Thạc Sĩ Lối sống người dân làng chài hiện nay (nghiên cứu trường hợp tại xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy và phườ

Thảo luận trong 'THẠC SĨ - TIẾN SĨ' bắt đầu bởi Phí Lan Dương, 19/9/14.

  1. Phí Lan Dương

    Phí Lan Dương New Member
    Thành viên vàng

    Bài viết:
    18,524
    Được thích:
    18
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU

    1. Lý do chọn đề tài
    Lối sống của các cộng đồng cư dân là đề tài được các tác giả trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu từ lâu dưới các góc độ khác nhau. Các nhà nghiên cứu Dân tộc học/ Nhân học và Văn hóa học đã chỉ ra rằng, lối sống tùy thuộc vào các điều kiện sống (môi trường cư trú, phương thức mưu sinh), các yếu tố lịch sử - văn hóa của cộng đồng cư dân và lối sống cũng biểu hiện những dạng thức khác nhau từ các yếu tố trên. Lối sống được thể hiện tập trung ở phương thức mưu sinh, các thiết chế xã hội, các phong tục tập quán, tín ngưỡng , hình thành từ phương thức mưu sinh và trở lại phục vụ phương thức mưu sinh đó. Nghiên cứu lối sống là nghiên cứu cốt lõi văn hóa của các tộc người.
    Với hệ thống sông ngòi chằng chịt và vùng biển, hải đảo rộng lớn trải dài trên 3200 km, chứa đựng nguồn lợi tự nhiên phong phú, dọc bờ biển Việt Nam từ xưa đã hình thành nhiều cộng đồng ngư dân làm nghề đánh bắt thủy, hải sản, sống trong các làng chài. Các cộng đồng cư dân có nhiều nét đặc thù. Họ có nguồn gốc từ những cư dân nội đồng, mưu sinh bằng khai thác nguồn thủy, hải sản nơi sông nước. Nhìn chung, trước năm 1954 và ở nhiều nhóm thuộc một số địa phương hiện nay, ngư dân có cuộc sống rất nghèo khó, họ có xu thế tách khỏi các cộng đồng làng xã chính thống, sống biệt lập trên những chiếc thuyền, không có đất làm nhà, tập hợp lại thành các làng chài, vạn chài. Do vậy, lối sống của ngư dân có những nét khác biệt so với cư dân nông nghiệp ở trên bờ.
    Từ sau năm 1954, đặc biệt là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, Đảng và Chính phủ đã có nhiều chính sách đối với ngư dân và sự nỗ lực vươn lên của các cộng đồng giúp cho cuộc sống của ngư dân từng bước được cải thiện; là cơ sở để lối sống của họ có những chuyển biến trên nền của lối sống truyền thống. Sự chuyển biến này được biểu hiện khác nhau ở từng cộng đồng ngư dân mỗi vùng, miền, phụ thuộc vào đặc điểm của môi trường cư trú cùng một số yếu tố khác, cần được đi sâu nghiên cứu.
    Bên cạnh những chuyển biến tích cực, cuộc sống của ngư dân các vùng miền ở nước ta đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đó là, nguồn lợi tự nhiên đang bị khai thác quá mức, dẫn đến cạn kiệt, ảnh hưởng tới nguồn sống lâu dài; tình trạng thấp kém về giáo dục và đời sống văn hóa - tinh thần
    Với những lí do trên, tôi chọn vấn đề “Lối sống người dân làng chài hiện nay” (nghiên cứu trường hợp tại làng chài Nam Hải, huyện Kiến Thụy và làng chài Ngọc Sơn, quận Kiến An, Hải Phòng) làm đề tài luận án tiến sĩ ngành Nhân học, với mong muốn nghiên cứu lối sống của cộng đồng ngư dân nhằm chỉ ra những đặc điểm văn hóa của một bộ phận cư dân tộc người Việt. Về mặt thực tiễn, nghiên cứu lối sống của các cộng đồng ngư dân tạo cơ sở khoa học để đề ra các chính sách, các giải pháp giúp ngư dân phát triển theo hướng bền vững, có đủ tri thức, tiềm lực để vươn ra biển khơi, làm giàu cho bản thân và đóng góp vào công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước, nhất là giữ vững vùng biển và hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
