LỜI MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài. Ngày nay, hội nhập kinh tế quốc tế đã trở thành xu thế tất yếu của thời đại và diễn ra mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Trong xu thế đó, Việt Nam đã chủ động tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế như gia nhập khối ASEAN; tham gia vào khu vực mậu dịch tự do (AFTA),ký kết Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ, sau 11 năm đàm phán gia nhập vào Tổ chức Thương Mai Thế Giới( WTO ), ngày 7/11/2006 Việt Nam chính thức gia nhập (WTO). Đây là bước đi đúng đắn và quan trọng làm tiền đề cho việc tạo dựng vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Hòa vào tiến trình chung của cả nước, hệ thống Ngân hàng thương mại Việt Nam cũng đứng trước yêu cầu hội nhập vào cộng đồng tài chính khu vực. Điều này mở ra nhiều cơ hội về nguồn lực, công nghệ, thị trường cho các NHTM Việt Nam, mặt khác cũng tạo ra những áp lực cạnh tranh lớn cho các NHTM khi các ngân hàng đa quốc gia đầy tiềm lực xuất hiện ngay tại sân chơi của mình, nhất là khi các rào cản về dịch vụ tài chính được hoàn toàn dỡ bỏ theo các cam kết hội nhập. Trong những năm qua, hệ thống Ngân hàng Việt Nam đã dần hội nhập vào cộng đồng tài chính quốc tế và có mối quan hệ hợp tác chính thức với nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế và khu vực. Ngoài ra, hệ thống Ngân hàng đã có những bước đi tích cực trong việc thực hiện các cam kết quốc tế, dần dần dỡ bỏ các rào cản về hoạt động Ngân hàng, tài chính với bên ngoài; đồng thời cho phép các chi nhánh Ngân hàng nước ngoài hoạt động và thành lập các liên doanh tại Việt Nam. Trong thời gian tới, khi Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, hệ thống NHTM Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức hơn khi năng lực cạnh tranh vẫn chưa đủ mạnh, bởi vì: môi trường pháp lý chưa lành mạnh, mức vốn còn thấp, trình độ quản lý còn hạn chế, trình độ công nghệ áp dụng chưa hiện đại, chất lượng sản phẩm dịch vụ chưa tốt, dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp. Từ những nhận định trên, đã thôi thúc tôi mạnh dạn chọn đề tài: “Một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế tại các NHTM trên địa bàn tỉnh An giang ” với mong muốn các Ngân hàng Thương Mại trên địa bàn tỉnh Angiang có bước chuẩn bị, hoạt động hiệu quả, sẽ đứng vững, phát triển cùng với hệ thông Ngân hàng Thương Mại Việt Nam hội nhập hiệu quả vào cộng đồng tài chính khu vực và quốc tế. 2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu. Đề tài nghiên cứu hoạt động của các NHTM trên địa bàn Tỉnh Angiang. 3. Mục đích và ý nghĩa của đề tài. Giúp các NHTM trên địa bàn tỉnh Angiang hình dung các vấn đề cấp bách đặt ra trước bối cảnh toàn cầu hóa thị trường tài chính và hội nhập quốc tế, thực tiễn hoạt động của các NHTM hiện nay, từ đó đề xuất một số giải pháp giúp các NHTM trên địa bàn củng cố và nâng cao hiệu quả để có thể cạnh tranh trong tiến trình hội nhập. 4. Phương pháp luận Để làm rõ những nội dung trong luận văn, tôi đã sử dụng phương pháp hệ thống, so sánh, khái quát, lịch sử, thu thập. 5. Nội dung kết cấu của luận văn. Ngoài phần mở đầu, phần kết luận, phụ lục, danh mục tài liệu tham khảo, luận văn có 62 trang Nguồn số liệu trong luận văn được lấy từ báo cáo tổng kết hằng năm của ngân hàng nhà nước, báo cáo thường niên của các NHTM, tạp chí Ngân hàng, tạp chí tài chính tiền tệ, Internet Nội dung kết cấu luận văn gồm 3 chương: Chương 1: Một số vấn đề về cạnh tranh và hội nhập của các ngân hàng thương mại trong thị trường tài chính toàn cầu. Chương 2: Đánh giá thực trạng và khả năng cạnh tranh của hệ thống Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Angiang. Chương 3: Một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập của hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Angiang trong tiến trình hội nhập quốc tế.