LỜI MỞ ĐẦU ---X0X--- Để hiệu quả hoạt động kinh doanh ngày càng được cải thiện thì đòi hỏi các doanh nghiệp phải luôn đánh giá hiệu quả hoạt động của mình, nhất là hiệu quả trong việc sử dụng vốn. Từ đó để có những biện pháp cải thiện những hạn chế yếu kém, đồng thời phát hiện điểm mạnh để phát huy hiệu quả cao hơn. Không riêng các doanh nghiệp tư nhân mà các doanh nghiệp nhà nước cũng vậy, Xí Nghiệp bao bì An Giang – Công ty Xây lắp An Giang luôn phải phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu và nâng cao hiệu quả kinh doanh của đơn vị mình trong hoàn cảnh nền kinh tế thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay. Bằng các nổ lực của mình Xí Nghiệp Bao Bì An Giang nói riêng cũng như Công Ty Xây Lắp An Giang nói chung được công nhận là Doanh nghiệp nhà nước loại I của Tỉnh, vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng 2, hạng 3, ban Giám Đốc Công ty vinh dự được Nhà Nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3. Vậy sau 3 năm Xí Nghiệp Bao Bì An Giang đã đạt được những hiệu quả cụ thể như thế nào, những thuận lợi và khó khăn đối với Xí Nghiệp là gì? Đề tài sẽ tập trung vào phân tích hiệu quả sử dụng vốn tại Xí Nghiệp Bao Bì An Giang qua 3 năm (2007 – 2009). Thông qua việc thực hiện chuyên đề này tôi sẽ có được những kiến thức hữu ích về cách sử dụng và quản lý nguồn vốn, một trong những cách thức quan trọng đã đưa Xí Nghiệp đạt đến những thành tựu như ngày hôm nay. Đề tài gồm: - Chương 1 là chương giải thích lý do chọn đề tài, mục tiêu nghiên cứu là gì, phương pháp nghiên cứu để đạt đến những kết luận được rút ra và giới hạn của đề tài nghiên cứu. - Chương 2 là chương cơ sở lý thuyết, đây là chương xây dựng nền tảng lý luận cho việc phân tích và đánh giá để đưa ra những kết luận ở chương 4. - Chuơng 3 là chương giới thiệu tóm tắt về lịch sử hình thành và phát triển của Xí Nghiệp, tình hình hoạt động kinh doanh và những thông tin có liên quan làm cơ sở cho việc đánh giá hiệu quả sử dụng vốn tại Xí Nghiệp trong 3 năm gần đây. - Chương 4 là chương quan trọng nhất của chuyên đề. Thông qua nội dung trong chương này chúng ta sẽ có được các nhận định về tình hình sử dụng nguồn vốn tại Xí Nghiệp, đánh giá được hiệu quả hoạt động cũng như sức khỏe tài chính của Xí Nghiệp, đặc biệt là khả năng tạo ra lợi nhuận từ việc sử dụng nguồn vốn có hiệu quả. Đồng thời phát hiện được điểm mạnh, điểm yếu mà đưa ra các giải pháp đề xuất lên Xí Nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn hơn nữa. - Chương 5: “Kết luận và kiến nghị”, đây là chương cuối cùng của đề tài, là chương đúc kết lại tất cả những thông tin đã được phát hiện ở chương 4. Từ cơ sở thực tiễn và kết quả phân tích có được, bản thân người thực hiện sẽ tập trung đưa ra các kết luận và kiến nghị từ phía nhà nước và Xí Nghiệp để hoàn thiện hơn cho đề tài. Đề tài thực hiện có thể sẽ hay hơn nếu khắc phục được các hạn chế. Hạn chế ở đây chính là người thực hiện đã không tìm được đối tượng khác để so sánh với Xí Nghiệp được nghiên cứu nhằm gia tăng thêm sự khách quan trong việc đánh giá. Các thông số trong bài phân tích chỉ được đánh giá trong mối quan hệ với các thông số trong quá khứ. Nếu các thông số được đánh giá thêm trong mối quan hệ với các công ty tương tự (do Xí Nghiệp bao bì An Giang là một chi nhánh nhỏ của công ty Xây lắp An Giang, chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng nên rất khó trong việc tìm kiếm một công ty khác có hình thức kinh doanh tương tự để so sánh), với chỉ tiêu bình quân ngành (hiện nay ở Việt Nam thông tin về ngành còn rất hạn chế nên việc so sánh bên ngoài gần như ít có ý nghĩa). Chính những điều này đã làm hạn chế phần nào sự so sánh và đánh giá các chỉ số tài chính tại Xí Nghiệp. Đề tài đã hoàn thành tốt đẹp với sự hỗ trợ và giúp đỡ từ Xí Nghiệp bao bì An Giang và Trường Đại Học An Giang, đặc biệt là thầy Ngô Văn Quí và sự cố gắng của chính bản thân người thực hiện.