Thạc Sĩ Một số vấn đề lý luận về phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự [Luận văn 80 trang]

Thảo luận trong 'Luật Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    172
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Chương 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ PHIÊN TÒA SƠ THẨM VỤ ÁN DÂN SỰ


    1.1. KHÁI NIỆM PHIÊN TÒA SƠ THẨM TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ
    1.1.1. Vụ án dân sự - cơ sở làm phát sinh phiên tòa sơ thẩm dân sự
    Quan hệ dân sự (theo nghĩa rộng) bao gồm các quan hệ pháp luật dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động. Các quan hệ này hết sức đa dạng và phong phú, diễn ra hàng ngày trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gắn liền với bất cứ chủ thể nào. Các chủ thể tham gia quan hệ dân sự bao giờ cũng hướng tới những mục tiêu, lợi ích nhất định. Sự đan xen về mặt lợi ích cũng như tính muôn màu muôn vẻ của các quan hệ dân sự làm phát sinh các tranh chấp dân sự là điều không thể tránh khỏi. Khi xảy ra tranh chấp dân sự, các chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án - cơ quan xét xử của Nhà nước giải quyết tranh chấp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
    Trong quá trình xảy ra tranh chấp dân sự, các chủ thể có thể thỏa thuận với nhau để giải quyết tranh chấp. Đó là quá trình tự điều chỉnh thông qua phương pháp thỏa thuận trong quan hệ pháp luật dân sự mà chưa cần sự can thiệp của một chủ thể thứ ba. Khi các chủ thể không tự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết tranh chấp và yêu cầu tòa án giải quyết thì tranh chấp đó được giải quyết thông qua con đường tòa án và tranh chấp đó được gọi là vụ án dân sự.
    Vụ án dân sự bao gồm các tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động mà các chủ thể không tự thỏa thuận được buộc phải khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết. Việc đương sự khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp về quyền và nghĩa vụ dân sự là sự kiện làm phát sinh tố tụng phiên tòa. Hay nói cách khác, "tranh chấp dân sự" kết hợp với yếu tố "kiện" của đương sự là tiền đề để tòa án mở phiên tòa xét xử. Ngoài yếu tố "kiện" là bản chất của vụ án dân sự, yếu tố chủ thể là nguyên đơn, bị đơn cũng là đặc trưng của loại tố tụng xét xử sơ thẩm dân sự. Vụ án dân sự được BLTTDS quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 ở trong các lĩnh vực như dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động bao gồm:
    * Những tranh chấp dân sự truyền thống:
    - Tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân về quốc tịch Việt Nam.
    - Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản.
    - Tranh chấp về hợp đồng dân sự.
    - Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, trừ trường hợp các bên tranh chấp đều có mục đích lợi nhuận.
    - Tranh chấp về thừa kế tài sản.
    - Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
    - Tranh chấp về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
    - Tranh chấp liên quan đến nghiệp vụ báo chí theo quy định của pháp luật.
    - Các tranh chấp về dân sự mà pháp luật có quy định.
    * Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình:
    - Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.
    - Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
    - Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
    - Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ.
    - Tranh chấp về cấp dưỡng.
    - Các tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình mà pháp luật có quy định.
    * Những tranh chấp về kinh doanh, thương mại:
    - Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhận bao gồm: Mua bán hàng hóa; cung ứng dịch vụ; phân phối; đại diện, đại lý; ký gửi; thuê, cho thuê, thuê mua; xây dựng; tư vấn kỹ thuật; vận chuyển hàng hóa, hành khách bằng đường hàng không, đường biển; mua bán cổ phiếu, trái phiếu và giấy tờ có giá trị khác; đầu tư, tài chính, ngân hàng; bảo hiểm; thăm dò, khai thác.
    - Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
    - Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
    - Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại mà pháp luật có quy định.
    * Những tranh chấp về lao động:
    - Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động mà Hội đồng hòa giải lao động cơ sở, hòa giải viên lao động của cơ quan quản lý nhà nước về lao động quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hòa giải không thành hoặc không giải quyết trong thời hạn do pháp luật quy định, trừ các tranh chấp sau đây không nhất thiết phải qua hòa giải tại cơ sở:
    + Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
    + Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động và người sử dụng lao động; về trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động.
    + Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động.
    + Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật lao động.
    + Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp xuất khẩu lao động.
    - Tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động đã được Hội đồng trọng tài lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giải quyết mà tập thể lao động hoặc người sử dụng lao động không đồng ý với quyết định của Hội đồng trọng tài lao động, bao gồm:
    + Về quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện khác.
    + Về thực hiện thỏa ước lao động tập thể.
    + Về quyền thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn.
    - Các tranh chấp khác về lao động mà pháp luật có quy định.
    Ngoài khái niệm vụ án dân sự, BLTTDS còn phân biệt một loại việc cũng thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án đó là việc dân sự.
    Việc dân sự là các loại việc trong đó các chủ thể không có tranh chấp về quyền và nghĩa vụ dân sự (theo nghĩa rộng) mà chỉ yêu cầu tòa án công nhận một sự kiện pháp lý làm căn cứ phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự hay yêu cầu tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự. Do đó, việc dân sự được giải quyết theo một thủ tục tố tụng khác độc lập mà không làm căn cứ phát sinh hoạt động tố tụng xét xử của tòa án.
    Việc dân sự được quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 BLTTDS như sau:
    * Những yêu cầu về dân sự:
    - Yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự hoặc quyết định tuyên bố hạn chế năng lực hành vị dân sự.
    - Yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó.
    - Yêu cầu tuyên bố một người mất tích, hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích.
    - Yêu cầu tuyên bố một người là đã chết, hủy bỏ tuyên bố một người là đã chết.
    - Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định về dân sự, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của tòa án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định về dân sự, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của tòa án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.
    - Các yêu cầu khác về dân sự mà pháp luật có quy định.
    * Những yêu cầu về hôn nhân và gia đình:
    - Yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật.
    - Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn.
    - Yêu cầu công nhận sự thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
    - Yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi.
    - Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của tòa án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của tòa án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.
    - Các yêu cầu khác về hôn nhân và gia đình mà pháp luật có quy định.
    * Những yêu cầu về kinh doanh, thương mại:
    - Yêu cầu liên quan đến Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết các vụ tranh chấp theo quy định của pháp luật về Trọng tài thương mại.
    - Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định kinh doanh, thương mại của tòa án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định kinh doanh, thương mại của tòa án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.
    - Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định kinh doanh, thương mại của Trọng tài nước ngoài
    - Các yêu cầu khác về kinh doanh, thương mại mà pháp luật có quy định.
    * Những yêu cầu về lao động:
    - Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định lao động của tòa án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.
    - Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định lao động của tòa án nước ngoài.
    - Các yêu cầu khác về lao động mà pháp luật có quy định.
    Như vậy, vụ án dân sự mới là sự kiện làm phát sinh tố tụng phiên tòa xét xử, do đương sự khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết các tranh chấp dân sự.
    1.1.2. Cơ chế giải quyết vụ án dân sự theo trình tự tố tụng sơ thẩm
    Sau khi tòa án thụ lý đơn khởi kiện, có hai cơ chế tố tụng giải quyết vụ án dân sự có thể thực hiện là: Có thể thông qua hoạt động hòa giải hoặc phải mở phiên tòa xét xử.
    Hòa giải là một chế định mang tính đặc thù trong TTDS. Xuất phát từ quyền quyết định và tự định đoạt cũng như yếu tố thỏa thuận trong quan hệ dân sự, các chủ thể có thể thỏa thuận vào bất cứ thời điểm nào để tự bản thân họ giải quyết tranh chấp. Hòa giải trong TTDS có nhiều ưu điểm vượt trội, vừa thể hiện tính nhân văn trong hoạt động tư pháp đồng thời phát huy được các giá trị truyền thống, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ trong nhân dân. Sau khi thụ lý đơn khởi kiện, tòa án có trách nhiệm tổ chức các phiên hòa giải để đương sự có điều kiện thỏa thuận với nhau. Khi tiến hành hòa giải, chỉ các đương sự có quyền quyết định nội dung giải quyết tranh chấp, tòa án chỉ là người hướng dẫn về mặt pháp luật, khuyến khích các bên thương lượng, đàm phán đồng thời đảm bảo việc hòa giải không bị ép buộc và phù hợp với quy định của pháp luật. Nếu đương sự thỏa thuận được với nhau để giải quyết tranh chấp thông qua hoạt động hòa giải, việc giải quyết vụ án coi như kết thúc mà không cần tòa án tiến hành xét xử. Hòa giải thành một vụ án dân sự không chỉ giải quyết dứt điểm mâu thuẫn giữa các đương sự mà còn giảm bớt các thủ tục tốn kém thời gian, công sức của đương sự và cơ quan xét xử.
