Luận Văn Kiểm toán khoản mục CPSX trong kiểm toán BCTC do công ty Cổ phần Kiểm toán & Định giá Việt Nam thực

Thảo luận trong 'Kế Toán - Kiểm Toán' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    169
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Kiểm toán khoản mục CPSX trong kiểm toán BCTC do Cty Cổ phần Kiểm toán & Định giá VN thực hiện
    Lời nói đầu
    Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, toàn cầu hoá và xu thế hội nhập đã làm thay đổi cơ bản những diễn biến của kinh tế thế giới. Với sự phát triển nhanh chóng từng ngày của các tổ chức kinh tế, hàng trăm thậm chí hàng nghìn công ty liên doanh, Công ty 100% vốn nước ngoài, đang hoạt động và mỗi ngày mỗi nhiều hơn, công tác quản lý ngày càng trở nên phức tạp đòi hỏi chúng ta cần coi trọng công tác kiểm toán, phải xem kiểm toán là một công cụ quan trọng và cần thiết để giúp cho nền kinh tế đất nước tránh được những thiệt hại lớn lao.
    Là một bộ phận của nền kinh tế, việc hình thành và phát triển thị trường dịch vụ kế toán – kiểm toán vừa là tất yếu khách quan; vừa là bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống công cụ quản lý vĩ mô nền kinh tế – tài chính và đóng vai trò tích cực trong việc phát triển nền kinh tế xã hội. Xuất phát từ lợi ích thiết yếu đó của hoạt động dịch vụ kế toán – kiểm toán, trong những năm gần đây hoạt động kiểm toán nói chung và hoạt động kiểm toán độc lập nói riêng không ngừng tiến bộ, ngày càng phát triển và khẳng định vị trí vững chắc của mình trong khu vực và trên thế giới. Đó cũng là xu thế phát triển tất yếu của một nền kinh tế đổi mới và đang trên đà phát triển như nước ta trong giai đoạn hiện nay.
    Toàn bộ một cuộc kiểm toán Báo cáo tài chính là sự tổng hợp kết quả của các phần hành, các chu trình khác nhau, từ giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán tới giai đoạn kết thúc kiểm toán và phát hành Báo cáo. Mỗi phần hành, chu trình là một quá trình kiểm toán riêng biệt, song chúng lại có mối quan hệ mật thiết với nhau, bổ sung cho nhau trong suốt quá trình của cuộc kiểm toán. Trong đó, việc hoàn thiện quy trình kiểm toán Báo cáo tài chính nói chung và quy trình kiểm toán khoản mục chi phí sản xuất nói riêng là vấn đề quan trọng hàng đầu của bất kỳ một Công ty kiểm toán nào hiện nay, bởi khoản mục chi phí sản xuất là một khoản mục mang tính tổng hợp trên Báo cáo tài chính, ảnh hưởng rất nhiều đến các khoản mục khác và đến kết quả hoạt động kinh doanh của đơn vị; và nó cũng chính là điều kiện cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của Công ty kiểm toán trong nền kinh tế thị trường có sức cạnh tranh mạnh mẽ, khốc liệt trong thị trường hiện nay.
    Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, trong thời gian thực tập tại Công ty cổ phần Kiểm toán và Định giá Việt Nam, cùng với sự hướng dẫn, giúp đỡ nhiệt tình của cô giáo Bùi Thị Minh Hải và các cô chú lãnh đạo, các anh chị trong Công ty, em đã chọn đề tài: “Kiểm toán khoản mục chi phí sản xuất trong kiểm toán Báo cáo tài chính do Công ty cổ phần Kiểm toán và Định giá Việt Nam thực hiện” để nghiên cứu. Nội dung chính của chuyên đề, ngoài phần mở đầu và phần kết luận bao gồm ba chương:
    Chương I: Lý luận chung về kiểm toán khoản mục chi phí sản xuất trong kiểm toán Báo cáo tài chính.
    Chương II: Thực tế kiểm toán khoản mục chi phí sản xuất trong kiểm toán BCTC do Công ty VAE thực hiện.
    Chương III: Một số nhận xét và kiến nghị nhằm hoàn thiện quy trình kiểm toán khoản mục CPSX trong kiểm toán BCTC tại Công ty VAE.
    Trong quá trình thực hiện chuyên đề này, do hạn chế về kiến thức thực tế cũng như thời gian nên không thể tránh khỏi những thiếu sót. Vì vậy, em rất mong nhận được sự góp ý, giúp đỡ của các thầy cô giáo cùng tất cả những người quan tâm để chuyên đề của em được hoàn thiện hơn.
    Em xin chân thành cảm ơn trường Đại học Kinh tế quốc dân đã tạo điều kiện cho sinh viên chúng em có một thời gian thực tập bổ ích. Cảm ơn cô giáo, Ban lãnh đạo và toàn thể các anh chị trong Công ty VAE cùng tất cả các thầy cô giáo đã nhiệt tình hướng dẫn em hoàn thành chuyên đề này.
