Một số biện pháp tăng cường phổ biến thông tin nghiên cứu khoa học giáo dục trong giai đoạn hiện nay

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    1. Thông tin chung về đề tài

    Mã số: V2010-23 (Đề tài cấp Viện)
    Chủ nhiệm đề tài: ThS. Đinh Tiến Dũng
    Các thành viên tham gia: TS. Vương Thanh Hương
    ThS. Phạm Thị Kim Phượng
    ThS. Lê Hồng Quân
    Thời gian bắt đầu / kết thúc: Tháng 07 năm 2010 / tháng 07 năm 2011

    2. Tính cấp thiết của đề tài

    Các quốc gia trên thế giới đã đưa ra nhiều giải pháp chia sẻ thông tin, tăng cường sử dụng các kết quả nghiên cứu trong việc ra quyết định giáo dục. Nghiên cứu giáo dục không những phải cung cấp những thông tin đủ, cập nhật, tin cậy cho việc ra các quyết định giáo dục mà còn phải đưa ra được các nhận xét, phán đoán, phân tích giúp điều chỉnh các quyết sách giáo dục kịp thời. Nghiên cứu khoa học giáo dục ở Việt Nam đã có những thành công và đóng góp nhất định trong hoạch định chính sách, chiến lược giáo dục trong những năm qua, tuy nhiên chưa thực sự hiệu quả, nhiều công trình nghiên cứu, kết quả nghiên cứu chưa được chia sẻ, phổ biến thống tin rộng rãi, kịp thời gây nên những hiểu lầm, tranh cãi trong quá trình phát triển giáo dục. Nghiên cứu tăng cường phổ biến thông tin khoa học giáo dục giai đoạn hiện nay mang tính cấp thiết nhằm đổi mới công tác quản lí giáo dục, hỗ trợ các cải tiến và cải cách giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng các quyết định giáo dục, tăng tính hiệu quả và thực tiễn của các chính sách, chiến lược giáo dục được đề xuất. Câu hỏi nghiên cứu đặt ra trong khuôn khổ đề tài cấp viện giải quyết các vấn đề: 1/ Các quyết định giáo dục/chính sách giáo dục có cần dựa trên các kết quả nghiên cứu giáo dục hay không? Tại sao?; 2/ Làm thế nào tăng cường phổ biến thông tin về kết quả nghiên cứu khoa học giáo dục trong thực tiễn quản lí và phát triển giáo dục?

    3. Mục tiêu nghiên cứu

    Đề xuất các biện pháp tăng cường phổ biến thông tin nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong giai đoạn hiện nay.

    4. Nội dung nghiên cứu

    Xác định vấn đề nghiên cứu và các yếu tố liên quan: một số khái niệm cơ bản, vai trò của thông tin nghiên cứu giáo dục trong việc ra quyết định, các yếu tố cần thiết đảm bảo phổ biến thông tin NCGD tới đối tượng dùng tin.

    Thực trạng phổ biến thông tin nghiên cứu giáo dục: nghiên cứu trường hợp phổ biến thông tin nghiên cứu giáo dục tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam về thực trạng hệ thống thông tin NCGD và hiệu quả phổ biến thông tin NCGD.

    Các biện pháp tăng cường phổ biến thông tin nghiên cứu giáo dục trong giai đoạn hiện nay.

    5. Phạm vi nghiên cứu


    Giới hạn nghiên cứu về hoạt động thông tin khoa học giáo dục và các kết quả nghiên cứu khoa học giáo dục tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trong giai đoạn 2004 - 2010.

    6. Phương pháp nghiên cứu

    Đề tài sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau: 1/ Phương pháp nghiên cứu tài liệu; 2/ Phương pháp điều tra thực tiễn thông tin thông qua phiếu hỏi; 3/ Tổng kết kinh nghiệm.

