Kỹ năng tự nhận thức của học sinh trung học phổ thông hiện nay

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    1. Thông tin chung

    Mã số: V2011-03 (Đề tài Cấp Viện)
    Chủ nhiệm đề tài: ThS. Nguyễn Thị Hiền
    Các thành viên tham gia: ThS. Đặng Thị Minh Hiền; CN. Mai Thị Kim Oanh; CN. Nguyễn Minh Đức
    Thời gian bắt đầu/kết thúc: Tháng 9 năm 2011/ tháng 10 năm 2012

    2. Tính cấp thiết

    Tại diễn đàn thế giới về giáo dục cho mọi người họp tại Senegan (2000), chương trình hành động Dakar đã đề ra 6 mục tiêu, trong đó mục tiêu 3 và mục tiêu 6 nêu rõ: “Mỗi quốc gia phải đảm bảo cho người học được tiếp cận chương trình giáo dục kỹ năng sống (KNS) phù hợp” và “ Khi đánh giá chất lượng giáo dục cần phải đánh giá KNS của người học”. Như vậy, học KNS trở thành quyền của người học và chất lượng giáo dục phải được thể hiện cả trong KNS của người học. KNS là một đòi hỏi thiết yếu trong xã hội hiện đại.

    Đặc biệt, với học sinh hiện nay, các em đang phải đương đầu với rất nhiều nguy cơ, cám dỗ không lành mạnh của xã hội hiện đại nhưng lại không có hoặc thiếu những kỹ năng để ứng phó với khó khăn và lựa chọn cách sống lành mạnh, tích cực cho bản thân và xã hội. Thứ nhất: Trong giới HS, các em là nhóm được tiếp xúc nhiều với những tiện ích của xã hội hiện đại nhưng cũng tiếp xúc nhiều với những cám dỗ, nguy cơ không lành mạnh. Do đó, các em cần được trang bị KNS cần thiết để xác định đúng nhu cầu bản thân và lựa chọn cách sống tích cực. Thứ hai: Xét về mặt tâm sinh lí, học sinh THPT là một lứa tuổi nhạy cảm, có những thay đổi to lớn về tâm sinh lý và các mối quan hệ xã hội. Do đó, trang bị những kỹ năng tự nhận biết và định hướng bản thân là một yêu cầu đầu tiên, hết sức cần thiết. KN tự nhận thức cũng như nhiều KNS khác cần được giáo dục và phát triển cho mọi lứa tuổi HS nói chung, đặc biệt là học sinh THPT.

    Tuy đã có những công trình nghiên cứu khoa học giáo dục và xã hội, những chương trình giáo dục ở một số Trung tâm, những đề án, dự án nghiên cứu về KNS nhưng chủ yếu là nghiên cứu những vấn đề chung, những nhóm kỹ năng lớn mà vẫn chưa có những nghiên cứu thực sự đầy đủ, đi sâu về từng nhóm kỹ năng cụ thể như KN tự nhận thức của học sinh THPT . Đề tài “Kỹ năng tự nhận thức của học sinh trung học phổ thông hiện nay” nhằm tìm hiểu những quan điểm lý luận khác nhau về KN tự nhận thức, tiến hành xây dựng bộ phiếu điều tra và bước đầu điều tra thực trạng kỹ năng này của học sinh THPT hiện nay. Từ đó có những đóng góp cho sự phát triển giáo dục KNS cho HS nói chung.

    3. Mục tiêu nghiên cứu

    Tìm hiểu, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về KN tự nhận thức của học sinh THPT và vận dụng lí luận đó để điều tra thực trạng kỹ năng này của học sinh THPT tại một số trường trên địa bàn thành phố Hà Nội.

    4. Nội dung nghiên cứu

    Về cơ sở lý luận, đề tài làm rõ các khái niệm liên quan như: Kỹ năng, nhận thức, tự nhận thức, KN tự nhận thức, học sinh THPT; KN tự nhận thức của học sinh THPT hiện nay: Nội dung của KN tự nhận thức; Các giai đoạn hình thành và phát triển của KN tự nhận thức; Đặc điểm tâm sinh lý của học sinh THPT và sự phát triển tự nhận thức của học sinh THPT; Vai trò của KN tự nhận thức đối với học sinh THPT hiện nay; Các yếu tố ảnh hưởng đến KN tự nhận thức của học sinh THPT hiện nay.
    Nhóm nghiên cứu phân tích thực trạng KN tự nhận thức; kết quả điều tra thực trạng và những nhân tố ảnh hưởng đến KN tự nhận thức của học sinh THPT hiện nay; từ đó rút ra kết luận và khuyến nghị về việc định hướng và giáo dục KN tự nhận thức cho học sinh THPT hiện nay để phù hợp với yêu cầu và sự phát triển của xã hội.

