Sách Ký Ức Chiến Tranh

Thảo luận trong 'Sách Lịch Sử - Địa Lý' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Ký Ức Chiến TranhQua bài viết “Nghị lực vươn lên của một thương binh” đăng trên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 26/12/2006 (Mục “Gương sáng đảng viên”), bạn đọc đã được biết về cựu chiến binh Vương Khả Sơn, tác giả cuốn sách “Ký ức chiến tranh”. Bài viết này cung cấp thêm thông tin về Vương Khả Sơn và cuốn sách đó.

    Tháng 4/2006, Nhà xuất bản Thanh niên đã ấn hành cuốn Hồi ký “Ký ức chiến tranh” của người lính – nhà giáo - thương binh Vương Khả Sơn. Cuốn sách ngay lập tức đã được độc giả khắp mọi miền Tổ quốc đón nhận nồng nhiệt và gây một hiệu ứng xã hội rộng lớn. Đến tháng 12/2006, đã in lần thứ 4 với tổng số 1,2 vạn cuốn. Là một đồng đội của anh, sau khi đọc cuốn “Ký ức chiến tranh”, tôi thực sự xúc động và hết sức ngạc nhiên về cuốn sách cùng tác giả của nó. Xin trân trọng gửi tới quý báo và độc giả bài viết này để cùng bày tỏ và chia sẻ cảm xúc đó.

    Như bao đồng đội khác, tôi cũng là một người lính từng cầm súng đi qua cuộc chiến và như “Ký ức chiến tranh” của Vương Khả Sơn ghi lại, tôi thoát chết, trở về sau ngày im tiếng súng. Tôi cảm nhận thật sâu sắc, thấm thía những ngày gian lao binh lửa ấy. Đọc “Ký ức chiến tranh” của người đồng đội từng gắn bó với, chia lửa chiến tranh trong những năm tháng cam go, khốc liệt của cuộc trường chinh chống Mỹ, tôi có cảm giác vừa quen vừa lạ. Quen vì những điều anh ghi lại trong tác phẩm là những gì mà anh và chúng tôi đã trải qua, từng chứng kiến qua hành trình, quãng đời cầm súng của mình. Lạ vì có những điều khó có thể cắt nghĩa được làm chúng tôi hết sức ngạc nhiên.

    Những năm tháng ở chiến trường, chúng tôi quá quen với tác phong sinh hoạt và công việc của người lính. Đó là tính năng động, khẩn trương, nhạy cảm và độ chính xác . có lệnh là đi, có giặc là đánh. Nó không còn là khẩu hiệu nữa mà là nhiệm vụ thường trực. Chúng tôi hành quân liên miên (di chuyển địa bàn, tiềm nhập, công đồn, phục kích vào các chiến dịch .) rồi đánh to, đánh nhỏ, đánh phối hợp, chống càn, đánh tàu chiến trên sông Vàm Cỏ Đông, làm công tác dân – binh vận “diệt ác, phá kiếm” hầu như không có thời gian nghỉ. Hi sinh, đổ máu xảy ra như cơm bữa.

    Hồi ký của Vương Khả Sơn đã khai thác khá tỉ mỉ, chính xác và thành công những gì đã xẩy ra trong cuộc chiến như nó vốn có. Đối với cuộc đời mỗi người lính chúng tôi, những kỷ niệm ấy vẫn khắc ghi trong tâm trí. Và giờ đây, khi đọc Hồi ký của anh, quá khứ ấy hiện lên càng rõ nét. Đó là những năm tháng binh lửa bi hùng, những ngày tháng ác liệt đạn bom, đổ máu hy sinh mà vẫn hồn nhiên, vui tươi và trong sáng đến lạ kỳ. Đúng là “Mưa bom, bão đạn, lòng thanh thản - Nhạt muối, vơi cơm, miệng vẫn cười” - những điều mà ngay cả với chúng tôi, những người trong cuộc cũng không thể giải thích nổi.

