Thạc Sĩ Mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục ÊĐê (qua thực tiễn xét xử của Tòa án nhân dân tỉnh ĐakLak)

Thảo luận trong 'Chưa Phân Loại' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    1. Tính cấp thiết của luận văn
    Dân tộc ÊĐê là một trong 54 dân tộc anh em trong cộng đồng người Việt Nam, sống chủ yếu ở năm tỉnh Tây Nguyên đông nhất là ở DakLak, DakNông và sau đó là Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng. Dân số khoảng 250.000 người. Từ xưa đến nay đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê sống và điều chỉnh hành vi bằng luật tục của dân tộc mình ít quan tâm đến pháp luật của Nhà nước. Do vậy, có không ít những phong tục, tập quán lạc hậu đã cản trở sự phát triển lành mạnh của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê. Mặt khác, có những phong tục tập quán tiến bộ kết tinh từ bao đời nay của người ÊĐê lại chưa được pháp luật Nhà nước ta ghi nhận. Vì vậy, pháp luật đi vào cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê chưa thật sự tự nhiên và ít hiệu quả. Điều này tạo nên sự cách biệt, thậm chí là xung đột không đáng có giữa cộng đồng người ÊĐê với người Kinh trong thời gian vừa qua.
    Trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân của Nhà nước ta hiện nay, pháp luật đã được xác định là công cụ quan trọng nhất để nhà nước quản lý xã hội. Vì vậy, Nhà nước ta đã sử dụng nhiều phương pháp để đưa pháp luật đi vào cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê. Mặt khác, vai trò của luật tục ÊĐê cũng được nâng lên một bước.
    Tuy nhiên, về mặt lý luận, mối quan hệ giữa pháp luật với luật tục nói chung và luật tục ÊĐê nói riêng chưa được giải quyết một cách triệt để, đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến trong thực tiễn xây dựng, tổ chức thực hiện và bảo vệ pháp luật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê trong thời gian qua còn nhiều hạn chế và khiếm khuyết. Điều đó cho thấy cần thiết phải nghiên cứu một cách toàn diện và sâu sắc mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục ÊĐê nhằm chỉ rõ những điểm tương đồng, điểm khác biệt đồng thời nêu những mặt tích cực cũng như những hạn chế của từng yếu tố trong quản lý xã hội, chỉ rõ sự tác động qua lại, hỗ trợ, bổ sung cho nhau giữa chúng Trên cơ sở đó đánh giá một cách khách quan, toàn diện thực trạng mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục ÊĐê trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta hiện nay. Từ đó có cơ sở đề ra những giải pháp tăng cường mối quan hệ giữa pháp luật với luật tục ÊĐê sao cho pháp luật và luật tục ÊĐê được sử dụng một cách có hiệu quả nhất trong việc quản lý cộng đồng người dân tộc thiểu số ÊĐê trong thời gian tới.
    Với lý do trên, tác giả chọn đề tài: "Mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục ÊĐê (qua thực tiễn xét xử của Tòa án nhân dân tỉnh ĐakLak)" để nghiên cứu và viết luận văn thạc sĩ luật học.
    2. Tình hình nghiên cứu
    Qua tìm hiểu nghiên cứu đề tài này, tác giả nhận thấy từ trước đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về luật tục của các dân tộc Việt Nam nói chung và một số công trình nghiên cứu luật tục của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê, cụ thể:
    - Luật tục ÊĐê, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 1996. Công trình này tác giả thống kê, sắp xếp các quy định của luật tục ÊĐê từ khi hình thành đến năm 1996, bằng hai thứ tiếng Việt - ÊĐê. Đồng thời, nêu những nét khái quát về sự hình thành và phát triển của luật tục ÊĐê, vị trí vai trò của luật tục ÊĐê trong đời sống của người ÊĐê từ trước tới nay.
    - Luật tục và phát triển nông thôn hiện nay ở Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 2000. Trong công trình này ngoài các phần viết về luật tục của các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam nói chung, có phần viết về lịch sử hình thành luật tục ÊĐê, vai trò của luật tục ÊĐê trong đời sống cộng đồng người ÊĐê và nêu một số thực trạng tranh chấp và giải quyết tranh chấp đất đai trong các thời kỳ lịch sử gắn liền với sự phát triển của luật tục ÊĐê.
    - Luật tục Tây Nguyên - giá trị văn hóa pháp lý, quản lý cộng đồng và mối quan hệ với pháp luật (Hoàng thị Kim Quế, Tạp chí Khoa học kinh tế luật, số 1/2005).
    - Vai trò của người điều hành và thực thi luật tục; Giải quyết tranh chấp về dân sự trong luật tục ÊĐê; Hiệu lực của luật tục ÊĐê trong dời sống dân sự hiện đại (Y Nha, Nguyễn Lộc - Tòa án nhân dân tỉnh DakLak). Các công trình này tác giả viết dưới dạng đề tài khoa học nghiên cứu các vấn đề liên quan đến vai trò của các già làng, trưởng buôn trong giải quyết tranh chấp dân sự phát sinh trong đời sống của cộng đồng người ÊĐê và nghiên cứu tính hiệu lực trên thực tế của luật tục ÊĐê.