    Em xin chân thành cảm ơn!
    CHƯƠNG I: LÝ LUẬN CHUNG VỀ KIỂM TOÁN KHOẢN MỤC CHI PHÍ SẢN XUẤT TRONG KIỂM TOÁN BÁO CÁO TÀI CHÍNH.
    I. KHOẢN MỤC CHI PHÍ SẢN XUẤT TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI KIỂM TOÁN BÁO CÁO TÀI CHÍNH.
    1. Đặc điểm chi phí sản xuất với vấn đề kiểm toán.
    1.1. Khái niệm, bản chất và nội dung kinh tế của chi phí.
    “Chi phí sản xuất là biểu hiện bằng tiền của toàn bộ hao phí về lao động sống và lao động vật hoá mà doanh nghiệp đã bỏ ra có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong một thời kỳ nhất định (tháng, quý, năm)” Nguyễn Văn Công – Lý thuyết và thực hành kế toán tài chính- NXB Tài Chính – HN 2004 Tr.82
    Mọi hoạt động và phát triển của xã hội loài người luôn gắn liền với quá trình sản xuất. Nền sản xuất xã hội của bất kỳ phương thức sản xuất nào cũng gắn liền với sự vận động, tiêu hao các yếu tố cơ bản tạo nên quá trình sản xuất. Hay nói cách khác, quá trình sản xuất là quá trình kết hợp cả ba yếu tố: Tư liệu lao động, đối tượng lao động và sức lao động. Sự kết hợp cả ba yếu tố này trong quá trình sản xuất sẽ tạo ra những sản phẩm, dịch vụ phục vụ cho nhu cầu của con người. Vì thế, sự hình thành nên các chi phí sản xuất để tạo ra giá trị sản phẩm sản xuất là tất yếu khách quan, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người.
    Với mỗi doanh nghiệp, chi phí luôn gắn liền với mỗi kỳ sản xuất và phải là chi phí thực. Vì vậy, cần phân biệt giữa chi phí và chi tiêu. Chi phí của kỳ hạch toán là những hao phí về tài sản và lao động có liên quan đến khối lượng sản phẩm sản xuất ra trong kỳ chứ không phải mọi khoản chi ra trong kỳ hạch toán. ngược lại, chi tiêu là sự giảm đi đơn thuần các loại vật tư, tài sản, tiền vốn của doanh nghiệp, bất kể nó được dùng vào mục đích gì. Tuy chi phí và chi tiêu là hai khái niệm khác nhau nhưng lại có mối quan hệ mật thiết với nhau. Chi tiêu là cơ sở phát sinh của chi phí, không có chi tiêu thì không có chi phí. Trên thực tế, có những khoản chi tiêu kỳ này nhưng tính vào chi phí kỳ sau ( như: chi mua nguyên vật liệu, vật liệu về nhập kho nhưng chưa sử dụng, ); có những khoản tính vào chi phí kỳ này nhưng chưa được chi tiêu ( các khoản phải trả). Như vậy, chi phí và chi tiêu không những khác nhau về mặt lượng mà còn khác nhau về thời gian. Sở dĩ có sự khác biệt như vậy là do đặc điểm, tính chất vận động và phương thức chuyển dịch giá trị của từng loại tài sản vào quá trình sản xuất và yêu cầu kỹ thuật hạch toán.
    Như vậy, chi phí sản xuất là biểu hiện bằng tiền của toàn bộ hao phí về lao động sống và lao động vật hoá cần thiết mà doanh nghiệp đã chi ra trong một kỳ kinh doanh nhất định. Trong đó:
    Chi phí về lao động sống là các chi phí về tiền lương và các khoản trích theo lương được tính vào chi phí.
    Chi phí về lao động vật hoá bao gồm các chi phí về nguyên vật liệu, chi phí điện nước, chi phí khấu hao,
    Nói một cách khác, thực chất chi phí là sự dịch chuyển vốn – chuyển dịch giá trị của các yếu tố sản xuất vào các đối tượng tính giá ( sản phẩm, lao vụ, dịch vụ).
    1.2. Phân loại chi phí theo khoản mục chi phí trong giá thành sản phẩm.
    Chi phí sản xuất có rất nhiều loại, nhiều khoản khác nhau cả về nội dung, tính chất, công dụng, vai trò và vị trí. Xuất phát từ các mục tiêu và yêu cầu khác nhau của hoạt động quản lý, CPSX có thể được phân loại theo nhiều tiêu thức: theo nội dung kinh tế, theo công dụng, theo vị trí, theo mục đích sử dụng, Một trong những cách phân loại được sử dụng phổ biến nhất trong hạch toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm trên góc độ kế toán tài chính là phân theo khoản mục chi phí trong giá thành sản phẩm. Cách phân loại này dựa vào công dụng của chi phí và mức phân bổ chi phí cho từng đối tượng. Theo quy định hiện hành, CPSX được cấu thành bao gồm các khoản:
    Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp (NVLTT): Bao gồm chi phí về các loại nguyên vật liệu chính, vật liệu phụ, nhiên liệu, tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, chế tạo sản phẩm hay thực hiện lao vụ, dịch vụ.