    Đọc “Ký ức chiến tranh”, chúng tôi gặp lại chính mình ở cái thời máu lửa ấy - thời mà nhiệm vụ và bom đạn không cho phép có thời gian – dù chỉ một chút để nghĩ về đời tư của mình. Cái thời mà sự tiêu cực, sự hèn nhát không có cơ hội để tồn tại. Tâm trí lúc này chỉ dành cho những trận đánh, những chiến dịch to - nhỏ; những nhiệm vụ được giao cốt để chiến thắng. Mình có thể hy sinh trong một trận đánh nào đó, rất có thể là buổi sáng, buổi chiều hoặc bị pháo kích, tập kích vào ban đêm. Hôm nay, tự mình đã chôn cất mấy đồng đội hy sinh; biết đâu ngày mai, mình là kẻ tiếp theo ngã xuống và những đồng đội còn lại là người chôn cất mình. Biết thế mà có mấy ai lùi bước, nhụt chí đâu!

    Ở chiến trường cuộc sống đơn giản đến vô chừng, tất cả chỉ gói gọn trong một cái “bồng” (một thứ ba lô thời ấy, rất cơ động). Vậy mà lúc nào chúng tôi cũng vui, sôi động và năng nổ, linh hoạt và nhạy bén. Có lẽ, đó là phẩm chất của tuổi trẻ và cuộc đời người lính. Tất cả giờ đây đã trở thành ký ức. “Độ lùi về thời gian .” và “Ký ức chiến tranh” đã nhắc chúng tôi nhớ lại rõ hơn, cảm nhận đầy đủ và sâu sắc hơn, thấm thía và ý nghĩa hơn với những gì mình từng nếm trải. “Thật tuyệt vời vì chúng tôi được chứng kiến những giờ phút trọng đại của lịch sử dân tộc - chiến thắng 30/1/1975 – chiến thắng đã nêu lên một bài học ngay cả bây giờ cũng vấn thấm thía: Kiên trì hơn một tý, chịu khó một tý, ngay cả trong lúc nguy nan nhất thì nhất định sẽ thành công” (Nguyễn Khoa Điềm) và “Ký ức chiến tranh” đã thể hiện rõ nét điều đó. Đó là thành công của tác giả - người lính, thầy giáo Vương Khả Sơn.

    Những năm tháng ấy đã rèn đúc và tôi luyện cho chúng tôi một nghị lực, một sức mạnh tiềm ẩn để vượt qua tất cả những khó khăn, bầm dập của cuộc sống đời thường, để trụ vững và phấn đấu hoàn thành nghĩa vụ cuộc đời. Biết bao khó khăn chồng chất của bản thân và gia đình ở thập niên 80-90 của thế kỷ XX được anh Sơn thể hiện trong tác phẩm không hề né tránh, tô vẽ cường điệu. Đúng như nội dung bài báo “Nước mắt chảy vào trong” của phóng viên Kim Hoa đăng trên trang nhất Báo Phụ nữ TP HCM (số 30, chủ nhật ngày 25/7/2006) đã thể hiện. Và còn bao câu chuyện nữa về cuộc đời người lính sau chiến tranh của anh và đồng đội mà “Ký ức chiến tranh” chưa ghi hết được. Những gì còn lại không hề mất đi mà đã trở thành những câu chuyện, những nỗi tâm tình động viên lẫn nhau trong cuộc sống của chúng tôi suốt hơn 30 năm qua sau ngày đất nước giải phóng. Nó không chỉ là kỷ niệm gắn bó, máu thịt một thời cầm súng của chúng tôi trong quá khứ và cuộc sống hôm nay mà cho các thế hệ con cháu mai sau.

    May mắn hơn nhiều đồng đội là sau chiến tranh, chúng tôi còn được sống, trở về đời thường; cùng cố gắng học tiếp rồi đi dạy với bao lo toan vất vả thiếu thốn, bởi bữa ăn hàng ngày là ngô xay, sắn lát, “bo bo” (mỳ hạt) . Vậy mà vẫn kiên trì, không bỏ cuộc. Chúng tôi thường tâm sự “Khổ thì vẫn khổ nhưng tan giặc” . và khẳng định khó khăn, thiếu thốn này đã thấm vào đâu so với những năm tháng đạn bom ở chiến trường. Nói vậy để thấy một điều: chiến tranh đã rèn đúc cho con người một bản lĩnh và vốn sống cùng những bài học riêng rất quý giá. Đặc biệt, những trí thức được học hành tử tế như chúng tôi thì đó là những thứ thật đắt, thật quý, dễ gì ai cũng có được!

