Tiến Sĩ Kí như một loại hình diễn ngôn

Thảo luận trong 'THẠC SĨ - TIẾN SĨ' bắt đầu bởi Nhu Ely, 16/3/14.

  1. Nhu Ely

    Nhu Ely New Member

    Bài viết:
    1,771
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    LUẬN VƯN TIẾN SỸ NGỮ VĂN
    NĂM 2013


    MỞ ĐẦU
    1. Lí do chọn đề tài

    1.1. Văn học kí có một địa vị rất quan trọng trong nền văn hóa, văn học Việt Nam, song cho đến nay, cách xác định ngoại diên và nội hàm khái niệm vẫn còn chưa thống nhất. Nhiều nhà nghiên cứu gọi nó là một loại văn học, xếp ngang hàng với loại tự sự, trữ tình, kịch. Có học giả lại coi nó là một thể văn học thuộc văn xuôi tự sự. Có nhà nghiên cứu xếp tất cả các tác phẩm có chức năng ghi chép thời trung đại như bi kí, minh kí, mộ chí, tạp kí . vào kí, có nhà nghiên cứu lại giới hạn kí trong phạm vi hẹp hơn, và thậm chí loại bỏ tùy bút, bút kí ra khỏi biên giới của kí. Trong lịch sử phát triển lâu dài, diện mạo của kí lại không ngừng thay đổi, khiến những tác phẩm kí ra đời muộn sau này như bút kí, phóng sự, hồi kí. khác rất xa với các tạp kí, bi kí, kí sự được hình thành ở chặng đầu phát triển của thể loại.
    Trong các nền văn học của nhiều nước trên thế giới, đều tồn tại một loại hình văn xuôi nằm giữa văn học và lịch sử, báo chí, khoa học, có nội dung ghi chép những nhân vật có thật, những sự kiện đã xảy ra. Song loại hình văn học này được gọi bằng những tên gọi khác nhau, có phạm vi, nội hàm không giống nhau: các thể loại văn học trung gian trong văn học Trung Quốc, văn học tư liệu trong văn học Liên Xô, văn xuôi phi hư cấu trong văn học phương Tây. Những lí do trên khiến cho việc xác định đặc trưng của loại hình văn học kí là công việc rất cần thiết nhưng đồng thời cũng là một thách thức đối với người nghiên cứu.
    1.2. Trong tư duy lí thuyết Việt Nam, từ trong các tự, bạt, khảo cứu thời trung đại, đến các công trình phê bình văn học, văn học sử, lí luận văn học hiện đại, người ta thường cho rằng ghi chép sự thật là đặc trưng quan trọng nhất của kí. Tuy nhiên, vì sự thật thường được xác định trong quan hệ đối lập với hư cấu, cho nên việc xác định tiêu chí đánh giá sự thật, mức độ và phạm vi hư cấu là những vấn đề gây rất nhiều tranh luận, đặc biệt là hai cuộc tranh luận về nghệ thuật tả chân những năm 1936-1939 và cuộc tranh luận về kí những năm 1960. Mặt khác, cách kiến giải đặc trưng của kí theo cách này đã không thể giải quyết một cách triệt để một số vấn đề đặt ra từ thực tiễn sáng tác. Chính vì thế, thiết nghĩ cần có một cách tiếp cận khác đối với loại hình văn học này.
    1.3. Từ những năm đầu thế kỉ XX, trên thế giới, đã xuất hiện một bước chuyển biến quan trọng trong tư duy lí thuyết của các ngành khoa học xã hội và nhân văn, được gọi là khúc ngoặt ngôn ngữ. Trên cơ sở sự thức tỉnh sâu sắc về vai trò, chức năng và bản chất của ngôn ngữ, các tư tưởng gia như M.Bakhtin, M.Foucault, R.Barthes, J.Derrida . đã cắt nghĩa lại rất nhiều những vấn đề cốt yếu như thực tại, chủ thể, sự thật, căn tính . Xuất phát từ nền tảng này, một mô hình nghiên cứu văn học, văn hóa mới đã dần dần thay thế cho mô hình nghiên cứu dựa trên lý thuyết phản ánh. Từ đây, người ta không còn định vị các hiện tượng văn học, văn hóa bằng cách qui chiếu nó với một thực tại có thật, mà xác định tọa độ của nó trong mạng lưới các diễn ngôn bao xung quanh nó, có trước nó, tiếp nối sau nó. Mặt khác, văn học không còn được nghiên cứu như là những văn bản ngôn từ khép kín, mà các học giả luôn cố gắng chỉ ra những cấu trúc kiến tạo nên các văn bản ngôn từ chìm sâu trong các vỉa tầng văn hóa. Trong mô hình nghiên cứu này, khái niệm diễn ngôn trở thành một trong những thuật ngữ mang tính chất chìa khóa, có vai trò quan trọng đến nỗi, người ta khó có thể thâm nhập vào các lý thuyết văn học văn hóa thế kỉ XX mà không hiểu được nội hàm của nó. Nền tảng lý thuyết này đã cung cấp cho chúng tôi một cách tiếp cận mới về loại hình văn học kí, góp phần giải quyết những vấn đề còn bỏ ngỏ đặt ra từ thực tiễn sáng tác, đồng thời đem lại một cách nhìn mới về loại hình văn học vốn quen thuộc này.
    1.4. Tiếp cận đặc trưng của kí như một hình thức diễn ngôn, có thể nói, là một hướng đi mới. Một mặt, nó giúp tìm hiểu đặc trưng của kí dưới một góc nhìn mới, ngõ hầu có thể giải quyết được những khoảng trống, bất đồng trong thực tiễn sáng tác và nghiên cứu kí. Một mặt, dựa trên hệ thống lí thuyết này, có thể kiến giải lại những hiện tượng văn học kí tưởng chừng đã quá quen thuộc. Với những ý nghĩa ấy, có thể nói, hướng tiếp cận này hứa hẹn nhiều triển vọng cho nghiên cứu văn học kí nói riêng và văn học nói chung.

