Thạc Sĩ Marketing trực tiếp và việc ứng dụng vào Việt Nam

Thảo luận trong 'THẠC SĨ - TIẾN SĨ' bắt đầu bởi Phí Lan Dương, 31/12/13.

  1. Phí Lan Dương

    Phí Lan Dương New Member
    Thành viên vàng

    Bài viết:
    18,524
    Được thích:
    18
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    PHẦN MỞ ĐẦU
    ​​
    1. Tính cấp thiết của đề tài luận án
    Việt Nam đã tiếp cận nền kinh tế thị trường hơn 20 năm, một khoảng thời gian chưa dài nhưng cũng không ngắn để các doanh nghiệp có thể vận dụng những phương pháp quản lý của cơ chế thị trường. Marketing và quản trị marketing đã và đang được xem như một trong những triết lý kinh doanh quan trọng giúp doanh nghiệp đạt được những thành công trong dài hạn. Tuy nhiên, việc vận dụng lý thuyết này vẫn cần xem xét với hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam. Việc nghiên cứu sâu sắc và vận dụng các phương diện khác nhau của marketing là cần thiết để phổ cập tư tưởng chính thống và cập nhật của marketing theo đúng bản chất của nó.
    Thực tế, việc ứng dụng marketing ngày nay chịu ảnh hưởng sâu sắc của các yếu tố như toàn cầu hóa, công nghệ kỹ thuật, sản phẩm và cách tiếp cận khách hàng. Sự thay đổi của môi trường kinh doanh, hành vi khách hàng cùng với sự phát triển của các hình thức kinh doanh mới trên thị trường “một thế giới” rộng lớn và ngày càng đa dạng đã tạo ra xu hướng mới trong ứng dụng marketing - marketing trực tiếp. Marketing trực tiếp xuất hiện làm biến đổi cơ bản các hình thức cạnh tranh trong môi trường kinh doanh toàn cầu đầy biến động.
    Marketing trực tiếp, một hình thức marketing không quá mới trên thế giới nhưng còn xa lạ với các doanh nghiệp Việt Nam. Hơn nữa, ở Việt Nam chưa có một công trình nào khái quát và tổng kết một cách hệ thống chủ đề này. Đó cũng chính là một vài lý do làm cho ứng dụng marketing trực tiếp ở Việt Nam chưa được đề cao và cũng chưa giúp các doanh nghiệp đạt hiệu quả như mong muốn. Làm thế nào để ứng dụng hiệu quả marketing trực tiếp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong nền kinh tế thị trường là một câu hỏi cần trả lời và“Marketing trực tiếp và việc ứng dụng vào Việt Nam” là vấn đề mà NCS đã lựa chọn làm chủ đề cho luận án của mình.
    Trong nền kinh tế thị trường, khi cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt, các doanh nghiệp không muốn phung phí nguồn lực để đầu tư cho hoạt động “marketing hướng tới tất cả mọi người”. Họ muốn có được phản ứng đáp lại có thể cảm nhận được từ khách hàng trước các nỗ lực marketing của doanh nghiệp và qua đó đo lường hiệu quả của các nỗ lực đó. Chính vì vậy, marketing trực tiếp với ưu thế đáp ứng được những mong muốn đó sẽ ngày càng được xem là công cụ hữu hiệu cho các doanh nghiệp, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
    2. Mục đích và ý nghĩa nghiên cứu của luận án
    Đề tài này được thực hiện hướng vào các mục tiêu cơ bản sau đây:
    - Làm rõ khái niệm, bản chất và điều kiện áp dụng marketing trực tiếp; nhận dạng ưu và nhược điểm của hình thức này;
    - Tìm hiểu những công cụ được sử dụng trong marketing trực tiếp;
    - Nhận dạng những thuận lợi và khó khăn khi ứng dụng marketing trực tiếp trong hoạt động kinh doanh ở Việt Nam;
    - Đề ra các giải pháp hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam vận dụng marketing trực tiếp nâng cao khả năng cạnh tranh trong điều kiện hội nhập kinh tế toàn cầu.