    Ký ức ấy, bài học ấy được Vương Khả Sơn ghi lại trong hồi ký của mình hết sức chân thực, sâu sắc, cảm động làm cho nhiều người thích thú, yêu quý và trân trọng, ngợi ca. Thư từ độc giả khắp mọi miền Tổ quốc gửi về bộc lộ tình cảm và sự ngưỡng mộ anh. Là người bạn tâm tình và là đồng đội cùng chung chiến hào với anh, chúng tôi có nhiều kỷ niệm thật đẹp và sâu sắc vả trong chiến đấu lẫn đời thường như anh đã ghi trong tác phẩm. Riêng tôi, cũng nhận được một số thư của độc giả gửi đến. Rất mừng và cũng rất tự hào, chia sẻ thành công của bạn mình. Song, qua “Ký ức chiến tranh” tôi và biết bao đồng đội cũng thấy những điều thật lạ là không hiểu vì sao trong ký ức của mình, anh không chỉ ghi lại thật cụ thể đến chi tiết từng trận đánh, từng địa danh, ngày, giờ, gương mặt, tên tuổi đồng đội, số người hi sinh, bị thương . mà còn nhớ cả những thời lượng chuyển quân, những chiến dịch với nhiệm vụ, ý đồ chiến thuật, chiến lược ở cả tầm vi mô lẫn vĩ mô. Chẳng hạn tư tưởng cách mạng tiến công trong chiến dịch bảo vệ Hiệp định Pari năm 1973 của tướng Lê Đức Anh, lãnh đạo Quân khu 7 lúc ấy (sau này là Chủ tịch nước) hoặc ta đánh thí điểm giải phóng Phước Long để thăm dò phản ứng của Mỹ hay tiểu đoàn 7, E721 làm nhiệm vụ đứng chân ở Hoà Khánh – Long An nhằm thu hút lực lượng địch, tạo điều kiện chi đaị quân ta thọc sâu, ém sẵn .

    Vậy là, không chỉ nhạy bén, năng động, linh hoạt trong chiến đấu của một người lính mà ở anh còn có sự nhận thức, hiểu biết và nắm vững đường lối chiến lược, ý đồ chiến thuật, mức độ và quyết tâm của cấp trên như một cán bộ lãnh đạo trong cuộc kháng chiến “thần thánh” này để giữ vững quyết tâm, hoàn thành nhiệm vụ của mình với niềm tin chiến thắng.

    Tôi xin mượn lời anh để lý giải cho những điều chưa cắt nghĩa được: “Điều gì giúp tôi nhớ lâu, nhớ kỹ đến vậy? Tôi nghĩ, chỉ có tình đồng đội cùng nhau chia sẻ những hi sinh mất mát, gian khổ, ác liệt ở chiến trường mới có được . Những năm tháng binh lửa trận mạc cùng những gương mặt đồng đội thân yêu đã trở thành tiềm thức, trở thành lớp trầm tích trong võ não .” (Vĩ Thanh – Ký ức chiến tranh)

    Là bạn tri kỷ, tôi hiểu hoàn cảnh, thiên tư và cuộc sống tâm hồn của anh. Có lẽ, chiến tranh, gian khổ và năm tháng đã luyện cho tâm hồn anh một cái gì rất trong, trong đến nỗi anh “soi mình mà thấy được tâm tư người khác, một nghị lực mà chỉ những lúc khó khăn mới thấy hết được sức mạnh của nó và sự hi sinh, hồn nhiên, giản dị cho lý tưởng của mình cho những người khác cùng đi trên một con đường” (Nguyễn Khải)

    Điều này đã được thể hiện rõ trong “Ký ức chiến tranh”, nó không chỉ là ký ức của những năm tháng chiến đấu mà còn biểu hiện của sự ham tìm hiểu, nắm bắt tình hình thực tế. Và 30 năm sau ngày chiến thắng, thời gian đã bổ sung cho anh vốn sống, vốn tư liệu dồi dào để viết nên một “Ký ức chiến tranh” ngoài ý muốn.

    Một điều nữa không chỉ riêng tôi mà nhiều người khác cũng bất ngờ đó là sự xuất hiện đột ngột rồi toả sáng của một cây bút kết hợp được hai lĩnh vực: kí sự và hồi kí. Ở đây, hoàn toàn không có sự hư cấu mà ngược lại, rất chân thực, chân thực đến mức trần trụi, hài hước và xúc động. Hôm 28/4/2006, nói chuyện với chúng tôi ở một quán giải khát Ngọc Hà, Hà Nội, anh Nguyễn Sỹ Đại – Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân cuối tuần tâm sự: “Trong số phát hành năm 2005, cuốn “Ký ức chiến tranh” của Vương Khả Sơn là một trong những cuốn hay”.

