Tiến Sĩ Một số vấn đề về quan hệ lao động tại các Doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu t

Thảo luận trong 'Kinh Tế' bắt đầu bởi Bích Tuyền Dương, 19/11/12.

  1. Bích Tuyền Dương

    Bài viết:
    2,590
    Được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU

    1. Lý do chọn đề tài
    Chủ trương đổi mới và phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (DNNQD) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DNĐTNN) phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, chính sự phát triển này đã làm phát sinh những vấn đề phức tạp về quan hệ lao động - nội dung nhạy cảm nhất trong bất cứ hệ thống quản lý nào. Vai trò của người lao động ngày càng được khẳng định, đời sống tinh thần và vật chất được quan tâm hơn, nhưng những bức xúc mới trong quan hệ giữa họ và người sử dụng lao động cũng xuất hiện. Bộ Luật Lao động (1995) và Luật sửa đổi bổ sung một số điều trong Bộ Luật Lao động (2003) đã thúc đẩy và tạo những nền tảng cơ bản về quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia vào quan hệ lao động cũng như từng bước hướng các quan hệ này vào quỹ đạo chế tài từ luật. Mặc dù vậy, trong thực tiễn, các hiện tượng vi phạm pháp luật lao động, các thắc mắc, khiếu nại, tranh chấp lao động và đình công vẫn xảy ra rất nhiều, vừa ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, vừa ảnh hưởng đến việc làm và đời sống của người lao động. Điều đáng lo ngại là không chỉ các doanh nghiệp đó bị thiệt hại đáng kể cả về uy tín lẫn kinh tế, người lao động bị mất mát, thiệt thòi mà toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội đều chịu những tác động tiêu cực. Nguyên nhân dẫn tới tình hình này được nhắc đi nhắc lại hàng chục năm nay, được bàn bạc thảo luận trong nhiều cuộc hội thảo quốc gia và quốc tế, nhưng vẫn chưa tìm được một lời giải khả thi.
    Vậy, làm sao bảo vệ được quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động mà không làm ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, không làm giảm tính cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp, đặc biệt là khi Việt Nam đang rất tích cực tham gia vào các định chế thương mại song phương hay đa phương, khu vực hay toàn cầu? Làm sao dự đoán và chủ động loại trừ ngay từ đầu những mầm mống gây tranh chấp lao động? Làm sao phát hiện kịp thời và giải quyết ngay khi chúng mới phát sinh, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất mọi thiệt hại có thể? Đó là những câu hỏi tồn tại từ khá lâu và thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà quản lý, các chuyên viên trong lĩnh vực sử dụng lao động.
    Nhằm đóng góp một tiếng nói tích cực vào việc giải quyết vấn đề đã nêu, tác giả chọn đề tài này để nghiên cứu một cách có hệ thống cơ sở lý luận về mối quan hệ lao động trong nền kinh tế thị trường, tìm hiểu kinh nghiệm của các nước khác, phân tích hiện trạng cũng như những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ lao động trong thực tế Việt nam. Trên cơ sở đó, tác giả sẽ đề xuất một số giải pháp thích hợp, góp phần cải thiện tình hình, nâng cao hiệu quả sử dụng lao động trong các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp không thuộc sở hữu Nhà nước.