    7. Kết cấu của đề tài

    Nội dung đề tài: đề tài gồm 3 phần

    Phần 1. Cơ sở lý luận về phổ biến thông tin nghiên cứu khoa học
    1.1. Một số khái niệm cơ bản
    1.2. Vị trí, vai trò phổ biến thông tin trong nghiên cứu khoa học
    1.3. Các yếu tố cần thiết đảm bảo chất lượng phổ biến thông NCKH

    Phần 2. Thực trạng phổ biến thông tin NCGD tại Viện KHGD Việt Nam
    2.1. Chức năng thông tin khoa học của Viện
    2.2. Thực trạng các hình thức phổ biến thông tin tại Viện
    2.3. Đánh giá về mức độ đáp ứng của các hình thức phổ biến thông tin NCGD tại Viện
    2.4. Các yếu tố cần thiết đảm bảo chất lượng phổ biến thông tin nghiên cứu khoa học tại Viện KHGDVN
    2.5. Kết luận chương

    Phần 3. Các biện pháp tăng cường phổ biến thông tin nghiên cứu khoa học tại Viện KHGD Việt Nam trong giai đoạn hiện nay
    3.1. Các biện pháp
    3.2. Trưng cầu ý kiến về tính khả thi và mức độ cần thiết của các giải pháp

    8. Những đóng góp chính của đề tài

    Đề tài đã hệ thống những khái niệm cơ bản liên quan đến đề tài: Nghiên cứu giáo dục, thông tin khoa học, thông tin giáo dục, phổ biến thông tin, phổ biến thông tin khoa học giáo dục. Đồng thời xác định được vị trí, vai trò của phổ biến thông tin khoa học và các yếu tố cần thiết đảm bảo chất lượng phổ biến thông tin nghiên cứu khoa học.

    Trong phần 2, đề tài đã đi sâu vào thực trạng phổ biến thông tin nghiên cứu giáo dục tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam hiện nay, trên các phương diện: các hình thức phổ biến thông tin; nguồn lực thông tin hiện có; thực trang CSVC, chính sách, cơ chế cung cấp thông tin của Viện; đánh giá của người sử dụng về phổ biến thông tin hiện nay qua phiếu điều tra.

    Đề tài đề xuất 5 biện pháp tăng cường phổ biến thông tin: 1/ Nâng cao ý thức và mở các khóa đào tạo về kỹ năng phổ biến thông tin cho cán bộ làm công tác thông tin và cán bộ NCKH; 2/ Xây dựng cơ chế chia sẻ và cung cấp thông tin NCGD giữa các đơn vị; 3/ Ứng dụng CNTT để đổi mới các hình thức phổ biến thông tin; 4/ Phát triển dịch vụ phổ biến thông tin chọn loc; 5/ Phát triển nguồn lực thông tin theo định hướng nghiên cứu của Viện.

    9. Kết luận và khuyến nghị

    Kết luận

    Giữa hoạt động nghiên cứu khoa học và thông tin khoa học có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, không thể tách rời; tạo nên một quy trình thông tin khoa học. Thông tin giúp cho khoa học phát triển, không có thông tin thì không thể thực hiện được công tác nghiên cứu khoa học. Phổ biến thông tin trong dây truyền đó đóng một vai trò rất quan trọng, cần được nghiên cứu và tìm ra các hình thức phổ biến thông tin có hiệu quả tuỳ vào mô hình mỗi đơn vị thông tin.

    Công tác thông tin khoa học nói chung, và hoạt động phổ biến thông tin của Viện trong những năm qua phần nào đã có những đóng góp trong việc phổ biến các kết quả nghiên cứu khoa học của Viện ra bên ngoài, tuy nhiên vẫn còn nhiều kết quả nghiên cứu khoa học mà bạn đọc chưa được biết đến, thông tin nhiều khi đến với bạn đọc còn đến chậm, chưa đầy đủ và không còn mang tính thời sự.

    Nhiều công trình nghiên cứu khoa học lớn, có chất lượng chưa được xuất bản thành thành các ấn phẩm có tính phổ biến rộng rãi.

    Các cán bộ nghiên cứu của Viện tham gia phổ biến bằng nhiều hình thức: đăng bài báo khoa học, bài trên các trang tin điện tử, xuất bản các tài liệu, tham gia giảng dạy, các hội thảo. Tuy nhiên chưa có được thống kê cụ thể, và có hệ thống.

    Nhiều đề án, dự án có ảnh hưởng lớn đến ngành và được sự quan tâm của xã hội thiếu những thông tin mang tính chất khoa học từ Viện.

    Nguồn lực thông tin của Viện hiện có chưa đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu chuyên sâu của các cán bộ nghiên cứu trong Viện.