    2. Mục đích nghiên cứu của luận án
    - Luận án chỉ ra một số dạng thức chủ yếu trong lối sống của ngư dân hai làng chài Nam Hải và Ngọc Sơn (Hải Phòng) để từ đó thấy được những điểm tương đồng và khác biệt trong lối sống, văn hóa, tín ngưỡng giữa hai cộng đồng này.
    - Cung cấp cơ sở khoa học cho việc đề ra các giải pháp giúp các cộng đồng ngư dân phát triển sản xuất, cải thiện đời sống vật chất, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong điều kiện hiện nay.
    3. Đối tượng, phạm vi và địa bàn nghiên cứu của Luận án
    - Đối tượng nghiên cứu của luận án là một số dạng thức chính trong lối sống (ăn, ở, lao động, phương tiện đi lại, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tổ chức xã hội).
    - Phạm vi nghiên cứu của luận án:
    Về không gian, luận án chọn hai làng chài để nghiên cứu là làng Ngọc Sơn (phường Ngọc Sơn, quận Kiến An) và làng Nam Hải (xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy. Đây là hai làng chài khác nhau về môi trường cư trú (làng Ngọc Sơn nằm ven sông Lạch Tray, đồng thời là làng Công giáo; làng Nam Hải nằm gần cửa sông Văn Úc đổ ra biển). Điều kiện sống cũng như tôn giáo khác nhau tạo ra những nét riêng về lối sống, thể hiện rõ nét ở phương thức mưu sinh, các tập tục và hướng phát triển trong tương lai.
    Về thời gian: luận án nghiên cứu lối sống hiện nay của hai cộng đồng ngư dân là làng Nam Hải và làng Ngọc Sơn, có so sánh với một số yếu tố của lối sống truyền thống (làng Nam Hải trước khi chuyển cư lên bờ, năm 1955; làng Ngọc Sơn trước khi được mở rộng tiếp xúc với cư dân trên bờ, đặc biệt là khi trẻ em trong làng được học chữ, năm 1998).
    4. Nguồn tư liệu của luận án
    Nguồn tư liệu chính của luận án là tư liệu điền dã, thu được qua việc phỏng vấn và tham gia các hoạt động lao động sản xuất, các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của ngư dân. Bên cạnh đó luận án sử dụng những báo cáo, các số liệu thống kê về các mặt kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội của địa phương trong những năm gần đây.
    Luận án kế thừa các kết quả nghiên cứu về ngư dân, về lối sống và về làng xã đã được công bố.
    5. Đóng góp mới của luận án
    Đây là luận án tiến sĩ Nhân học đầu tiên nghiên cứu về lối sống của ngư dân Hải Phòng qua hai làng chài cụ thể; chỉ ra những đặc trưng trong lối sống; sự giống nhau và khác biệt trong lối sống của hai cộng đồng ngư dân có nguồn gốc, môi trường cư trú khác nhau.
    Luận án tạo cơ sở khoa học để cấp ủy, chính quyền địa phương tham khảo trong việc đề ra các giải pháp giúp cộng đồng ngư dân hai làng chài khắc phục khó khăn, phát huy thuận lợi, phát triển theo hướng bền vững.
    Luận án góp phần nghiên cứu những vấn đề lý luận về lối sống, về làng xã, về ngư dân; là tài liệu tham khảo cho các nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên nghiên cứu về ngư dân.
    6. Bố cục của luận án
    Ngoài Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục, Luận án được chia thành 4 chương:
    Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý thuyết, phương pháp và địa bàn nghiên cứu
    Chương 2: Lối sống của ngư dân làng chài Nam Hải
    Chương 3: Lối sống của ngư dân làng chài Ngọc Sơn
    Chương 4: Kết quả và bàn luận.
     
Đang tải...