Sách Lục châu học

Thảo luận trong 'Sách Lịch Sử - Địa Lý' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    LỤC CHÂU HỌCLục Châu là tên gọi vùng đất Nam Bộ xưa.

    Đây là loạt bài đăng trên www.thongluan.org của giáo sư Nguyễn văn Trung viết về một mảng văn học bị bỏ quên của vùng đất Nam bộ vào khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, khiến cho sự nhận định về văn học sử miền Nam và văn học sử Việt Nam nói chung có những thiếu sót, sai sót như Tố Tâm của Hoàng ngọc Phách có phải là tiểu thuyết viết theo lối Tây Phương đầu tiên của Việt Nam ? Việt Nam sử lược của Trần trọng Kim có phải là quyển sử đầu tiên viết theo tinh thần khoa học Tây phương ? .

    Dựa vào các tài liệu thu thập được, nội dung không những đề cập vấn đề văn học mà còn cho ta một cái nhìn về văn hóa của một miền đất mới : sinh hoạt của người dân, vấn đề theo đạo Thiên Chúa, vấn đề sinh hoạt kinh tế,

    Gọi là hồ sơ vì, theo tác giả, công trình chưa hoàn chỉnh, chỉ ở giai đoạn thu thập tài liệu, đề ra phương hướng nghiên cứu, nêu nhận xét về nội dung tài liệu.

    Trích

    Những ai hiểu biết ít nhiều về văn học Việt nam thời hiện đại có lẽ ngạc nhiên khi nghe nói đến văn học bằng quốc ngữ ở miền nam cuối thế kỷ XIX, đầu XX, khoảng 1865 đến 1930, và thốt ra: “Uả, có thực sao?”. Vì cho đến nay những sách báo viết về văn học sử mà chúng tôi đọc được, hầu hết đều chỉ nói phớt qua hai người: Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, bỏ quên Trương Minh Ký, ba người có sinh hoạt văn học vào những năm 1870 . Sau đó nói đến Đông Hồ và Hồ Biểu Chánh, họa lắm mới có người nhắc đến ông Nguyễn Chánh Sắt. Có thế thôi. Vậy thì có một sự kiện là: Mảng văn học này bị bỏ quên vì không biết, hay bị bỏ qua, vì bị phủ nhận. Do đó, nói tới thời kỳ này, trong tất cả các mặt sinh hoạt văn học: dịch chữ Hán, chữ Nôm, Pháp văn ra quốc ngữ, biên khảo văn học, phong tục, lịch sử, khoa học, sách giáo khoa, sáng tác thơ, văn xuôi, đặc biệt các thể văn tiểu thuyết theo lối phương Tây . trên báo chí, sách biên khảo cũng như ở lớp học, chúng ta chỉ được nghe nói đến những tên: Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Đỗ Mục, Phan Kế Bính, Nguyễn văn Ngọc, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Trác, Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim, Hoàng Ngọc Phách .cụ thể là những người cộng tác với Đông dương tạp chí và báo Nam Phong.


    Sự phủ nhận truyền thống văn hoá được bộc lộ rõ qua vụ tạm gọi là “vụ Cù lao Tràm”. Cù lao Tràm là tên một cuốn truyện của Nguyễn Mạnh Tuấn, đã nhận được nhiều bài đề cao, nhưng cũng nhận được nhiều bài phê phán. Luận điểm phê phán nói chung có thể được lược tóm như sau: “Sở dĩ nhiều nhân vật đi làm cách mạng gốc Nam Bộ, sau chiến tranh trở thành sa đọa là vì tự căn bản họ thuộc về một miền không có truyền thống lịch sử, như Hoàng Hà đã ghi trong bài “Nghĩ về Cù Lao Tràm” (báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh số 413, 17/1/1986):

    “Qua Cù Lao Tràm, nông thôn Nam bộ không có lịch sử, không có truyền thống, chỉ có những tập quán xấu xa, dốt nát, thấp kém từ kiến thức lẫn tập quán” (trang 165). Ý kiến này được ông Lê Khắc Thành, viện quản lý kinh tế ghi nhận trên báo Saigon giải phóng (số chủ nhật 30/6/85). Ông cho rằng vùng đất và con người Nam Bộ “thiếu thốn truyền thống kinh tế lẫn văn hoá” - “Đồng hoá nếp sống và tâm hồn giản dị với u mê hoang dã”.

