Thạc Sĩ Luân chuyển công chức từ UBND cấp huyện về chính quyền cơ sở từ thực tiễn tại Thành phố Đà Nẵng

Thảo luận trong 'Hành Chính' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    LUẬN VĂN THẠC SỸ HÀNH CHÍNH CÔNG KHÓA 13, ĐÃ BẢO VỆ 9 ĐIỂM

    LỜI MỞ ĐẦU


    1.
    Tính cấp thiết của Đề tài
    Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh xây dựng, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một công việc trọng yếu của Đảng. Đồng thời, Người cho rằng cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém. Vì thế, phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu.
    Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành TW Đảng khoá VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng khẳng định “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng”.
    Một trong những mục tiêu của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 được ban hành kèm theo QĐ số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước”. Đồng thời, nội dung cải cách thứ tư của Chương trình được xác định là “Đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức”.
    Có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, trong đó luân chuyển là một trong những giải pháp rất quan trọng. Luân chuyển góp phần tăng cường công chức có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn cho các địa bàn cần thiết, khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ, rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng công chức trong thực tiễn, tạo điều kiện để công chức có thể phát huy toàn diện về năng lực lãnh đạo, quản lý. Trên cơ sở các văn kiện lãnh đạo cùa Đảng về công tác cán bộ, trong đó có luân chuyển, Quốc hội đã ban hành Luật Cán bộ, công chức năm 2008; Chính phủ ban hành NĐ số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, NĐ số 93/2010/NĐ-CP ngày 31/8/2010 sửa đổi một số điều của NĐ số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Thủ tướng Chính phủ ban hành QĐ số 27/2003/QĐ-TTg ngày 19/02/2003 ban hành Quy chế bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo.
    Luân chuyển có thể theo chiều ngang, tức là từ sở này sang sở khác, từ phòng này sang phòng khác và có thể là theo chiều dọc, nghĩa là từ tỉnh xuống huyện, từ huyện xuống xã. Trong đó, luân chuyển công chức theo chiều dọc từ UBND cấp huyện về chính quyền cơ sở luôn đặt ra như một yêu cầu cấp thiết.
    TP.Đà Nẵng trực thuộc TW năm 1997, được công nhận là đô thị loại 1 năm 2003. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm hỗ trợ của TW, TP.Đà Nẵng đã có những phát triển vượt bậc trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đang dần khẳng định vị thế là một trong những đô thị trung tâm của khu vực Miền Trung-Tây Nguyên. Theo định hướng của Bộ Chính trị tại NQ số 33/NQ-TW ngày 16 tháng 10 năm 2003 về xây dựng và phát triển TP.Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đến năm 2020 sẽ “Xây dựng TP.Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế, xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính-viễn thông và tài chính-ngân hàng; một trong những trung tâm văn hoá-thể thao, giáo dục-đào tạo và khoa học, công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước. Đà Nẵng phải phấn đấu để trở thành một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020”. Do vậy, để thực hiện được phương hướng, mục tiêu, đáp ứng với yêu cầu phát triển đó, cần có một đội ngũ công chức có chất lượng cao, được đào tạo bài bản, có phẩm chất, năng lực, được rèn luyện trong thực tiễn, có kinh nghiệm trong công việc.
    Những năm qua, TP.Đà Nẵng luôn quan tâm đến công tác nâng cao chất lượng đội ngũ công chức trên địa bàn, nhất là đối với chính quyền cơ sở. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về vấn đề này, thực tiễn về công tác quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở tại TP.Đà Nẵng vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm nghiên cứu, làm rõ, hoàn thiện. Đồng thời, hiện nay vẫn chưa có một Đề tài nghiên cứu công tác luân chuyển công chức từ UBND cấp huyện về chính quyền cơ sở từ thực tiễn tại TP.Đà Nẵng.
    Xuất phát từ tình hình thực tế và những yêu cầu trên, em đã chọn Đề tài luận văn tốt nghiệp “Luân chuyển công chức từ UBND cấp huyện về chính quyền cơ sở từ thực tiễn tại TP.Đà Nẵng”. Qua đó, tìm hiểu thực trạng, nguyên nhân và kiến nghị một số giải pháp, nhằm góp phần từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác luân chuyển công chức nói chung và luân chuyển công chức từ UBND cấp huyện về chính quyền cơ sở nói riêng. Đồng thời, trong Đề tài, không nghiên cứu công tác luân chuyển cán bộ, công chức của Đảng, Mặt trận và hội đoàn thể.
