Tiến Sĩ Liên văn bản trong sáng tác Nguyễn Huy Thiệp

Thảo luận trong 'THẠC SĨ - TIẾN SĨ' bắt đầu bởi Phí Lan Dương, 22/11/13.

  1. Phí Lan Dương

    Phí Lan Dương New Member
    Thành viên vàng

    Bài viết:
    18,524
    Được thích:
    18
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Luận án tiến sĩ năm 2013
    Đề tài: Liên văn bản trong sáng tác Nguyễn Huy Thiệp
    Định dạng file word


    MỤC LỤC
    Trang phụ bìa . i
    Lời cảm ơn . ii
    Lời cam đoan . iii
    Mục lục . iv
    Danh mục các kí hiệu, các chữ viết tắt được sử dụng trong luận án . vi
    PHẦN MỞ ĐẦU 1
    1. Lí do chọn đề tài 1
    2. Cơ sở lí thuyết và phương pháp nghiên cứu. 3
    3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu. 4
    4. Đóng góp của luận án. 5
    5. Cấu trúc luận án. 5
    Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU 6
    1.1. Tình hình nghiên cứu lí thuyết liên văn bản. 6
    1.1.1. Tình hình nghiên cứu lí thuyết liên văn bản trên thế giới 6
    1.1.2. Tình hình nghiên cứu lí thuyết liên văn bản ở Việt Nam 8
    1.2. Tình hình nghiên cứu sáng tác Nguyễn Huy Thiệp. 15
    1.2.1. Những nghiên cứu gián tiếp bàn về sáng tác Nguyễn Huy Thiệp. 15
    1.2.2. Những nghiên cứu trực tiếp bàn về sáng tác Nguyễn Huy Thiệp. 16
    Chương 2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ THUYẾT VỀ TÍNH LIÊN VĂN BẢN 20
    2.1. Lí thuyết liên văn bản của chủ nghĩa cấu trúc: Genette và Riffaterre. 20
    2.1.1. Gérard Genette và tính xuyên văn bản. 22
    2.1.2. Michael Riffaterre và ảo tưởng quy chiếu. 27
    2.2. Lí thuyết liên văn bản từ Bakhtin đến Chủ nghĩa giải cấu trúc. 30
    2.2.1. Mikhail Bakhtin và tính đối thoại 30
    2.2.2. Julia Kristeva và tính liên văn bản. 38
    2.2.3. Roland Barthes và tính đa bội 44
    Chương 3. ĐỐI THOẠI LIÊN VĂN BẢN TRONG SÁNG TÁC NGUYỄN HUY THIỆP 55
    3.1. Đối thoại tư tưởng và đối thoại văn hóa. 56
    3.1.1. Đối thoại với tư tưởng Nho – Phật – Đạo. 56
    3.1.2. Đối thoại với những thành kiến văn chương. 70
    3.1.3. Giải thiêng huyền thoại về nhân cách con người lịch sử. 77
    3.2. Tâm thế đối thoại của Nguyễn Huy Thiệp. 83
    3.2.1. Từ tâm thức hiện sinh, soi sáng sự hiện hữu của con người 83
    3.2.2. Lập trường dân chủ trong đối thoại 88
    Chương 4. CÁC HÌNH THỨC LIÊN VĂN BẢN TRONG SÁNG TÁC NGUYỄN HUY THIỆP 97
    4.1. Ảnh hưởng và đọc sai, trích dẫn và giễu nhại 97
    4.1.1. Ảnh hưởng và đọc sai văn học quá khứ. 97
    4.1.2. Trích dẫn văn học truyền thống. 113
    4.1.3. Giễu nhại văn bản, diễn ngôn và thể loại 119
    4.2. Pha trộn thể loại trong sáng tác Nguyễn Huy Thiệp. 134
    4.2.1. Sự xâm nhập của thơ trong văn xuôi 134
    4.2.2. Sự xâm nhập của tự sự vào kịch. 141
    KẾT LUẬN 147
