Thạc Sĩ Nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật trong kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của Viện kiểm sát nh

Thảo luận trong 'Chưa Phân Loại' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU

    1. Lý do chọn đề tài

    Hoạt động kiểm sát điều tra (KSĐT), là một giai đoạn quan trọng trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự. Theo quy định của Bộ luật hình sự (BLHS) và Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) Việt Nam thì điều tra là một trong những hoạt động tư pháp quan trọng của Nhà nước ta nhằm bảo đảm mọi hành vi vi phạm pháp luật có tính chất nguy hiểm cho xã hội có dấu hiệu tội phạm phải được điều tra làm rõ.
    KSĐT các vụ án hình sự có vai trò quan trọng trong hoạt động tố tụng nói chung và trong lĩnh vực thực hành quyền công tố nói riêng; nhằm đảm bảo cho hoạt động điều tra được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. KSĐT còn có vai trò đảm bảo mọi hành vi vi phạm và tội phạm phải được phát hiện và xử lý chính xác kịp thời, tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm, ở nước ta hiện nay.
    Điều tra vụ án hình sự là giai đoạn đầu tiên và quan trọng của cả quá trình tố tụng nhằm xác định rõ hành vi phạm tội của tội phạm. Công tác kiểm sát được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật sẽ giúp cho cơ quan điều tra, hoạt động đúng hướng, khởi tố vụ án, khởi tố bị can được đúng người đúng tội; hoạt động điều tra được đầy đủ, chính xác và kịp thời. Kết quả điều tra vụ án hình sự là điều kiện tiên quyết thiết thực, trực tiếp cho việc thực hiện quyền công tố và công tác kiểm sát việc truy tố và công tác xét xử của tòa án được đúng người, đúng tội và đúng chính sách, pháp luật; tránh làm oan người vô tội và tránh bỏ lọt tội phạm.
    Qua 20 năm đổi mới toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong nhiều thành tựu và kinh nghiệm cho thấy Nhà nước ta đang hoàn thiện Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do dân và vì dân. Một trong những nội dung xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước là vấn đề cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay. Hoạt động điều tra, hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp và hoạt động xét xử, thi hành án được đặc biệt nhấn mạnh trong Nghị quyết số 08 "Về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới" của Bộ Chính trị ngày 02/01/2002 và Nghị quyết số 49 ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
    Là một trong những cơ quan trọng yếu trong bộ máy các cơ quan tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) với vị trí, vai trò là cơ quan bảo đảm cho nền pháp chế được thực hiện nghiêm chỉnh và thống nhất cũng phải thực hiện sự đổi mới cả về tổ chức và hoạt động thì mới hoàn thành được nhiệm vụ của mình trước những yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới. Việc đổi mới tổ chức và hoạt động của VKSND đã được Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị xác định:
    Viện Kiểm sát các cấp thực hiện tốt chức năng công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp. Hoạt động công tố phải được thực hiện ngay từ khi khởi tố vụ án, trong suốt quá trình tố tụng nhằm đảm bảo không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, xử lý kịp thời những trường hợp sai phạm của những người tiến hành tố tụng khi thi hành nhiệm vụ. Nâng cao chất lượng công tố của kiểm sát viên tại phiên tòa, đảm bảo tranh tụng dân chủ với luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác . [10].
    Trước mắt Viện kiểm sát nhân dân giữ nguyên chức năng như hiện nay là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức phù hợp với hệ thống tổ chức của Tòa án nhân dân. Nghiên cứu việc chuyển đổi Viện kiểm sát thành Viện công tố, tăng cường trách nhiệm của công tố trong hoạt động điều tra [12].
    Như vậy, trong giai đoạn hiện nay ngành kiểm sát nhân dân cần tăng cường thực hiện chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố nhà nước và kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với các hoạt động tư pháp. Nói chung là tăng cường công tác KSĐT đã đúng hướng, hoạt động kiểm sát điều tra là một dạng hoạt động áp dụng pháp luật.
    Về phương diện lý luận, áp dụng pháp luật nói chung đã được giới khoa học pháp lý làm sáng tỏ. Song áp dụng pháp luật trong KSĐT các vụ án hình sự vẫn còn là một vấn đề cần được nghiên cứu cụ thể hơn từ khái niệm đến đặc điểm các giai đoạn áp dụng pháp luật và những yêu cầu cụ thể mà Viện kiểm sát (VKS) cũng như kiểm sát viên thực hiện. Áp dụng pháp luật nói chung và áp dụng pháp luật trong kiểm sát điều tra là mối quan hệ giữa "cái chung" và "cái riêng". Chắc chắn "cái riêng" bao giờ cũng phong phú, đa dạng và phức tạp hơn "cái chung". Nghiên cứu vấn đề này cũng là đáp ứng yêu cầu đòi hỏi từ thực tiễn đặt ra của vấn đề áp dụng pháp luật trong KSĐT các vụ án hình sự của ngành kiểm sát nhân dân giai đoạn hiện nay. Thực tiễn áp dụng pháp luật trong hoạt động KSĐT các vụ án ở nước ta trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả. Sự phối hợp giữa cơ quan điều tra và VKS về cơ bản đã đáp ứng được nhiệm vụ đấu tranh phòng chống vi phạm và tội phạm.
    Tuy nhiên, qua công tác tổng kết, đánh giá thực tế cho thấy, công tác KSĐT của VKS vẫn còn bộc lộ một số yếu kém, hạn chế như: Nhiều kiểm sát viên, nhiều đơn vị không thực hiện được công tác KSĐT ngay từ giai đoạn đầu, còn thụ động trong việc điều tra của cơ quan điều tra. Hoặc là vì sợ trách nhiệm nên làm thay một số thao tác của điều tra viên, không theo dõi đề ra yêu cầu điều tra. Hoặc là bỏ mặc cho điều tra viên tiến hành điều tra một cách độc lập dẫn tới nhiều vụ án còn bị kéo dài, phải ra hạn thời hạn điều tra, còn để lọt hành vi tội phạm, thậm chí còn làm oan người vô tội Những vi phạm trên cho thấy chất lượng và hiệu quả của công tác KSĐT của ngành Kiểm sát nhân dân vẫn còn bộc lộ yếu kém. Những yếu kém trên do nhiều nguyên nhân khác nhau, có những nguyên nhân chủ quan cũng như những nguyên nhân khách quan. Trong đó chủ yếu là do ý thức pháp luật cao hay thấp và năng lực áp dụng pháp luật trong hoạt động thực tiễn của cơ quan điều tra, VKSND.
    Để phát huy dân chủ và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa (XHCN) trong thực hành quyền công tố nói chung và trong hoạt động áp dụng pháp luật trong KSĐT các vụ án hình sự nói riêng. Vai trò của VKSND trong áp dụng pháp luật cần phải được nâng cao chất lượng và hiệu quả và coi đó là như là nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của ngành tư pháp nước ta cũng như của khoa học pháp lý cách mạng.

