Mabel Lee viết về Cao Hành Kiện CAO HÀNH KIỆN : CHỐNG LẠI TÍNH HIỆN ĐẠI MỸ HỌC Mabel Lee Đại học tổng hợp Sydney Vài năm sau khi Cách mạng văn hoá (1966-1976) kết thúc, những bài phê bình của Cao Hành Kiện viết về văn học thế giới hiện đại được xuất bản dưới dạng một tập sách nhỏ nhan đề Tiểu luận đầu tiên về nghệ thuật tiểu thuyết hiện đại (1981). Được những nhà văn lớn hoan nghênh nhiệt liệt, cuốn sách được phát hành rộng rãi nhưng ngay năm sau đó bị cấm. Vở kịch của ông Dừng xe buýt (1983) “đã gây ấn tượng mạnh nhưng cũng gây ra nhiều rắc rối mà Cao phải chịu đựng khi vở kịch bị nhà cầm quyền cấm trình diễn”. Hai tác phẩm này đã làm cho Cao bị công kích vì ông đã cổ vũ cho văn học suy đồi tư bản chủ nghĩa phương Tây. Cuối năm 1987, việc cấm xuất bản toàn bộ sáng tác và những phiền hà gây ra cho cao đã khiến ông phải bỏ tổ quốc sang sống tại Paris. Chỉ ở đây, ông mới có điều kiện để dành toàn bộ thời gian cho ba lĩnh vực mà ông vốn yêu thích : kịch, truyện hư cấu và hội hoạ. Sau đó, vào năm 2000, ông nhận giải Nobel văn học vinh danh một tác phẩm kiệt xuất viết bằng tiếng Hoa. “Lần đầu tiên trong lịch sử giải thưởng văn học này”. Tôi đặc biệt băn khoăn về sự tiếp xúc thực sự của Cao với Nietzche chính vì ông đã đặc biệt công kích Nietzche, trong cả diễn từ Nobel năm 2000 lẫn bài phát biểu nhân kỷ niệm một trăm năm giải thưởng Nobel. Tôi biết rằng Nietzche đã gây kinh hoàng ở Trung Quốc trong những năm 80 và giờ đây một bản dịch trọn bộ những trước tác của nhà triết học này đã được xuất bản ở Trung Quốc. Mặt khác, một phần lớn công trình của tôi là tập trung nghiên cứu Lỗ Tấn (1881-1935), nhà văn được người đương thời mệnh danh là “Nietzche Trung Quốc”. Trong thời kỳ Ngũ tứ (1915-1925), Lỗ Tấn cùng một nhóm các nhà văn trẻ đã viết những tác phẩm vănh học hiện đại đầu tiên bằng Hoa ngữ, dúng vào lức những tác phẩm đầu tiên của Nietzche được dịch sang thứ tiếng này. Đây cũng là lý do khiến tôi đặc biệt quan tâm đến những phản ứng của Cao đối với Nietzche. Cao cho tôi biết ông đã đọc những tác phẩm chính của Nietzche vào khoảng giữa những năm 80, qua bản in ở Hồng Kông. Ông không ngừng lặp đi lặp lại thái độ ghê tởm của ông với Nietzche nhưng cũng cho biết rằng ông thấy một số trước tác của nhà triết học này “rất tuyệt”. Sau khi đã kiểm tra lại, tôi biết rằng những tác phẩm chính của Nietzche đã được Zhou Guoping dịch từ tiếng Đức, được xuất bản trong năm 1986 và sau đó được tái bản trong năm 1987. Như vậy, có lẽ Cao đã đọc những trước tác của Nietzche trong khoảng 12 năm ngay trước khi ông rời Trung Quốc. Trong bài viết này, tôi tự đặt cho mình nhiệm vụ chứng minh cho một giả thuyết : việc Cao phủ nhận tư tưởng về siêu nhân của Nietzche vừa tiết lộ với chúng ta những phân tích của ông về cuộc Cách mạng văn hoá tập trung trong cuốn Kinh thánh cho một người (1999) đồng thời cũng phản ánh thái độ chống hiện đại của ông, nền tảng của quan niệm mỹ học của ông về sự mong manh của con người cá nhân. Biến cố Thiên An Môn (4/6/19890) đã tạo nên sự phân cực trong tư tưởng của Cao về văn chương và chính trị. Để cắt đứt hoàn toàn những mối dây liên hệ với tổ quốc, trong tháng chín, ông viết những dòng cuối cùng của tập bản thảo cuốn tiểu thuyết Linh sơn, một tác phẩm đã được khởi thảo từ năm 1982 khi ông còn ở Trung Quốc. Dẫu vậy, trong thời gian viết vở kịch Đào thoát (1990), ông đã tiết lộ quan điểm không thoả hiệp của ông trong văn chương. Trong những ghi chú dành cho việc dựng vở Đào thoát, ông cho biết vở kịch là một tác phẩm chính trị - triết học – tâm lý và không thể được dựng như một vở kịch hiện thực xã hội miêu tả một biến cố chính trị đương đại. Tuy vậy, đối với tất cả những ai đã theo dõi trong nhiều tháng biến cố Thiên Anh Môn, quảng trường không tên mà các nhân vật vừa trốn chạy chỉ có thể là Thiên An Môn. Nhân vật chính của Đào vong, một nhà văn trung niên chắc chắn là hình chiếu của chính bản thân Cao. Rõ ràng anh ta là một cá nhân yếu đuối, phản đề của con người siêu nhân trong triết học Nietzche. Con người này hiểu và đồng tình với những đòi hỏi của các sinh viên ở