Luận Văn Kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam hiện nay

Thảo luận trong 'Luật Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    LUẬN ÁN TIẾN SĨ LUẬT HỌC
    NĂM 2012

    Luận án dài 196 trang


    MỞ ĐẦU


    1. Tính cấp thiết của đề tài
    Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân là một chủ trương lớn đã được ghi nhận trong các nghị quyết của Đảng và được Nhà nước thể chế hóa trong Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001). Một trong những tiêu chí quan trọng để xây dựng Nhà nước pháp quyền là phải có hệ thống pháp luật hoàn thiện. Chính vì vậy, ngày 24-05-2005 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, trong đó đề ra mục tiêu:
    Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; đổi mới căn bản cơ chế xây dựng và thực hiện pháp luật; phát huy vai trò và hiệu lực của pháp luật để góp phần quản lý xã hội, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế [30].
    Mong muốn có một hệ thống pháp luật hoàn thiện, trong thời gian qua, Nhà nước đã không ngừng đề ra giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng, ban hành và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Từ khâu phân tích chính sách phản ánh nhu cầu điều chỉnh đối với các quan hệ xã hội để đưa vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) cho đến soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, thông qua, ban hành văn bản. Nếu chỉ quan tâm nâng cao chất lượng từng bước trong quy trình xây dựng và ban hành trên đây, thì hệ thống pháp luật vẫn tiềm ẩn sự không hoàn thiện bởi các quan hệ xã hội là đối tượng điều chỉnh của pháp luật luôn vận động không ngừng. Vì vậy, quá trình hoàn thiện hệ thống
    pháp luật rất cần được thực hiện một cách đồng bộ cùng quá trình xây dựng, ban hành. Có rất nhiều hoạt động của Nhà nước được triển khai thực hiện sau khi văn bản QPPL được ban hành có chung mục đích đảm bảo sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật như rà soát, hệ thống hóa, theo dõi, đánh giá thi hành và nhất là hoạt động kiểm tra, xử lý văn bản QPPL. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, hoạt động kiểm tra và xử lý văn bản QPPL đã phát huy khá tốt vai trò, ý nghĩa của mình trong việc "làm sạch" hệ thống văn bản QPPL, tạo lập được lòng tin của người dân đối với Nhà nước. Thông qua hoạt động kiểm tra, xử lý rất nhiều văn bản QPPL có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với nội dung văn bản QPPL của cấp trên; ban hành trái thẩm quyền, vi phạm về thủ tục xây dựng và ban hành văn bản, thiếu tính khả thi đã được phát hiện và xử lý. Có thể khẳng định, kiểm tra và xử lý văn bản QPPL là hoạt động không thể thiếu trong quy trình hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý
    nhà nước một cách có hiệu quả.


    Kiểm tra văn bản QPPL là nhiệm vụ mới được chuyển giao từ Viện kiểm sát nhân dân sang hệ thống cơ quan hành pháp theo quy định tại Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25-12-2001 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, Viện kiểm sát nhân dân không còn thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc ban hành văn bản QPPL mà chuyển giao cho các cơ quan hành chính nhà nước (Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ này). Vì lẽ đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 135/2003/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/11/2003 về kiểm
    tra và xử lý văn bản QPPL. Năm 2008 với sự ra đời của Luật Ban hành văn bản QPPL thay thế cho Luật ban hành văn bản QPPL năm 1996 (sửa đổi, bổ sung năm2002) đã có nhiều quy định thay đổi thẩm quyền ban hành văn bản QPPL của một số chủ thể. Sự thay đổi này có ảnh hưởng lớn đến thẩm quyền kiểm tra và xử lý văn bản QPPL của các cơ quan hành pháp. Vì lý do đó, ngày 12/4/2010 Chính phủ ban hành Nghị định 40/2010/NĐ-CP quy định về kiểm tra và xử lý văn bản QPPL. Hiện nay, Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2008, Nghị định số 40/2010/NĐ-CP là cơ sở pháp lý chủ yếu và trực tiếp để cơ quan chức năng thực hiện hoạt động kiểm tra và xử lý văn bản QPPL nhằm phát hiện khiếm khuyết của văn bản để đình chỉ thi hành, hủy bỏ, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, hợp lý và thống nhất của hệ thống pháp luật. Tuy đã được Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2008 và Nghị định 40/2010/NĐ-CP quy định nhưng những vấn đề mang tính nền tảng cho hoạt động kiểm tra, xử lý văn bản QPPL như khái niệm văn bản QPPL; thẩm quyền kiểm tra và xử lý văn bản QPPL; trách nhiệm của chủ thể ban hành văn bản bất hợp pháp, bất hợp lý; sự khác nhau giữa các biện pháp xử lý văn bản QPPL vẫn là những vấn đề còn nhiều tranh cãi trong quá trình triển khai trên thực tế. Chính vì vậy, việc áp dụng quy định của pháp luật trong hoạt động kiểm tra, xử lý văn bản QPPL trên thực tế còn gặp những khó khăn nhất định. Thực tế thời gian qua cho thấy, hoạt động kiểm tra và xử lý văn bản QPPL có dấu hiệu bất hợp pháp, bất hợp lý vẫn chưa được các cấp, các ngành chú trọng đúng mức. Hoạt động được tiến hành nhưng chưa đem lại hiệu quả cao, nhất là ở cấp chính quyền
    địa phương; sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong hoạt động kiểm tra, xử lý chưa đồng bộ; việc xử lý văn bản QPPL có dấu hiệu bất hợp pháp, bất hợp lý chưa nghiêm, còn mang tính hình thức, thậm chí không xử lý; đội ngũ công chức thực hiện hoạt động kiểm tra còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn nghiệp vụ; điều kiện vật chất cho công tác này còn chưa đảm bảo


    Từ thực tế trên đây đòi hỏi cần nghiên cứu một cách toàn diện, sâu sắc, đầy đủ về hoạt động kiểm tra và xử lý văn bản QPPL nhằm nâng cao chất lượng văn bản QPPL đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật mà Đảng đã đề ra.
    Với những lý do đó tôi lựa chọn "Kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam hiện nay" làm đề tài luận án tiến sĩ.


    2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
    Đối tượng nghiên cứu của luận án là hoạt động kiểm tra và xử lý văn bản QPPL ở Việt Nam hiện nay.


    Kiểm tra và xử lý văn bản QPPL là đề tài nghiên cứu có nội dung rất rộng, khá phức tạp nhưng trong giới hạn của luận án tiến sĩ, đề tài tập trung nghiên cứu với phạm vi sau đây:
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...