    2. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu của luận án
    Đối tượng nghiên cứu của luận án là quan hệ lao động trong các doanh nghiệp không thuộc sở hữu Nhà nước ở Việt Nam, bao gồm các DNĐTNN và DNNQD trong nước (chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần). Một số thông tin, số liệu về quan hệ lao động trong các doanh nghiệp Nhà nước cũng được đề cập tới trong luận án nhằm để so sánh làm nổi lên sự khác biệt. Các số liệu sử dụng trong luận án được điều tra và tham khảo phần lớn tại thành phố Hồ Chí Minh. Là trung tâm kinh tế lớn và năng động nhất Việt Nam, thu hút hàng triệu lao động, quan hệ lao động ở TP Hồ Chí Minh cũng vào loại đa dạng và phức tạp nhất. Vì thế nghiên cứu thực trạng, nguyên nhân và giải pháp lành mạnh hóa quan hệ lao động ở đây được coi như một nghiên cứu điển hình để từ đó liên hệ trong phạm vi toàn quốc. Nội dung của quan hệ lao động rất rộng, bao gồm mọi vấn đề liên quan tới quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động như tuyển dụng, đào tạo, trả lương, các chế độ, chính sách trong sử dụng lao động . Tuy nhiên, luận án chỉ giới hạn trong việc phân tích tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng lao động cá nhân, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể, đảm bảo vệ sinh an toàn lao động, tham gia bảo hiểm xã hội, đặc biệt là vấn đề tranh chấp lao động và đình công.

    3. Mục đích nghiên cứu
    Luận án đặt ra các mục đích nghiên cứu chủ yếu như sau:
    1- Hệ thống lại cơ sở lý thuyết về quan hệ lao động trong nền kinh tế thị trường. Nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn của một số nước khác trên thế giới để rút ra bài học cần thiết cho Việt Nam.
    2- Phân tích thực trạng về quan hệ lao động ở các DNNQD và DNĐTNN tại Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi nền kinh tế, nhấn mạnh các biểu hiện không lành mạnh về quan hệ lao động và phân tích các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng tới quan hệ này ở Việt Nam.
    3- Đề xuất một số giải pháp thích hợp góp phần hoàn thiện quan hệ lao động trong các doanh nghiệp kể trên.

    4. Phương pháp nghiên cứu
    Luận án được thực hiện trên cơ sở nghiên cứu các tài liệu sẵn có về lý thuyết và thực tiễn quan hệ lao động trên thế giới và ở Việt Nam, kết hợp vận dụng lý thuyết hệ thống, phương pháp mô tả, điều tra và phân tích số liệu thống kê, phương pháp nghiên cứu điển hình và phương pháp mô hình hóa. Ngoài ra tác giả còn sử dụng phương pháp chuyên gia để làm sáng tỏ và cụ thể hóa nội dung nghiên cứu, nhất là ở phần nêu giải pháp. Đặc biệt, phương pháp duy vật biện chứng được sử dụng làm nền tảng, chỉ đạo toàn diện các vấn đề nghiên cứu trong luận án.
    Thông tin và số liệu thứ cấp được thu thập từ sách, báo, tạp chí chuyên ngành, mạng internet, các tài liệu từ các hội thảo chuyên đề về quan hệ lao động, các nghị định, thông tư và văn bản của Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh, các số liệu điều tra do Tổng cục Thống kê và các viện nghiên cứu công bố. Thông tin và số liệu sơ cấp được thu thập bằng cách tự điều tra và phỏng vấn trực tiếp, trong đó:
    - Đối tượng khảo sát phục vụ cho phương pháp thống kê mô tả là ba nhóm: đại diện doanh nghiệp, người lao động và cán bộ công đoàn ở các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau, chủ yếu trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh (xin xem các phụ lục 3,4,5). 112 doanh nghiệp có người tham gia trả lời bảng câu hỏi (xin xem phụ lục 7). Tổng số phiếu trả lời là 325, trong đó có 96 đại diện doanh nghiệp; 138 người lao động và 91 cán bộ công đoàn.
    - Đối tượng khảo sát phục vụ cho xây dựng mô hình kinh tế lượng là 249 người lao động ở 112 doanh nghiệp trên (xin xem phụ lục 6).
    - Số chuyên gia tham gia trả lời phiếu câu hỏi và trao đổi thêm trong nội dung đề tài là 23, bao gồm những người có nhiều kinh nghiệm, làm công tác nghiên cứu, giảng dạy và hoạt động thực tế trong lĩnh vực quản lý lao động (xin xem phụ lục 11 và phụ lục 13). Số liệu điều tra được xử lý bằng phần mềm SPSS 12.0.

