Mô hình sách giáo khoa nhằm đáp ứng yêu cầu của chương tình giáo dục phổ thông Việt Nam sau 2015

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    1. Thông tin chung

    Mã số: V2012-03NV
    Chủ nhiệm đề tài: PGS. TS. Đỗ Ngọc Thống
    Thời gian bắt đầu/kết thúc: Tháng 6 năm 2012/ tháng 6 năm 2013

    2. Tính cấp thiết

    Từ trước đến nay, trong việc dạy và học ở nhà trường phổ thông, SGK đều có vị trí hết sức quan trọng. Ngay cả trong bối cảnh ngày nay, những năm đầu của thập kỉ thứ 2, thế kỷ XXI, khi văn hóa nghe nhìn và kĩ thuật số ngày càng thịnh hành và “lấn át” nhiều bình diện của văn hóa đọc, SGK vẫn không thể thiếu trong nhà trường, vẫn là một công cụ chủ đạo, một phương tiện quan trọng để dạy và học. Trong mối quan hệ với chương trình , SGK là sự thể hiện sinh động, cụ thể các yêu cầu của một chương trình giáo dục. Yêu cầu của chương trình và chuẩn chương trình là mục đích cần đạt, SGK là phương tiện giúp người dạy và người học đạt được mục đích ấy. Chính vì thế, từ trước đến nay, cả lý luận và thực tiễn, cứ mỗi lần thay đổi chương trình GDPT thì tất yếu phải thay đổi SGK: ít hoặc nhiều từ nội dung đến hình thức thể hiện sao cho phù hợp và đáp ứng được những yêu cầu của chương trình mới.

    Chương trình và SGK sau năm 2000 đã có nhiều thay đổi đáng kể, tuy nhiên cũng còn nhiều hạn chế, nhất là nhìn từ yêu cầu giúp cho việc đổi mới phương pháp dạy học. Chính vì thế, trong Thông báo Kết luận của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết TƯ 2(khóa VIII), phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020 đã nêu rõ yêu cầu: ”Rà soát lại toàn bộ chương trình và SGK phổ thông, sớm khắc phục tình trạng quá tải, nặng về lí thuyết, nhẹ về thực hành, chưa khuyến khích đúng mức tính sáng tạo của người học; chuẩn bị kỹ việc xây dựng và triển khai thực hiện bộ chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng hiện đại, phù hợp và có hiệu quả. Hiện nay Bộ GD & ĐT đang soạn thảo “Đề án đổi mới chương trình và SGK những năm sau 2015”. Đề án này, có rất nhiều điểm mới với một số định hướng cơ bản sau đây: 1/ Phát triển chương trình theo định hướng phát triển năng lực; 2/ Tăng cường tích hợp nội dung để tập cho HS làm quen với phát hiện, giải quyết vấn đề bằng cách huy động nhiều kiến thức, kĩ năng cơ bản của nhiều môn học, đáp ứng yêu cầu thực hành gắn với thực tiễn cuộc sống thực tiễn của HS; 3/ Thực hiện phân hóa ngày càng sâu để đáp ứng nhu cầu cá nhân của HS, cân đối giữa “dạy chữ”, ‘dạy người” và từng bước “dạy nghề”; 4/ Đặc biệt là định hướng thứ 6 liên quan trực tiếp đến việc biên soạn SGK và tài liệu dạy học.

    Trong những năm gần đây, công nghệ thông tin truyền thông (ICT) phát triển hết sức mạnh mẽ. Nó có ảnh hưởng và tác động đến tất cả các phương diện của đời sống, trong đó có ngành giáo dục. Hơn bao giờ hết, ngành giáo dục cần đi trước trong việc ứng dụng ICT vào dạy học trong nhà trường. Để đổi mới phương pháp dạy học, cần phải chú ý rất nhiều yếu tố, trong đó có việc đổi mới biên soạn SGK, nhất là việc cung cấp cho họ các tư liệu dạy học phong phú và sống động (hình ảnh, các đoạn video-clip, băng hình động ). Trong xu thế hội nhập quốc tế, nhiều vấn đề giáo dục cần thay đổi theo hướng hòa nhập, nhằm bắt kịp với mặt bằng giáo dục chung của nhiều nước có nền giáo dục phát triển tiên tiến. Muốn thế cần học tập kinh nghiệm của các nước đi trước trong việc biên soạn SGK.