    3. Tổng quan những nghiên cứu đã có liên quan tới đề tài luận án

    Marketing trực tiếp là một hình thức marketing không quá mới trên thế giới nhưng còn xa lạ với các doanh nghiệp Việt Nam. Trên thế giới, có một số các đề tài đã nghiên cứu về marketing trực tiếp như Cách tiếp cận định lượng nhằm tối đa hóa lợi nhuận trong marketing trực tiếp (Quantitative Approaches for Profit Maximization in Direct Marketing, 1999) của Hiek van der Scheer. Trong nghiên cứu này, Hiek van der Scheer quan tâm tới việc lượng hóa các kết quả nhờ các hoạt động marketing trực tiếp. Hay Mô hình hóa hành vi mua lại của khách hàng trong marketing trực tiếp nhờ tham khảo lý thuyết mạng Bayesian (Bayesian neural network learning for repeat purchase modelling in direct marketing) của nhóm tác giả Bart Baesens, Stijn Viaene, Dirk Van den Poel, Jan Vanthienen và Guido Dedene của Đại học Ghent University, Khoa Marketing, Hoveniersberg 24,
    B-9000 Ghent, Bỉ thì chỉ quan tâm tới hoạt động kinh doanh qua mạng của eBay nhờ khả năng đo lường tần suất mua hàng qua mạng của khách hàng. Bài viết Mô hình hóa khả năng dự báo trong marketing trực tiếp tự động (Predictive modeling in automotive direct marketing) của W Gersten, R Wirth, D Arndt đăng trong kỷ yếu hội thảo Proceedings of the sixth ACM SIGKDD international conference on Knowledge discovery and data mining tại Boston, Massachusetts, United States năm 2000 thì tập trung vào việc phân tích khả năng dự báo tiềm năng thị trường nhờ việc áp dụng marketing trực tiếp trong công nghệ thông tin, điện tử hóa các đơn đặt hàng của khách hàng qua mạng . Qua những nghiên cứu đó và qua các giáo trình về marketing, có thể thấy marketing trực tiếp đã và đang tạo sức mạnh cho các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Nhưng các nghiên cứu đó chưa cụ thể hóa trong môi trường kinh doanh tại một nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam.
    Còn ở Việt Nam chưa có một công trình nào khái quát và tổng kết một cách hệ thống chủ đề này. Chỉ có một số bài viết có liên quan như internet marketing, email marketing trên các trang điện tử như www.CRM.com.vn, openshare.com.vn, marketingchienluoc.com. Tuy nhiên, đó chỉ là các bài viết lẻ, chưa hệ thống hóa được cụ thể marketing trực tiếp là gì và những ưu và nhược điểm của nó và càng chưa nên rõ điều kiện áp dụng của từng hình thức marketing trực tiếp. Một số bài viết lẻ về các công cụ của marketing như telemarketing, internet marketing hay bưu chính marketing cũng có đâu đó ở một vài tờ báo nhưng chúng được xuất bản một cách rời rạc nên người đọc nói chung vẫn chưa đúc kết được một cách hệ thống về marketing trực tiếp. Và đó cũng chính là một vài lý do làm cho ứng dụng marketing trực tiếp ở Việt Nam chưa được đề cao và cũng chưa giúp các doanh nghiệp đạt hiệu quả như mong muốn.
    Các trường đại học có chuyên ngành marketing cũng chưa có tài liệu chính thống nào để đưa lý thuyết này vào giảng dạy. Tác giả hy vọng, việc đầu tư nghiên cứu sâu vào vấn đề này sẽ giúp tạo nên một khuôn khổ lý thuyết và thực tiễn, là cơ sở để các nhà kinh doanh, nhà quản lý và sinh viên có được một cái nhìn đúng đắn về marketing trực tiếp và thực trạng ứng dụng nó tại Việt Nam. Đồng thời, luận án cũng hy vọng xác định được cách thức ứng dụng marketing trực tiếp vào thị trường Việt Nam hiệu quả nhất. Báo cáo cuối cùng của đề tài luận án có thể là tài liệu tham khảo có giá trị không những cho các doanh nghiệp mà còn là một cuốn tài liệu giảng dạy về marketing trực tiếp ở Việt Nam trong những năm tới.