    2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của Đề tài
    2.1. Mục đích nghiên cứu
    Nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác luân chuyển công chức từ UBND cấp huyện về chính quyền cơ sở.
    2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
    - Làm rõ những vấn đề lý luận liên quan đến công tác luân chuyển.
    - Tổng hợp, nghiên cứu thực tế công tác luân chuyển công chức từ UBND quận, huyện về chính quyền cơ sở từ thực tiễn tại TP.Đà Nẵng. Qua đó, đánh giá những mặt được, chưa được và nguyên nhân.
    - Đề xuất một số giải pháp phù hợp với tình hình thực tế, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác này trong thực tiễn.
    3. Tình hình nghiên cứu liên quan đến Đề tài
    Ở nước ta trong những năm gần đây, có nhiều nhà khoa học, học giả, tác giả đã có những bài viết đề cập, nghiên cứu về vấn đề luân chuyển, như:
    - GS. Lê Đức Bình: Để thực hiện tốt chủ trương luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý. Tạp chí Cộng sản, số 7/2002.
    - Bùi Quang Huy: Chủ động là đặc điểm nổi bật trong luân chuyển cán bộ. Tạp chí Xây dựng Đảng, số 5/2002.
    - Phạm Quang Nghị: Mối quan hệ giữa quy hoạch, đánh giá với luân chuyển cán bộ. Tạp chí Cộng sản, số 18/2004.
    - Nguyễn Đình Phu: Thực hiện luân chuyển cán bộ chủ chốt cấp huyện ở Nghệ An. Tạp chí Xây dựng Đảng, số 3/2002.
    - PGS.TS. Thang Văn Phúc-Nguyễn Minh Phương: Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Tạp chí Cộng sản, số 27/2002.
    - Tạp chí Cộng sản: Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, huyện. Tạp chí Cộng sản, số 1/2002.
    - Tạp chí Xây dựng Đảng: Luân chuyển-Khâu đột phá trong công tác cán bộ, Tạp chí Xây dựng Đảng, số 2/2002.
    - PGS.TS. Trần Đình Hoan: Luân chuyển cán bộ-Khâu đột phá nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ngang tầm thời kỳ phát triển mới. Tạp chí Cộng sản, số 7/2002.
    Và một số công trình và tác giả khác nữa.
    Tuy đã có nhiều công trình nghiên cứu về luân chuyển, nhưng chưa có công trình đề cập công tác luân chuyển công chức từ UBND cấp huyện về chính quyền cơ sở từ thực tiễn tại TP.Đà Nẵng.
    4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
    4.1. Đối tượng nghiên cứu
    Công tác luân chuyển công chức từ UBND cấp huyện về chính quyền cơ sở từ thực tiễn tại TP.Đà Nẵng.
    4.2. Phạm vi nghiên cứu
    * Địa bàn TP.Đà Nẵng.
    * Giới hạn phạm vi nghiên cứu: Tìm hiểu thực tế, thông qua đó mô tả, đánh giá, phân tích tình hình luân chuyển công chức từ UBND cấp huyện về chính quyền cơ sở từ thực tiễn tại TP.Đà Nẵng. Trong Đề tài, không nghiên cứu công tác luân chuyển cán bộ, công chức của các cơ quan Đảng, Mặt trận và hội đoàn thể.
    5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
    5.1. Cơ sở lý luận
    Đề tài được nghiên cứu dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về cán bộ, công chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nói chung cũng như về luân chuyển công chức nói riêng.
    5.2. Phương pháp nghiên cứu
    Trong quá trình làm Đề tài, tác giả đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu:
    5.2.1. Nhóm phương pháp nghiên cứu lý luận
    Đề tài vận dụng phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Kết hợp chặt chẽ với các phương pháp phân tích, tổng hợp các văn bản của Đảng và Nhà nước, các tài liệu khoa học có liên quan đến vấn đề nghiên cứu.
    5.2.2. Nhóm phương pháp nghiên cứu thực tiễn
    5.2.3. Phương pháp điều tra
    Thu thập các số liệu về tình hình luân chuyển công chức từ thực tiễn tại TP.Đà Nẵng.
    5.2.4. Phương pháp chuyên gia
    Tham khảo một số ý kiến nhận xét, đánh giá, góp ý của các đồng chí Lãnh đạo Sở Nội vụ, UBND các quận, huyện, xã, phường và một số đồng chí công chức được luân chuyển về chính quyền cơ sở từ thực tiễn tại TP.Đà Nẵng trong những năm qua.
    5.2.5. Phương pháp thống kê
    Thông qua nghiên cứu, xử lý, đánh giá các số liệu để phục vụ cho công tác nghiên cứu của Đề tài.
    6. Kết cấu của luận văn
    Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, Đề tài gồm có 3 chương, cụ thể như sau:

    Chương 1
    Một số vấn đề lý luận cơ bản về luân chuyển công chức từ
    UBND cấp huyện về chính quyền cơ sở

    1.1. UBND cấp huyện
    1.1.1. Vị trí pháp lý của UBND cấp huyện
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...