Thạc Sĩ Loại hình nội dung tiểu thuyết Việt Nam sau 1975

Thảo luận trong 'THẠC SĨ - TIẾN SĨ' bắt đầu bởi Phí Lan Dương, 22/11/13.

  1. Phí Lan Dương

    Phí Lan Dương New Member
    Thành viên vàng

    Bài viết:
    18,524
    Được thích:
    18
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Luận án tiến sĩ năm 2011
    Đề tài: Loại hình nội dung tiểu thuyết Việt Nam sau 1975
    Định dạng file word


    mở đầu
    1. ý nghĩa khoa học của đề tài
    1.1. Sau 1975, văn học Việt Nam dần thoát khỏi tính chất của văn học chiến tranh, từng bước vận động theo quy luật của văn học thời bình, hoà nhập với văn học khu vực và thế giới. Trong hoàn cảnh mới, văn học nói chung, nhất là văn xuôi ngày càng phát triển phong phú, đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Đặc biệt, với vị trí và ưu thế năng động của thể loại, tiểu thuyết ngày càng hấp dẫn các thế hệ nhà văn sáng tạo. Trước hết là sự tự đổi mới của các nhà văn từng sáng tác khá vững vàng ở giai đoạn trước, như Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Xuân Thiều, Nguyễn Trọng Oánh, Lê Lựu . Tiếp đó là lớp nhà văn trưởng thành sau cuộc chiến như Bảo Ninh, Chu Lai, Khuất Quang Thụy, Hồ Anh Thái, Dương Hướng, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương, Võ Thị Hảo . Càng về sau, trong sự tiếp xúc, giao lưu với các thành tựu văn học hiện đại phương Tây và xuất phát từ chính sự đổi mới của đời sống xã hội, các cây bút tiểu thuyết càng tích cực và tỏ ra nhạy bén trong việc làm mới chính mình. Tác phẩm của họ làm nên diện mạo đa dạng, bề bộn của tiểu thuyết Việt Nam những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Một nghiên cứu hệ thống để có thể nắm bắt những đặc điểm tiểu thuyết Việt Nam đương đại là việc làm cần thiết, góp phần phác thảo, nhận diện các xu hướng phát triển của tiểu thuyết nước nhà.
    1.2. Nhiều cây bút phê bình, nghiên cứu tiểu thuyết đương đại thường vận dụng những lý thuyết Kí hiệu học, Thi pháp học, Phân tâm học, . để khảo sát, đánh giá những cách tân về bút pháp nghệ thuật, các phương diện hình thức tác phẩm. Đây là hướng nghiên cứu gắn với các đặc trưng văn học cũng như những tính năng nghệ thuật của thể loại, mang lại không ít hiệu quả, phát hiện mới mẻ, rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, các phương diện hình thức, nội dung của văn học luôn gắn bó mật thiết, hữu cơ tạo thành chỉnh thể tác phẩm. Việc đi sâu tìm hiểu nội dung của tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 là cần thiết, góp phần tạo nên sự nhịp nhàng, toàn diện trong nhìn nhận, đánh giá mảng sáng tác có quy mô lớn này. Cùng với việc tìm hiểu các phương diện, cấp độ nội dung những sáng tác cụ thể, cần vươn tới khái quát các mô hình nội dung, chỉ ra được những loại hình nội dung thể loại của tiểu thuyết Việt Nam sau 1975. Đây là hướng nghiên cứu giàu tiềm năng, phù hợp với mong muốn nhận diện, đánh giá sự vận động của tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Đồng thời, những nghiên cứu này cũng giúp mài sắc những nhận thức lý thuyết cũng như khả năng vận dụng khái niệm “loại hình nội dung” trong phê bình, nghiên cứu văn học.
    1.3. Văn xuôi Việt Nam sau 1975 nói chung và tiểu thuyết nói riêng là đối tượng nghiên cứu, giảng dạy Ngữ văn quan trọng ở các trường Trung học phổ thông, nhất là ở các trường Cao đẳng, Đại học. Nghiên cứu, nắm bắt những loại hình nội dung tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 là việc làm cần thiết góp phần nâng cao hiệu quả dạy và học với đối tượng quan trọng này.
