Thạc Sĩ Kỹ năng quản lý cảm xúc bản thân của sinh viên sư phạm

Thảo luận trong 'THẠC SĨ - TIẾN SĨ' bắt đầu bởi Phí Lan Dương, 24/7/14.

  1. Phí Lan Dương

    Phí Lan Dương New Member
    Thành viên vàng

    Bài viết:
    18,524
    Được thích:
    18
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    MỞ ĐẦU1.Tính cấp thiết của đề tài
    Cảm xúc của cá nhân là một động lực cơ bản thôi thúc con người làm việc bất kể họ làm gì. Cảm xúc còn có thể đem lại cho cá nhân những ý tưởng, những lựa chọn đầy sáng tạo. Đời sống cảm xúc là lĩnh vực trong đó người ta có thể chứng tỏ năng lực của mình. Theo Caroll E. Izard [1992]- nhà tâm lý học nghiên cứu hàng đầu về cảm xúc cho rằng cảm xúc tạo nên hệ thống động cơ chính của con người. Các cảm xúc có ý nghĩa phi thường trong hoạt động của cá nhân và hoàn toàn không nên coi chung là cái đối lập với trí tuệ. Đúng hơn là bản thân các cảm xúc là cấp bậc cao của trí tuệ [39].
    Cảm xúc có tính hai mặt, một mặt, cảm xúc là động lực thúc đẩy cá nhân hoạt động có hiệu quả, mặt khác, nếu không được quản lý và định hướng đúng đắn, cảm xúc sẽ làm lệch hướng, thậm chí phá hủy nhận thức và hành động của cá nhân, dẫn đến việc nhận thức và hành động của cá nhân trở nên “mù quáng” và sai lầm. Vì vậy, quản lý và định hướng cảm xúc để trở thành động lực tích cực là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo hiệu quả hoạt động. Thực tế cho thấy, những người hiểu được các cảm xúc của mình, nắm được và làm chủ được chúng, đoán được những cảm xúc của người khác và biết hòa hợp với họ một cách hữu hiệu, là những người có lợi thế trong tất cả các lĩnh vực của cuộc đời để thành công và hạnh phúc. Ngược lại, những người không kiểm soát được đời sống cảm xúc của mình sẽ thường xuyên phải chịu những xung đột nội tâm, từ đó năng lực tập trung chú ý và tư duy của họ sẽ bị phá vỡ và điều này chắc chắn có ảnh hưởng xấu đến hiệu quả hoạt động cũng như cuộc sống của họ.
    Cảm xúc và quản lý cảm xúc của con người hình thành, phát triển và thay đổi trong các giai đoạn lứa tuổi. Những thành công, niềm vui, hạnh phúc hoặc những thất bại, khó khăn, đau khổ của mỗi con người phụ thuộc rất nhiều vào cảm xúc, trong đó quản lý cảm xúc của bản thân đóng vai trò rất quan trọng. Trong những năm cuối thế kỷ 20, nghiên cứu cảm xúc đã ngày càng được quan tâm ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt đối với các trường học. Giáo dục phẩm chất nhân cách của học sinh, sinh viên là những nội dung cốt lõi đều có liên quan đáng kể đến cảm xúc và quản lý cảm xúc bản thân. Ở nước ta chủ yếu nghiên cứu về trí tuệ cảm xúc và đã thu được một số kết quả đáng nghi nhận. Các kết quả đó làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận và thích nghi các phương pháp, kỹ thuật đánh giá và điều tra thực trạng trình độ phát triển trí tuệ cảm xúc của học sinh, sinh viên. Vấn đề hình thành và phát triển những kỹ năng kiểm soát và kỹ năng năng biểu hiện cảm xúc cho thanh thiếu niên nhằm phát triển nhân cách hài hòa, thuận lợi ít đươc quan tâm nghiên cứu.
    Tại Việt Nam, số liệu năm 2013 được Bộ Giáo dục và đào tạo (GD- ĐT) đưa ra, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cũng theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cứ khoảng trên 5.200 học sinh (HS) thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 HS thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau. Đáng lo ngại hơn, theo thống kê của Bộ Công An mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Trước kia: tội phạm giết người trong độ tuổi từ 30 đến dưới 45 chiếm số lượng cao nhất. Bây giờ giảm còn 34% so với 41% của độ tuổi 18 đến dưới 30 (độ tuổi từ 14 đến dưới 18 chiếm đến 17%).Theo số liệu thống kê từ đường dây nóng được Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) công bố năm 2013, so với 10 năm trở về trước, số vụ bạo hành tại trường học tăng gấp 13 lần (trong khi bạo hành tại cộng đồng tăng bảy lần, bạo hành với trẻ tại gia đình tăng gấp ba lần).
