Luận Văn LS004 - Đảng lãnh đạo xây dựng ATK ở Tuyên Quang trong kháng chiến chống thực dân Pháp 1946- 1954

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU​


    1. Lý do chọn đề tài

    Xây dựng và củng cố căn cứ địa, An toàn khu (ATK), vùng tự do thành hậu phương vững chắc phục vụ tốt nhất cho tiền tuyến là một nội dung quan trọng trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam. Thấm nhuần lý luận cách mạng của Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy kinh nghiệm đấu tranh của dân tộc nhất là trong thời kỳ tiền khởi nghĩa; trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1946- 1954, với đường lối kháng chiến toàn dân toàn diện trường kỳ, Đảng ta đã phát động một cuộc chiến tranh nhân dân rộng lớn với lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt. Một trong những thành công to lớn của Đảng là đã lãnh đạo quân và dân ta vừa kháng chiến vừa kiến quốc, xây dựng hậu phương và một hệ thống các căn cứ địa vững mạnh. ATK với tư cách là một loại hình của hậu phương chiến tranh nhân dân trở thành nơi cung cấp nhân tài vật lực cho tiền tuyến, quan trọng hơn đây là nơi đứng chân an toàn của đầu não kháng chiến.

    Theo Từ điển Bách khoa Quân sự, “ATK là khu vực rộng lớn trong khu vực căn cứ địa cách mạng, có các điều kiện thuận lợi về địa hình, địa thế, dân cư, chính sách, quân sự được tổ chức bố phòng tốt, bảo đảm bí mật, an toàn tuyệt đối cho các cơ quan lãnh đạo cách mạng (kháng chiến) đóng tại đó. Ở Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, tại căn cứ địa Việt Bắc có ATK Trung ương (TW) ở địa bàn Định Hoá, Chợ Đồn, Đại Từ, Chiêm Hoá, Sơn Dương, Yên Sơn. Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan Ban Chấp hành TW Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã ở và làm việc tại ATK cho đến ngày kháng chiến thắng lợi” [34, tr 26].

    Trong hệ thống các căn cứ địa, ATK của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ATK TW ở Việt Bắc giữ một vị trí hết sức quan trọng. Trong tổng số 5 huyện được chọn làm ATK thì ATK ở Tuyên Quang chiếm tới ba; quan trọng hơn đây là nơi ở và làm việc trong phần lớn thời gian kháng chiến chống Pháp của TW Đảng, Bác và Chính phủ lãnh đạo cuộc kháng chiến giành những thắng lợi to lớn, quyết định.

    Xây dựng và đảm bảo an toàn cho ATK là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân tỉnh Tuyên Quang mà trực tiếp là ba huyện ATK Chiêm Hóa, Sơn Dương, Yên Sơn đã làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng: xây dựng và bảo vệ thành công ATK; bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh, TW Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận và cán bộ các ban ngành đóng tại địa bàn; góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

    ATK ở Tuyên Quang có vai trò lịch sử quan trọng đối với sự nghiệp kháng chiến của dân tộc. Nó là một trong những nhân tố quan trọng đưa đến thắng lợi của cuộc kháng chiến. Bằng những hy sinh lớn lao, sự vững vàng của thế trận lòng dân, quyện chặt trong thế hình sông núi, suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ, Tuyên Quang đã luôn cố gắng xứng đáng với tên gọi ATK thần thánh- nơi đặt đầu não kháng chiến ta, xứng đáng với niềm tin của Đảng và Bác.

    Nhưng cho đến nay, trong nhận thức của nhiều người Việt Nam, nói về Tuyên Quang và các căn cứ trong kháng chiến chống Pháp hầu như chỉ biết đến Tân Trào trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, đến căn cứ địa Việt Bắc. Các nhà nghiên cứu khi đề cập đến ATK cũng chỉ coi đây như một bộ phận trong công trình của mình về cuộc kháng chiến chống Pháp, hoặc nằm trong tổng thể căn cứ địa Việt Bắc. Chưa có một công trình nghiên cứu chuyên sâu nào phản ánh toàn diện và sâu sắc quá trình xây dựng, củng cố, phát triển và bảo vệ ATK ở Tuyên Quang trong cuộc kháng chiến chống Pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

    Ngày nay trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội, thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ tổ quốc, việc nghiên cứu làm rõ những thành tựu, hạn chế và rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo của Đảng về củng cố và bảo vệ ATK vững chắc có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.