    Như vậy, đề tài “Loại hình nội dung tiểu thuyết Việt Nam sau 1975” vừa mang ý nghĩa lý luận, vừa mang ý nghĩa thực tiễn. Đó là những lý do chúng tôi lựa chọn nghiên cứu đề tài này.
    2. Lịch sử vấn đề
    Nghiên cứu phê bình văn học trước 1975 nói chung và tiểu thuyết nói riêng chủ yếu dựa trên quan điểm xã hội học. Các tác giả chủ yếu đánh giá tác phẩm văn học về nội dung phản ánh trong mối quan hệ với hiện thực đời sống. Những cách tân nghệ thuật không được đánh giá đúng mực bởi những e ngại về ranh giới với chủ nghĩa hình thức. Với những chuyển đổi căn bản trong nhận thức lý luận, nghiên cứu, phê bình văn học sau 1975 đã dần đi sâu vào bản chất thẩm mĩ của văn học. Nhìn chung có thể thấy, trong phê bình nghiên cứu văn học Việt Nam sau 1975, có không ít công trình, bài viết hướng tới những sáng tác mới mẻ, sự vận động bề bộn, phức tạp của tiểu thuyết nhằm thảo luận, nhận thức về thực tiễn văn học và dự báo xu hướng vận động thẩm mĩ đương đại. Đúng như nhà nghiên cứu Nguyễn Bích Thu đã nhận định trong Một cách tiếp cận tiểu thuyết Việt Nam thời kì đổi mới: “Trong quá trình đổi mới, tiểu thuyết đã trải qua những bước thăng trầm. So với những loại hình văn xuôi khác, tiểu thuyết với những thành tựu và hạn chế của nó luôn là vấn đề nóng thu hút sự quan tâm và kích thích cảm hứng đối thoại của cả giới sáng tác, lý luận, phê bình và công chúng.” [211 ; 15]. Nhìn chung, tiếp cận tiểu thuyết hiện nay với cái nhìn cởi mở, hướng đến sự phát triển để hoà vào dòng chảy chung của văn học thế giới là điểm dễ thấy ở các công trình.
    2.1. Những nghiên cứu về giá trị phản ánh hiện thực của tiểu thuyết Việt Nam sau 1975
    Bên cạnh việc tìm hiểu những cách tân về hình thức nghệ thuật, nhiều nhà nghiên cứu cũng làm rõ các biểu hiện đa dạng hóa đề tài, chủ đề, cảm hứng chủ đạo trong sáng tác của nhà văn, đi sâu tìm hiểu những đổi mới trong nội dung tiểu thuyết sau 1975. Bước vào thời kì xây dựng đất nước trong hoàn cảnh hòa bình với những yêu cầu và thách thức mới, nhiều nhà nghiên cứu, phê bình đã tập trung khai thác sự đổi mới nhu cầu cũng như những giá trị phản ánh hiện thực của tiểu thuyết. Mối quan hệ giữa văn học nói chung và tiểu thuyết nói riêng với đời sống được xem như là mối quan hệ chủ yếu nhằm nhận thức những vận động cách tân ở thể loại này. Các tác giả với cách tiếp cận khác nhau nhưng đều thống nhất ở nhận định : trong sự vận động đổi mới của văn học Việt Nam sau 1975, nhất là từ sau 1986 đã có sự lên ngôi của thể loại tiểu thuyết hiện đại. Sự đối thoại của văn học đổi mới với các giá trị văn học trước 1975 được bộc lộ thành khuynh hướng phản sử thi, ý thức tự “cởi trói” để hoà nhập với dòng chảy chung của văn học nhân loại. Cái nhìn mới về các sự kiện lịch sử, về chiến tranh, về người lính trước hết xuất phát từ bối cảnh cách tân sôi nổi ấy. Từ đây, những câu chuyện của đời sống thường ngày tràn vào văn học, tạo nên nhiều ngã rẽ, không chỉ là những cái thuộc về lịch sử dân tộc, về chiến tranh chống xâm lược.
