Nâng cao hiệu quả sử dụng bản đồ sách giáo khoa trong dạy học Địa lý ở trường trung học cơ sở

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    THÔNG TIN CHUNG

    Chủ nhiệm đề tài: ThS. Vương Thị Phương Hạnh
    Đơn vị công tác: Trung tâm Nghiên cứu Cơ sở vật chất, Thiết bị dạy học, Đồ chơi trẻ em - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
    Thư điện tử: [email protected]; Điện thoại: 01213343333
    Thư ký đề tài: Nguyễn Thị Ngọc Thúy; Thành viên: Phạm Thu Phương.

    Mục tiêu nghiên cứu

    Đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng bản đồ giáo khoa (BĐGK) trong dạy học Địa lí ở trường THCS.

    Nội dung nghiên cứu

    - Một số vấn đề lí luận:

    + Các khái niệm có liên quan đến đề tài: bản đồ, bản đồ Địa lí, BĐGK, hiệu quả, hiệu quả sử dụng thiết bị dạy học (TBDH);
    + Một số vấn đề về BĐGK: vai trò, phân loại, đặc điểm;
    + Mục tiêu, nội dung chương trình, PPDH Địa lí ở trường THCS;
    + Đặc điểm học sinh THCS;

    - Cơ sở thực tiễn của đề tài:

    + Tình hình sử dụng BĐGK trong dạy học Địa lí ở trường THCS;
    + Nhận xét.

    - Đề xuất biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng BĐGK trong dạy học Địa lí ở trường THCS.

    - Tiến hành thử nghiệm với các biện pháp đề xuất của đề tài.

    Phương pháp nghiên cứu

    Phương pháp hồi cứu tài liệu; Phương pháp điều tra khảo sát; Phương pháp chuyên gia; Phương pháp thử nghiệm sư phạm; Phương pháp quan sát kết hợp với các hoạt động thực tiễn (dự giờ, thăm lớp, trao đổi trực tiếp).

    KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

    1/ Về lí luận

    Đề tài đưa ra các khái niệm cơ bản về BĐGK: BĐKH là biểu hiện thu nhỏ bề mặt Trái đất lên mặt phẳng dựa trên cơ sở toán học. Bằng ngôn ngữ bản đồ, phương tiện (đồ họa) phản ánh những dấu hiệu cơ bản nhất, đặc trưng và điển hình nhất của môi trường địa lí; phản ánh sự phân bố, trạng thái, mối liên hệ tương hỗ của khách thể - tương ứng với mục đích, nội dung và phương pháp của môn học dựa trên những nguyên tắc chặt chẽ của tổng quát hóa bản đồ, phù hợp với trình độ phát triển trí óc của lứa tuổi học sinh, có xét đến cả yêu cầu giáo dục thẩm mỹ và vệ sinh học đường”.

    BĐGK có thể phân loại theo nhiều dấu hiệu khác nhau:

    - Theo nội dung: bản đồ địa lí chung và bản đồ chuyên đề.
    - Theo tỉ lệ: bản đồ tỉ lệ lớn, bản đồ tỉ lệ trung bình, bản đồ tỉ lệ nhỏ.
    - Theo lãnh thổ biểu hiện: bản đồ thế giới, bán cầu, châu lục, nhóm nước, quốc gia, đơn vị hành chính.

    Theo hình thức sử dụng trong quá trình học tập: quả địa cầu, bản đồ trống, bản đồ treo tường, các bản đồ trong SGK, các Atlát giáo khoa địa lí.
    BĐGK mang đầy đủ những đặc điểm chung của bản đồ (cơ sở toán học, ngôn ngữ bản đồ, khái quát hóa bản đồ ), bên cạnh đó, có một số đặc điểm quan trọng như tính khoa học, tính trực quan và đặc biệt tính sư phạm.

    Vai trò của BĐGK trong dạy học Địa lí được biểu hiện như sau: cung cấp kiến thức và rèn luyện kĩ năng địa lí; góp phần thực hiện đổi mới PPDH; góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục.
    Tiêu chí đánh giá hiệu quả sử dụng BĐGK:

    - Tần suất sử dụng BĐGK của GV
    - Khả năng sử dụng BĐGK của HS
    - Khả năng sử dụng BĐGK của GV

    Đề tài cũng đưa ra một số vấn đề về đổi mới PPDH môn Địa lí THCS. Về mục tiêu, cần đảm bảo các yếu tố về kiến thức, kĩ năng, thái độ, tình cảm. Nhóm nghiên cứu đã xác định được một số yêu cầu về kiến thức, kĩ năng của các lớp 6, 7, 8, 9 có liên quan đến kiến thức bản đồ và sử dụng bản đồ ở trường THCS cụ thể.

