả hoạt động của UBND cấp huyện.
    - Khảo sát thực tế triển khai thực hiện quy chế văn hóa công sở tại UBND huyện Đông Anh, đánh giá thực trạng, tìm nguyên nhân hạn chế của công tác này.
    - Đề xuất phương hướng và giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế văn hóa công sở của UBND cấp huyện nói chung.
    3. Tình hình nghiên cứu
    Văn hóa với tầm quan trọng vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển, nó luôn gắn liền với sự tồn tại, phát triển của cơ quan, đơn vị hay bất kỳ một tổ chức nào. Do vậy từ trước đến nay có rất nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đến đề tài này, ngoài ra cũng có nhiều giáo trình, tài liệu, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ của các trường đại học, các nhà khoa học, các cơ quan viết về lĩnh vực này. Tuy nhiên chưa có giáo trình hay tài liệu, luận văn, luận án nghiên cứu chi tiết về nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế văn hóa công sở của UBND cấp huyện.
    4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
    Luận văn chỉ tập trung nghiên cứu văn hóa công sở, việc xây dựng và ban hành thực hiện quy chế văn hóa công sở của UBND huyện và qua thực tế từ UBND huyện Đông Anh, giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế văn hóa công sở.
    5. Phương pháp nghiên cứu
    Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu đặt ra, luận văn dựa trên phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lê nin, sử dụng tổng hợp một số phương pháp như thống kê, phân tích và tổng hợp, điều tra bằng phiếu, phỏng vấn sâu, tổng kết thực tiễn Ngoài ra luận văn cũng kế thừa kết quả nghiên cứu liên quan, đồng thời dựa vào các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước quy định về lĩnh vực này.
    6. Đóng góp của luận văn
    Từ kết quả nghiên cứu, luận văn đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế văn hóa công sở của UBND huyện nói riêng, tại các cơ quan hành chính nhà nước nói chung.
    Kết quả nghiên cứu có thể là căn cứ để xem xét, đánh giá và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và nâng cấp môi trường làm việc tại các cơ quan hành chính nhà nước. Đồng thời, qua đó đóng góp vào công cuộc cải cách nền hành chính nhà nước.
    7. Kết cấu của luận văn
    Ngoài phần mở đầu, nội dung, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung chính của luận văn được chia làm 3 chương :
    Chương I. Cơ sở lý luận về văn hóa và văn hóa công sở
    Chương II. Thực trạng triển khai thực hiện quy chế văn hóa công sở của UBND huyện Đông Anh - Hà Nội
    Chương III. Phương hướng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế văn hóa công sở.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...