    - Những quy định của luật tục ÊĐê về hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (luật sư Phùng Trung Tập). Nêu trình tự thủ tục giao kết hợp đồng dân sự, giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự và giải quyết bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của luật tục ÊĐê
    Ngoài ra, còn có một số công trình nghiên cứu của một số tác giả về lĩnh vực hôn nhân gia đình, lĩnh vực văn hóa dân gian, lĩnh vực môi trường v.v
    Như vậy trong thời gian qua, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về luật tục ÊĐê, mỗi công trình tiếp cận nghiên cứu luật tục ÊĐê ở các góc độ khác nhau, nhưng chưa có đề tài nào riêng biệt nói về mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam hiện nay. Vì vậy, việc nghiên cứu mối quan hệ giữa pháp luật với luật tục ÊĐê đáp ứng yêu cầu cấp bách cả lý luận và thực tiễn hiện nay ở Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng.
    3. Phạm vi nghiên cứu
    * Về đối tượng nghiên cứu của luận văn:
    Luận văn nghiên cứu một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục ÊĐê (thông qua hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân tỉnh DakLak) trên một số lĩnh vực nhất định.
    * Về thời gian:
    Trong phạm vi của một luận văn thạc sĩ, tác giả chỉ nghiên cứu mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục ÊĐê dựa trên số liệu điều tra xã hội học tại các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê trên địa bàn tỉnh DakLak và thông qua hoạt động xét xử các loại án ở Tòa án nhân dân DakLak.
    4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
    * Mục đích nghiên cứu:
    Mục đích của luận văn là trên cơ sở nghiên cứu lý luận, phân tích và đánh giá thực trạng mối quan hệ giữa pháp luật với luật tục của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê, luận văn nêu ra một số giải pháp tăng cường giải quyết tốt mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục ÊĐê hiện nay.
    * Nhiệm vụ nghiên cứu:
    Nhiệm vụ của luận văn, phân tích cơ sở lý luận của mối quan hệ giữa pháp luật với luật tục của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê cụ thể là:
    - Xác định vị trí, vai trò của pháp luật và luật tục của đồng bào thiểu số ÊĐê trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay.
    - Phân tích những nét tương đồng, khác biệt và mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê.
    - Nêu bật được thực trạng mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê hiện nay, có số liệu cụ thể chứng minh thực trạng lấy từ việc điều tra xã hội học ở các buôn làng dân tộc thiểu số ÊĐê trên địa bàn tỉnh DakLak và thống kê được từ hoạt động xét xử các loại án ở Tòa án nhân dân tỉnh DakLak.
    - Trên cơ sở phân tích lý luận và thực trạng về mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê hiện nay, rút ra mặt được và mặt chưa được, nguyên nhân của thành công và tồn tại. Từ đó đưa ra quan điểm và giải pháp tăng cường mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục của đồng bào dân tộc thiểu số Ê Đê trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay.
    5. Phương pháp nghiên cứu
    Luận văn nghiên cứu dựa trên cơ sở phương pháp luận của triết học Mác - Lênin về chủ nghĩa duy vật biện chứng, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng nhà nước pháp quyền nói chung và chính sách dân tộc nói riêng.
    Phương pháp nghiên cứu: Luận văn được nghiên cứu dựa trên các phương pháp: phân tích - tổng hợp, lịch sử - cụ thể; kết hợp các phương pháp điều tra xã hội học, phương pháp thống kê tổng hợp số liệu thông qua hoạt động xét xử các loại án ở Tòa án nhân dân tỉnh DakLak.
    6. Ý nghĩa của luận văn
    Về lý luận:
    Luận văn góp phần làm phong phú thêm kho tàng lý luận nhà nước và pháp luật về mối quan hệ giữa pháp luật với các quy phạm xã hội khác.
    Về thực tiễn:
    Luận văn có thể làm tài liệu nghiên cứu, tham khảo trong việc xây dựng pháp luật về chính sách dân tộc của Nhà nước ta trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay.
    Luận văn nghiên cứu vấn đề về mối quan hệ tương tác giữa pháp luật và luật tục của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê trong khi ở địa bàn bốn tỉnh Tây Nguyên đang có nhiều cuộc bạo loạn của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê nổi lên đòi thành lập nhà nước Đề Ga độc lập. Tác giả mong muốn kết quả nghiên cứu của bản luận án này góp phần tích cực về việc hài hòa mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục của đồng bào dân tộc thiểu số ÊĐê; làm cầu nối cho người dân tộc thiểu số ÊĐê chung sống hòa bình, tự nhiên với cộng đồng người Việt trên đất nước Việt Nam.
    7. Kết cấu của luận văn
    Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 3 chương:
    Chương 1: Cơ sở lý luận về mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục ÊĐê.
    Chương 2: Thực trạng mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục.
    Chương 3: Quan điểm và giải pháp nhằm tăng cường giải quyết tốt mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục ÊĐê ở tỉnh ĐăkLăk hiện nay
     
Đang tải...