Sách Mảnh đất lắm người nhiều ma - Nguyễn Khắc Trường

Thảo luận trong 'Sách Văn Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Mảnh đất lắm người nhiều ma - Nguyễn Khắc Trường

    [​IMG]
    Mảnh đất lắm người nhiều ma là tên một tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Khắc Trường được sáng tác vào năm 1990. Mảnh đất lắm người nhiều ma được coi là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Nguyễn Khắc Trường viết về nông thôn Việt Nam. Tiểu thuyết này từng được dựng thành phim truyền hình với tiêu đề Đất và người năm 2002 bởi đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, và nhận được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991.

    Không gian của câu chuyện là địa bàn nông thôn ven sông Công (Thái Nguyên) trong thời gian năm 1988, khi mà Việt Nam đang bắt đầu thời kỳ đổi mới. Nội dung chính của tiểu thuyết là sự đấu đá cá nhân của hai dòng họ, họ Vũ và họ Trịnh ở làng Giếng Chùa, mà đại diện là Vũ Đình Phúc (trưởng họ Vũ) và anh em Trịnh Bá Hàm (trưởng họ Trịnh), Trịnh Bá Thủ (em của Hàm, bí thư Đảng ủy của xã). Đây là hai họ lớn nhất và có máu mặt nhất trong làng: nhiều người giàu có, nhiều người có quyền chức là đi thoát ly.

    Mối hiềm khích giữa hai họ này qua lời kể lại trong tác phẩm thực ra đã kéo dài từ nhiều đời trước và đến đời Phúc-Hàm thì trực tiếp liên quan đến mối tình thù. Trước kia, khi còn trẻ, Phúc có quan hệ yêu đương với bà Son (lúc đó Phúc đã có vợ), sau đó vì nhát gan mà bỏ bà Son. Bà Son sau đó bị bố mẹ ép gả cho Hàm (có biệt danh Hàm thọt), sau khi cưới nhau, Hàm phát hiện ra vợ mình đã bị mất trinh khiến cho bà Son vì cớ đó sợ hãi phải sống như một cái bóng, tự coi mình là con tôi đòi trong nhà để đổi lấy việc Hàm để cho mình sống yên ổn trong nhà. Đây cũng chính là nguyên nhân chính khiến Hàm rất thù Phúc.

    Câu chuyện cứ xoay quanh những ân oán hai họ, và những đấu đá trong làng quê, được nâng cao lên quan điểm thành ra sự đấu đá trong chi bộ Đảng CSVN của xã mà ở đó Thủ làm bí thư xã, Phúc là chủ nhiệm hợp tác xã. Đỉnh cao của ân oán là việc ông Hàm âm mưu đào mộ bố Phúc (mới mất) để yểm bùa nhằm ám hại dòng họ Phúc nhưng bị phát hiện, sau đó bị bắt giam. Thủ dùng chị dâu mình là bà Son lừa cho ông Phúc rơi vào bẫy, vu oan cho hai người có tình ý, viết biên bản và bắt ép Phúc phải hòa giải để cứu ông Hàm. Sau đó lại dùng biên bản này để ép bà Son phải giả mạo đơn tố cáo Phúc có ý định cưỡng hiếp mình. Mâu thuẫn được đẩy cao lên đỉnh điểm khi bà Son bị cưỡng bách cao độ, xấu hổ và không còn lối thoát đã nhảy xuống sông tự vẫn và Phúc là người đầu tiên vớt xác bà.

    Câu chuyện cũng gắn liền với một mối tình oan trái là con gái của ông Hàm, Đào yêu Tùng, cháu gọi ông Phúc bằng cậu (mẹ Tùng là chị gái ông Phúc, người họ Vũ). Tùng là Đảng viên tốt, cựu quân nhân, có trí vươn lên và muốn vượt qua những định kiến dòng họ, đồng thời cùng những Đảng viên tốt khác muốn xóa bỏ những bóng đen hắc ám trong chi bộ Đảng, làm trong sạch đội ngũ để xây dựng quên hương. Cùng sát cánh với Tùng còn có Trung tá Chỉnh, bạn chiến đấu của bố Tùng, cả hai thành một cặp Đảng viên đang vươn lên để xây dựng nền nếp mới cho chi bộ. Chuyện tình của Tùng và Đào tưởng chừng như dang dở sau khi chính Tùng phát hiện ra việc ông Hàm có ý đồ đào mộ và báo cho ông Phúc. Mâu thuẫn của họ được giải quyết ở cuối chuyện nhờ nhân vật nữ khác là Minh, bạn của Đào, cũng là một người thầm yêu Tùng.

    Ngoài ra, chuyện cũng mô tả những chuyện rắc rối "quanh lũy tre làng" thông qua những quan hệ phức tạp, và những nhân vật rất thú vị khác như cặp tình nhân ông Quản Ngư - bà Đồ Ngật, hay chuyện Tám lé cố ngóc đầu lên khỏi cuộc sống bí bách, hay những hành vi bất nhân của ông Phúc với chính bố mẹ, anh em của mình trong Cải cách ruộng đất. Câu chuyện cũng bị che phủ bởi những "bóng ma", từ huyền thoại ma ám của nhân vật Quỳnh - Quềnh cho đến sự hiện diện của một thầy mo - cô Thống Bệu. Nhưng thực chất của những bóng ma đó được lý giải vừa đơn giản mà lại rất triết lý của chính người trừ ma - cô Thống Bệu:

    "Đừng tưởng đất này đã hết ma. Ma còn đang đẻ sinh đôi sinh ba nữa cơ đấy! Các vị có nhớ hôm trước hợp tác họp để đòi chia ruộng khoán không? Cứ như cuộc chọi gà, chọi trâu ngày xưa! Chả ai chịu nhả miếng nào. Cả làng có mỗi xứ Đồng Chùa là thượng đẳng điền, thì từ ông cán bộ đến bà xã viên, ai cũng muốn vơ giật về mình. Có đời thuở nào anh em ruột cũng cãi nhau, tranh nhau đất hương hỏa ngay ở đấy. Vợ chồng ông Tý Hỏi mới kinh, bỏ nhau mỗi người một niêu, hợp tác giao ruộng, ai cũng tranh thửa tốt. Vợ chồng thách nhau giữa làng: mày mà làm ông phá. Mấy là đòi ruộng cũ không được thì bù lu bù loa lên, cứ nhao nhao như chào mào ăn dom! Xưa nay người ta chỉ sợ người chết chứ ai sợ người sống? Có đúng không hở? Chỉ sợ ma chứ ai sợ người. có phải không hở? Thế mà hôm ấy tôi đi nhận ruộng hộ con cháu, thấy hốt quá. Nhìn chả thấy người đâu, toàn ma. Những thân người sống ngồi đấy mà mà cấm còn nhận ra ai nữa."

    Tiểu thuyết kết thúc dang dở khi những mâu thuẫn bắt đầu được hạ nhiệt và những bóng đen hắc ám bắt đầu lộ ra mặt, mối tình Tùng - Đào bắt đầu có tín hiệu tốt đẹp và kết thúc bằng việc nhân vật Minh lặng lẽ khóc sau khi làm cầu nối hòa giải cho hai người.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...