    Mặt khác, cùng với thời gian, các đồng chí cán bộ cách mạng, các nhân chứng lịch sử đã từng trực tiếp tham gia quá trình xây dựng và bảo vệ ATK ngày càng “thưa vắng”. Nhưng ATK Tuyên Quang vẫn còn như minh chứng, khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Bác - nhân tố tiên quyết đưa đến mọi thành công của cách mạng Việt Nam trong công cuộc xây dựng hậu phương nói riêng, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung.

    Nghiên cứu sự lãnh đạo của Đảng trong việc xây dựng ATK Tuyên Quang nhằm dựng lại một cách khách quan quá trình xây dựng, phát triển, củng cố và bảo vệ ATK vững mạnh về mọi mặt; đồng thời làm rõ vai trò vị thế của ATK trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Từ đó khơi dậy lòng tự hào về truyền thống cách mạng, tinh thần dân tộc giáo dục tinh thần dân tộc cho các thế hệ trẻ trong bối cảnh toàn cầu hoá, quốc tế hoá hiện nay, phát huy sức mạnh dân tộc trong thời đại mới.

    Với tất cả những lý do trên, tôi đã lựa chọn “Đảng lãnh đạo xây dựng ATK ở Tuyên Quang trong kháng chiến chống thực dân Pháp 1946- 1954” làm đề tài cho khoá luận tốt nghiệp chuyên ngành Lịch sử Đảng của mình.

    2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề


    Cuộc kháng chiến chống Pháp (1946- 1954) do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã thu hút được sự quan tâm nghiên cứu của nhiều tác giả với những công trình có giá trị khoa học- lý luận- thực tiễn cao. Nhiều công trình đã được công bố ở trong và ngoài nước, trung ương tới địa phương. Nhưng những công trình thực sự nghiên cứu về ATK nói chung và ở Tuyên Quang nói riêng còn rất hạn chế về số lượng và chưa phản ánh rõ sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, củng cố và bảo vệ ATK.

    Năm 1971, Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Bắc Thái phát hành tài liệu thông hành nội bộ Việt Bắc- căn cứ địa chủ yếu của cách mạng Việt Nam qua mỗi thời kỳ tổng quát lịch sử Việt Bắc từ 1930- 1970 với tư cách là căn cứ địa chính của cách mạng. ATK trong kháng chiến chống Pháp được nhắc đến với vị trí trang trọng nhưng chủ yếu trên phương diện vai trò của nó tới thắng lợi chung của cuộc kháng chiến; còn quá trình xây dựng, trưởng thành ít được nhấn mạnh.

    Năm 1990, phòng Khoa học quân sự- Quân khu I cho xuất bản cuốn Việt Bắc- 30 năm chiến tranh cách mạng 1945- 1975. Công trình đã khái quát toàn diện về phong trào cách mạng và vị thế của Việt Bắc trong hai cuộc kháng chiến. Qua đó, dù không trực tiếp đề cập nhưng độc giả có thể thấy được bước phát triển, xây dựng về mọi mặt của ATK 1946- 1954. Điều này cũng tương tự như 3 tập Tổng kết chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chiến lược quân sự của Liên khu Việt Bắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945- 1954) do Bộ tư lệnh quân khu I xuất bản năm 1991.

    Năm 1995, Viện Lịch sử Quân sự đã xuất bản cuốn Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945- 1954 tái hiện khái quát nhất cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công trình này, các tác giả đã dành một chương để trình bày những nét lớn về quá trình xây dựng ATK ở Việt Bắc nói chung: chỉ đạo của Đảng, xác định địa điểm xây dựng, những công việc chuẩn bị bước đầu để xây dựng thành công và quá trình di chuyển các cơ quan lãnh đạo, máy móc, vật liệu lên chiến khu.

    Trong tác phẩm Hậu phương chiến tranh nhân dân Việt Nam, GS Nguyễn Hoàng Phương đã khái quát nhất những đặc điểm và vai trò của hậu phương trong cuộc kháng chiến chống Pháp- Mỹ của cách mạng nước ta. Theo đó, ATK cũng được coi là một loại hình của hậu phương chiến tranh nhân Việt Nam. Quá trình xây dựng và đặc điểm ATK được trình bày trong tổng thể hậu phương chiến tranh nhân dân.

