Sách Kinh thủ lăng nghiêm tông thông

Thảo luận trong 'Sách Tôn Giáo' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Kinh Lăng Nghiêm là một bộ Kinh Đại thừa "thậm thâm vi diệu pháp", nghĩa lý ảo diệu khôn lường nói về "cái tâm" mà Phật thuyết cho Ngài A Nan.
    Nhiều cao Tăng thạc đức đã dịch, chú giải, giảng giải như các Ngài HT.Thiện Siêu, HT.Từ Thông, HT.Thanh Từ, HT.Trí Quảng, HT.Duy Lực, HT.Tánh Không, Tịnh Liên NXH, Tâm Minh LĐT .
    Trong những tác phẩm chú giải, bộ Lăng Nghiêm Tông Thông của HT-Thiền Sư Nhẫn Tế được biên soạn rất công phu, nghĩa lý sâu xa, các giai thoại Thiền trích dẫn trong bài rất phong phú nhấn mạnh vào giáo lý huyền nhiệm mà Đức Thế Tôn đã khai thị cho ngài A Nan về cái tâm. Người đọc bị cuốn hút vào những giai thoại thiền bí nhiệm mà bấy lâu nay chỉ nghe đồn đại chưa rõ thật hư .

    ****
    "Ông Đỗ Hồng Tiệm hỏi thiền sư Vô Trụ ở chùa Bảo Đường rằng : "Đệ tử nghe Hòa Thượng Kim nói : Không nhớ, không niệm, chớ vọng. Pháp môn ba câu, có phải không ?"
    Sư đáp : "Phải".
    Ông Đỗ hỏi : "Ba câu ấy là một hay ba ?"
    Sư nói : "Không nhớ là giới, không niệm (vô niệm) là Định, chớ vọng là Huệ. Một Tâm chẳng sanh, đó là Giới Định Huệ, chẳng phải một, chẳng phải ba".
    Ông Đỗ lại hỏi : "Thầy có dùng ba câu ấy để tiếp người không ?"
    Sư nói : "Người học nhân sơ tâm, thì còn khiến họ dứt niệm, dừng làn sóng thức, nước trong thì cảnh hiện, ngộ cái Thể Vô Niệm, Tịch Diệt hiện tiền, lúc ấy vô niệm cũng chẳng còn lập".
    Khi ấy, trên cây trước sân có tiếng quạ kêu.
    Ông Đỗ hỏi : "Thầy có nghe không ?"
    Sư nói : "Nghe".
    Quạ bay đi mất, lại hỏi : "Thầy có nghe không ?"
    Sư nói : "Nghe".
    Ông Đỗ nói : "Quạ bay đi rồi, đâu còn tiếng, sao nói là nghe ?"
    Thiền sư bèn dạy cả đại chúng rằng : "Đời Phật khó gặp, Chánh Pháp khó nghe ! Mỗi người hãy lóng nghe kỹ ! Có nghe, không nghe, đều chẳng liên quan gì đến Tánh Nghe. Xưa nay chẳng sanh, sao từng có diệt ? Khi có Tiếng, đó là cái Tiếng của Trần tự sinh, khi không có tiếng, đó là cái Tiếng của Trần tự diệt, nhưng cái Tánh Nghe này, chẳng theo Tiếng mà sanh, chẳng theo Tiếng mà diệt. Ngộ Tánh Nghe này thì khỏi tiếng tăm của Trần ràng buộc. Phải biết cái Nghe không có sanh không có diệt, cái Nghe không có chuyện đến, đi".
    Ông Đỗ và đại chúng cúi đầu vâng lãnh.
    Ông Đỗ lại hỏi :"Sao là chẳng sanh, sao là chẳng diệt, như thế nào được giải thoát?"
    Thiền sư nói : "Thấy Cảnh, tâm chẳng khởi là chẳng sanh. Chẳng sanh tức là chẳng diệt ! Đã không sanh diệt thì nào có bị tiền trần trói buộc ? Ngay đây là Giải Thoát. Chẳng sanh là vô niệm, vô niệm thì không sanh diệt. Vô niệm là không buộc, vô niệm là không thoát. Rốt ráo là : Biết Tâm là lìa Niệm, Thấy Tánh là giải thoát. Ngoài Biết Tâm, Thấy Tánh mà lại có pháp môn chứng Bồ Đề Vô Thượng, thật không thể có".
    Ông Đỗ hỏi : "Sao gọi là Biết Tâm, Thấy Tánh ?"