    Với những lý do trên, tôi chọn đề tài: "Nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật trong kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh" làm đề tài luận văn thạc sĩ Luật học.

    2. Tình hình nghiên cứu đề tài
    Hoạt động điều tra hình sự, là một giai đoạn quan trọng quyết định lớn đến quá trình làm rõ các yếu tố cấu thành tội phạm, làm cơ sở cho việc truy tố và xét xử các hành vi vi phạm và tội phạm. Vì vậy đây là vấn đề thu hút các nhà hoạt động thực tiễn quan tâm nghiên cứu. Việc nghiên cứu đề tài này đã được thể hiện trong nhiều công trình khoa học được công bố trên các sách, báo, tạp chí chuyên ngành và các luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, một số giáo trình giảng dạy về pháp luật. Có thể nêu ra như sau:
    Sổ tay kiểm sát viên hình sự của Viện Khoa học hình sự Viện kiểm sát nhân dân tối cao, NXB Văn hóa dân tộc, 2006.
    Kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự, NXB Đại học quốc gia Hà Nội, 2006.
    Mối quan hệ biện chứng giữa hoạt động điều tra trinh sát và hoạt động điều tra tố tụng của Bộ Công an, NXB Công an nhân dân, 2006.
    Đề tài cấp Bộ: "Cơ sở lý luận và thực tiễn của thu thập, đánh giá chứng cứ trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự" - Phó viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát làm chủ biên, 2005.
    Các sách chuyên khảo như: "Những điều cần hiểu về bắt người, tạm giữ, tạm giam đúng pháp luật" của Phạm Thanh Bình - Nguyễn Văn Yên, Nxb Pháp lý, 1990.
    Vũ Gia Lâm: "Bắt người trong tố tụng hình sự Việt Nam", Luận văn thạc sĩ luật học, 2000.
    Các bài viết, công trình nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí của Trung ương như: "Hoàn thiện một số quy định của pháp luật có liên quan tới phân loại tội phạm" của Phạm Mạnh Hùng, Tạp chí Kiểm sát, tháng 12/2002.
    Thái Văn Đoàn: "Để nâng cao chất lượng công tác phê chuẩn tạm giam", Tạp chí Kiểm sát, tháng 12/2002.
    Trần Quang Tiệp: "Một số vấn đề lý luận về biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự", Tạp chí Kiểm sát, tháng 4/2005.
    Nguyễn Văn Nhật: "Khám nghiệm hiện trường trong hoạt động điều tra hình sự", Tạp chí Kiểm sát, tháng 4/2005.
    Phạm Mạnh Hùng: "Những bất cập và hoàn thiện quy định pháp luật TTHS về khởi tố theo yêu cầu người bị hại", Tạp chí Kiểm sát, tháng 01/2003.
    Trần Văn Thuận: "Nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra", Tạp chí Kiểm sát, tháng 9/2003.
    Nguyễn Duy Giảng: "Thủ tục rút gọn trong các giai đoạn tố tụng", Tạp chí Kiểm sát, tháng 9/2003.
    Nguyễn Văn Chiến: "Áp dụng căn cứ không khởi tố vụ án hình sự và phạm vi áp dụng quyết định không khởi tố vụ án hình sự", Tạp chí Kiểm sát, tháng 12/2002.
    Nguyễn Văn Thượng: "Quy định tách vụ án trong pháp luật tố tụng hình sự và thực tiễn áp dụng", Tạp chí Kiểm sát, tháng 6/2005.
    Phạm Hồng Thủy: "Những điểm xung đột pháp luật giữa chế định khởi tố vụ án hình sự quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự và Bộ luật tố tụng hình sự", Tạp chí Kiểm sát, tháng 5/2005
    Qua nghiên cứu tình hình trên cho thấy chưa có công trình nào nghiên cứu một cách có hệ thống dưới góc độ lý luận chung về nhà nước và pháp luật về việc nâng cao chất lượng áp dụng KSĐT các vụ án hình sự trong điều kiện tiến hành cải cách tư pháp hiện nay.
    3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
    - Đối tượng nghiên cứu:
    Luận văn tập trung vào những vấn đề sau:
