PHẦN MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài : Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta hiện nay, sự tồn tại nhiều hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh, nhiều loại hình doanh nghiệp với những quy mô, trình độ khác nhau là tất yếu. Việc tập trung sản xuất ở quy mô nhỏ sẽ khai thác tối đa lợi thế về tính đa dạng hóa của sản phẩm, đáp ứng từng phân khúc rất nhỏ của thị trường, giúp các doanh nghiệp tìm được chỗ đứng trên thị trường, đồng thời cũng giảm thiểu rủi ro do biến động của thị trường. Quy mô gọn nhẹ nên khả năng thu hút vốn trong dân dễ dàng và nhanh chóng, phát huy được nội lực trong nền kinh tế. Hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế đều có DNNVV. phát triển khu vực kinh tế các DNNVV là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sự ra đời của Luật Doanh Nghiệp 2005, Luật Đầu Tư 2005 đã có những tác động tích cực đến quá trình phát triển doanh nghiệp của Việt Nam, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp. Việc phát triển DNNVV góp phần đa dạng hoá các thành phần kinh tế, góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng GDP của đất nước, đẩy nhanh tốc độ phát triển của nền kinh tế, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa, dich vụ cho nền kinh tế. DNNVV còn góp phần giải quyết công ăn việc làm và ổn định đời sống xã hội cho hàng triệu lao động. Với tỷ trọng hơn 96% trong tổng số các doanh nghiệp là DNNVV, DNNVV đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, các chính sách của Chính phủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DNNVV phát triển là hết sức cần thiết. Thời gian qua, thông qua hàng loạt các Nghị định, Thông tư, Chỉ thị về các chính sách hỗ trợ cho sự phát triển của các DNNVV được ban hành chứng tỏ Nhà nước ta đã đánh giá đúng vai trò của các DNNVV trong nền kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế, các DNNVV còn gặp nhiều khó khăn như : sự phân biệt đối xử về hành chính giữa các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, nguồn vốn hoạt động hạn chế, cơ hội tiếp cận với các nguồn tài trợ còn gặp nhiều trở ngại, khoa học công nghệ lạc hậu, trình độ quản lý kinh doanh còn yếu kém, Trong đó, vấn đề nguồn vốn hoạt động của các DNNVV là vấn đề quan trọng và cấp thiết nhất. Do đó, việc lựa chọn đề tài về các chính sách tài chính thúc đẩy sự phát triển các DNNVV nhằm góp phần mở ra nhiều cơ hội cho các DNNVV tiếp cận với các nguồn vốn đa dạng hơn để các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của mình và ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước. Đề tài: MỘT SỐ GIẢI PHÁP TÀI CHÍNH HỖ TRỢ CHO SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CÁC DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA 2. Mục đích của đề tài : Xuất phát từ vai trò quan trọng của DNNVV trong nền kinh tế, đề tài tập trung nghiên cứu các vấn đề sau : - Nghiên cứu các vấn đề về DNNVV, đặc điểm, vai trò, các nguồn tài trợ từ bên ngoài cho sự phát triển DNNVV. - Nghiên cứu thực trạng về sự tồn tại, phát triển và những khó khăn mà DNNVV gặp phải trong quá trình tiếp cận với các nguồn tài trợ từ bên ngoài. - Nghiên cứu định hướng của Nhà nước về phát triển DNNVV và các chính sách hỗ trợ cho các DNNVV phát triển. Từ đó, đưa ra cái nhìn tổng quan về thực trạng hình thành, tồn tại và phát triển của các DNNVV ở Việt Nam. Đồng thời đưa ra một số giải pháp tài chính giúp cho các DNNVV tiếp cận một cách tốt nhất các nguồn tài trợ nhằm thúc đẩy sự phát triển của các DNNVV trong giai đoạn hiện nay. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu : - Đối tượng nghiên cứu: + Các nguồn tài trợ và vai trò của chúng đối với sự phát triển của DNNVV trong nền kinh tế. + Thực trạng tiếp cận các nguồn tài trợ của các DNNVV. + Các chính sách, giải pháp tài chính phát triển DNNVV. Do xuất phát ban đầu là các DNNVV có nguồn vốn tự có rất hạn chế, do đó trong quá trình hoạt động các DNNVV tận dụng các nguồn vốn từ bên ngoài là chủ yếu. Chính vì vậy, các giải pháp tài chính ở đây chỉ đề cập đến các giải pháp giúp DNNVV tiếp cận với các nguồn tài trợ từ bên ngoài mà không đề cập đến nguồn vốn tự có của các doanh nghiệp. + Đưa ra kiến nghị hoàn thiện các chính sách trên nhằm khắc phục những vướng mắc trong quá trình thực hiện. - Phạm vi nghiên cứu: Các DNNVV ở Việt Nam. 4. Phương pháp nghiên cứu : - Phương pháp nghiên cứu sử dụng được vận dụng tổng hợp từ các phương pháp phân tích, tổng hợp, diễn dịch, quy nạp, suy luận logic. - Nguồn thông tin dữ liệu từ nhiều nguồn như từ các khảo sát, nghiên cứu khoa học về DNNVV của các nhà nghiên cứu, các dữ liệu từ Tổng cục thống kê, Sở kế hoạch và đầu tư, Niên giám thống kê, các kết quả khảo sát về DNNVV của các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước, các bài báo, tạp chí, báo điện tử, nhận định của các chuyên gia về các vấn đề của DNNVV, 5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài nghiên cứu : - Khoa học: Sự phát triển các DNNVV giữ một vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của nền kinh tế. Do đó, đã có nhiều đề tài, công trình nghiên cứu khoa học về các giải pháp phát triển DNNVV ở Việt Nam. Nhà nước ta cũng đã đưa các chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này phát triển. - Thực tiễn: Việc nhìn nhận, đánh giá vai trò của các DNNVV trong nền kinh tế một cách đúng đắn sẽ giúp các doanh nghiệp này phát triển mạnh mẽ hơn và đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam. 6. Kết cấu của luận văn : Luận văn gồm ba chương cùng với phần mở đầu và kết luận như sau : - Phần mở đầu - Chương 1 : Lý luận cơ bản về doanh nghiệp nhỏ và vừa và nguồn tài trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. - Chương 2 : Thực trạng các nguồn tài trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam. - Chương 3 : Một số giải pháp tài chính thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. - Kết luận - Tài liệu tham khảo