    Chẳng hạn, trong bài Văn học Việt Nam trước và sau 1975 - nhìn từ yêu cầu phản ánh hiện thực, Phong Lê bày tỏ cái nhìn nhiều chiều về “cái mới” trong văn học gắn liền với “cái mới” trong hiện thực cuộc sống sau chiến tranh với rộng lớn những tầng mảng phức tạp. Theo nhà nghiên cứu, hiện thực lớn đòi hỏi những tác phẩm lớn : “lớn của tác phẩm phải được đo theo khả năng khái quát nghệ thuật, sức mạnh nghệ thuật và chân lý nghệ thuật. Mặt khác, chất lượng của sự khái quát này lại không phụ thuộc vào các chiều kích to rộng của thế giới khách quan”. ở bài viết này, cái mới trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 cũng được nhìn nhận trong hệ thẩm mĩ mới với sự đa dạng của các phạm trù thẩm mĩ, với sự trở lại vị trí chủ âm của cái hài, cái bi. Đây là sự phát triển phù hợp với tự nhiên cũng như sự phát triển của quy luật thẩm mĩ, cho thấy “văn học dân tộc đang mở ra những cánh cửa mới để đi vào một cuộc giao hòa với khu vực và nhân loại”.
    Phan Cự Đệ trong bài Tiểu thuyết Việt Nam đầu thời kỳ đổi mới đã quan tâm đến sự thay đổi hướng tiếp cận hiện thực của tiểu thuyết. Nhà nghiên cứu đã đã nhìn nhận vấn đề theo hướng lạc quan về những đóng góp của tiểu thuyết trên phương diện này : “Dường như tiểu thuyết trong ba mươi năm chiến tranh đã dành ưu thế cho phương thức tiếp cận hiện thực (lịch sử - cụ thể). Những tính cách luôn luôn được cắt nghĩa trong mối liên hệ chặt chẽ với hoàn cảnh xã hội, với một thời điểm nhất định của lịch sử. Chủ nghĩa hiện thực đòi hỏi phải miêu tả chính xác những tính cách điển hình trong những hoàn cảnh điển hình. Trong thời kỳ đổi mới, chủ nghĩa hiện thực không thể là một cấu trúc nghệ thuật khép kín, mà nó phải là một hệ thống mở, một hệ thống đang phát triển. Tiểu thuyết nói riêng, văn xuôi thời kỳ đổi mới nói chung rất đa dạng về phương pháp sáng tác và phương pháp tiếp cận hiện thực. Vấn đề là những phương pháp sáng tác, những phương thức tiếp cận đó đều có khả năng phản ánh chân lý cuộc sống và tạo nên những cảm hứng thẩm mỹ lành mạnh với người đọc”[46 ; 12]. Nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ đã nhìn nhận và đánh giá cao khả năng phản ánh hiện thực của tiểu thuyết thời kỳ đổi mới. Cuộc sống đổi thay phức tạp đòi hỏi văn học cũng phải làm mới mình, làm mới những nguyên tắc phản ánh đã trở nên không phù hợp. Với kinh nghiệm nghiên cứu, phê bình dày dạn, có thể thấy nhận định của Phan Cự Đệ là rất xác đáng.
    Nhà văn Nguyên Ngọc trong bài Văn xuôi Việt nam hiện nay - lôgic quanh co của các thể loại, những vấn đề đang đặt ra và triển vọng chia sẻ cách nhìn toàn diện về hiện thực cuộc sống mới, sự khác biệt giữa cuộc sống chiến tranh và hòa bình: “Nếu như trong chiến tranh chỉ có một câu hỏi duy nhất thì bây giờ vô số câu hỏi muôn hình nghìn vẻ dấy lên từ những tầng sâu của xã hội, tích lũy âm thầm trong những quá trình lịch sử phức tạp và lâu dài, bày hết ra trước con người” [111 ; 170]. Cuộc sống mới đặt ra những nhu cầu mới trong sáng tác và thực tế cho thấy đã có khoảng thời gian dài, tiểu thuyết của chúng ta bị bế tắc về lối viết. Nhà văn yêu cầu : “Đã qua rồi thời kì của văn học sử thi đầy chất trữ tình cách mạng trong chiến tranh, mà mười năm qua văn học sau chiến tranh vẫn còn trôi theo quán tính. Phải hình thành cho được ngôn ngữ mới để nói về hiện thực mới vô cùng phức tạp của xã hội và con người.” [111 ; 171].