    Báo Quân đội Nhân dân ra ngày 14- 15/8/1995 in bài Tân Trào- ATK của tác giả Mạnh Hùng. Bài báo đề cập đến những cơ sở để Tân Trào để Đảng và Bác lựa chọn nơi đây là một trong những nơi đứng chân an toàn của mình trong kháng chiến chống Pháp; và cuộc sống mới trên quê hương cách mạng.

    Báo Tuyên Quang ngày 7/5/2004 có bài viết Từ ATK tới Điện Biên Phủ của Nguyễn Văn Lập. Bài báo khái quát về những văn bản, chỉ thị của Đảng và Bác tại ATK ở Tuyên Quang trong giai đoạn hoàn thành công tác chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công.

    Ngoài ra còn có các công trình nghiên cứu về lịch sử các ban ngành đã từng đóng ở Tuyên Quang những năm chống Pháp. Các công trình này đã dành một phần quan trọng tái hiện lại quá trình xây dựng, củng cố của mình những năm 1946- 1954. Các công trình tổng kết về kháng chiến chống Pháp, sự lãnh đạo của Đảng qua các thời kỳ, về tư tưởng Hồ Chí Minh luôn có phần viết về hậu phương, trong đó cũng đã đề cập đến căn cứ địa Việt Bắc.

    Các công trình kể trên dù ở những mức độ khác nhau nhưng đều đã ít nhiều đề cập đến một số địa điểm trong ATK, về quá trình di chuyển các cơ quan TW lên Tuyên Quang, và sự chỉ đạo của Đảng với xây dựng căn cứ địa. Nhưng về cơ bản ATK mới chỉ được coi như một phần của căn cứ địa tại Tuyên Quang, Việt Bắc mà chưa có một công trình chuyên khảo nào về sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng ATK ở Tuyên Quang thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1946- 1954. Vấn đề cần làm rõ ở đây là: lý do để Đảng và Bác chọn 3 huyện của Tuyên Quang làm nơi xây dựng ATK cùng với 2 huyện của tỉnh bạn; sự lãnh đạo của Đảng với ATK diễn ra như thế nào, có đặc điểm gì, có gì tương đồng và dị biệt với các loại hình khác của hậu phương chiến tranh nhân dân Việt Nam ý nghĩa và kinh nghiệm lịch sử. Đề tài đã bước đầu trình bày những vấn đề trên, bổ sung vào các công trình nghiên cứu về ATK.

    3. Mục đích, nhiệm vụ của đề tài

    3.1. Mục đích


    Làm sáng tỏ, toàn diện và khách quan nhất sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và bảo vệ ATK ở Tuyên Quang những năm kháng chiến chống Pháp 1946- 1954

    Tái hiện lại quá trình hình thành, xây dựng, củng cố và đấu tranh bảo vệ ATK dưới sự lãnh đạo của Đảng

    Khẳng định được vị thế của ATK ở Tuyên Quang với tư cách là nơi đứng chân cho đầu não kháng chiến của ta trong kháng chiến chống Pháp 1946- 1954

    Bước đầu rút ra một số kinh nghiệm lịch sử trong lãnh đạo xây dựng hậu phương, căn cứ địa và ATK của Đảng

    3.2. Nhiệm vụ

    Tập hợp và hệ thống hóa tư liệu liên quan đến đề tài

    Khôi phục hệ thống sự kiện lịch sử có liên quan.

    Tình bày các sự kiện và quá trình lịch sử về sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, bảo vệ ATK ở Tuyên Quang trong kháng chiến chống Pháp 1946- 1954 gắn liền với điều kiện không gian và thời gian

    Bước đầu đánh giá, phân tích để làm rõ mối liên hệ giữa các sự kiện, quá trình lịch sử trên. Từ đó rút ra những vấn đề mang tính bản chất, đánh giá tác dụng của sự kiện trong quá trình nghiên cứu vấn đề

    4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

    4.1. Đối tượng nghiên cứu


    Những chủ trương, chỉ thị và biện pháp của Đảng để lãnh đạo xây dựng ATK ở Tuyên Quang

    Quá trình thực hiện sự chỉ đạo của Đảng bộ các cấp về xây dựng ATK ở Tuyên Quang trong kháng chiến chống Pháp 1946- 1954

    Kết quả và ý nghĩa của việc thực hiện các chủ trương trên.

