1. Tính cấp thiết của đề tài: Xu thế toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ hiện nay làm cho lực lượng sản xuất phát triển. Kéo theo đó là sự phân công lao động quốc tế ngày càng lớn. Trong quá trình vận động, toàn cầu hóa lại trở thành nhân tố thúc đẩy ngược trở lại làm cho quá trình trên phát triển nhanh hơn. Chỉ vài thập kỷ trôi qua, thế giới đã thay đổi nhanh chóng. Không gian và thời gian không còn là rào cản, sự phụ thuộc chặt chẽ giữa các thị trường vốn quốc tế ngày càng mở rộng, hàng loạt các thương vụ sáp nhập, hợp nhất, liên doanh, liên kết theo đó cũng gia tăng. Chính vì lẽ đó, một nhu cầu thực tiễn đặt ra đó là cần phải có một hệ thống kế toán chất lượng cao toàn cầu, một chuẩn mực thống nhất để ghi nhận thông tin tài chính. Nhu cầu này chính là điều kiện để đảm bảo cho các doanh nghiệp, tổ chức trên toàn thế giới áp dụng các nguyên tắc thống nhất trong công tác báo cáo tài chính. Cũng vì nguyên nhân này mà Ủy ban chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) đã chuyển trọng tâm sang xây dựng các chuẩn mực phức tạp hơn, có thể bắt buộc các thị trường vốn trên toàn thế giới phải tôn trọng. Một hệ thống chuẩn mực kế toán thống nhất chất lượng cao toàn cầu không chỉ gia tăng chất lượng báo cáo tài chính mà còn giảm đi chi phí vốn mà doanh nghiệp phải gánh chịu để lập báo cáo tài chính theo từng GAAP của quốc gia sở tại. Động thái này làm gia tăng niềm tin của nhà đầu tư quốc tế bởi nó gia tăng khả năng so sánh giữa các báo cáo tài chính của những công ty trên các thị trường vốn khác nhau. Với ưu thế rõ nét đó, ngày nay vấn đề đặt ra đối với các quốc gia không chỉ dừng lại ở việc hòa hợp chuẩn mực kế toán quốc tế mà phải là hội tụ với chuẩn mực kế toán quốc tế. Mỗi một quốc gia không ngừng nỗ lực để đạt đến hội tụ, không dừng ở góc độ thống nhất tiêu chuẩn thông tin tài chính mà còn thể hiện trách nhiệm với xã hội. Đây là xu hướng tất yếu khách quan nhưng con đường đi như thế nào là câu chuyện mà mỗi quốc gia phải tự tạo lập. Với sự kiện trở thành thành viên chính thức của WTO vào năm 2006, Việt Nam càng không thể đi lệch khỏi xu hướng phát triển tất yếu đó. Để đáp ứng yêu cầu hội nhập cũng như nhu cầu thông tin của các đối tượng sử dụng trong nền kinh tế toàn cầu hóa đòi hỏi hệ thống kế toán Việt Nam cần phải có những bước đi thích hợp hơn. Do đó, tác giả đã lựa chọn đề tài: “Một số định hướng cho kế toán Việt Nam trong tiến trình hội tụ kế toán quốc tế” để nghiên cứu như là một yêu cầu do thực tiễn đặt ra đối với khoa học