    Nghiên cứu ý thức cách tân trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1975, Nguyễn Bích Thu nhận định: trên phương diện đề tài, tiểu thuyết thời kì đổi mới đã tiếp cận và khai thác sâu hơn vào cái hiện thực hàng ngày, cái hiện thực của đời sống cá nhân. Các nhà tiểu thuyết đã nhìn thẳng vào những mảnh vỡ, những bi kịch nhân sinh, mổ xẻ, phơi bày nó bằng cái nhìn trung thực táo bạo. Các đề tài truyền thống hay hiện đại đều được đưa vào trường nhìn mới, hướng những gấp khúc trong đường đời và thân phận con người thấm đẫm cảm hứng nhân văn [111 ; 226]. Theo tác giả, văn học đổi mới là giai đoạn chuyển biến từ tư duy sử thi sang tư duy tiểu thuyết, từ cảm hứng lịch sử dân tộc sang cảm hứng thế sự đời tư. ở giai đoạn lịch sử mới, người viết có những chuyển hướng trong nhận thức, tư duy về bản thể người. Các nhà tiểu thuyết Việt Nam đã phá vỡ cái nhìn đơn phiến, để tạo ra một cái nhìn phức tạp hơn, đa diện hơn và vì thế sâu sắc hơn về con người.
    Các công trình nêu trên, ở mức độ nào đó đã cho thấy những đổi thay trong hệ thống đề tài, chủ đề của tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 so với các thời kì trước đó : sự xuất hiện những đề tài mới (tình yêu - tình dục, phụ nữ với vẻ đẹp phồn thực ), cách xử lý khác với những đề tài đã có từ trước (đề tài nông thôn, đề tài chiến tranh, người lính ). Cảm hứng sáng tác có nhiều thay đổi: từ cảm hứng ngợi ca, khẳng định chuyển sang suy tư trước hiện thực phồn tạp. Tư tưởng chủ đề (cách giải quyết vấn đề) cũng thay đổi. ý thức thẩm mĩ mới đã đem lại cảm quan hiện thực mới, đã chi phối sâu sắc việc lựa chọn đề tài cũng như giải quyết vấn đề.
    2.2. Những nghiên cứu về đổi mới hình thức thể loại tiểu thuyết Việt Nam sau 1975
    Bên cạnh xu hướng tìm hiểu tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 trong cái nhìn bao quát mối quan hệ văn học - hiện thực là xu hướng tìm hiểu sự vận động của thể loại này từ góc độ nghệ thuật, hình thức thể loại. Những trăn trở cách tân thể loại đã được các nhà văn nhận thức sâu sắc và mạnh dạn thể nghiệm qua thực tiễn sáng tác. Cách tân thi pháp thể loại chính là đối tượng thu hút phần lớn các nhà nghiên cứu, phê bình tiểu thuyết Việt Nam sau 1975.
    Trong bài Nhìn lại các bước đi - lắng nghe những tiếng nói [111 ; 55-70], La Khắc Hoà cho rằng, những đổi mới của tiểu thuyết Việt Nam sau 1975, xét đến cùng và trước hết là sự thay đổi trong quan niệm về bản thân thể loại. Những đổi mới ấy được bộc lộ ở nhiều khía cạnh: mở rộng quan niệm hiện thực, đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người, đổi mới nghệ thuật trần thuật và ngôn ngữ, giọng điệu. Tác giả đã “lắng nghe” và nhận thấy có một “tiếng nói to” trong văn học, nhất là tiểu thuyết Việt Nam thời kì đổi mới, nói về cái sai, cái xấu, cái ác; nói về vẻ đẹp phồn thực của cuộc đời trần thế ; tiếng nói thế sự làm nổi bật cái sự vô lí, phi lí hiện đang tồn tại trên đời. Đó là những chiều kích khác nhau chi phối hệ thống đề tài của tiểu thuyết Việt Nam sau 1975.
    Trong bài Về một hướng thử nghiệm của tiểu thuyết Việt Nam từ cuối thập kỉ 80 đến nay, theo Nguyễn Thị Bình, “Đa số tiểu thuyết của chúng ta cho đến nay vẫn chủ yếu cựa quậy trong cái khung thể loại truyền thống: coi trọng việc khám phá nội dung hiện thực qua các tính cách, số phận nhân vật, các mối quan hệ giữa con người với hoàn cảnh” [111 ; 212]. Đồng thời, tác giả tiếp cận các quan điểm mới về tiểu thuyết hiện đại, tìm hiểu và ghi nhận một số tác phẩm sáng tạo theo hướng thể nghiệm các hình thức tiểu thuyết trò chơi, giả thuyết. Từ việc tạo ra hiện thực không đáng tin cậy, trao điểm nhìn trần thuật cho các nhân vật dị biệt hoặc kì ảo, đến việc sử dụng phổ biến bút pháp nhại, bút pháp huyền thoại, trào lộng . đã cho thấy, tiểu thuyết Việt Nam dù mới chỉ là những thử nghiệm ban đầu nhưng không phải không có những thành tựu đáng trân trọng.
    Nguyễn Thị Bình tiếp tục chú ý đến nét đổi mới thể loại khi tìm hiểu Tư duy thơ trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Theo tác giả, tư duy thơ là nét đặc trưng chi phối việc xây dựng thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết, biểu hiện ở nhiều góc độ: sự nổi bật về nhịp điệu; hiện tượng “lạ hoá” được dùng phổ biến; hiện thực của những hoài niệm, tiếc nuối và suy cảm. Nhà nghiên cứu cho rằng, với những biểu hiện của tư duy thơ, “tiểu thuyết Việt Nam đương đại một mặt chứng tỏ khát vọng không ngừng khám phá những tiềm năng thể loại, mặt khác nó đánh dấu một sự chuyển đổi quan trọng trong ý niệm về văn chương” [21 ; 12].
    Cũng trong nghiên cứu ý thức cách tân trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1975, Nguyễn Bích Thu nhận định: trong thực tiễn sáng tác, nhất là những năm đầu thế kỉ XXI, các cây bút tiểu thuyết đã có ý thức tìm tòi đổi mới nghệ thuật và kĩ thuật tiểu thuyết trên cơ sở gắn với nội dung nhân bản, xã hội để thúc đẩy xã hội phát triển, góp phần cách tân và hiện đại hóa văn xuôi Việt Nam hiện đại. Trong những cách tân ấy có việc thay đổi lối viết và sử dụng ngôn ngữ. Theo nhà nghiên cứu, so với ngôn ngữ thi ca, ngôn ngữ tiểu thuyết có phạm vi hoạt động tự do và linh hoạt hơn. Miêu tả cuộc đời và con người như nó vốn có, ngôn ngữ tiểu thuyết không chỉ được soi sáng bởi ngôn ngữ tác giả mà còn được soi sáng bởi ngôn ngữ nhân vật. Tính đối thoại nội tại là một yếu tố cơ bản trong ngôn ngữ tiểu thuyết. Tác giả hoàn toàn không trung lập mà cùng tranh luận với ngôn ngữ nhân vật. Ngôn ngữ tiểu thuyết không bao giờ thoả mãn với một ý thức, một tiếng nói, luôn mang tính đa thanh [111 ; 226].
    Từ luận án tiến sĩ, phát triển thành chuyên luận, cuốn sách Những cách tân tiểu thuyết Việt Nam đương đại của tác giả Mai Hải Oanh đã trình bày một cách hệ thống những cách tân của tiểu thuyết đương đại trên các phương diện cốt truyện, kết cấu, nhân vật và giọng điệu. Đây là công trình quy mô nhất tìm hiểu những đổi mới của tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 từ góc độ thể loại.
    Có thể thấy, các công trình nghiên cứu nêu trên đều thống nhất trong nhận định tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 có sự “lột xác” để đem lại cho mình diện mạo mới. Sự cách tân trong nghệ thuật tiểu thuyết được hầu hết các nhà văn ý thức để tự đổi mới mình. Cùng với nội dung, hình thức tiểu thuyết Việt Nam đương đại đã có sự đổi mới nhiều mặt, bước đầu tiếp cận với xu hướng văn chương hiện đại, hậu hiện đại trên thế giới. Những đổi mới trong kết cấu, cốt truyện, ngôn ngữ, giọng điệu, cách miêu tả, xây dựng nhân vật, . đã cho thấy ý thức cách tân của các nhà văn đối với chính những sáng tác của mình. Những đổi mới ấy gắn với nhu cầu thực tiễn tiếp nhận, xuất phát từ bản thân đời sống phong phú, phức tạp và cũng từ bản thân sự vận động năng động của thể loại.
