Luận Văn Luận văn tốt nghiệp: Di sản Hán Nôm về Chu (Văn) An tại Thanh Trì, Hà Nội

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Luận văn tốt nghiệp: Di sản Hán Nôm về Chu (Văn) An tại Thanh Trì, Hà Nội


    A. PHẦN MỞ ĐẦU


    1. Lý do chọn đề tài


    Trong không khí sôi động hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội ( 1010 – 2010 ), việc giới thiệu, tìm hiểu, đánh giá lại các danh nhân đất ngàn năm văn vật đang nhận được sự quan tâm chú ý của cả xã hội. Một trong những nhân vật được nhắc đến nhiều nhất là Chu (Văn) An – Vị Tư nghiệp Quốc Tử Giám đầu tiên, bậc Nho tôn muôn đời của nước Việt, sau khi mất đã được các đời ban tòng tự ở Văn Miếu.


    Lịch sử đã ghi nhận Chu An là một nhà sư phạm lỗi lạc, một nhà thơ xuất chúng, một vị học quan cương nghị, tiết tháo. Có thể nói từ trước tới nay chưa có một bậc Nho sư nào được người đời tôn kính, ca ngợi bằng ông. Hậu thế đối với ông chỉ có bao mà không có biếm, bởi lẽ ông là người thanh tu, khổ tiết, cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp giáo dục, bồi đắp nhân tài cho đất nước, ông lại vì chúng sinh lầm than trước cảnh đổ nát của triều Trần Nghệ Tông mà dâng sớ Thất trảm - như sử thần Lê Tung đã nhận xét “ thất trảm chi sớ, nghĩa động quỷ thần ”. Linh khí ngàn năm Thăng Long phải chăng đã một phần kết tụ vào con người này ? Văn Miếu, nơi chí tôn của đạo học, thờ Khổng Tử, Tứ phối và bảy mươi hai vị hiền triết Nho gia. Thế mà Chu An cũng được dự vào đấy, có vinh dự nào to lớn bằng ? Kẻ sĩ nước Việt kính ngưỡng như Thái Sơn Bắc Đẩu, há đâu chỉ là sự tôn sùng nhất thời. Chu An cách chúng ta ngày nay gần 700 năm, gió bụi thời gian tưởng chừng đã chôn vùi cổ tích vào quá khứ, nhưng không, bia có thể mòn nhưng tiếng thơm thì không bao giờ mất. Mỗi lần dạo bước qua Văn Miếu Quốc Tử Giám lại thấy người ra vào tấp nập dâng nén tâm hương kính ngưỡng người thầy mẫu mực Chu An. Chúng ta nhận ra rằng công nghiệp, thanh phong của ông đã trở thành vĩnh cửu, đã hòa vào đời sống dân tộc như niềm tin bất diệt, là chỗ dựa tinh thần vững chắc, là niềm tự hào của muôn người đất Việt. Chúng tôi cũng với những tinh thần đó, cộng thêm lòng mong mỏi được bày tỏ sự trân trọng của mình đã quyết tâm lựa chọn đề tài “ Chu An và di sản Hán Nôm về ông tại quê hương Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội ”. Mong rằng đề tài sẽ góp được một phần công sức vào công việc tưởng nhớ đến các danh nhân Thăng Long trong hành trình tiến tới 1000 năm hiện nay.