    DANH MỤC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ
    TÀI LIỆU THAM KHẢO
    PHỤ LỤC


    PHẦN MỞ ĐẦU
    1. Lí do chọn đề tài
    Thế kỉ XX được xem là thế kỉ của các lí thuyết văn học. Trong thế kỉ này, người ta chứng kiến sự ra đời, phát triển của nhiều trường phái, lí thuyết. Chúng tiếp biến, ảnh hưởng và phủ nhận nhau khiến đời sống văn học sôi động, đa dạng, phức tạp. Đầu thế kỉ XX, khái niệm văn bản (text) được phát hiện đã làm thay đổi hẳn quan niệm về tác phẩm văn học, cấu trúc của nó, về vị trí và vai trò của tác giả, người đọc. Đến nửa cuối thế kỉ này, khái niệm tính liên văn bản (intertextuality) ra đời và trở thành mối quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu ngữ văn hàng đầu thế giới. Nguồn gốc của khái niệm tính liên văn bản được đa số các nhà nghiên cứu thống nhất tính từ thời điểm khai sinh của ngôn ngữ học hiện đại gắn liền với tên tuổi của nhà ngôn ngữ học người Thụy Sĩ, F. Saussure. Lí thuyết này cũng gắn liền với những tư tưởng triết học, lí luận văn học độc đáo của nhà bác học Nga M.Bakhtin và vang vọng những quan niệm của các nhà Hình thức luận Nga. Tuy nhiên, với tư cách một khái niệm lí thuyết văn học, nó chính thức được đặt ra vào nửa cuối những năm 60 tại phương Tây bởi nhà nghiên cứu văn học trẻ người Pháp gốc Bulgaria, Julia Kristeva. Quan niệm tính liên văn bản của bà ra đời trong bối cảnh các quan niệm cấu trúc luận đang bị xét lại và đang hình thành cái gọi là chủ nghĩa hậu cấu trúc. Quan niệm của Kristeva nhanh chóng tìm được sự hưởng ứng của các nhà hậu cấu trúc tên tuổi như R.Barthes, L.Bloom; các nhà cấu trúc luận – trần thuật học như M.Riffaterre, G.Genette .Hiện nay, lí thuyết liên văn bản có sức lan tỏa rất rộng, được sử dụng bởi các nhà nữ quyền luận, tân lịch sử, hậu thực dân luận và một số khuynh hướng nghiên cứu kí hiệu học khác nhằm khám phá các hiện tượng văn học/văn hóa quá khứ và đương đại. Cho đến nay, có một nhận thức chung rằng bất kỳ văn bản nào cũng đều có quan hệ với các văn bản khác ra đời trước đó. Quan hệ này dựa trên những sự kết nối giữa các văn bản với nhau bằng những phương thức khác nhau như: ám chỉ, trích dẫn, chuyển thể, chuyển dịch, đạo văn, nhái, nhại, mô phỏng, pha trộn Những quan hệ này được tác giả tạo lập bằng ý thức hoặc vô thức, được độc giả tri nhận trong thực tiễn giao tiếp nghệ thuật và chúng tương tác với tri thức và trải nghiệm văn bản của người đọc, gây ra hứng thú diễn giải, qua đó, các giá trị văn hóa không ngừng được sản sinh và đón nhận. Tính liên văn bản là thuật ngữ được dùng để miêu tả thuộc tính hay phương thức quan hệ trên đây, nơi mà mỗi văn bản đều chứa đựng sự tham chiếu đối với các văn bản khác, qua đó chúng sinh sản và nảy nở ý nghĩa.
