MỞ ĐẦU 1. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI Trong những năm qua, cơ cấu ngành kinh tế của nước ta đã chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cụ thể: cơ cấu ngành công nghiệp – xây dựng năm 2000 là 36,77% tăng lên 41,52% năm 2006. Đạt được kết quả đó có sự đóng góp một phần của ngành CNCBTP, ngành luôn chiếm tỷ trọng trên 20% giá trị ngành công nghiệp – xây dựng. So với các ngành công nghiệp khác, CNCBTP nước ta là ngành có truyền thống lâu đời nhưng sự phát triển của ngành còn này rất chậm, chưa tương xứng với tiềm năng của đất nước và tầm quan trọng của ngành trong nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, sự đóng góp của ngành vào sự phát triển kinh tế đất nước và cải thiện nhu cầu thực phẩm cho nhân dân là không nhỏ, có thể kể đến đó là việc nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu nói chung, kim ngạch xuất khẩu nông sản nói riêng (mặc dù chỉ dừng lại ở việc sơ chế) cụ thể: xuất khẩu gạo, cà phê và hạt điều đứng thế hai thế giới; hạt tiêu đứng thứ nhất thế giới, Bên cạnh những thành quả của ngành chế biến nông sản, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm phát triển còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của đất nước. Lý do thì có nhiều, song tựu trung lại bao gồm: liên kết lỏng lẻo từ khâu sản xuất thu gom đến giết mổ, chế biến; công nghệ sản xuất lạc hậu; máy móc thiết bị lỗi thời; đầu tư vào lĩnh vực này còn nhiều bất cập, hạn chế; giết mổ, chế biến nhỏ lẻ, phân tán; đầu vào có chất lượng không cao, thiếu ổn định. Một lý do không thể không kể đến là tập tục tự giết mổ, chế biến các sản phẩm chăn nuôi tận dụng phục vụ cho tiêu dùng của của gia đình còn phổ biến. Trước khi dịch cúm gia cầm xảy ra, cả nước có 28 cơ sở lớn chế biến thịt, nhưng chủ yếu mới chỉ dừng lại ở chế biến thịt lợn, thịt bò, còn chế biến gia cầm thì chưa đáng kể. Là nước nông nghiệp, hàng năm, Việt Nam sản xuất ra khối lượng nông sản rất lớn. Tuy nhiên, đặc điểm của sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là sản phẩm tươi sống, khó bảo quản, dễ hư hỏng, tính mùa vụ cao, vì vậy, tình trạng thất thoát sau thu hoạch là rất đáng kể (lúa: dao động trong khoảng 12% đến 20%; rau quả trung bình 20%) , sản phẩm tiêu hao nhiều, chất lượng suy giảm do thiếu công cụ bảo quản, chế biến. Đối với chăn nuôi, do tập quán chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ cùng với tình trạng giết mổ, chế biến thủ công, thô sơ, tràn lan, nên khi có dịch bệnh xảy ra, một mặt chúng ta không kiểm soát chặt chẽ được nguồn lây bệnh và công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt khác, do tâm lý e ngại bệnh tật, không có công nghiệp chế biến mà thị trường sản phẩm này gần như đóng băng còn người chăn nuôi thì điêu đứng. Hơn nữa, Nhà nước phải chi ra lượng tiền hàng ngàn tỷ đồng để phòng và chống dịch nhằm đảm tính mạng cho con người và khôi phục lại tình trạng sản xuất. Mặc dù, hàng năm ngành chăn nuôi nước ta sản xuất ra tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng lớn (năm 2006 đạt 3,1 triệu tấn) , song tỷ lệ qua chế biến mới đạt khoảng 8%. Đây là con số rất thấp, phản ánh thực trạng công nghiệp chế biến thực phẩm của nước ta còn rất sơ khai, cũng như tập quán tiêu dùng của người dân về thực phẩm tươi sống còn phát triển. Với dân số trên 84 triệu người, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng 7,5%/năm trong những năm qua, làm cho nhu cầu vật chất và tinh thần của mỗi người dân Việt Nam từng bước được nâng lên cả về số và chất lượng, nhất là các sản phẩm sạch, các sản phẩm qua chế biến thậm chí qua chế biến nhiều lần, đạt trình độ tinh tế cao. Hơn thế nữa, do yêu cầu sản xuất, do đòi hỏi của nhịp độ sản xuất công nghiệp thời gian dành cho nội trợ, tự chế biến thực phẩm cũng giảm đi. Những tác động này làm thay đổi dần tập quán và cơ cấu tiêu dùng nên nhu cầu về các sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn trở nên thiết yếu. Việt Nam đã là thành viên của WTO, hàng hoá nói chung, thực phẩm chế biến nói riêng với giá rẻ, chất lượng cao, đa dạng về chủng loại đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ tràn vào nước ta gây không ít khó khăn cho ngành công nghiệp còn yếu ớt này. Vì thế, khiến cho chúng ta dễ “thua ngay trên sân nhà” chứ chưa nói đến “chiến thắng trên sân người“ nếu như chúng ta không có chiến lược phát triển và đầu tư thích hợp. Nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của nước ta sử dụng những nguồn lực quý giá có hiệu quả nhất, tận dụng được cơ hội, vượt qua thách thức, phát triển nhanh, mạnh và vững chắc thì việc vạch hướng đi cho ngành là đòi hỏi tất yếu. Chính vì lẽ đó, việc chọn đề tài nghiên cứu “Lựa chọn phương án chiến lược phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam trong điều kiện hội nhập WTO” là việc làm cần thiết, cấp bách, xuất phát từ đòi hỏi thực tế khách quan của ngành. 2. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU CỦA LUẬN VĂN Một Là, xác định vị trí, vai trò của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm; Hai là, xác định thực trạng năng lực cạnh tranh ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam; và Ba là, đề xuất phương án chiến lược và khuyến nghị các điều kiện để thực hiện phương án đó. 3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU 3.1 Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận văn là những vấn đề lý thuyết và thực tiễn về phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam. 3.2 Phạm vi nghiên cứu Phạm vi nghiên cứu là lĩnh vực chế biến sản phẩm từ thịt (thịt lợn, thịt bò và thịt gia cầm) của Việt Nam. 4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Để đạt được mục đích nghiên cứu, luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau: phương pháp duy vật biện chứng; phương pháp duy vật lịch sử; phương pháp thống kê; phương pháp phân tích hệ thống; phương pháp so sánh tổng hợp. 5. KẾT CẤU CỦA LUẬN VĂN Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, luận văn gồm ba chương: Chương 1: Sự cần thiết lựa chọn phương án chiến lược phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam. Chương 2: Đánh giá thực trạng ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam. Chương 3: Phương án chiến lược phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam.