Thạc Sĩ Nâng cao chất lượng hoạt động truyền thanh cấp huyện, thị ở các tỉnh miền Đông Nam bộ

Thảo luận trong 'Báo Chí' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Luận văn dài 112 trang
    MỞ ĐẦU

    1. Lý do chọn đề tài
    Giữ một vị trí quan trọng trong nền báo chí cách mạng Việt Nam, ngành Phát thanh - Truyền hình (PT - TH) là một hệ thống tổ chức thống nhất gồm 4 cấp: cấp Trung ương; cấp tỉnh; cấp huyện, thị; cấp phường, xã, thị trấn. Riêng hai cấp huyện, thịcấp phường, xã, thị trấn còn được gọi chung bằng một thuật ngữ: truyền thanh cơ sở.
    Cùng với đài Trung ương và đài tỉnh, hệ thống các đài truyền thanh cấp huyện, thị cả nước nói chung và ở miền Đông Nam bộ (ĐNB) nói riêng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
    Nếu không tính thành phố Hồ Chí Minh, miền ĐNB bao gồm các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, có diện tích tự nhiên 21.600 km[SUP]2[/SUP], chiếm gần 6,5% diện tích cả nước; dân số xấp xỉ 6,7 triệu người, chiếm gần 6,8% dân số cả nước. Do có nền công nghiệp phát triển mạnh và năng động, ĐNB được xem là vùng kinh tế trọng điểm của các tỉnh phía Nam và đã có những đóng góp to lớn, thể hiện vai trò vùng kinh tế động lực của cả nước. Khu vực này cũng là vùng có trình độ dân trí và mức thu nhập bình quân đầu người vào loại khá trong cả nước. Trong những thành tựu ấy, hệ thống thông tin đại chúng, nói chung và đài truyền thanh huyện, thị nói riêng đã giữ vai trò quan trọng và tạo được những tác động đáng kể.
    Hoạt động PT - TH toàn khu vực ĐNB hiện nay đang trong xu hướng ổn định và ngày càng phát triển. Các đài không chỉ tăng cường thời lượng phát sóng, diện phủ sóng, mà còn nỗ lực cải tiến chương trình, mở thêm chuyên mục theo hướng phục vụ ngày càng cao lượng thông tin thời sự và nhu cầu học tập, giải trí của các tầng lớp dân cư. Tận dụng những tiến bộ, phát triển của khoa học kỹ thuật, trong những năm gần đây, các đài địa phương đã xây dựng và mở rộng mạng lưới truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số đưa hình ảnh, sự kiện thông tin đến các địa bàn dân cư ở 42 huyện, thị, thành phố, bao gồm 526 xã, phường, thị trấn ở khu vực ĐNB.
    Hỗ trợ đắc lực cho phát thanh và truyền hình (PT & TH) trong khu vực là các đài truyền thanh cấp cơ sở, trong đó, truyền thanh cấp huyện, thị giữ vai trò trọng yếu. Ở ĐNB hiện có 41 đài đang hoạt động với hai loại hình song song là truyền thanh và phát thanh trên sóng FM. Trong xu hướng phát triển chung của hoạt động truyền thông đại chúng, các đài truyền thanh huyện, thị còn trở thành những cộng tác viên (CTV) tích cực của các đài tỉnh, chủ động xây dựng chương trình phát sóng, phục vụ nhu cầu thông tin nhanh bằng hình ảnh về các sự kiện, hoạt động diễn ra tại địa phương mình.
    Nếu tính từ năm 1956, nước ta bắt đầu xây dựng các đài phát thanh cấp tỉnh trở xuống, thì đến nay hệ thống đài truyền thanh cấp huyện cũng đã hoạt động được 53 năm. Qua chừng ấy năm hoạt động và có vai trò không thể thiếu được trong hệ thống phát thanh của cả nước nhưng đến nay các đài truyền thanh cấp huyện, thị vẫn chưa được coi là cơ quan báo chí. Đội ngũ cán bộ, biên tập viên (BTV), phóng viên (PV) các đài trong hệ thống này vẫn chưa được công nhận là nhà báo. Riêng ở khu vực ĐNB, các đài truyền thanh cấp huyện, thị vẫn chưa có sự thống nhất, từ phương thức sản xuất chương trình cho đến những vấn đề cụ thể như: cấu trúc chương trình, tác phẩm, thể loại Bên cạnh đó là những khác biệt về định mức phân bổ cho hoạt động thường xuyên; kinh phí đầu tư trang thiết bị; chế độ nhuận bút; cơ cấu, số lượng nhân sự v.v.
    Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng ta đã khẳng định chủ trương phát triển mạnh và nâng cao chất lượng các hoạt động thông tin, báo chí, phát thanh, truyền hình, xuất bản và phát hành sách trên tất cả các vùng, chú ý nhiều hơn đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù vậy, như đã nêu trên, trong thực tế vẫn đang còn rất nhiều bất cập có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến chất lượng, hiệu quả hoạt động cũng như tâm huyết của đội ngũ công tác ở các đài truyền thanh cấp huyện, thị trong cả nước nói chung và miền ĐNB nói riêng. Làm thế nào để hạn chế những bất cập ấy, đồng thời tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động để các đài này vươn lên, xứng tầm với vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và là diễn đàn của nhân dân địa phương?
    Đó là những lý do đã khiến chúng tôi quyết định chọn đề tài nghiên cứu Nâng cao chất lượng hoạt động truyền thanh cấp huyện, thị ở các tỉnh miền Đông Nam bộ cho luận văn Thạc sỹ truyền thông đại chúng của mình. Mong muốn của chúng tôi là tìm ra các giải pháp tích cực và hiệu quả nhằm hạn chế những nhược điểm, phát huy hơn nữa những ưu thế của các đài truyền thanh cấp huyện, thị. Từ đó, góp phần cùng hệ thống PT - TH cả nước nói chung và PT - TH ở khu vực ĐNB nói riêng ngày càng làm tốt hơn nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền trong công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...