    Thiền sư nói : "Hết thảy người tu học, theo niệm mà trôi dạt, đều vì chẳng biết Chân Tâm. Cái Chân Tâm ấy, niệm sanh cũng chẳng thuận theo mà sanh, niệm diệt cũng chẳng nương theo mà mất. Chẳng đi chẳng đến, chẳng định chẳng loạn, chẳng nắm chẳng bỏ, chẳng nổi chẳng chìm. Vô vi, vô tướng, sống động lưu thông, bình thường, tự tại. Tâm Thể ấy rốt ráo bất khả đắc, không thể lấy tri thức mà biết, chạm mắt đều là Như, không có gì là chẳng phải thấy Tánh".
    Ông Đỗ và đại chúng làm lễ, xưng tán, vui mừng hớn hở mà đi.
    Ngài Bảo Đường, diễn lại Lăng Nghiêm, xét xem lời nói như cùng một miệng thuyết ra."
    ****
    "Kinh : Ông Tu Bồ Đề liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, thưa rằng : "Tôi từ mênh mông kiếp đến nay, tâm được vô ngại, tự nhớ thọ sanh, kiếp số nhiều như cát sông Hằng. Lúc còn trong thai mẹ đã biết Tánh Không Tịch, như thế cho đến cả mười phương đều rỗng không và cũng khiến chúng sanh chứng đắc Tánh Không. Nhờ Như Lai phát minh Tánh Giác là Chân Không, Tánh Không tròn sáng, đắc A La Hán, tức thời nhập vào Biển Không quý báu sáng ngời của Như Lai, đồng Phật Tri Kiến, được ấn chứng thành Vô Học. Tánh Không Giải Thoát, tôi là đầu hết.
    "Phật hỏi về Viên Thông, như chỗ chứng của tôi, các Tướng nhập vào Phi Tướng, Phi và Sở Phi đều hết, xoay các pháp về Không, đó là Thứ Nhất".
    Thông rằng : Ông Tu Bồ Đề từ mênh mông số kiếp đến nay rõ được Tánh Không, nhưng chỉ biết ngả theo cái Không mà thôi. Nhờ Phật phát minh Tánh Giác là Chân Không, mới biết cái Không sanh trong Đại Giác cũng như một bọt nước sanh trong biển lớn, thế nên nói là cái Biển Không quý báu sáng ngời. Ngả qua cái Không thì chẳng toàn vẹn. Chân Không là toàn vẹn. Ngả về cái Không thì chưa giải thoát. Chân Không tức Giải Thoát. Chẳng đốn nhập Chân Không, thì còn ở trong cái Thấy của Nhị Thừa, chưa đồng với cái Thấy Biết của Phật vậy.
    Các Tướng nhập vào Phi Tướng, ban đầu chỉ là cái Không đơn thuần, nghĩa là làm Không các Tướng. Cái Phi và Sở Phi đã mất hết, kế đó dùng cái không Không, tức là không luôn cái Không Tướng. Ban đầu là xoay các Tướng về Không, rồi xoay các Pháp về Không. Tướng Nhân, Tướng Pháp đều Không, nên trở vào trong Biển Không quý báu sáng ngời, như ngồi yên trong núi mà thấy Pháp Thân Như Lai. Phật cũng nói "Ông Tu Bồ Đề thấy trước Pháp Thân của Ta". Đây là một chỗ để nghiệm ra là đồng với cái thấy biết của Phật.
    Nhà sư tên Trí Thường ra mắt Đức Lục Tổ.
    Tổ hỏi rằng : "Ông từ đâu đến đây, muốn cầu chuyện gì ?"
    Đáp rằng : "Thưa, gần đây tôi đến Hồng Châu, núi Bạch Phong, lạy ra mắt Hòa Thượng Đại Thông, được chỉ dạy cái nghĩa thấy Tánh thành Phật, mà chưa giải quyết nổi nghi ngờ. Từ xa đến đây làm lễ, mong Hòa Thượng chỉ bày". Tổ nói rằng : "Vị kia nói gì, ông thử thuật lại xem".
    Đáp rằng : "Trí Thường này đi đến đó, trải qua ba tháng mà chưa được dạy bảo. Vì thiết tha với pháp, nên một đêm một mình vào phương trượng cầu hỏi :
    "Như sao là Bản Tâm, Bản Tánh của tôi ?"
    "Ngài Đại Thông bèn nói : "Ông có thấy hư không chăng ?"