    3. Mục tiêu nghiên cứu

    Đề tài tập trung nghiên cứu làm rõ vấn đề sau đây: 1/ Đánh giá những điểm có thể kế thừa và điểm bất cập cần bổ sung thay đổi của SGK hiện hành theo yêu cầu mới; 2/ Nghiên cứu xác định mô hình tổng quát (các yêu cầu chung) cho SGK theo định hướng của chương trình sau 2015; 3/ Đề xuất mô hình SGK cho một số môn cụ thể (vận dụng mô hình tổng quát vào môn học).

    4. Nội dung nghiên cứu

    - Cơ sở khoa học cho việc đề xuất mô hình SGK sau 2015
    - Đề xuất mô hình SGK sau 2015

    5. Phạm vi nghiên cứu

    Đề tài chỉ nghiên cứu mô hình SGK nói chung và mô hình SGK một số môn nhằm đáp ứng yều cầu của chương trình giáo dục phổ thông sau 2015.

    6. Phương pháp nghiên cứu

    Phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong đề tài gồm: Nghiên cứu lý luận, nghiên cứu so sánh giáo dục, phương pháp hồi cứu tư liệu, phương pháp khảo sát và phương pháp chuyên gia.

    7. Kết cấu của đề tài

    Nội dung đề tài: đề tài gồm 2 chương:

    Chương 1. Cơ sở khoa học cho việc đề xuất mô hình SGK sau 2015

    1.1. Bối cảnh và những yêu cầu của cuộc sống hiện đại
    1.2. Định hướng đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015
    1.3. Quan niệm về mô hình SGK: quan niệm chung và mô hình SGK theo định hướng phát triển năng lực
    1.4. Xu thế quốc tế về xây dựng chương trình và các xu hướng nghiên cứu SGK
    1.5. Đánh giá khái quát về chương trình, SGK giáo dục phổ thông hiện hành

    Chương 2. Đề xuất mô hình SGK sau 2015

    2.1. Những yêu cầu của SGK mới
    2.2. Tiêu chí đánh giá SGK
    2.3. Đề xuất cấu trúc SGK mới
    2.4. Đề xuất mô hình SGK cho một số môn học

    8. Những đóng góp chính của đề tài

    SGK nói chung, lâu nay được biên soạn theo định hướng nhằm truyền thụ kiến thức là chính. Vì thế, sách thường tập trung nhiều về việc cung cấp nội dung, chạy theo khối lượng kiến thức. Hầu như ít chú ý đến việc gợi mở, cung cấp cho HS cách học, cách tìm hiểu bài học, phương pháp học. Dẫn đến giáo án của GV chủ yếu là giáo án nội dung chứ không phải là giáo án phương pháp.

    Định hướng chương trình hình thành và phát triển năng lực cùng với yêu cầu đổi mới PPDH đòi hỏi phải thay đổi cách biện soạn SGK. SGK cần thay đổi theo hướng tập trung giúp HS biết cách học, cách khai thác để nắm được các thông tin quan trọng trong SGK, từ đó mà tự học, tự tìm hiểu, khám phá và nhất là biết cách vận dụng các kiến thức đã học vào giải quyết các tình huống trong cuộc sống. Để đạt được mục tiêu đó, SGK cần giảm bớt việc cung cấp số lượng nội dung tri thức cụ thể, tăng cường các chỉ dẫn về phương pháp, cách thức, nêu các tình huống có vấn đề, các câu hỏi cốt lõi cần thảo luận (câu hỏi mở), các hướng trả lời khác nhau, trái ngược nhau (đáp án mở). Như thế đổi mới biên soạn SGK mới không có nghĩa là cần và chỉ cần kết hợp với ICT mà trước hết cần đổi mới quan niệm dạy học, chuyển đổi cả hệ hình tư duy và thực hành dạy học.

