Sách Kinh kim quang minh

Thảo luận trong 'Sách Tôn Giáo' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Trích
    ----Phàm chơn tâm là ngoài mọi đối đãi, tuy hòa vào muôn vật mà vẫn thường tồn bất biến. Nhưng diệu hạnh rất khó lường, tùy các duyên mà ứng hiện cùng khắp. Đứng về mặt đế lý chơn thật thì không chấp nhận một mảy trần, nhưng về sự tướng, cũng như công hạnh tu hành thì không bỏ một pháp nào cả. Đức Phật thuyết kinh Kim Quang Minh là y nơi chơn tâm thanh tịnh mà kiến lập hạnh giải thoát, để dắt dẫn chúng sinh ra khỏi tà mê. Đó là Bảo tạng Pháp môn Đốn Viên Đại Dụng. Bởi vì Bồ Tát chẳng sa vào hạnh chấp KHÔNG, nhưng muốn đạt được PHÁP THÂN lại không thể tìm trong HỮU TƯỚNG. CÓ, KHÔNG cọng lập; SỰ, LÝ dung thông, là yếu chỉ của kinh vậy.
    (Hòa Thượng Thích Trí Thủ)
    ----

    ----Kinh Kim Quang Minh (Suvarnaprabhasa-sutra) là bộ kinh lớn thuộc đại thừa ĐỐN VIÊN do chính đức Phật khai thuyết, chứ không như các kinh khác cần phải có đại diện của chúng pháp hội thưa thỉnh, rồi nhân đấy đức Phật mới thuyết pháp. Do đó, Kinh Kim Quang Minh được tôn là một trong những bộ kinh cao siêu trong các kinh điển đạo Phật.

    Xét nội dung kinh Kim Quang Minh, toàn bộ gồm bốn quyển, chia làm mười chín phẩm (chương). Quyển 1, có năm phẩm: Tựa, Thọ Lượng, Sám Hối, Tán Thán và Không; Quyển 2 bốn phẩm: Tứ Thiên Vương, Đại Biện Thiên, Công Đức Thiên, Kiên Lao Địa Thần; Quyển 3 sáu phẩm: Tán Chỉ Quỉ Thần, Chánh Luận, Thiện Tập, Quỉ Thần, Thọ Ký, Trừ Bệnh; Quyển 4 bốn phẩm: Trưởng Giả Lưu Thủy, Xả Thân, Tán Phật, và sau hết là phẩm Chúc Lũy.

    Kinh tuy chia ra nhiều phẩm, nhưng chung qui đức Phật đã chỉ thuyết giảng, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, về pháp môn "Lục độ", nhằm khai triển pháp tính, giáo hóa cho chúng sinh sớm đạt tới cõi GIÁC hoàn toàn viên mãn.

    Và, xét theo Mười Hai Loại Phần Giáo trong các kinh điển đạo Phật, thì Kinh Kim Quang Minh được coi là gần đầy đủ các loại phần giáo; như Trường hàng, đức Phật dùng lối trực tả nghĩa chính của các Pháp; Trùng tụng, văn chỉnh cú, nói lại nghĩa của văn Trường hàng; Bản sinh, đức Phật tự thuật sự tu chứng của ngài trong đời quá khứ; Bản sự, nói các việc đời trước của các đệ tử; Vị tằng hữu, thuật rõ những sự hy hữu, kỳ diệu; Thí dụ, nói các thí dụ, dẫn chứng cho dễ hiểu; Nghị luận, vấn đáp, lý luận; Vô vấn tự thuyết, đức Phật tự nói pháp mà không cần có người thưa thỉnh; Thụ ký, là nói những việc do Phật thụ ký cho các đệ tử, và thuyết lý những việc sẽ xảy ra .
    *
    Hết thảy kinh điển trong đạo Phật đều có chung một mục đích là: Hướng Dẫn Con Người (chúng sanh) Đạt Tới Chân Lý, nên cũng gọi là "Chư Pháp Thắng Nghĩa—Paramàrtha," và đều thiết lập trên ba tiêu điểm chính: THỂ, bản thể của các Pháp (Chân lý); TƯỚNG, hiện tượng: vũ trụ vạn hữu (sự thể hiện Chân lý); DỤNG, sự sai biệt giữa Vật này và Vật kia (phương pháp dẫn nhập Chân lý). Hay nói cách khác, Thể của các Pháp là bình đẳng, vô ngại (chung); Tướng, là hình tướng, tức chỉ cho mọi sự vật hiện hữu trong cuộc đời mà người thấy biết; Dụng, sự công dụng của chúng dùng vào một việc gì đó (riêng), như sự sống, cách sống và khuôn mẫu sống v. v .