    2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề





    Là một bậc Nho tôn của nước Việt, từ trước tới nay đã có không ít những ghi chép, đánh giá về Chu (Văn) An. Ngay cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, Lê Trừng ( tức Hồ Nguyên Trừng ) trong tác phẩm Nam ông mộng lục đã có bài viết Văn Trinh ngạnh trực, giới thiệu sơ lược về tiểu sử và sự nghiệp của Chu An, qua đó còn ca ngợi đạo đức và khí tiết Chu An. Từ đó trở về sau, các bộ sử nổi tiếng như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tiền biên, Đại Việt thông sử .các bộ kinh tịch chí như Lịch triều hiến chương loại chí, các bộ cương mục như Khâm định Việt sử thông giám cương mục, các sách ký lục quan trọng như Kiến văn tiểu lục, Tang thương ngẫu lục . rồi cả những hợp tuyển thi văn như Toàn Việt thi lục, Hoàng Việt thi tuyển, Việt âm thi tập . đều có dành một số trang bài giới thiệu về con người Chu An trên các phương diện giáo dục, quan trường, đạo đức, khí tiết, văn thơ. Đặc biệt vào năm Thiệu Trị thứ nhất ( 1841 ), Án sát sứ Hải Dương là Nguyễn Bảo đã cho biên tập cuốn Phượng Sơn từ chí lược với nội dung chuyên biệt về Chu An qua các mảng hành trạng, các tác phẩm do ông sáng tác, thơ văn hàm tặng của các đời, và giới thiệu về đền Phượng Sơn thờ tự Chu An sau khi mất dựng tại núi Phượng Sơn - nơi ông ẩn cư cho đến lúc qua đời. Vào năm Tự Đức thứ ba ( 1850 ), Lê Xuân Cát có chép cuốn Thanh Trì Quang Liệt Chu thị di thư, trong đó giới thiệu một số diễn giải về thiên văn, địa lý, y dược được cho là của Chu An, ngoài ra còn có một số thơ, văn bia ca ngợi Chu An.


    Sang thời hiện đại, tác phẩm lịch sử và nghiên cứu văn học về Chu An cũng khá nhiều, có thể kể ra như Lịch sử Việt Nam ( tập I ), Lược truyện các tác gia Việt Nam, Việt nam văn học sử yếu, Thơ văn Lý-Trần ( tập III ), Văn học cổ Việt Nam, Thơ văn Việt Nam . Đó là chưa kể đến các bài viết lẻ tẻ trong các báo, tạp chí văn hóa chuyên ngành như bài Chu Văn An, một người thầy lỗi lạc của Vũ Tuấn Sán đăng trong tạp chí Thăng Long Hà Nội ngàn năm ( số 18 ). Đáng chú ý học giả Trần Lê Sáng đã cho công bố công trình nghiên cứu về Chu An, được xuất bản thành sách năm 1981 với tựa đề “ Cuộc đời và thơ văn Chu Văn An ”, rất có giá trị cho việc tìm hiểu về vị danh nhân lỗi lạc này. Ngoài ra Cuộc vận động sáng tác hoành phi, câu đối cho nhà Thái học, Văn Miếu – Quốc Tử Giám năm 2005, trong đó có mảng sáng tác về Chu An đã thu hút được nhiều nhân sĩ trên cả nước tham gia, minh chứng cho thấy lòng trân trọng mến mộ của hậu thế với ông vẫn còn rất sâu sắc.


    Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc tìm hiểu về Chu An ngay tại quê nhà Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội lại chưa được quan tâm một cách thỏa đáng. Dường như trước nay, người ta quan tâm nhiều hơn đến những dấu tích của Chu An tại Kiệt Đặc, Chí Linh, Hải Dương - nơi ông ẩn cư hơn là nơi đây. Chúng tôi đã thử tìm một số công trình, khóa luận cả hai nghành Văn, Sử nhưng chỉ thấy một khóa luận của Trương Thúy Trinh khoa Lịch Sử từ năm 1996 với đề tài : “ Thanh Liệt từ truyền thống đến hiện tại ” là có đề cập đôi nét tới mảnh đất Thanh Liệt, nhưng cũng chỉ tìm hiểu chung về lịch sử truyền thống, chứ chưa chú ý đến các di sản Hán Nôm đặc biệt là di sản Hán Nôm về Chu An hiện có tại đây. Thiết nghĩ, đối với một danh nhân tầm cỡ như Chu An cần phải có sự quan tâm đúng mức hơn về nơi sinh trưởng, mà một trong những công việc quan trọng nhất là tìm hiểu những di sản Hán Nôm về ông hiện còn lưu giữ được, hòng qua đấy cho thấy tình cảm của quê hương đối với một người con kiệt xuất của mình. Với suy nghĩ ấy, chúng tôi đã mạnh dạn lựa chọn và thực hiện đề tài này, hy vọng có thể bổ sung thêm vào phần còn khuyết thiếu đó của các nghiên cứu trước.


    .
     
Đang tải...