    Nhìn chung, với vai trò chủ đạo trong dòng vận động đổi mới của văn học Việt Nam kể từ sau 1975, tiểu thuyết đã thu hút sự quan tâm nghiên cứu ở nhiều góc độ, trên nhiều phương diện. Nhìn tổng quan, có thể thấy dù ý kiến của các nhà phê bình, nghiên cứu có thể khác nhau, song khá hội tụ và làm nổi bật vị trí của thể loại. Từ phác họa bối cảnh văn hoá lịch sử đến việc phân tích những tác phẩm cụ thể; từ cái nhìn bao quát đến chuyên biệt, cụ thể, các tác giả phê bình, nghiên cứu đã tiếp cận, vận dụng những quan niệm lý thuyết mới, đặt tiểu thuyết trong những trường nhìn mới, từ đó khai thác những vỉa tầng ý nghĩa của mỗi sáng tác, những đặc điểm nổi bật của mỗi nhà văn, khám phá những xu hướng vận động mới của thể loại. Những thành tựu phê bình, nghiên cứu ấy đã góp phần làm nổi bật diện mạo mới của tiểu thuyết trong bức tranh chung của văn học Việt Nam đương đại.
    Các công trình, bài viết đã đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp đến các loại hình tiểu thuyết Việt Nam sau 1975. Tuy nhiên, có thể thấy hầu hết những ý kiến đã có thường mang tính nhận định khái quát, chưa có công trình bài viết nào bao quát trên diện rộng cũng như những thể hiện chiều sâu làm rõ các loại hình nội dung tiểu thuyết, chưa xâu chuỗi thành những luận điểm giàu ý nghĩa lý thuyết và tiềm năng phương pháp luận. Giải quyết những vẫn đề còn đang bỏ ngỏ đó cũng chính là nhiệm vụ mà chúng tôi đặt ra trong luận án.
    3. Đối tượng, phạm vi và nhiệm vụ nghiên cứu
    3.1. Đối tượng nghiên cứu của đề tài là loại hình nội dung tiểu thuyết Việt Nam sau 1975.
    3.2. Từ việc xác định đối tượng như trên, luận án có nhiệm vụ nghiên cứu những phương diện loại hình nội dung tiểu thuyết. Theo đó, chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu để từng bước đi đến chứng minh cho các giả thuyết chính sau :
    (1) Sự vận động của tiểu thuyết Việt Nam từ sau 1975 gắn liền với bối cảnh văn hoá - xã hội mới, thị hiếu thẩm mĩ mới của công chúng, trình độ thẩm mĩ của nhà văn và chịu tác động của lí thuyết cũng như những thành tựu của tiểu thuyết thế giới. Trong đó, loại hình nội dung tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 đã có sự đổi mới so với tiểu thuyết giai đoạn trước đó với sự khẳng định vị thế của thể tài đời tư (với những dấu ấn ngày càng phong phú, đậm nét của các thể tài thế sự, đời tư).
    (2) Qua các thành tựu tiêu biểu của tiểu thuyết sau 1975, có thể thấy những vận động đổi mới về đề tài, chủ đề, cảm hứng tư tưởng và các giá trị thẩm mĩ theo hướng đa dạng hóa. Đây chính là một phương diện biểu hiện tính đa dạng trong loại hình nội dung tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 so với cục diện của bản thân thể loại này trong suốt ba mươi năm chiến tranh.
    3.3. Như vậy, phạm vi nghiên cứu của đề tài sẽ là :
    - Về mặt lí thuyết, ngoài các công trình về tiểu thuyết của M. Bakhtin, M. Kundera, các công trình giới thiệu và nghiên cứu về loại hình nội dung văn học, về lịch sử phát triển của loại hình nội dung văn học, chúng tôi sử dụng quan niệm loại hình thể loại của G. N. Pospelov.
