A. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ GIẢI QUYẾT ÁN HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH. I. Đặc điểm của công tác giải quyết án Hôn nhân gia đình Qua thống kê, tổng kết hàng năm cho thấy khối lượng công việc về án Hôn nhân gia đình chiếm một nữa số án kiện mà Tòa án nhân dân phải giải quyết. Ngoài ra, tính chất phức tạp trong quan hệ Hôn nhân và gia đình ngày càng tăng dẫn đến việc giải quyết án dân sự ngày càng phức tạp hơn. Tính chất phức tạp trong quan hệ hôn nhân và gia đình cũng được thể hiện trong các văn bản pháp luật về Hôn nhân và gia đình ban hành sau thì số lượng điều luật ngày càng nhiều hơn. Ví dụ: Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 chỉ có 57 điều luật, thì Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 số điều luật đã tăng lên 110 điều. Điều đó chứng tỏ rằng quan hệ Hôn nhân và gia đình ngày càng yêu cầu pháp luật phải điều chỉnh chi tiết hơn, cụ thể hơn. Thực tiễn cống tác xét xử án Hôn nhân và gia đình thể hiện rõ điều này. Trong số các vụ án khiếu nại bức xúc kéo dài, mà Tòa án nhân dân tối cao phải đang cùng với vụ dân nguyện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thì có 03 trong 04 vụ phải tường trình cụ thể là án Hôn nhân và gia đình. Tính chất phức tạp của án Hôn nhân và gia đình ngày càng tăng, sự quan tâm của xã hội, của báo chí đối với loại án kiện này ngày càng nhiều hơn. Tòa án nhân dân tối cao đã có tờ trình đề nghị thành lập Tòa hôn nhân và gia đình nhưng chưa được thông qua. Việc Quốc hội chưa thông qua đề nghị thành lập Tòa Hôn nhân và gia đình không có nghĩa là chưa cần phải có một Tòa riêng để giải quyết loại việc này. Theo chúng tôi có thể các lập luận, chưa đủ tính thuyết phục; có thể chúng ta mới chỉ nói được số lượng công việc mà chúng ta đang phải giải quyết ngày càng nhiều, mà chưa làm rõ được cái đặc trưng của loại án Hôn nhân và gia đình khác với án dân sự, nhất là yêu cầu riêng về tố tụng.