    5. Phạm vi nghiên cứu

    Điều tra trên 90 HS và trên 30 giáo viên tại 2 trường THPT ở Hà Nội: trường THPT Thực Nghiệm và trường THPT Lomonoxop.

    6. Phương pháp nghiên cứu

    Phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong đề tài gồm: Nghiên cứu lý thuyết, điều tra, chuyên gia và thống kê toán học.

    7. Kết cấu của đề tài

    Nội dung đề tài: đề tài gồm 3 chương

    Chương 1: Cơ sở lý luận của đề tài
    1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu thuộc lĩnh vực của đề tài
    1.2. Một số khái niệm cơ sở
    1.3. Một số vấn đề lí luận về KN tự nhận thức của học sinh THPT
    1.4. Một số vấn đề lí luận về KN tự nhận thức của học sinh THPT

    Chương 2: Thực trạng KN tự nhận thức của học sinh THPT hiện nay.
    2.1. Khái quát quá trình điều tra
    2.2. Phân tích kết quả nghiên cứu thực tiễn

    Chương 3: Kết luận và khuyến nghị
    3.1. Kết luận
    3.2. Một số khuyến nghị

    8. Những đóng góp chính của đề tài

    Đề tài đã hệ thống hóa một số khái niệm cơ bản về KN tự nhận thức; nội dung và tiêu chí nhận biết, các giai đoạn hình thành và phát triển của KN tự nhận thức; đặc điểm tâm sinh lý và sự phát triển tự nhận thức của học sinh THPT; vai trò của KN tự nhận thức đối với học sinh THPT hiện nay

    Qua điều tra và đánh giá thực trạng KN tự nhận thức của học sinh THPT tại một số trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số kiến nghị góp phần cải thiện hiệu quả việc thực hiện giáo dục kỹ năng này trong trường THPT hiện nay.

    9. Kết luận và khuyến nghị

    Nghiên cứu KN tự nhận thức trong lĩnh vực KNS là hướng tiếp cận phổ biến ở Việt Nam. Hướng tiếp cận trong lĩnh vực trí tuệ cảm xúc để nghiên cứu về KN tự nhận thức là một hướng nghiên cứu đang phát triển trên thế giới, tuy nhiên còn hạn chế ở Việt Nam.

    KN tự nhận thức theo quan niệm của trí tuệ xúc cảm, gồm 3 nội dung cơ bản: nhận thức cảm xúc, tự đánh giá bản thân, thể hiện sự tự tin. Nhóm nghiên cứu đưa ra 5 mức độ phát triển của KN tự nhận thức của học sinh THPT, cùng với tiêu chí nhận biết đưa ra, đây là cơ sở để tiến hành điều tra, đánh giá thực trạng kỹ năng của học sinh THPT hiện nay.

    KN tự nhận thức đóng vai trò hết sức quan trọng đối với học sinh THPT trong việc giúp các em xác định đúng nhu cầu, khả năng của bản thân cũng như tự định hướng sự phát triển của bản thân phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế. Do đó, để phát triển KN tự nhận thức, mỗi cá nhân học sinh cần tự rèn luyện bản thân, nhìn nhận khách quan về chính bản thân mình, học tập những tấm gương tốt để có những ứng xử tích cực đối với các vấn đề của bản thân.

    Đối với các nhà trường THPT, cần xác định vai trò quan trọng của việc phát triển các KNS của học sinh đối với sự phát triển nhân cách của các em. Cần có định hướng, kế hoạch giáo dục KNS, trong đó có KN tự nhận thức cho các em thông qua các hoạt dộng dạy học, hoạt động ngoại giờ lên lớp . Phối hợp với gia đình, các ban ngành khác của bộ giáo dục để xây dựng kế hoạch giáo dục KNS nói chung và KN tự nhận thức cho học sinh một cách hiệu quả. Xem đây là một nhiệm vụ giáo dục quan trọng trong nhà trường để đầu tư phát triển kỹ năng giáo dục cho giáo viên, phụ huynh.

    Gia đình luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng, ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của học sinh. Vì vậy, để giúp các em phát triển kỹ năng tự nhận thức, gia đình cần nhìn nhận nghiêm túc vai trò của kỹ năng này với con em mình, quan tâm, chia sẻ với con cái nhiều hơn về các vấn đề của chúng, để giúp các em có cách nghĩ, đánh giá và giải quyết vấn đề phù hợp, tích cực; phối hợp chặt chẽ với nhà trường và xã hội trong việc giáo dục con cái.

    Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng chiến lược, kế hoạch và tiến hành thực hiện các chương trình phát triển giáo dục KNS cho học sinh THPT để đáp ứng nhu cầu phát triển của học sinh và xã hội; kết hợp với nhà trường, chỉ đạo và phát triển các công tác giáo dục KNS cho học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau.


    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...