    Tuy nhiên, không phải tranh chấp dân sự nào cũng giải quyết được bằng con đường hòa giải. Nhiều tranh chấp chỉ được giải quyết thông qua hoạt động xét xử của tòa án. Đối với những tranh chấp dân sự khởi kiện ra tòa án, sau khi hòa giải không thành, hoặc không tiến hành hòa giải được (một số trường hợp pháp luật quy định không được hòa giải) thì tranh chấp đó chỉ có thể giải quyết thông qua hoạt động xét xử của tòa án tại phiên tòa sơ thẩm.Việc một vụ án dân sự không thể giải quyết được bằng con đường hòa giải đồng nghĩa với việc các đương sự không thể tự giải quyết được tranh chấp của họ, khi đó vai trò giải quyết nội dung tranh chấp thuộc về tòa án thông qua việc xét xử. Tại phiên tòa sơ thẩm dân sự, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên phụ thuộc vào phán quyết của tòa án dựa trên cơ sở xem xét, đánh giá chứng cứ, kết quả của việc hỏi và tranh luận tại phiên tòa cũng như hoạt động áp dụng pháp luật của Hội đồng xét xử. Nếu trong quá trình hòa giải, tòa án chỉ giải quyết những vấn đề thuộc phạm vi tranh chấp giữa các đương sự thì việc xét xử tại phiên tòa phải xem xét toàn bộ các vấn đề của vụ án. Ngoài việc xác định nội dung quyền và nghĩa vụ dân sự cho các bên đương sự, tòa án còn giải quyết các vấn đề khác liên quan đến vụ án.
    1.1.3. Khái niệm và đặc điểm của phiên tòa sơ thẩm dân sự
    Theo quyển sổ tay pháp lý thông dụng, thuật ngữ "phiên tòa" có nghĩa là "nơi diễn ra hoạt động xét xử của tòa án nhân dân" [14, tr. 270]. Theo Từ điển Tiếng Việt thì "sơ thẩm" có nghĩa là việc "xét xử một vụ án với tư cách là tòa án ở cấp xét xử thấp nhất" [38, tr. 869], còn Từ điển Luật học thì định nghĩa "sơ thẩm""lần đầu tiên đưa ra xét xử vụ án tại một tòa án có thẩm quyền" [37, tr. 434]. Các khái niệm trên đã xác định được một vài đặc trưng của phiên tòa sơ thẩm nói chung cũng như phiên tòa sơ thẩm dân sự nói riêng, tuy nhiên còn phiến diện và chưa phản ánh được đầy đủ bản chất của phiên tòa sơ thẩm dân sự.
    Chế định phiên tòa sơ thẩm dân sự bao gồm các quy định về trình tự, thủ tục tại phiên tòa sơ thẩm. Sau khi tòa án thụ lý đơn khởi kiện để giải quyết yêu cầu của đương sự, nếu vụ án buộc phải đưa ra xét xử thì tòa án mở phiên tòa sơ thẩm để giải quyết tranh chấp giữa các bên. Tại phiên tòa sơ thẩm dân sự có mặt đầy đủ những người tiến hành tố tụng, các bên đương sự và những người tham gia tố tụng khác. Mọi hoạt động tại phiên tòa được tiến hành theo trình tự, thủ tục luật định. Các chủ thể tham gia phiên tòa có tư cách tố tụng khác nhau và có các quyền và nghĩa vụ tố tụng độc lập. Hội đồng xét xử đảm bảo cho việc xét xử diễn ra theo đúng tố tụng đồng thời tiến hành hoạt động áp dụng pháp luật xác định nội dung quyền và nghĩa vụ dân sự cho các bên đương sự cũng như giải quyết triệt để các vấn đề khác của vụ án. Các đương sự thực hiện hoạt động chứng minh cho yêu cầu, đề nghị của mình, thuyết phục Hội đồng xét xử đưa ra phán quyết có lợi cho họ. Những người tham gia tố tụng khác có trách nhiệm giúp cho Hội đồng xét xử tìm ra sự thật khách quan của vụ án. Để có một phán quyết cuối cùng công bằng và thuyết phục, mọi diễn biến tại phiên tòa sơ thẩm dân sự phải tuân theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ được quy định trong pháp luật TTDS.