    4. Đối tượng, phương pháp và phạm vi nghiên cứu

    Thực hiện đề tài này, NCS sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau như nghiên cứu tại bàn, điều tra khảo sát, phân tích tổng hợp, phỏng vấn chuyên gia . với cách tiếp cận duy vật biện chứng. Phương pháp nghiên cứu tại bàn được sử dụng trong thu thập dữ liệu thứ cấp. Những tài liệu trong và ngoài nước nghiên cứu về lý thuyết và ứng dụng marketing trực tiếp được tác giả thu thập, dịch thuật và tổng hợp lại nhằm đưa ra một khung lý thuyết tương đối đầy đủ về marketing trực tiếp cũng như những điều kiện cần thiết để áp dụng hình thức marketing này trong hoạt động kinh doanh.
    Nhiều dữ liệu thứ cấp, những lý thuyết về marketing trực tiếp được tác giả thu thập từ nhiều nguồn khác nhau như sách, báo, tạp chí, internet. Thực trạng ứng dụng marketing trực tiếp trên thế giới và Việt Nam trong các báo cáo nghiên cứu đã có như Emerate, Proquest hay Lexis Nexis cũng được tác giả khai thác nhằm có một cái nhìn tổng quan nhất về lý thuyết marketing trực tiếp và thực trạng ứng dụng marketing trực tiếp trên thế giới. Có thể khẳng định, những kiến thức trình bày trong luận án này được thu thập từ rất nhiều nguồn trên thế giới. Những dữ liệu đó được đăng tải trong khoảng thời gian từ 1999 đến 10/2008.
    Xuất phát từ quan điểm cho rằng, marketing có thể làm thay đổi trạng thái của cầu, tác giả phân tích từ vĩ mô tới vi mô, từ lý thuyết tới thực tế để để khẳng định sự ra đời và phát triển của marketing là xu thế tất yếu. Nghiên cứu sinh đã tiến hành thu thập dữ liệu sơ cấp về thực trạng ứng dụng marketing trực tiếp tại một số các doanh nghiệp Việt Nam: nhận thức, thái độ, đầu tư và những công cụ marketing trực tiếp họ đã sử dụng. Những đánh giá về hiệu quả của các công cụ marketing trực tiếp và dự định sử dụng marketing trực tiếp trong tương lai cũng được khai thác. Ngoài ra, một nghiên cứu nhỏ nhằm tìm hiểu khả năng chấp nhận của khách hàng Việt Nam với các hình thức marketing trực tiếp mà các doanh nghiệp sử dụng cũng được thực hiện; qua đó NCS hy vọng làm sáng tỏ những điều kiện để người tiêu dùng Việt Nam chấp nhận hình thức marketing này.
    Phương pháp nghiên cứu tại hiện trường với bảng câu hỏi được thực hiện với 282 doanh nghiệp trên cương vị là nhà cung cấp; 112 doanh nghiệp trên cương vị là khách hàng và 572 người tiêu dùng Việt Nam. Ba đối tượng trên được tác giả tiếp cận bằng 3 Phiếu điều tra khác nhau. Phiếu điều tra và những bảng kết quả nghiên cứu cụ thể được trình bày trong phần phụ lục đính kèm. Những dữ liệu sơ cấp được thu thập và xử lý bằng máy tính, phần mềm phân tích dữ liệu thống kê SPSS, phiên bản 13.2. Dữ liệu sơ cấp được thu thập nhằm thực hiện đề tài này trong khoảng thời gian từ năm 2005 tới 2007.
    Do thời gian và nguồn lực có hạn, đối tượng nghiên cứu cho các tài liệu sơ và thứ cấp tập trung chủ yếu ở thị trường Hà Nội, nơi được coi là trung tâm văn hóa và thương mại của cả nước, với thu nhập bình quân gấp 3 lần thu nhập bình quân đầu người của cả nước và được đánh giá là một trong những nơi phù hợp với marketing trực tiếp nhất. Những mẫu nghiên cứu điển hình ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hải Phòng cũng được nghiên cứu như những đối chứng.

    5. Bố cục của luận án
    Bên cạnh phần mở đầu và kết luận luận án được kết cấu thành 3 chương: Chương 1: Tổng quan về marketing trực tiếp
    Chương 2: Thực trạng ứng dụng marketing trực tiếp tại Việt Nam
    Chương 3: Những giải pháp cơ bản nhằm tăng cường ứng dụng marketing trực tiếp tại Việt Nam

    6. Những đóng góp của luận án

    Với việc nghiên cứu một đề tài rất mới, luận án hy vọng sẽ đóng góp được những giá trị lý luận và thực tiễn, làm giàu thêm kiến thức và kinh nghiệm ứng dụng marketing trong kho tàng các công cụ marketing phong phú, trong thế giới kinh doanh rộng lớn ở thời đại công nghệ và toàn cầu hóa ngày nay. Cụ thể là:
    - Làm rõ khái niệm về marketing trực tiếp, qua đó, hệ thống hóa các lý thuyết và cơ sở của việc ứng dụng marketing trực tiếp: Ưu, nhược điểm, cơ sở khách quan và chủ quan để ứng dụng marketing trực tiếp, các công cụ và quy trình marketing trực tiếp;
    - Tổng kết được các mô hình marketing trực tiếp ở một số nước trên thế giới theo 2 khu vực: Khu vực các quốc gia phát triển như Mỹ, Châu Âu; và khu vực các quốc gia đang phát triển có điều kiện kinh tế tương đồng với Việt Nam như Thái Lan, Trung Quốc và Malaysia;
    - Giới thiệu một bức tranh tổng thể về thực trạng ứng dụng marketing trực tiếp tại Việt Nam; những ưu nhược điểm của việc sử dụng công cụ marketing đầy quyền năng này ở Việt Nam. Đó chính là những luận cứ quan trọng để các doanh nghiệp và các nhà quản lý có quyết định chính xác và hiệu quả khi cân nhắc ứng dụng marketing trực tiếp trong kinh doanh tại Việt Nam;
    - Nhận diện các vấn đề cần giải quyết, NCS đã đánh giá khả năng ứng dụng và phát triển công cụ này ở Việt Nam và đề xuất giải pháp giúp ứng dụng có hiệu quả công cụ này ở Việt Nam, phản ánh khả năng hấp thụ và tiếp nhận của các doanh nghiệp Việt Nam với các phương thức marketing hiện đại;
    - Qua nghiên cứu, tác giả hy vọng đã đánh giá một cách khái quát nhất nhận thức của các doanh nghiệp đang kinh doanh trên thị trường Việt Nam về vai trò, khả năng ứng dụng marketing trực tiếp tại đây. Một số giải pháp và đề xuất được tác giả nêu ra nhằm thúc đẩy ứng dụng marketing trực tiếp vào kinh doanh tại Việt Nam, giảm bớt chi phí, tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường nội địa cũng như trên thị trường quốc tế dưới áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt của thị trường chung “một thế giới”. Tác giả thực hiện đề tài với mong muốn giải đáp cho những ai còn nghi ngờ khả năng ứng dụng marketing trực tiếp tại thị trường Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...