quảng trường Thiên An Môn nhưng anh ta chỉ trích chủ nghĩa anh hùng mù quáng và tư tưởng a dua của họ. Nhân vật thanh niên, một sinh viên bất mãn, chắc chắn là phẫn nộ truớc thái độ vô sỉ của nhân vật trung niên. Anh mắng ông nhà văn và coi ông ta như một kẻ chống lại tuyên ngôn anh hùng. Người thanh niên chính là kẻ tượng trưng cho con người siêu nhân của Nietzche. Với tư cách con người cá nhân, Cao công khai tố cáo những hành động tàn bạo của nhà cầm quyền Trung Quốc trong sự kiện Thiên An Môn nhưng với tư cách một nhà văn, Cao không chấp nhận lời đề nghịcủa đoàn kịch đã đặt ông viết vở diễn đòi ông thay đổi kịch bản để miêu tả những sinh viên nổi loạn như những anh hùng. Trái lại, ông đòi lại bản thảo. Sự lựa chọn của Cao đã gây sốc. Đối với ông, dẫu văn học có thể là một công cụ đấu tranh chính trị, ông vẫn khước từ việc dùng văn chương để cổ động cho đường lối của bất cứ nhóm chính trị nào. Với tư cách là một nhà văn, ông lựa chọn là một cá nhân mong manh. Thái độ phê phán Nietzche của Cao xuất hiện ngay sau đó, trong Paris lục (1990) và Không chủ nghĩa (1993), và trở thành một chủ đề được lặp đi lặp lại trong các bài tiểu luận của cuốn Không chủ nghiã (1996). Tập tiểu luận này trình bày những quan điểm có tính tranh đấu về một mỹ học ly khai khỏi mọi thứ “isme”, kể cả những thứ “isme” trong văn chương, cũng như những chủ đề phi văn học khác như chính trị, dân tộc, tôn giáo và thị trường. Nhà văn thường xuyên được trình bày như một cá thể mong manh, một kẻ quan sát dửng dưng mà những sự viết lách của anh ta không thể và cũng không tìm cách khích động những sự thay đổi trong xã hội và trong chính trị. Cao đã hình thành nên một thứ mỹ học đối lập với tính hiện đại, đặc biệt là với dạng thức được truyền vào Trung Hoa. Bắt nguồn từ phương Tây, tính hiện đại có cội nguồn từ những phong trào đòi lật đổ quyền lực trí tuệ của nhà thờ. Dẫu vậy, thời gian trôi qua, tinh thần phê phán dữ dội đã trở thành một trong những đặc tính nội tại của tính hiện đại, và sự phê phán dần dần trở thành một thứ phê phán sự phê phán. Được áp dụng vào văn chương và nghệ thuật, sự phê phán không thương tiếc những giá trị của quá khứ và hiện tại đã loại trừ bất kỳ tính phổ quát nào của những giá trị và tạo nên một sự quyến rũ năng động cũng như hợp thức hoá cho những gì chỉ đơn giản là mới. Những trang viết đầy hoa mỹ của Nietzche đã báo trước tính hiện đại và trong những năm đầu tiên của thế kỷ XX, hình thành nên những ý thức hệ về con người cá nhân tham gia một cách chủ động vào sự trỗi dậy của một thế giới hoàn hảo, một thế giới mà, thật mâu thuẫn, được định nghĩa là chỉ có thể tồn tại trong một tương lai không thể đạt tới được. Đối với giới trí thức Trung hoa, những tuyên ngôn của Nietzche về cái chết của Thượng đế và sự ra đời của siêu nhân vang vọng trong suốt thời kỳ Ngũ tứ. Say sưa với những tư tưởng của Nietzche, những trí thức của thời kỳ Ngũ tứ kết tội nền văn hoá truyền thống là đã ngăn cản nước Trung hoa bước vào thế giới hiện đại. Văn chương cổ điển Trung hoa cũng như thứ ngôn ngữ làm công cụ chuyển tải thứ văn chương đó bị công kích vì đã hà hơi tiếp sức cho một nền văn hoá đang hấp hối và người ta thấy cần phải tạo dựng một nền văn chương hiện đại viết bằng ngôn ngữ đương đại. Được đào tạo trong nền văn học cổ điển và có một công chúng rộng lớn trong đời sống văn chương đương đại, những nhà văn của thời kỳ Ngũ tứ có khả năng đáp ứng được nhu cầu đó bằng một khối lượng đáng kể sáng tác đặt nền tảng thành công cho nền văn học hiện đại Trung hoa. Chính vì những nhà văn này tự coi mình như những anh hùng và sáng tác của họ cứu vãn cả dân tộc nên những mục tiêu ái quốc gắn bó chặt chẽ với tính chủ động chính trị trở thành một phần không thể thiếu trong thứ văn chương đó. Nhà văn Lỗ Tấn, trái lại, thừa nhận một cách hiển nhiên rằng văn chương và chính trị là những thứ không tương thích. Dẫu vậy, trái với Cao bảy mươi năm sau ngả về văn chương, Lỗ Tấn đã lựa chọn việc hy sinh cả cuộc đời sáng tạo để cống hiến cho chính trị. Đối với Cao, lựa chọn của Lỗ Tấn là bi kịch của văn chương Trung Quốc.