    + Những vấn đề lý luận về áp dụng pháp luật và áp dụng pháp luật trong hoạt động KSĐT các vụ án hình sự.
    + Thực tiễn áp dụng pháp luật trong KSĐT đối với hoạt động của cơ quan điều tra.
    + Nguyên nhân phát sinh những tồn tại trong áp dụng pháp luật của quá trình KSĐT và của cơ quan điều tra.
    + Những giải pháp góp phần nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật trong KSĐT đối với cơ quan điều tra của VKS.
    - Phạm vi nghiên cứu của đề tài:
    Luận văn chủ yếu đi sâu nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn áp dụng pháp luật trong KSĐT các vụ án hình sự của các cơ quan có thẩm quyền. Thời điểm nghiên cứu lấy từ năm 2001 đến năm 2005.
    4. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn
    - Về mục đích:
    Luận văn nghiên cứu, đề xuất, đưa ra các luận chứng, các quan điểm, các giải pháp đảm bảo cho việc áp dụng pháp luật đối với hoạt động của cơ quan điều tra và VKSND được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, bảo vệ lợi ích của Nhà nước; quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Góp phần hoàn thiện các quy định về tố tụng hình sự (TTHS) trong KSĐT các vụ án hình sự; thực hiện cải cách tư pháp theo đúng tinh thần Nghị quyết số 49 NQ/TW của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về chất lượng cải cách tư pháp.
    - Về nhiệm vụ:
    Luận văn có các nhiệm vụ sau:
    + Phân tích cơ sở lý luận về áp dụng pháp luật và áp dụng pháp luật trong kiểm sát đối với hoạt động của cơ quan điều tra và VKSND.
    + Phân tích những ưu điểm và những tồn tại trong áp dụng pháp luật của VKSND các cấp trong kiểm sát đối với hoạt động của cơ quan điều tra trong hoạt động điều tra các vụ án hình sự.
    + Đề xuất những giải pháp đảm bảo áp dụng pháp luật đúng đắn trong kiểm sát đối với hoạt động của cơ quan điều tra và trong điều tra các vụ án hình sự của cơ quan điều tra thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC).
    5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
    Luận văn dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật; các quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam về tăng cường pháp chế XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Nhất là các quan điểm chỉ đạo của Đảng về cải cách tư pháp trong Nghị quyết số 08/NQTW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị: "Về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới". Luận văn sử dụng các phương pháp của triết học duy vật biện chứng như: Phương pháp kết hợp giữa lý luận và thực tiễn; phương pháp phân tích và tổng hợp; phương pháp lịch sử cụ thể. Ngoài ra, luận văn cũng sử dụng các phương pháp của các bộ môn khoa học khác: Thống kê tội phạm, luật học so sánh, phương pháp hệ thống
    6. Ý nghĩa của luận văn
    Ở mức độ nhất định, kết quả nghiên cứu của luận văn có thể sử dụng làm tư liệu tham khảo phục vụ yêu cầu không ngừng nâng cao chất lượng công tác KSĐT các vụ án hình sự.
    Bên cạnh đó, luận văn có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho việc giảng dạy và nghiên cứu một số chuyên đề khác, nhất là trong việc giảng dạy có liên quan đến thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp
    Mặt khác, nội dung của luận văn có thể sử dụng nhằm xây dựng kỹ năng nghề nghiệp, thao tác nghiệp vụ của người cán bộ, kiểm sát viên trước yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay.
    7. Kết cấu của luận văn
    Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 3 chương, 8 tiết
     
Đang tải...