    2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

    Văn học kí có nguồn gốc xa xưa từ những tác phẩm kí, lục, chí trong văn học trung đại song có thể nói, phải đến thế kỉ XX, nó mới được ý thức như một loại hình văn học và được nghiên cứu một cách hệ thống. Tuy kí hiện đại khác rất xa với các tác phẩm bi kí, minh kí, mộ chí, tạp kí . thời khởi thủy, song người ta vẫn có thể tìm thấy trong kí trung đại những yếu tố mang tính chất bền vững, có thể nói là những gene thể loại. Vì lí do đó, chúng tôi xác định đối tượng khảo sát chính trong luận án là các tác phẩm kí trong văn học Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên, các tác phẩm kí Việt Nam thời trung đại vẫn được đề cập đến như một tư liệu đối sánh. Ngoài ra, để làm sáng tỏ các vấn đề lí thuyết, chúng tôi cũng có những liên hệ nhất định với các tác phẩm kí trong văn học nước ngoài.
    3. Phương pháp nghiên cứu
    Luận án sử dụng những nguyên tắc phương pháp luận của lý thuyết diễn ngôn và kí hiệu học văn hóa. Kí hiệu học văn hóa cho phép tác giả luận án khẳng định văn học kí là một hiện tượng văn hóa mà thực chất là quá trình kí hiệu học, nên chỉ có thể nghiên cứu nó dưới ánh sáng của kí hiệu học. Còn lý thuyết diễn ngôn giúp tác giả luận án chứng minh, văn học kí là một cơ chế kiến tạo văn bản chịu sự chi phối của nhiều mã văn hóa khác nhau.
    4. Nhiệm vụ và đóng góp mới của luận án
    a. Luận án lần đầu tiên đặt vấn đề nghiên cứu kí như một hình thức diễn ngôn, một sự kiến tạo văn bản và kiến tạo sự thật dựa trên mã thể loại và mã tư tưởng hệ.
    b. Phân tích văn học kí Việt Nam giai đoạn 1945-1975 như một lát cắt lịch sử để làm sáng tỏ các vấn đề lý thuyết.
    5. Cấu trúc nội dung của luận án

    Luận án được cấu trúc làm 5 phần: phần mở đầu, phần nội dung, phần kết luận, danh mục các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án và thư mục tham khảo. Nội dung chính của luận án được triển khai thành bốn chương như sau:
    Chương 1: Tổng quan
    Chương 2: Mã thể loại và đặc trưng của văn học kí
    Chương 3: Mã tư tưởng hệ và sự vận động, phát triển của văn học kí
    Chương 4: Kí Việt Nam 1945-1975 như một lát cắt lịch sử
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...