    Trên thế giới, từ khi thuật ngữ tính liên văn bản ra đời, nó đã được vận dụng rộng rãi vào việc nghiên cứu văn học. Những công trình nghiên cứu theo hướng liên văn bản hiện nay trên thế giới phong phú, đa dạng và phức tạp. Ở Việt Nam, lí thuyết này cho đến nay vẫn chưa được khảo sát và nghiên cứu một cách hệ thống. Trong mấy năm gần đây, tuy đã có đôi ba bài dịch, giới thiệu nhưng chừng ấy là chưa đủ để giúp cho các nhà nghiên cứu văn học tiếp cận và vận dụng lí thuyết. Luận án của chúng tôi mong muốn cập nhật, giới thiệu một cách tương đối hệ thống lí thuyết liên văn bản nhằm đa dạng hóa các cách thức tiếp cận văn học và sâu xa hơn muốn góp một một phần nhỏ vào quá trình đổi mới hệ hình nghiên cứu văn học ở Việt Nam theo hướng hiện đại.
    Theo chúng tôi, trong văn xuôi, một số cây bút tiêu biểu của văn học Việt Nam từ thời kỳ Đổi mới đến nay như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương, Hồ Anh Thái đã có ý thức sử dụng liên văn bản trong sáng tác. Đây là một trong số những nổ lực nghệ thuật của nhà văn. Họ tiếp tục tinh thần phê phán và nhân bản, khơi sâu vào các vấn đề thế sự, đời tư, phát hiện những mặt trái của nhân sinh, xã hội, văn hóa; tự vấn, phản biện, đối thoại với tinh thần dân chủ, cởi mở. Họ kiếm tìm và thử nghiệm những hình thức nghệ thuật mới khá đa dạng: đối thoại với văn bản xã hội (social text) và diễn ngôn tập thể (collective discourse); vay mượn và giễu nhại huyền thoại, cổ tích; quan tâm đến việc trích dẫn, viết lại, viết tiếp những văn bản cũ; pha trộn thể loại, hư cấu lịch sử, giễu nhại văn chương và văn hóa truyền thống có tính chất khuôn sáo, giáo điều, bề trên Trong văn học thời kỳ Đổi mới, có thể nói Nguyễn Huy Thiệp là một trong số những cây bút tiêu biểu nhất và có những đóng góp lớn. Ông chịu ảnh hưởng từ nhiều nguồn khác nhau: lịch sử, huyền thoại, tôn giáo, văn hóa bác học và bình dân, nông thôn và đô thị, quá khứ và hiện hành, bản địa và ngoại lai. Nhiều nhà văn tiền nhân như Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Bính, Puskin, Dostoevsky, Bồ Tùng Linh trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo và chất liệu văn chương trong sáng tác của ông. Nhà văn đã sống và sáng tạo trong môi trường sinh thái văn học/văn hóa khát khao đổi thay, vươn xa hòa nhập với thế giới hiện đại, dân chủ. Do đó, sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp có nhiều cách tân táo bạo và nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của nhiều nhà nghiên cứu phê bình văn học có uy tín. Nguyễn Huy Thiệp đã gây xôn xao dư luận trong một thời gian dài. Tầm vóc của ông có thể nói là ít nhiều mang tính quốc tế. Người ta bàn nhiều về ông, sách của ông được dịch in ở nhiều nước trên thế giới. Tác phẩm của ông là đối tượng nghiên cứu có sức hấp dẫn từ các lập trường và phương pháp khác nhau như phân tâm học, văn hóa học, phê bình huyền thoại, thi pháp học, trần thuật học, xã hội học Trên cơ sở tiếp cận liên văn bản sáng tác Nguyễn Huy Thiệp, chúng tôi xác định mục đích thứ hai cho luận án là có thể mang lại những khám phá mới, khác về tư tưởng và nghệ thuật Nguyễn Huy Thiệp, hoặc có cách kiến giải phù hợp với một số vấn đề phức tạp được khơi động từ những sáng tác của ông trong dòng chảy văn học Việt Nam thời kỳ Đổi mới. Đó là những lí do cơ bản, cần thiết để chúng tôi lựa chọn thực hiện đề tài Liên văn bản trong sáng tác Nguyễn Huy Thiệp.