    “Chủ đề của cuốn sách vượt ra khỏi cái khung của cuộc vận động canh cải về kinh tế. Nó còn là vấn đề xã hội, không kém phần bức xúc nếu không phải là cấp bách hơn, quyết định hơn nữa trong hoàn cảnh thực tế của xã hội Tân Phú (còn gọi là Cù lao Tràm) và của đồng bằng Nam bộ nói chung. Nơi đâu ưu đãi con người sống trên dải đất giàu đẹp này lại cực khổ trong “thiếu thốn truyền thống” về cả kinh tế lẫn văn hoá, và hai cái thiếu cũng có liên quan, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. (Lê Khắc Thành, “Tác phẩm- kiến nghị của một nhà văn”, báo Saigon giải phóng , 30/6/1985).

    Nói cho đúng, những suy nghĩ, nhận xét đưa ra cũng xuất phát từ một sự tự xét mình, tự kiểm điểm. Chúng tôi sống ở miền Nam trên 30 năm rồi, đã làm văn hoá theo lối “bác học” và đánh giá văn chương miền nam chẳng khác gì một Vũ Ngọc Phan, Phạm Thế Ngũ. Chẳng hạn chúng tôi rất ít chú ý tới cải lương, không thèm đọc Hồ Biểu Chánh hay báo Saigon mới của bà Bút Trà . mặc dù đó là tờ báo bán chạy nhất. Chúng tôi đã phê phán nghiêm khắc Trương Vĩnh Ký và đưa đẩy một số người khác, kể cả người miền Nam vào việc phê phán đó.

    Bây giờ nhìn lại, chúng tôi thấy phê phán đó đúng nhưng không thực, nghĩa là chỉ hợp với luận lý nào đó, chưa phản ảnh được hết thực tế. Dĩ nhiên đã có những hoàn cảnh, nguyên nhân đưa chúng tôi tới chỗ dần dần nhận ra lối nhìn chật hẹp, lệch lạc của mình, vì những thiên kiến xã hội mà chúng tôi đã tiếp nhận.

    Nói tóm lại, trong công trình dài hơi này, chúng tôi đi từ sự kiện văn học (báo chí, sử ký, văn xuôi tiểu thuyết) để tìm hiểu con người vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Nai về phương diện giao lưu văn hoá giữa hai miền Nam Bắc và giữa văn hoá truyền thống Việt Nam và các văn hoá nước ngoài trong viễn tượng những quy định địa lý chính trị.
    .

    MỤC LỤC
    Lời nói đầu
    Chương mở đầu : Một mảng văn học bị bỏ quên, bỏ qua
    Chương I : Nho học ở vùng đất mới
    Chương II : Diễn tiến truyện văn xuôi quốc ngữ
    Chương III : Lịch sử Việt Nam nhìn từ miền Nam
    Chương IV : Buổi sơ khởi đạo thiên chúa ở miền Nam
    Chương V : Gốc tích đạo Cao Đài
    Chương VI : Miền Bắc dưới mắt một người miền Nam qua cuốn Chuyến đi Bắc Kỳ 1876 của Trương Vĩnh Ký
    Chương VII : Sinh hoạt ngành in và báo chí – văn xuôi và lý luận
    Chương VIII : Vài nét về bản sắc sinh hoạt văn hoá ở vùng đất mới
    Chương IX : Chính sách văn hoá của người Pháp và ảnh hưởng văn hoá Pháp ở miền Nam
    Chương X : Những tiền đề về phương pháp luận nghiên cứu về Lục Châu Học
    Phụ Lục : Tài liệu liên quan đến tiểu sử một số tác giả Lục Châu
     
Đang tải...