    "Đáp : "Dạ, thấy".
    "Hỏi : "Ông thấy hư không có tướng dạng gì không ?"
    "Đáp : "Hư không vô hình, nào có tướng mạo gì".
    "Ngài Đại Thông nói : "Ông hãy thấy Bản Tánh cũng như hư không, rốt ráo không có một vật để thấy, gọi là Chánh Kiến. Không một vật để biết, gọi là thật biết. Không có xanh, vàng, dài, ngắn. Chỉ thấy cái Bổn Nguyên Thanh Tịnh, cái Giác Thể tròn đầy sáng suốt, thì gọi là thấy Tánh thành Phật, cũng gọi là cái Thấy Biết của Như Lai". Kẻ học Đạo này tuy nghe dạy như vậy mà chưa rõ hiểu chắc chắn, xin Hòa Thượng chỉ dạy".
    Tổ nói : "Chỗ dạy của vị ấy vẫn còn nằm trong tri kiến, nên khiến ông chưa rõ, nay ta chỉ cho ông bài kệ :
    "Chẳng thấy một pháp, là còn cái không thấy
    Thật như mây nổi che mặt trời
    Chẳng biết một pháp, là giữ cái không biết
    Lại như thái hư sanh điện chớp
    Cái thấy biết ấy vừa khởi lên
    Nhận lầm, bao giờ hiểu phương tiện
    Ông trong nhất niệm tự biết lấy Chẳng Phải( )
    Thì cái linh quang chính mình thường rõ hiện".
    Trí Thường nghe kệ xong, tâm ý rỗng nhiên, bèn trình bài kệ :
    "Không đâu, khởi thấy biết
    Bám tướng, tìm Bồ Đề
    Tình còn một niệm "Ngộ"
    Sao thoát khỏi xưa mê
    Tự Tánh Giác nguyên thể
    Theo chiếu uổng trôi lăn
    Chẳng vào Tổ Sư thất
    Mờ mịt chạy hai đầu".
    Thế có thể nói là "Nhất niệm biết Chẳng Phải" thì Cái Chẳng Phải (Phi) và cái Chỗ Chẳng Phải (Sở Phi) đều dứt hết. Từ Ông A Na Luật Đà đến đây là năm vị Thánh, nói là xoay cái Thấy, quay hơi thở trở về, đem cái mùi vị trở lại, xoay cái pháp về nguồn, đều là ngược dòng về Một. Đó là do sáu Căn mà chứng viên thông vậy. Cái xoay ngược cái Nghe của Đức Quan Âm kể riêng ra với chỗ này, vì là cực quả của Viên Thông, gần với địa vị Phật, nên để sau chót.
    ***
    "Nhà sư hỏi Tổ Triệu Châu : "Con chó lại có Phật Tánh không ?"
    Tổ Châu nói : "Có".
    Hỏi rằng : "Đã có thì sao lại chun vào cái bì da kia ?"
    Tổ Châu nói : "Vì vẫn biết mà cố phạm".
    Lại có nhà sư hỏi Tổ Triệu Châu : "Con chó lại có Phật Tánh không ?"
    Tổ Châu nói : "Không".
    Thưa rằng : "Hết thảy chúng sanh đều có Phật Tánh, con chó vì sao lại không có ?"
    Tổ Châu nói : "Vì ở y có nghiệp thức".
    Ngài Thiên Đồng tụng rằng :
    "Con chó, Phật Tánh có
    Con chó, Phật Tánh không
    Đi câu mà cầu tha mạng cá
    Theo gió tìm hương, khách nước-mây
    Om sòm, loạn xạ phân quen lạ
    Bằng an trải khắp, thư thả rộng bày
    Chớ lạ nhà nông chẳng biết lo
    Chỉ ra vết ngọc lại đoạt châu
    Vua Tần chẳng biết Tương Như Lạn !".
    Lại có bài tụng khác rằng :
    "Triệu Châu nói có, Triệu Châu nói không
    Con chó, Phật Tánh thiên hạ phân chia
    Mặt đỏ chẳng bằng nói thẳng
    Lòng ngay ắt hẳn lời thô
    Cái lão thiền sư bảy trăm chúng
    *** ngựa gặp người hóa nhãn châu( )".
    ***
    "Lại có nhà sư hỏi thiền sư Duy Khoan : "Con chó lại có Phật Tánh chăng ?"
    Sư nói : "Có".
    Hỏi : "Hòa Thượng lại có chăng ?"
    Sư đáp : "Ta không có".