    Ngày nay, ICT đã tác động và ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi phương diện của đời sống, học tập, nghiên cứu. Vì thế, dạy học trong nhà trường không thể không đặt ra việc sử dụng, kết hợp và khai thác triệt để thế mạnh của ICT. Muốn thế ngay từ việc biên soạn SGK cần nghiên cứu để đề xuất được một mô hình phù hợp với sự kết hợp giữa sách giấy và đĩa CD. Hai loại này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau nhưng cũng có tính độc lập tương đối để có thể vận dụng linh hoạt. Phần cốt lõi, đã được sách giấy giải quyết, không có CD người GV vẫn có thể hoàn thành bài học theo hướng đổi mới phương pháp.

    Sản phẩm ứng dụng ICT đối với dạy học giúp HS thay đổi cách học, phương pháp học nhất là cách khai thác thông tin. ICT cũng giúp người GV đổi mới phương pháp dạy học, tuy nhiên cần thận trọng với phần đĩa kèm SGK. Loại này không nên ôm đồm, gây quá tải nặng nề, cần thiết kế tinh giản, dễ sử dụng trong việc kết hợp với sách giấy, hấp dẫn và có hiệu qủa cao. Những CD tư liệu tham khảo thì nên tận dụng triệt để hơn nhằm cung cấp thêm nhiều tri thức, kĩ năng, đa dạng, phong phú, nhiều chiều để giúp GV và HS mở rộng, đào sâu, phân hóa cho nhiều đối tượng khác nhau.

    Tương ứng với việc đổi mới nội dung chương trình, SGK cần thay đổi cách thức biên soạn theo hướng mỗi bài học đưa ra các tình huống giàu tính thực tiễn hoặc các tình huống giả định buộc phải vận dụng các kiến thức và kĩ năng để tìm ra cách giải quyết, tăng cường yêu cầu thực hành vận dụng, thông qua các hoạt động, HS tự khám phá tri thức mới, hình thành và phát triển các kĩ năng thiết yếu. Với một số môn học, để tăng cường tính linh hoạt, mềm dẻo của chương trình cần biện soạn theo hình thức các mô–đun.

    Trong thời địa kĩ thuật số, SGK có nhiều thay đổi cả nội dung, chức năng và nhiệm vụ. Tuy nhiên đó vẫn là một trong những tài liệu quan trọng bậc nhất phục vụ quá trình dạy và học, đúng như Shannon đã từng nhận xét: “SGK là một sản phẩm quan trọng trong thế giới rộng lớn của nhà trường, giới thiệu cho GV và HS những tri thức kinh điển của các môn học như là các giá trị, thái độ, hành vi và kĩ năng được ưu tiên hơn của các chuyên gia trong lĩnh vực này.” (Natioanl Curriculum – Shannon, 2010, p.397).

    9. Kết luận và khuyến nghị

    Với kết quả nghiên cứu, đề tài nhận thấy để biên soạn và thực hiện có hiệu quả SGK hiện đại cần tiến hành đồng bộ một số thay đổi sau:

    Tiến hành nghiên cứu mô hình SGK hiện đại trong mối quan hệ với mô hình sách GV để thống nhất và có thể bổ sung hoàn thiện lẫn nhau.

    Cần làm tốt công tác đào tạo – bồi dưỡng GV về cả nội dung nhận thức và tay nghề thực hiện (năng lực) theo định hướng mới của SGK và yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học. GV cần thực hành để vận dụng tốt kĩ năng sử dụng máy vi tính và các phương tiện ICT.

    Cần bổ sung, điều chỉnh vào chuẩn đánh giá năng lực và kết quả dạy học của GV bộ môn về những yêu cầu thực hiện nghiệp vụ sư phạm theo hướng đổi mới việc biên soạn giáo án và tiến trình tổ chức dạy học; xác định lại mục tiêu và yêu cầu của việc soạn giáo án theo tinh thần mới.

    Cần nâng cấp và cải thiện cơ sở vật chất, các trang thiết bị dạy học của nhà trường để có các công cụ tối thiểu cho việc thực hiện kết hợp SGK giấy và các công cụ ICT. Để dạy theo sách GV hiện đại như đã nêu ngoài phòng học bàn ghế cần có ít nhất màn hình, máy chiếu projector, máy tính và các phương tiện nghe nhìn khác.

    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...