    Chi phí nhân công trực tiếp (NCTT): Bao gồm chi phí về tiền lương, phụ cấp lương và các khoản trích bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), kinh phí công đoàn (KPCĐ) trên tiền lương của công nhân trực tiếp sản xuất theo tỷ lệ quy định.
    Chi phí sản xuất chung (SXC): Là toàn bộ chi phí dùng vào việc quản lý và phục vụ sản xuất chung tại bộ phận sản xuất, bao gồm các khoản sau:
    - Chi phí vật liệu: Là chi phí vật liệu sử dụng cho nhu cầu sản xuất chung như: vật liệu dùng để sữa chữa, bảo dưỡng tài sản cố định (TSCĐ), dùng cho công tác quản lý phân xưởng,
    - Chi phí dụng cụ sản xuất: Là chi phí về các loại công cụ, dụng cụ dùng cho nhu cầu sản xuất chung ở phân xưởng như: Dụng cụ cầm tay, dụng cụ bảo hộ lao động,
    - Chi phí khấu hao tài sản cố định (TSCĐ): Bao gồm số khấu hao về tài sản cố định hữu hình, TSCĐ vô hình và TSCĐ thuê tài chính sử dụng ở phân xưởng sản xuất như khấu hao máy móc, thiết bị sản xuất, khấu hao nhà xưởng,
    - Chi phí nhân viên phân xưởng: Bao gồm tiền lương, phụ cấp lương và các khoản trích cho các quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn theo tỷ lệ tiền lương phát sinh của nhân viên phân xưởng.
    - Chi phí dịch vụ mua ngoài và chi phí khác bằng tiền: Bao gồm các khoản chi về dịch vụ mua ngoài, thuê ngoài để sử dụng cho nhu cầu sản xuất chung của phân xưởng như: Chi phí về điện, nước, điện thoại, và các khoản chi phí khác phát sinh trong phạm vi phân xưởng.
    Cách phân loại theo khoản mục chi phí trong giá thành sản phẩm này có tác dụng phục vụ đắc lực cho yêu cầu quản lý CPSX theo định mức, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tính giá thành sản phẩm, là căn cứ để phân tích tình hình thực hiện kế hoạch giá thành và định mức CPSX cho kỳ sau. Ngoài ra, cách phân loại này còn cung cấp các thông tin về cơ cấu và sự biến động của từng khoản mục chi phí trong việc tính giá thành giúp cho nhà quản lý nhanh chóng nắm bắt thông tin để từ đó đề ra các biện pháp quản lý hữu hiệu nhất.
    Nói đến CPSX không thể không đề cập tới mối quan hệ giữa CPSX và giá thành sản phẩm. Chi phí và giá thành là hai mặt khác nhau của quá trình sản xuất. CPSX phản ánh mặt hao phí sản xuất, giá thành sản phẩm phản ánh mặt kết quả sản xuất gắn liền với khối lượng công việc, sản phẩm đã hoàn thành trong kỳ. Mối quan hệ đó có thể được biểu diễn qua công thức sau:
    Z = D đk + C – D ck
    Trong đó: Z : Tổng giá thành sản phẩm hoàn thành.
    C : CPSX phát sinh trong kỳ.
    D đk, D ck: CPSX dở dang đầu kỳ, cuối kỳ.
    Như vậy, CPSX là căn cứ, là cơ sở để xác định chỉ tiêu giá thành.
    Tóm lại, qua tìm hiểu về đặc điểm chi phí sản xuất khi kiểm toán cần quan tâm các vấn đề sau:
    Xem xét việc tổ chức hạch toán chi phí sản xuất, đối tượng hạch toán chi phí, tính phù hợp của phương pháp kế toán áp dụng, tính có thật và hợp lý của số liệu.
    Như ta đã biết, CPSX nằm trong giai đoạn sản xuất và kết quả của giai đoạn này thể hiện ở thành phẩm, sản phẩm dở dang. Do đó, khi kiểm toán ngoài việc kiểm toán các yếu tố chi phí chính: Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, Chi phí nhân công trực tiếp, Chi phí sản xuất chung thì kiểm toán viên còn phải kiểm toán đối với CPSX kinh doanh dở dang và việc tính giá thành sản phẩm. Kiểm toán viên cần phải xem xét các phương pháp đánh giá sản phẩm dở dang và phương pháp tính giá thành có phù hợp hay không, đồng thời xem xét tính nhất quán các phương pháp đó.
     
Đang tải...