    2. Cơ sở lí thuyết và phương pháp nghiên cứu
    2.1. Cơ sở lí thuyết
    Như chúng tôi đã nêu ở trên và sẽ diễn giải cụ thể ở phần sau, lí thuyết liên văn bản rất phức tạp, xuyên trường phái, đa nguyên. Bởi vậy, trong nghiên cứu này, sau khi phân tích các quan niệm của Bakhtin, Kristeva, Barthes, Bloom, Genette, Riffaterre, dựa trên những nét tương đồng cơ bản trong quan niệm của họ, chúng tôi mạnh dạn đưa ra quan niệm về văn bản/liên văn bản như sau: Văn bản/liên văn bản (text/intertext), là một chuỗi kí hiệu ngôn ngữ/phi ngôn ngữ (một phát ngôn, một lời nói hoặc viết, một bức tranh, một bài hát, một bộ phim, một truyện ngắn, kịch, tiểu thuyết, bài thơ), có nghĩa/ý nghĩa; được kiến tạo, sản sinh từ những văn bản khác, có mối quan hệ với những văn bản khác, gây ra tương tác đối thoại với mạng lưới tri thức/trải nghiệm văn bản vốn có ở người đọc. Mỗi văn bản nghệ thuật của Nguyễn Huy Thiệp là một không gian của sự tích hợp, thẩm thấu, chuyển hóa, đối thoại, tương tác, ảnh hưởng, trích dẫn, giễu nhại, pha trộn và kết nối đến những văn bản khác, vốn có trước đó, đồng văn hóa hoặc dị văn hóa. Do đó, chúng tôi xác định hai nội dung cơ bản để giải quyết vấn đề liên văn bản trong sáng tác Nguyễn Huy Thiệp: đối thoại liên văn bản (intertextual dialogism) và những hình thức/kiểu liên văn bản (forms/types of intertextuality) trong sáng tác của ông.
    2.2. Phương pháp nghiên cứu
    Chúng tôi sử dụng phối hợp nhiều phương pháp, trong đó phương pháp lịch sử – loại hình và phương pháp cấu trúc – hệ thống được sử dụng chủ yếu.
    Phương pháp lịch sử – loại hình: Chúng tôi khảo sát lịch sử hình thành và vận động của lý thuyết liên văn bản, đặc trưng và nội hàm của khái niệm qua từng nhà lập thuyết – thực hành và từng thời điểm. Những công trình của những nhà lí thuyết liên văn bản như Bakhtin, Kristeva, Barthes, Bloom, Genette, Riffaterre sẽ được phân tích, đánh giá chủ yếu theo phương pháp trên.
    Phương pháp cấu trúc – hệ thống: Trước hết, chúng tôi dùng để nghiên cứu một cách hệ thống tư tưởng của từng nhà lập thuyết về tính liên văn bản. Sau đó, nó được dùng thường xuyên để nghiên cứu thực tiễn liên văn bản trong sáng tác Nguyễn Huy Thiệp: xem toàn bộ sáng tác Nguyễn Huy Thiệp như một hệ thống, xem mỗi văn bản/toàn bộ sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp như một liên văn bản, đặt nó trong mạng lưới quan hệ với các văn bản khác (văn bản xã hội và diễn ngôn tập thể), xem xét nó qua những quan hệ và đối thoại liên văn bản (intertextual relationships/dialogues), từ đó có những đánh giá, kết luận cần thiết.
    Ngoài ra, các thao tác nghiên cứu như thống kê, so sánh, phân tích văn bản văn học, đối chiếu các đoạn văn, diễn ngôn và từ vựng giữa các văn bản được vận dụng rộng rãi. Các phương pháp liên ngành khác nhằm làm nổi bật tính liên văn bản trong mỗi văn bản – tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp cũng được chú ý.