    4.2. Phạm vi nghiên cứu

    Điều kiện tự nhiên- kinh tế- xã hội có chi phối đến quá trình xây dựng và củng cố ATK ở Tuyên Quang ở cả khía cạnh thuận lợi và khó khăn.

    Âm mưu và thủ đoạn của thực dân Pháp trong việc chống phá quá trình xây dựng ATK dưới sự lãnh đạo của Đảng

    Những ưu điểm và hạn chế trong việc chỉ đạo tổ chức và thực hiện đường lối xây dựng hậu phương, căn cứ địa và ATK của Đảng

    Đề tài chủ yếu nghiên cứu trên phạm vi không gian ba huyện ATK ở Tuyên Quang là Chiêm Hoá, Yên Sơn, Sơn Dương trong thời gian 1946- 1954

    5. Nguồn tài liệu và phương pháp nghiên cứu

    5.1. Nguồn tài liệu


    Nguồn tài liệu trực tiếp

    Do đây là đề tài nghiên cứu về sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng ATK ở Tuyên Quang trong kháng chiến chống thực dân Pháp 1946- 1954, nên nguồn tài liệu mang tính trực tiếp mà tôi sử dụng là:

    Văn kiện của Đảng, tài liệu chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Pháp của TW Đảng.

    Các bài nói, viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước trong những năm 1945- 1954.

    Các chỉ thị, nghị quyết của Liên khu uỷ Việt Bắc, Đảng bộ tỉnh và đảng bộ 3 huyện ATK ở Tuyên Quang: Chiêm Hoá, Sơn Dương, Tuyên Quang trong những năm 1945- 1954

    Tất cả các tài liệu này đều có liên quan đến vấn đề căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến chống Pháp; đã được công bố hoặc vẫn ở dạng tài liệu lưu trữ. Đây là nguồn tài liệu quan trọng nhất để thực hiện đề tài.

    Nguồn tài liệu gián tiếp

    Nguồn tài liệu này rất phong phú, và đa dạng, giúp người viết có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn. Dạng này gồm có:

    Các tác phẩm lý luận của Lênin, Hồ Chí Minh, các nhà lãnh đạo, các tướng lĩnh quân đội.

    Tài liệu về lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, lịch sử Đảng bộ địa phương.

    Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của tỉnh, Viện Lịch sử Quân sự, Quân khu I xuất bản.

    Lịch sử các ban ngành, đoàn thể.

    Tài liệu tổng kết cuộc kháng chiến.

    Lời kể của nhân chứng; hồi ức, nhật ký của một số cán bộ lãnh đạo đã ở và làm việc tại ATK trong những năm chống Pháp.

    Một số sách do người nước ngoài, nhất là người Pháp viết về chiến tranh Việt Nam.

    5.2. Phương pháp nghiên cứu

    Phương pháp lịch sử; ngoài ra còn có phương pháp logic, so sánh, đối chiếu, phân tích và tổng hợp; kết hợp giữa trình bày theo thời gian và phân theo loại hình

    Điều tra điền dã trong khả năng và điều kiện cho phép.


    6. Bố cục của khoá luận

    Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục và chú thích, khoá luận gồm 3 chương nội dung:

    Chương 1: Lãnh đạo xây dựng ATK trong những năm 1946- 1947

    Chương 2: Lãnh đạo củng cố và bảo vệ ATK (1948- 1954)

    Chương 3: Một số nhận xét và kinh nghiệm lịch sử



    Mặc dù luôn cố gắng hết sức để hoàn thành tốt đề tài, làm rõ sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng ATK ở Tuyên Quang trong kháng chiến chống Pháp 1946- 1954 nhưng do những hạn chế nhất định về thời gian, nguồn tư liệu và kinh nghiệm nghiên cứu, nên bài khoá luận còn có nhiều thiếu sót. Em mong nhận được sự đóng góp của thầy cô và các bạn để hoàn thiện hơn đề tài của mình. Qua đây, em xin chân thành cảm ơn các thầy cô trong bộ môn Lịch sử Đảng, khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn- nơi em đã được học và đào tạo trong 4 năm qua, đặc biệt là thầy PGS. TS Vũ Quang Hiển đã tận tình chỉ bảo, giúp đỡ em trong suốt quá trình thực hiện đề tài.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...