    Phiên tòa sơ thẩm dân sự được tiến hành vào thời gian và tại địa điểm được ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử. Nếu không có căn cứ hoãn phiên tòa hoặc không phải trong trường hợp pháp luật quy định xét xử vắng mặt thì những người tiến hành tố tụng, đương sự và những người tham gia tố tụng khác (trong trường hợp cần thiết) phải có mặt đầy đủ tại phiên tòa. Ngoài một số trường hợp tòa án phải xét xử kín, phiên tòa sơ thẩm dân sự được xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa.
    Từ những phân tích trên đây, có khái niệm phiên tòa sơ thẩm dân sự như sau: Phiên tòa sơ thẩm dân sự là hình thức tổ chức hoạt động xét xử của tòa án, trong đó vụ án dân sự được đưa ra xét xử lần đầu, do một tòa án cấp huyện hoặc một tòa án cấp tỉnh thực hiện theo thẩm quyền trên cơ sở một trình tự, thủ tục nhất định.
    Phiên tòa sơ thẩm dân sự là hoạt động của cơ quan xét xử được điều chỉnh bởi Luật tổ chức tòa án nhân dân (TAND) và pháp luật TTDS. Chính vì vậy, nó cũng có những đặc điểm của phiên tòa sơ thẩm nói chung như: Thành phần Hội đồng xét xử có sự tham gia của Hội thẩm nhân dân; trình tự, thủ tục xét xử tuân theo trình tự xét xử sơ thẩm; đối tượng xét xử thuộc thẩm quyền xem xét lần đầu tiên của tòa án cấp sơ thẩm; sự có mặt đầy đủ của các bên đương sự và những người có liên quan đến việc giải quyết vụ án (phiên tòa phúc thẩm chỉ có mặt những người có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị); bản án, quyết định tại phiên tòa sơ thẩm có thể bị kháng cáo, kháng nghị
    Ngoài ra, phiên tòa sơ thẩm dân sự có đặc điểm sau:
    Phiên tòa sơ thẩm dân sự là nơi diễn ra các hoạt động tố tụng của riêng cơ quan xét xử trên cơ sở đơn khởi kiện của đương sự yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp dân sự. Nếu như việc mở phiên tòa sơ thẩm hình sự là kết quả của quá trình điều tra, truy tố thì việc mở phiên tòa sơ dân sự lại xuất phát từ ý chí của các bên đương sự sau khi vụ án không giải quyết được thông qua việc hòa giải.
    Tại phiên tòa sơ thẩm dân sự, thứ tự hỏi và trình tự phát biểu khi tranh luận đề cao vai trò, vị trí của các bên đương sự. Kiểm sát viên tham gia phiên tòa dân sự (nếu có) không có vai trò như trong phiên tòa hình sự, họ chỉ tham gia với tư cách là người giám sát hoạt động xét xử của tòa án mà không can thiệp vào nội dung tranh chấp của các đương sự. Vị trí, vai trò của các đương sự tại phiên tòa thể hiện xu hướng dân chủ trong hoạt động tư pháp, tôn trọng quyền yêu cầu và tự định đoạt của họ trong quá trình xét xử. Ý chí và sự tự nguyện của các đương sự luôn được tôn trọng và xem xét trước tiên. Quyết định tại phiên tòa là sự phán xét của tòa án nhưng có thể đơn giản là ghi nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...