    3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
    Đối tượng nghiên cứu của luận án trước hết là lí thuyết về tính liên văn bản, tiếp đó là tiếp cận liên văn bản sáng tác Nguyễn Huy Thiệp. Hai đối tượng này có quan hệ mật thiết với nhau vì chỉ có thể tiếp cận liên văn bản sáng tác Nguyễn Huy Thiệp khi có những tri thức tương đối hệ thống về lí thuyết liên văn bản và lí thuyết sẽ trở nên sáng rõ và gần gũi hơn khi được soi chiếu, liên hệ từ thực tiễn sáng tác của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Cũng bởi vậy nên trong khi trình bày, phân tích lí thuyết liên văn bản, cho phép chúng tôi được sử dụng những ví dụ quen thuộc từ sáng tác của ông. Mặt khác, đối tượng chính của đề tài là tập trung tiếp cận liên văn bản sáng tác Nguyễn Huy Thiệp, nhưng vì lí thuyết liên văn bản hết sức phức tạp, đa hướng, xuyên trường phái, lại chưa được dịch và giới thiệu ở Việt Nam một cách hệ thống, nên tác giả luận án thấy cần thiết phải có một chương nghiên cứu riêng về lí thuyết này. Đây là công việc hết sức khó khăn với chúng tôi, bởi vì thật khó để chiếm lĩnh tư tưởng của các nhà lập thuyết và thực hành liên văn bản trong hơn một thế kỉ vừa qua, bắt đầu với Saussure, các nhà Hình thức luận Nga, các triết gia hiện tượng học và triết học ngôn ngữ cho đến các nhà giải cấu trúc – hậu hiện đại đương thời. Bởi vậy, chúng tôi giới hạn phạm vi nghiên cứu lí thuyết liên văn bản trong khuôn khổ tư tưởng của một số nhà lập thuyết tiêu biểu như Bakhtin, Kristeva, Barthes, Bloom, Riffaterre, Genette. Những quan niệm và cách tiếp cận khác về tính liên văn bản, đặc biệt từ hướng triết học ngôn ngữ, vẫn chưa được tác giả luận án giải quyết. Việc tiếp cận liên văn bản sáng tác Nguyễn Huy Thiệp cũng chỉ giới hạn trong một số khía cạnh tiêu biểu nhất như đối thoại liên văn bản, ảnh hưởng và đọc sai, trích dẫn và giễu nhại, pha trộn thể loại. Các khía cạnh khác như đối thoại nội văn bản, đối thoại xã hội, ám chỉ, đạo văn, cận văn bản, chuyển dịch, tu chỉnh chỉ được phân tích sơ lược, dẫn dụ để minh họa lí thuyết chứ chưa được khảo sát chi tiết. Chúng tôi hi vọng những khía cạnh còn để ngỏ đó sẽ được triển khai nghiên cứu ở cấp độ khác, trong khuôn khổ khác, chuyên sâu hơn, hòng thỏa mãn yêu cầu của người đọc có quan tâm đến lí thuyết và thực tiễn liên văn bản.
    4. Đóng góp của luận án
    Về lí thuyết: trong tình hình việc giới thiệu lí thuyết về tính liên văn bản ở nước ta còn đơn lẻ, sơ lược, chúng tôi cố gắng trình bày tương đối ngắn gọn hệ thống lí thuyết này, trên phương diện lịch sử và cấu trúc, qua tư tưởng của một số đại biểu như Bakhtin, Kristeva, Barthes, Bloom, Riffaterre, Genette.
    Về thực tiễn: thể nghiệm phân tích đối thoại liên văn bản và các hình thức liên văn bản nổi bật trong sáng tác Nguyễn Huy Thiệp nhằm làm sáng rõ lí thuyết, đồng thời qua đó đánh giá đặc sắc tư tưởng – nghệ thuật của nhà văn trong tư cách một hiện tượng văn học có nhiều đóng góp cho văn học Đổi mới ở Việt Nam.
    5. Cấu trúc luận án
    Ngoài phần Mở đầu, phần Kết luận, danh mục Tài liệu tham khảo, phần Phụ lục, phần Nội dung luận án được triển khai thành 4 chương:
    Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
    Chương 2. Một số vấn đề lí thuyết về tính liên văn bản
    Chương 3. Đối thoại liên văn bản trong sáng tác Nguyễn Huy Thiệp
    Chương 4. Các hình thức liên văn bản trong sáng tác Nguyễn Huy Thiệp
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...