Tài liệu Kỹ thuật và công nghệ sản xuất xi măng ( gồm 2 phần 90trang)

Thảo luận trong 'Hóa Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Mở đầu

    Năm mươi thế kỷ trước, người Ai cập đã dùng rơm trộn với đất sét để tạo ra những viên gạch khô và sử dụng vữa vôi với thạch cao làm chất kết dính (cement) để xây dựng các Kim tự tháp. Đến thế kỷ XII, người La Mã đã phát minh ra xi măng La Mã để xây dựng các đấu trường, các đền thờ các vị thần ở Rome mà đến nay vẫn còn làm thế giới kinh ngạc. Vào giữa thế kỷ XVIII, John Smeaton (người Anh) đã tìm ra xi măng thuỷ lực để xây dựng Hải đăng Eddystone nổi tiếng và đến giữa thế kỷ XIX Joseph Aspdin (cũng là người Anh) đã phát minh ra quá trình công nghệ sản xuất xi măng Poóc lăng mà nhờ đó các công trình xây dựng ngày càng phát triển hơn, bền vững hơn.

    Nhờ có xi măng Poóc lăng mà ở thế kỷ XX người ta có thể tạo nên các kết cấu xây dựng lớn và vĩ đại như nhà hát Champs Elise ở Paris, đập nước lớn Hoover Dam ở bang Nevada – Mỹ, đập Itaipu ở giữa Brazil – Paraguay – Achentina, đập thuỷ điện Tam Hiệp lớn nhất thế giới ở Trung Quốc và tháp đôi Petronas (cao 458 mét) ở Malaisia. Công trình xây dựng là biểu tượng cho sự phát triển công nghệ của loài người và nó gợi lại giá trị của nền văn minh nhân loại.

    ở Việt Nam, công nghiệp xi măng đã hình thành và phát triển hơn 100 năm, bắt đầu từ năm 1899 bằng việc xây dựng nhà máy xi măng lò đứng đầu tiên tại Hải Phòng. Từ năm 1924 đến năm 1930 đã xây thêm 3 dây chuyền lò quay phương pháp ướt theo công nghệ của Pháp. Sau ngày hoà bình lập lại, Nhà nước ta đã đầu tư tại nhà máy xi măng (XM) Hải Phòng thêm 6 dây chuyền lò quay sản xuất theo phương pháp ướt với thiết bị của F.S. Smidth (Đan Mạch) và công nghệ của Rumani cung cấp. ở miền Nam năm 1964, nhà máy XM Hà Tiên được xây dựng với 2 lò quay phương pháp ướt do hãng Venot- pic của Pháp cung cấp.

    Ngay từ năm 1975 sau khi thống nhất, để đáp ứng nhu cầu xây dựng tái thiết và phát triển đất nước, Chính phủ đã quyết định xây dựng thêm các nhà máy xi măng mới có công suất lớn, đầu tiên là nhà máy XM Bỉm Sơn (Thanh Hoá) có công suất 1,2 triệu tấn/năm với 2 dây chuyền thiết bị lò quay phương pháp ướt của Liên Xô, sau đó là nhà máy XM Hoàng Thạch (Hải Dương) công suất 1,1 triệu tấn/năm với 1 dây chuyền lò quay phương pháp khô hiện đại, thiết bị do F.S. Smidth cung cấp. Từ năm 1986 đến nay, công cuộc đổi mới đã tạo đà cho sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của đất nước, nhu cầu xây dựng ngày càng tăng đòi hỏi ngành công nghiệp xi măng phải tiếp tục đầu tư và phát triển. Hàng loạt nhà máy xi măng lò quay phương pháp khô hiện đại đã được xây dựng và đi vào sản xuất như nhà máy XM Chinfon (Hải Phòng) 1,4 triệu tấn/năm, XM Bút Sơn (Hà Nam) 1,4 triệu tấn/năm, XM Nghi Sơn (Thanh Hoá) 2,15 triệu tấn/năm, XM Hoàng Mai (Nghệ An) 2 triệu tấn/năm, XM Vân Xá (Huế) 0,5 triệu tấn/năm, XM Sao Mai (Hà Tiên) 1,76 triệu tấn/năm và 55 cơ sở sản xuất xi măng lò đứng ở khắp cả nước với tổng công suất hơn 3 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó, các nhà máy cũ cũng được đầu tư mở rộng hoặc cải tạo nâng cấp như XM Hoàng Thạch 2 (1,4 triệu tấn/năm), XM Bỉm Sơn 2 (1,4 triệu tấn/năm). Sự phát triển của ngành xi măng đã đáp ứng nhu cầu xây dựng ngày càng nhiều của đất nước và đập thuỷ điện Hoà Bình – “công trình thế kỷ”, cầu Thăng Long, cầu Mỹ Thuận, sân vận động quốc gia Mỹ Đình v.v đã trở thành niềm tự hào của nhân dân ta.

    Với sự phát triển trên 100 năm, lịch sử của ngành công nghiệp xi măng Việt Nam đã được đánh dấu bằng những sự đổi mới và phát triển rất nhanh cả về quy mô đầu tư, phương thức đầu tư, trình độ công nghệ sản xuất và đáp ứng kịp thời nhu cầu xây dựng và phát triển đất nước theo từng thời kỳ lịch sử. Cũng trong tiến trình phát triển này, việc ứng dụng tiến bộ về khoa học và công nghệ, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường, môi sinh luôn được quan tâm; đồng thời việc đào tạo nguồn nhân lực có đủ trình độ kỹ thuật, quản lý để nhanh chóng tiếp nhận, làm chủ công nghệ tiên tiến, hiện đại của công nghiệp xi măng trên thế giới cũng được chú trọng. Viện Vật liệu Xây dựng – Bộ Xây dựng là một viện đầu ngành về lĩnh vực công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng với gần 200 tiến sỹ, thạc sỹ và kỹ sư, chuyên gia đã và đang có những đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của ngành.

    Việc nghiên cứu, học tập kỹ thuật và công nghệ sản xuất xi măng và một số môn học liên quan nhằm giúp cho cán bộ, công nhân bắt đầu làm xi măng nắm vững được cơ sở lý thuyết, quá trình công nghệ và những kinh nghiệm thực tế để nhanh chóng làm chủ công nghệ, làm chủ thiết bị từ đó đưa vào vận hành khai thác an toàn dây chuyền thiết bị có trình độ công nghệ cao mới được đầu tư, phát huy hết công suất thiết kế, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...