    - Về mặt tác phẩm, chúng tôi tập trung khảo sát các tiểu thuyết tiêu biểu của các tác giả được dư luận phê bình, nghiên cứu đánh giá cao như: Nguyễn Khải, Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Bảo Ninh, Chu Lai, Khuất Quang Thuỵ, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh, Đào Thắng, Hồ Anh Thái, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Thuận, . nhằm làm rõ những đặc điểm và sự đan xen các loại hình nội dung tiểu thuyết Việt Nam sau 1975.
    - Phân tích sự vận động của các loại hình nội dung của tiểu thuyết Việt Nam sau 1975. Trong khi nghiên cứu, để làm sáng tỏ nguyên nhân của sự vận động đổi mới tiểu thuyết, có thể chúng tôi sẽ bàn đến sự tác động của lí thuyết cũng như thành tựu sáng tác tiểu thuyết của nước ngoài, nhưng đây không phải mục đích chính của đề tài. Vì vậy, về mặt này, chúng tôi chủ yếu dựa trên những kết quả tổng kết, nhận định của một số nhà nghiên cứu uy tín.
    4. Phương pháp nghiên cứu
    Chúng tôi sử dụng phương pháp loại hình, thi pháp học hiện đại, tự sự học hiện đại, lí thuyết hệ thống, . như những phương pháp chủ yếu trong quá trình nghiên cứu.
    - Phương pháp loại hình : Đây là phương pháp hình thành và phổ biến vào thế kỷ XX trong nghiên cứu văn học. Phương pháp này chủ yếu được dùng để phân loại các hiện tượng văn học trên cơ sở chứng minh các nhóm hiện tượng giống nhau theo một tiêu chuẩn nào đó. Vận dụng phương pháp loại hình khi nghiên cứu nội dung tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 sẽ mở ra cơ hội mô hình hóa các loại hình nội dung, từ đó nhận diện và đánh giá sự vận động của thể loại này.
    - Phương pháp tiếp cận thi pháp học : Thi pháp học hiện đại đã được ứng dụng trong nhiều công trình nghiên cứu ở Việt Nam. Văn học, qua sự cắt nghĩa thi pháp đã bộc lộ được bản chất sáng tạo trong tính quan niệm, giá trị sâu sắc của bản thể văn chương. Những biểu hiện của thi pháp tác phẩm, tác giả, lịch sử văn học . là căn cứ để xác định loại hình nội dung tiểu thuyết Việt Nam sau 1975.
    - Phương pháp tiếp cận hệ thống : Nghiên cứu loại hình nội dung tiểu thuyết Việt Nam 1975 cần một cái nhìn hệ thống, bởi lẽ mỗi một tác phẩm, mỗi giai đoạn văn học đều có sự đan cài của các thể tài. Cái nhìn hệ thống cũng sẽ giúp chúng tôi lí giải vận động của loại hình nội dung tiểu thuyết Việt Nam sau 1975.
    Ngoài ra, các thao tác phân tích, so sánh, thống kê, bình luận, tổng hợp . cũng thường xuyên được vận dụng trong quá trình nghiên cứu đề tài này.
    5. Đóng góp mới của luận án
    (1) Luận án là công trình đầu tiên nghiên cứu, hệ thống loại hình nội dung tiểu thuyết Việt Nam sau 1975, góp phần miêu tả quá trình vận động của thể loại.
    (2) Phân tích một cách hệ thống các loại hình tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 trên phương diện nội dung với những biểu hiện đa dạng. Luận án lí giải hợp lí sự vận động và phát triển của tiểu thuyết Việt Nam sau 1975.
    (3) Những kết quả nghiên cứu có thể được sử dụng trong giảng dạy, học tập bộ môn Lý luận văn học và Văn học Việt Nam hiện đại.
    6. Cấu trúc luận án
    Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận án gồm 4 chương :
    Chương 1. Bối cảnh lịch sử - văn hóa và loại hình nội dung tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 (từ trang13 đến trang 48)
    Chương 2. Sức sống của thể tài sử thi trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 (từ trang 49 đến trang 96)
    Chương 3. Sự trỗi dậy của thể tài thế sự trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 (từ trang 97 đến trang 138)
    Chương 4. Vị thế mới của thể tài đời tư trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 (từ trang 139 đến trang 188)
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...