    Đọc “Ký ức chiến tranh” của anh, tôi thấy lối viết chắc chắn, mạch lạc, giàu chất liệu hiện thực, rất văn chương, xúc động và sâu sắc; bố cục chặt chẽ có hệ thống, chú trọng nhiều đến tổng thể; khắc sâu, làm rõ thông tin chi tiết cụ thể, điển hình cao. Chỉ thoáng vài nét cảm nhận, với độ suy tư vừa phải để sự việc hiện lên sống động, có hồn làm cho bức tranh chiến trận không chỉ có ác liệt, đối kháng, bắn giết mà còn đầy tình cảm, thanh thản nhẹ nhàng mà lãng mạn, rất thơ mộng, mang vẻ đẹp nhân văn của cuộc sống người lính .

    Quả là một cây bút chững chạc, thể hiện tính chuyên nghiệp cao trong khi chưa hề có một tên tuổi, một chứng chỉ trên văn đàn. Trả lời phỏng vấn của Trần Kim Hoa, phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, tôi từng nói: “Trong thời bình, anh Sơn đã làm được một việc mà không phải ai cũng làm được. Ký ức chiến tranh, người lính nào cũng có nhưng cảm nhận và ghi lại sâu sắc trong những trang viết của mình một cách sinh động như vậy quả là hiếm. Tôi nghĩ, mình cũng có một trí nhớ không kém gì anh Sơn và cũng thao thức về những năm tháng ấy lắm nhưng không làm được như anh Sơn. Anh đã đem lại cho chúng tôi sự tự hào và vinh hạnh. Đúng là: “Không nỗi đau nào riêng của ai - Của chung nhân loại chiến công này”.

    Đồng đội cảm ơn anh, nhân dân sẽ biết ơn anh, nhất là bà con cô bác ở Long An, Tây Ninh, miền Đông Nam Bộ cùng tất cả những vùng đất anh đã đi qua; cả những gia đình có những người con thân yêu mãi không trở về sau cuộc chiến sẽ phù hộ cho anh ở quãng đời còn lại. Bởi anh đã nói được tất cả những gì cần phải nói về cuộc chiến vĩ đại của dân tộc mà ở đó có bao lớp người như anh cùng chúng tôi đã đi qua để làm nên chiến thắng 30/4/1975 lịch sử.

    Có thể nói “Ký ức chiến tranh” của Vương Khả Sơn là cuộc vào trận thứ hai của anh. Nó cũng không kém phần gian khổ và cam go. Thành công của nó được tiếp sức từ thành công của những trận chiến đấu ác liệt với quân thù, từ nghĩa tình sâu nặng, gắn bó, sống có trách nhiệm với mọi người, với cuộc đời bằng nghị lực dồn tụ, nung nấu trong suốt hơn 30 năm của người cựu chiến binh Vương Khả Sơn.

    Thành công của “Ký ức chiến tranh” còn làm thế hệ hôm nay và mai sau nhìn nhận đúng tư thế của “Bộ đội cụ Hồ” của người chiến sỹ quân giải phóng trong cuộc trường chinh chống Mỹ cứu nước oanh liệt. Với quá khứ hào hùng cũng như trong cuộc sống đời thường hôm nay, những người lính ấy bao giờ cũng là người biết yêu thương chân tình, sống có trách nhiệm và đức độ nhất. Hình tượng ấy là biểu trưng cho tầm vóc và bản chất của dân tộc ta trong dặm dài lịch sử dựng nước và giữ nước.

    Tôi xin được mượn ý thơ của thi sĩ Huy Cận để khép lại cảm xúc của mình đối với “Ký ức chiến tranh” và tác giả của nó: “Sống sừng sừng bốn nghìn năm vững chãi – Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa – Trong và thật hai bờ suy tưởng - Rất hiên ngang mà nhân ái chan hoà”.

    Vũ Duy Tòng - Giáo viên Văn Trường THPT Diễn Châu II, Nghệ An
     
Đang tải...