    Có nhiều nguyên nhân như yếu tố xã hội, tác động của văn hóa truyền thông, hành vi lây lan nhưng trong đó một nguyên nhân chủ yếu là lớp trẻ thiếu kỹ năng quản lý các cảm xúc của bản thân. Từ góc độ giáo dục có thể thấy, nhìn chung, các học sinh, sinh viên còn ít được quan tâm trong việc hình thành, nuôi dưỡng, phát triển những kỹ năng kiểm soát, kỹ năng biểu hiện một cách có văn hoá cảm xúc của mình. Điều này làm cho họ lúng túng, vụng về trong hợp tác với những người xung quanh, trong việc bày tỏ thái độ của mình với những người cùng giao tiếp và có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
    Sinh viên sư phạm là những giáo viên trong tương lai. Nhân cách của họ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển nhân cách của học sinh khi họ trở thành người giáo viên thực thụ. Một mặt người giáo viên phải làm chủ cảm xúc để làm chủ các tình huống sư phạm diễn ra rất đa dạng, phong phú. Mặt khác, họ phải định hướng và giáo dục cho học sinh kỹ năng quản lý cảm xúc giúp các em làm chủ cảm xúc của mình nhằm phát triển nhân cách hài hòa, thuận lợi. Vì vậy, tác động hình thành cho sinh viên sư phạm kỹ năng quản lý cảm xúc là hết sức cần thiết và có ý nghĩa to lớn. Đây là lý do để chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: “Kỹ năng quản lý cảm xúc bản thân của sinh viên sư phạm”.
    2. Mục đích nghiên cứu
    Phát hiện thực trạng kỹ năng quản lý cảm xúc bản thân của sinh viên sư phạm, phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến kỹ năng quản lý cảm xúc của sinh viên sư phạm, đề xuất một số biện pháp tác động nhằm cải thiện kỹ năng quản lý cảm xúc bản thân cho sinh viên sư phạm.
    3. Đối tượng và khách thể nghiên cứu
    3.1. Đối tượng nghiên cứu
    Biểu hiện và mức độ kỹ năng quản lý cảm xúc bản thân của sinh viên sư phạm.
    3.2. Khách thể nghiên cứu
    Khách thể nghiên cứu gồm 360 sinh viên, trong đó có: 120 sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 121 sinh viên của Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương và 119 sinh viên của Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên.
    4. Giả thuyết nghiên cứu
    4.1. Kỹ năng quản lý cảm xúc bản thân của sinh viên sư phạm ở mức trung bình với 4 kỹ năng: Kỹ năng nhận diện cảm xúc bản thân, kỹ năng kiểm soát cảm xúc bản thân, kỹ năng điều khiển cảm xúc bản thân, kỹ năng sử dụng cảm xúc bản thân trong đó kỹ năng nhận diện cảm xúc tốt hơn những kỹ năng còn lại
    4.2.Giữa các kỹ năng có sự tương quan: sinh viên nhận diện cảm xúc tốt sẽ kiểm soát, điều khiển và sử dụng tốt các cảm xúc bản thân và ngược lại. Sinh viên tự đánh giá kỹ năng quản lý cảm xúc bản thân cao tuy nhiên khi tham gia tình huống kết quả là thấp. Đây là cơ sở để làm thực nghiệm tác động nhằm cải thiện kỹ năng quản lý cảm xúc bản thân của sinh viên sư phạm.
    4.3. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới kỹ năng quản lý cảm xúc bản thân của sinh viên sư phạm như: khí chất, giới tính, năng lực học tập, khách thể giao tiếp trong đó năng lực học tập (kết quả học tập) và khách thể giao tiếp (giảng viên và bạn bè) có ảnh hưởng nhiều nhất đến kỹ năng quản lý cảm xúc bản thân của sinh viên sư phạm.
    4.4. Có thể cải thiện kỹ năng quản lý cảm xúc bản thân của sinh viên sư phạm bằng việc tổ chức lớp bồi dưỡng về kỹ năng quản lý cảm xúc bản thân cho sinh viên.
    5. Nhiệm vụ nghiên cứu
    5.1. Xây dựng cơ sở lý luận nghiên cứu về kỹ năng quản lý cảm xúc bản thân của sinh viên sư phạm, xác định những khái niệm cơ bản của vấn đề nghiên cứu như: cảm xúc, kỹ năng, kỹ năng quản lý cảm xúc bản thân của sinh viên sư phạm.
    5.2. Xác định thực trạng biểu hiện và mức độ kỹ năng quản lý cảm xúc bản thân của sinh viên sư phạm, các yếu tố ảnh hưởng đến kỹ năng quản lý cảm xúc bản thân của sinh viên sư phạm.
    5.3. Đề xuất một số biện pháp tác động nhằm cải thiện kỹ năng quản lý cảm xúc bản thân của sinh viên sư phạm.
    6. Giới hạn phạm vi nghiên cứu
    6.1. Về nội dung nghiên cứu
    Trong phạm vi nghiên cứu, luận án chỉ tập trung nghiên cứu biểu hiện mức độ kỹ năng quản lý cảm xúc bản thân của sinh viên sư phạm trong nhà trường, chủ yếu là trong quá trình học tập qua 4 kỹ năng thành phần: kỹ năng nhận diện cảm xúc bản thân, kỹ năng kiểm soát cảm xúc bản thân, kỹ năng điều khiển cảm xúc bản thân, kỹ năng sử dụng cảm xúc bản thân.
    6.2. Về khách thể nghiên cứu
    Luận án chỉ tập trung nghiên cứu trên khách thể là sinh viên của 03 trường đại học sư phạm (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên). Đây là các trường Sư phạm lớn ở miền Bắc của Việt Nam, đại diện các trường sư phạm đào tạo giáo viên về khoa học cơ bản, nghệ thuật và kỹ thuật. Luận án chỉ nghiên cứu ở sinh viên năm thứ nhất, thứ hai và thứ 3, không nghiên cứu năm thứ 4 vì quá trình nghiên cứu kéo dài nên phạm vi nghiên cứu không cho phép nghiên cứu sinh viên năm thứ 4 vì tính chất sắp ra trường.
    7. Phương pháp nghiên cứu
    7.1. Phương pháp nghiên cứu lý luận
    7.2. Các phương pháp nghiên cứu thực tiễn
    7.2.1. Phương pháp chuyên gia
    7.2.2. Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi
    7.2.3. Phương pháp phỏng vấn sâu
    7.2.4. Phương pháp quan sát
    7.2.5. Phương pháp trắc nghiệm
    7.2.6. Phương pháp thực nghiệm
    7.2.7. Phương pháp phân tích chân dung tâm lý
    7.3. Phương pháp xử lý số liệu bằng thống kê toán học
    8. Đóng góp mới của luận án
    Luận án đã hệ thống hóa và xác định rõ một số vấn đề lý luận về cảm xúc, kỹ năng, kỹ năng quản lý cảm xúc của sinh viên sư phạm, cụ thể hóa được 4 kỹ năng thành phần trong kỹ năng quản lý cảm xúc bản thân của sinh viên sư phạm (Kỹ năng nhận diện cảm xúc bản thân, kỹ năng kiểm soát cảm xúc bản thân, kỹ năng điều khiển cảm xúc bản thân, kỹ năng sử dụng cảm xúc bản thân).
    Luận án chỉ ra được thực trạng biểu hiện mức độ kỹ năng quản lý cảm xúc bản thân của sinh viên sư phạm ở mức trung bình với 4 kỹ năng thành phần và những yếu tố ảnh hưởng tới các kỹ năng quản lý cảm xúc bản thân của sinh viên sư phạm (khí chất, giới tính, năng lực học tập, khách thể giao tiếp). Kết quả của thực trạng giúp cho sinh viên sư phạm chú ý học tập và luôn luôn cải thiện kỹ năng quản lý cảm xúc bản thân được tốt hơn.
    Kết quả nghiên cứu của luận án là tài liệu tham khảo bổ ích cho các giảng viên, sinh viên trong giảng dạy, học tập và làm việc ở các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm, nhất là khi giảng dạy kỹ năng và kỹ năng quản lý cảm xúc cho sinh viên.
    9. Cấu trúc của luận án
    Luận án bao gồm: mở đầu, 3 chương, kết luận, kiến nghị, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...