    Cùng với việc đổi mới PPDH nói chung, PPDH Địa lí nói riêng cần phát huy mạnh mẽ các hoạt động tích cực, tự giác, sáng tạo của HS bằng việc tăng cường các hoạt động học tập, cá hoạt động tương tác, hợp tác trong học tập.

    HS THCS từ 11 - 15 tuổi là lứa tuổi thiếu niên. Ngoài những đặc điểm tâm sinh lý chung mang đặc tính đặc trưng của lứa tuổi thì đây là lứa tuổi ở giai đoạn dậy thì của con người với những biến động nhanh, mạnh và đột ngột, có sự đảo lộn cơ bản về các mặt của đời sống tâm lý (nhận thức – tình cảm – hành vi).

    2/ Về thực tiễn

    Đề tài đã tiến hành khảo sát trên 02 địa bàn Bắc Ninh và Vĩnh Phúc ở 3 nội dung khảo sát là: tần suất sử dụng BĐGK của GV; khả năng sử dụng BĐGK của HS và khả năng sử dụng BĐGK của GV.

    Để đánh giá tần suất sử dụng BĐGK trong dạy học Địa lí, nhóm nghiên cứu đã dựa trên cơ sở trao đổi với Ban giám hiệu các trường, qua việc tự đánh giá của GV, qua HS, qua quan sát sổ ghi mượn, trả thiết bị, qua quan sát phòng chứa thiết bị. Kết quả khảo sát cho thấy, BĐGK ở trường THCS về cơ bản đã được sử dụng vào quá trình dạy học Địa lí, tuy nhiên, tần suất sử dụng của GV chưa được thường xuyên.

    Đi sâu vào khảo sát đối tượng HS, có thể thấy đa số HS chưa biết cách sử dụng, khai thác nội dung kiến thức từ BĐGK trong học tập Địa lí. Nhiều HS còn chưa nắm được các bước đọc bản đồ cũng như khai thác được thông tin từ bản đồ do ít có cơ hội được sử dụng, rèn luyện kĩ năng bản đồ, HS thụ động quan sát và ghi chép vẫn khá phổ biến.
    Các GV đều có ý thức sử dụng BĐGK trong dạy học và khẳng định sử dụng BĐGK trong dạy học Địa lí là quan trọng, cần thiết và thường xuyên sử dụng BĐGK trong các giờ lên lớp. Nhóm nghiên cứu đã tập trung đánh giá khả năng sử dụng BĐGK của GV ở 9 chỉ số sau: 1/ Vị trí treo bản đồ; 2/ Thời điểm treo, hạ bản đồ; 3/ Lời giảng và việc chỉ bản đồ; 4/ Phân bố thời gian sử dụng bản đồ; 5/ Phối hợp sử dụng bản đồ với các TBDH khác; 6/ Đọc bản đồ; 7/ Khai thác kiến thức bài học trên bản đồ; 8/ Hình thức tổ chức lớp học với bản đồ; 9/ Không khí lớp học.

    Qua thực tế khảo sát cho thấy, kĩ năng sử dụng BĐGK của GV nhìn chung còn hạn chế, chỉ đạt ở mức trung bình và mức khá. Đa số GV còn khá lúng túng khi sử dụng, thời điểm sử dụng chưa hợp lý, mất thời gian. Riêng khả năng sử dụng phối hợp với các TBDH khác còn ít về số lượng và hạn chế về chất lượng, đặc biệt là việc ứng dụng CNTT trong dạy học. Việc khai thác thông tin nội dung bài học trên BĐGK nhìn chung đảm bảo không có GV nào dạy sai nội dung. Tuy nhiên, do kĩ năng sử dụng bản đồ còn hạn chế nên nhiều GV chỉ lưu ý đến một số thông tin cơ bản, có nội dung chính bị bỏ qua không khai thác trên bản đồ hoặc thông tin trên bản đồ chỉ đề phục vụ bài học, còn nội dung mở rộng chưa nhiều.