    Hỏi : "Cả thảy chúng sanh đều có Phật Tánh, vì sao chỉ một mình Hòa Thượng lại không có ?"
    Sư nói : "Ta chẳng phải là cả thảy chúng sanh !"
    Hỏi : "Đã chẳng phải chúng sanh thì chắc là Phật ?"
    Sư nói : "Chẳng phải Phật".
    Hỏi : "Rốt ráo là vật gì ?"
    Sư nói : "Cũng chẳng phải vật".
    Hỏi : "Thấy được, nghĩ được không ?"
    Sư nói : "Nghĩ chẳng tới, bàn chẳng được, nên gọi là không thể nghĩ bàn".
    Hàng ngoại đạo thì ở chỗ có thể suy nghĩ, có thể luận bàn mà muốn so đo, lập luận, há chẳng điên đảo ư ?"
    Thiền Sư Nhẫn Tế


    ***

    Thiền sư Nhẫn Tế sanh ngày Rằm tháng Bảy năm Kỷ Sửu (1888), tại làng An Thạnh thuộc Búng - Lái Thiêu Tỉnh Bình Dương, trong một gia đình khá giả.
    Từ thơ ấu Ngài đã thọ quy y với Hòa Thượng trụ trì Chùa Sắc Tứ Thiên Tôn Tự (ở Búng), được đặt pháp danh Nhẫn Tế. Sau đó, Ngài thọ giới cụ túc với Hòa Thượng Thiên Thai (ở Bà Rịa) làm chủ Giới Đàn, được đặt pháp hiệu Minh Tịnh.
    Trải qua thời gian, phần lớn là tự tu, thấy không thỏa mãn chí nguyện, Ngài lên đường đi Ấn Độ tầm sư học đạo.
    Tháng Tư năm Ất Hợi (1935), Ngài đến Ấn Độ. Trong thời gian trên đất Ấn, Ngài tùy thuận phong tục, đắp y theo xứ Sri Lan-ka. Ở Ấn Độ, Ngài cũng không thấy thỏa mãn, lại muốn sang Tây Tạng học hỏi.
    Ngài được một vị Lama pháp danh Gava Samden, từ Tây Tạng sang cùng ba đệ tử là Lama Chamba Choundouss, Lama Ise và Lama Isess qua Ấn Độ rước Ngài về Tây Tạng. Do được thông báo, nên qua các trạm dẫn vào Tây Tạng Ngài đều được nghinh tiếp rất niềm nở và trọng đãi.
    Ngài đến Lhasa vào tháng Sáu năm 1936.
    Tại Tây Tạng, Ngài cầu pháp với Lama Quốc Vương và dự cuộc thi tuyển toàn quốc, chỉ có hai người được tuyển chọn ứng thí: một người Tây Tạng và người còn lại là Ngài, người Việt Nam. Khi đoạn dây chỉ bện màu đỏ thắt quanh cổ Ngài xiết lại, Ngài vẫn bình thản nhìn. Chỉ có Ngài qua được cuộc khảo thí.
    Sau một trăm ngày ở Tây Tạng, Ngài được Đại Thượng Toạ Lama Quốc Vương ngự ý ban cho pháp danh THUBTEN OSALL LAMA và ấn chứng sở đắc Pháp Giáo Ngoại Biệt Truyền, Bất Lập Văn Tự, Trực Chỉ Chơn Tâm Kiến Tánh Lập Địa Thành Phật tại triều đình nước Tây Tạng.
    Dòng Tổ Sư Thiền đã dứt vào thời Đức Lục Tổ Huệ Năng nay lại được khơi nối lại ở Việt Nam từ ngày đó.
    Ngài trở về Việt Nam ngày 20 tháng 6 năm 1937.
    Cuộc hành trình cùng các hình ảnh được Ngài ghi chép cẩn thận trong nhật ký còn lưu lại tại Chùa Tây Tạng - Bình Dương.
    Về Việt Nam, Ngài lập Chùa Thiên Chơn (ở Búng - Lái Thiêu). Sau đó, lại xây dựng Chùa Tây Tạng hiện nay tại Bình Dương.
    Ngài thị tịch ngày 17 tháng Năm năm Tân Mão (1951) tại Chùa Tây Tạng, thọ 63 tuổi.
    Vị kế thế Ngài là Hoà Thượng Thượng Tịch Hạ Chiếu hiện trụ trì Chùa Tây Tạng - Bình Dương.
     
Đang tải...