    Nói tóm, kinh điển đạo Phật là dạy cho con người nhận chân được lẽ sống và cuộc sống để sống đúng với nghĩa sống cao đẹp của nó, là phương thuốc thần diệu để điều trị mọi tâm bệnh, căn bệnh đau khổ, mê tối của chúng sinh, và đưa muôn loài đến an lạc, tự tại, và giải thoát.
    *
    Kinh Kim Quang Minh truyền thừa đến nay đã trên hai nghìn năm, được lưu hành ở hầu hết các quốc gia Đại thừa Phật giáo. Và cũng đã được phiên dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau. Ở Việt Nam, lần đầu tiên, Đại đức Thích Thiện Trì, trong mùa an cư năm Kỷ Dậu, (1969), tại chùa Linh Quang (Huế), đã phát tâm dịch và chú thích, bộ kinh Kim Quang Minh, từ chữ Hán ra chữ Việt. Đây là một việc làm cần được khuyến khích và nâng đỡ; tôi xin tùy hỷ công đức và trân trọng giới thiệu với chư tôn Thiền đức, độc giả và Phật tử bốn phương.
    (Hòa ThượngThích Đức Nhuận)
    ----
    ----Sự thuyết giáo của đức Phật đều căn cứ theo THỂ TƯỚNG DỤNG của bản thể nhân sanh và vũ trụ mà thiết lập, nên ba chữ danh đề KIM QUANG MINH cũng có nghĩa là THỂ TƯỚNG DỤNG.

    Thể tánh của chúng sanh vốn kiên cố bất hoại, như kim cương, thường tồn không biến đổi, sáng suốt chiếu soi, tại Thánh không tăng, tại Phàm không giảm. Đó là nghĩa KIM QUANG MINH.

    Nhưng chúng sanh không thể nhận và sống theo bản tánh ấy, đành trôi lăn theo dòng luân hồi sanh tử mãi, quên mất bản tánh thường tồn và sáng suốt của tự mình sẵn có. Phật vì thương xót chúng sanh và chính Ngài cũng từ trong dòng luân lưu của chúng sanh ấy mà vượt thoát, bằng vào công phu tích công lũy đức, thật tu thật chứng mà nhận thấy rõ nguyên nhân lưu chuyển sanh tử của chúng sanh, đồng thời trao cho chúng sanh chìa khóa để mở cửa và dẫn nhập kho tàng bí mật thậm thâm của pháp tánh. Ấy là mật nghĩa của kinh KIM QUANG MINH.

    Xét về ngũ thời giáo thì kinh KIM QUANG MINH thuộc về ĐẠI THỪA VIÊN ĐỐN nên được gọi là Mãn tự giáo.

    Kinh KIM QUANG MINH là một bộ kinh bí mật thậm thâm không thể nghĩ bàn. Điểm chính là nói về bổn hạnh sâu xa của chư Phật và các vị Đại Bồ Tát, đồng thời Phật khải phát lý vi diệu nhiệm mầu của Pháp tánh để chỉ mê khải ngộ. Như phẩm TỰA đã giới thiệu cho chúng ta biết, khi Phật thuyết kinh nầy là Ngài "nhập Pháp tánh thậm thâm vô lượng, bổn hạnh của chư Phật và các công hạnh thanh tịnh của các vị Đại Bồ Tát đã từng tu hành," mà tự giới thiệu pháp môn Phật sắp thuyết bằng lối trực khởi: "LÀ KIM QUANG MINH VUA TRONG CÁC KINH." Đây chính là pháp môn mầu nhiệm "vô vấn tự thuyết," chứ không như nhiều kinh khác là có một vị Bồ Tát đương cơ đại điện chúng hội để khải thỉnh.

    Điều đáng lưu ý, về địa điểm thuyết kinh nầy là tại núi Kỳ Xà Quật thành Vương xá. Chính nơi đây đức Phật đã thuyết kinh Pháp Hoa, một bộ kinh cao siêu mầu nhiệm vô cùng, mà hầu hết quý vị đều nghe biết . Vì vậy cho nên kinh nầy có nhiều điểm tương đồng với kinh Pháp Hoa, như phẩm THỌ KÝ, phẩm THỌ LƯỢNG. Lại nữa, ở đoạn hiện Bảo tháp trong phẩm XẢ THÂN cũng giống như kinh Pháp Hoa, nhưng khác nhau ở chỗ kinh Pháp Hoa là Bảo tháp của đức Phật Đa Bảo, kinh nầy là Bảo tháp Xá lợi tiền thân của đức Phật Thích Ca. Bảo tháp ở kinh Pháp Hoa là nói về "Quả địa Phật," còn Bảo tháp kinh nầy là thâm ý khai thị về "Nhơn địa Phật," mà đặc biệt Phật chú trọng về "Nhơn địa giác," nên Phật đã tự thân lễ bái tháp Xá lợi tiền thân, còn ở kinh Pháp Hoa thì đức Phật Đa Bảo phân nửa tòa đồng ngồi. Nhưng mật ý của Phật ở hai kinh, dù là "Tự Phật," hay "Tha Phật," "Nhơn Địa Phật," hay "Quả Địa Phật" cũng đều là "bình đẳng hỗ tương tuyên dương pháp sự khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến" là bản nguyện hoằng thâm của chư Phật vậy.

    Xét theo mười hai bộ loại trong kinh giáo của Phật thuyết thì kinh nầy rất đầy đủ vừa Trường hàng, vừa Kệ tụng, Cô khởi, Bổn sanh, Bổn sự, Vị tằng hữu, Vô vấn tự thuyết, Thọ ký v.v . Lại vừa hiển ngôn, vừa mật chú mà quí vị đi sâu vào sẽ thấy rõ.
    Dịch giả
    THÍCH THIỆN TRÌ
     
Đang tải...