    Hình thức dạy học chủ yếu vẫn theo cách truyền thống, GV đóng vai trò trung tâm nên vẫn còn tình trạng HS thụ động, GV độc thoại. Một số GV đã áp dụng PPDH mới, coi trọng sử dụng TBDH, hướng dẫn HS quan sát, tổ chức hoạt động học nhóm song hiệu quả chưa cao.

    Mức độ của việc sử dụng BĐGK tác động đến HS phụ thuộc vào PPDH của GV. Vẫn còn những giờ học theo lối truyền thụ kiến thức cũ, GV thuyết trình, sử dụng thiết bị, đặt câu hỏi cho HS trả lời theo nội dung SGK nên HS thiếu nhiệt tình học tập, không khí lớp học trầm. Những giờ học mà GV có tổ chức cho HS làm việc nhiều với BĐGK thì HS chăm chú nghe giảng, tích cực trả lời câu hỏi của GV. Những giờ học mà HS được sử dụng thiết bị, làm việc nhiều và trực tiếp với thiết bị thì HS học sôi nổi hơn, nhận thức của các em về nội dung bài học cũng nhanh hơn, dễ hiểu hơn.

    3/ Một số khuyến nghị

    Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo

    - Thành lập trường hoặc khoa trong các trường sư phạm đào tạo phụ tá thí nghiệm, nhân viên thiết bị để tăng cường, bổ sung cho các trường trong cả nước.

    - Xây dựng giáo trình về sáng tạo, sử dụng TBDH và đưa vào giảng dạy ở tất cả các khoa của trường sư phạm.

    - Biên soạn các tài liệu bồi dưỡng GV về phương pháp và kĩ thuật sử dụng TBDH, đặc biệt là các TBDH hiện đại và đẩy mạnh ứng dụng CNTT.

    Đối với địa phương, trường THCS

    - Đánh giá thực trạng trang bị TBDH của toàn trường (hoặc địa phương) một cách chính xác và nghiêm túc để có kế hoạch đưa vào sử dụng, mua mới, thanh lí hoặc tự làm TBDH.

    - Đánh giá lại trình độ chuyên môn, năng lực sử dụng TBDH của từng GV bộ môn một cách chính xác. Từ đó có kế hoạch bồi dưỡng GV về chuyên môn cũng như có kế hoạch trong việc nâng cao khả năng vi tính, ngoại ngữ cho tất cả GV. Nhà trường cần tận dụng các GV ngoại ngữ và tin học giúp đỡ các GV khác để đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT vào dạy học.

    - Tăng cường các hoạt động chuyên môn như tổ chức bồi dưỡng, tập huấn GV về sử dụng TBDH, tổ chức thao giảng sử dụng TBDH. Các GV được sinh hoạt trong tổ chuyên môn để trau dồi thêm kiến thức; dự giờ, đánh giá lẫn nhau, thi đua về chuyên môn nghiệp vụ. Trong các đợt thanh tra kiểm tra về chuyên môn cũng cần lưu ý đến nội dung kiểm tra việc sử dụng TBDH, đưa vào nội dung đánh giá xếp loại của nhà trường.

    - Về vấn đề nhân sự, mỗi trường ngoài hiệu trưởng đều có một phó hiệu trưởng đặc trách về vấn đề TBDH. Tiếp đến là nhân viên thiết bị được đào tạo để có thể am hiểu về thiết bị, biết sắp xếp, lắp đặt, sửa chữa kịp thời cũng như tư vấn cho nhà trường để bổ sung, thanh lí thiết bị; đồng thời cũng là người giám sát, đôn đốc GV và HS trong việc sử dụng và bảo quản TBDH.

    - Được làm việc trong một môi trường sư phạm có chất lượng chuyên môn; có sự quản lý nghiêm túc, nề nếp; có trang bị đầy đủ, đảm bảo về cơ sở vật chất, TBDH là điều kiện hết sức thuận lợi để GV có thể phát huy khả năng chuyên môn nghiệp vụ của mình. Theo đó, TBDH nói chung sẽ được GV sử dụng thường xuyên hơn, tích cực hơn và ngày càng tốt hơn.

    TỪ KHÓA: 1/ Địa lí; 2/ Thiết bị dạy học; 3/ Bản đồ giáo khoa; 4/ Trung học cơ sở
     
    Chi tiết xin liên hệ: Phòng Thư viện, số điện thoại: 04-39423754 hoặc theo địa chỉ thư điện tử: [email protected] 

    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...