    5. Tình hình nghiên cứu của đề tài
    Quan hệ lao động là một đề tài gắn với cuộc cách mạng công nghiệp và phong trào công đoàn. Vì vậy, từ mấy chục năm nay nó đã thu hút sự quan tâm nghiên cứu cả về lý luận lẫn thực tiễn của nhiều nhà khoa học, nhiều chuyên gia trên thế giới. Những công trình khá nổi tiếng nghiên cứu về vấn đề này mà chúng tôi đã có dịp được tham khảo là của các tác giả như Dunlop.J.T (1958), Daniel Quinn Mills (1994) (Mỹ) ; Grant.M và Mallette.N (1985), Boivin.J và Guilbault.J (1989) (Canada); Amadieu.J.F và Jacques Rojot (1996) (Pháp); Tan Chwee Huat (1994) (Singapore); Livian.Y.F (2000) (Cộng hòa Séc) Trong số đó vừa có các công trình phát triển lý thuyết, vừa có những công trình điều tra và phân tích về thực tiễn. Tuy nhiên, đối tượng chủ yếu vẫn là quan hệ lao động trong các nước có kinh tế thị trường đã phát triển. Riêng Cộng hòa Séc cũng là một quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi nhưng mô hình chuyển đổi lại không giống Việt Nam.
    Ở Việt Nam cũng đã có một số nghiên cứu lý thuyết và thực tiễn về đề tài này. Trong đó gần nhất với nghiên cứu của chúng tôi là luận án “Hoàn thiện quan hệ lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam” của Nguyễn Ngọc Quân (1995). Chúng tôi kế thừa và tham khảo được một số khái niệm trong quan hệ lao động, kinh nghiệm ở một số nước trên thế giới cũng như các quan điểm của tác giả khi giải quyết vấn đề. Luận án này tập trung phân tích thực trạng để tìm các giải pháp hoàn thiện, còn chúng tôi quan tâm hơn tới việc vận dụng cơ sở lý thuyết để phân tích thực trạng về quan hệ lao động. Mặt khác, tác giả Nguyễn Ngọc Quân phân tích quan hệ lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam trong khoảng thời gian 1988 - 1995. Trong khi đó, chúng tôi nghiên cứu một số vấn đề về quan hệ lao động trong cả các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp ngoài quốc doanh ở Việt Nam trong quá trình chuyển đổi, tức là từ năm 1986 đến nay, đặc biệt là trong những năm gần đây. Do quan hệ lao động hiện nay có diễn biến phức tạp và nguyên nhân đa dạng hơn so với thời điểm cách đây 9 năm nên chúng tôi hy vọng sẽ phân tích được tình hình kỹ lưỡng và đưa ra một số giải pháp mang tính chủ động và toàn diện hơn. Luận án “Vấn đề đình công của công nhân ở nước ta hiện nay” của tiến sỹ Phạm Xuân Hương (2001) được viết dựa trên cơ sở lý luận là chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, các tác phẩm của Mác, Ăng ghen, Lê nin, Hồ Chí Minh và chỉ tập trung nghiên cứu vấn đề đình công của giai cấp công nhân Việt Nam. Đề tài nghiên cứu “Quan hệ lao động ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh” (2001) của Sở Lao động - Thương binh - Xã hội TP. Hồ Chí Minh do ông Nguyễn Hoàng Kháng làm chủ nhiệm được điều tra công phu, thu thập và tổng hợp được rất nhiều số liệu thống kê. Tuy nhiên, đây là một đề tài nghiên cứu ứng dụng nên nặng về phân tích mô tả. Tóm lại, những công trình kể trên chưa nghiên cứu một cách có hệ thống cơ sở lý luận và dựa vào đó để phân tích quan hệ lao động trong bối cảnh Việt Nam.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...