    Giữa Trung tâm Thông tin-thư viện và các đơn vị nghiên cứu chưa có được sự gắn kết thực sự, do chưa có được những quy định, quy chế đủ mạnh và mang tính chất bắt buộc.

    Các sản phẩm, dịch vụ thông tin đang tiến hành tại Trung tâm Thông tin - Thư viện chưa phản ánh được hết những kết quả nghiên cứu giáo dục của Viện hàng năm, đồng thời chưa có tính chất phổ biến rộng rãi.

    Khuyến nghị

    Viện cần ra một quy chế mang tính ”bắt buộc” trong việc các cán bộ tham gia phổ biến thông tin: điều này rất quan trọng, cán bộ nghiên cứu khoa học là hạt nhân trong hoạt động thông tin khoa học, họ là người sử dụng thông tin, nhưng cũng là người tạo nên các thông tin mới trong khoa học. Trung tâm Thông tin - Thư viện, tạp chí Khoa học giáo dục chỉ là đầu mối thu thập, lưu trữ và phổ biến những gì đã có, chứ không thể tạo ra được các phát kiến, những điều mới lạ trong khoa học.

    Tăng cường kinh phí để tăng cường tiềm lực thông tin cho Viện, cụ thể là: bổ sung và khai thác tài liệu nước ngoài, đa dạng hoá các loại hình tài liệu hiện đại (thuê hoặc mua các cơ sở dữ liệu, sách điện tử .), tiến hành số hoá các kho tư liệu, đào tạo và hướng dẫn người dùng tin, tạo lập và xuất bản các sản phẩm thông tin phục vụ nghiên cứu về khoa học giáo dục .

    Xây dựng mối liên kết giữa Trung tâm Thông itn - Thư viện với các đơn vị nghiên cứu khoa học trong và ngoài Viện để đánh giá, nắm bắt các nhu cầu thông tin về những lĩnh vực họ đang nghiên cứu, tham khảo ý kiến về nguồn tài liệu mà thư viện có thể bổ sung cho phù hợp.

    Cần đẩy mạnh việc phổ biến kết quả nghiên cứu khoa học của Viện ra bên ngoài bằng nhiều hình thức: Làm kỷ yếu tóm tắt kết quả nghiên cứu và phổ biến rộng rãi đến nhiều đối tượng (các cơ quan quản lý giáo dục, các trường, các sở); qua website của Viện, qua tạp chí của Viện, . Đối với sản phẩm ”Tóm tắt kết quả nghiên cứu khoa học” hàng năm, cần phải có độ bao phủ rộng hơn với các loại hình tài liệu khác ngoài các báo cáo tổng kết của các đề tài, nên tập hợp cả danh mục các bài báo, các tài liệu đã xuất bản, . của các cán bộ nghiên cứu trong Viện, và phải được phổ biến rộng rãi tới các Sở, các Trường, các đơn vị giáo dục.

    Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phổ biến thông tin nghiên cứu khoa học, tư vấn khoa học bằng các hình thức: thường xuyên đưa tin bài lên website, đẩy mạnh tư vấn khoa học qua chuyên mục hỏi đáp trên website, tiến hành làm các bản tin điện tử (dạng newsletter) và gửi tới email của các đối tượng người dùng tin; Mở diễn đàn khoa học của Viện, thu thập, tập hợp các blog, các website cá nhân của các nhà nghiên cứu khoa học trong Viện.

    Trang tin điện tử của Viện cần phải hoạt động chính quy, chuyên nghiệp hơn, ngoài việc đầu tư xây dựng, nâng cấp, cần phải có những đầu tư mạnh về tài chính để xây dựng phần nội dung thông tin, bên cạnh phải có những quy chế, quy định việc cung cấp, chia sẻ thông tin cho website.

    Xây dựng một hệ thống thông tin hoàn chỉnh của Viện: để có thể kết hợp, chiết xuất các thông tin cần thiết, đồng thời tránh được sự trùng lặp không cần thiết, ví dụ có thể đưa các thông tin về một cán bộ nghiên cứu, thông tin cụ thể về các đề tài nghiên cứu, thông tin về các dự án,

    Từ khóa: 1/ Thông tin khoa học giáo dục; 2/ Phổ biến thông tin.

    Chi tiết xin liên hệ: Phòng Thư viện, số điện thoại: 04-39423754 hoặc theo địa chỉ thư điện tử: [email protected] 

    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...