Luận Văn Khảo sát vấn đề việc làm của người dân ở khu vực 9, Phường Đống Đa, Thành phố Quy Nhơn

Thảo luận trong 'Xã Hội Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    PHẦN DẪN NHẬP
    1. Lý do chọn đề tài
    Việc làm và giải quyết việc làm là một vấn đề kinh tế xã hội mang tính toàn cầu, là mối quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Ngày nay quan niệm về phát triển được hiểu đầy đủ là tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội; xóa đói giảm nghèo, giảm tỉ lệ thất nghiệp . trong đó thất nghiệp và thiếu việc làm là bước cản lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy tạo việc làm cho người lao động đang là vấn đề hết sức nóng bỏng và cấp thiết. Không chỉ là tạo điều kiện, cơ hội việc làm cho người lao động, phát huy hết tiềm lực của đất nước mà còn góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo có hiệu quả, là cơ sở để cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội, tạo động lực mạnh mẽ thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
    Trong những năm vừa qua, tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội ở tỉnh Bình Định khá phát triển, bộ mặt của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực như: các khu kinh tế - khu công nghiệp mới dần hình thành và đi vào hoạt động có hiệu quả, các khu công nghiệp cũ hoạt động mạnh hơn cả về quy mô lẫn chất lượng, cơ sở hạ tầng phát triển mạnh, các dịch vụ xã hội ngày càng được quan tâm . Bên cạnh đó thành phố Quy Nhơn – trung tâm kinh tế - văn hóa - chính trị - xã hội của tỉnh đã có sự phát triển một cách vượt bậc và đã được công nhận là đô thị loại I, đời sống nhân dân được nâng cao, tỉ lệ nghèo đô thị giảm. Trong công cuộc đổi mới, hơn 10 năm qua, kinh tế - xã hội của thành phố Quy Nhơn đã có những chuyển biến tích cực. Giá trị tổng sản phẩm xã hội năm 2002 ước đạt 1.600 tỷ đồng, tốc độ phát triển bình quân trên 12,5% năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Hiện nay, tỷ trọng ngành công nghiệp là 34,4%, ngành thương mại dịch vụ là 52,5% và ngành nông nghiệp là 13,1% [7;67]. Đặc biệt việc xây dựng khu kinh tế Nhơn Hội có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định nói chung và thành phố Quy Nhơn nói riêng. Nhờ đó phường Đống Đa - một địa bàn nằm ngay sát cạnh khu kinh tế Nhơn Hội đã và đang có những bước chuyển biến tích cực về tình hình kinh tế - văn hóa – xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đó thì một bộ phận không nhỏ người dân đang rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn vì việc thực hiện kế hoạch quy hoạch đất đai trên địa bàn phường chưa được đồng bộ và toàn diện.
    Ở khu vực 9, phường Đống Đa tình hình đời sống dân cư trước đây vẫn vốn gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên hiện nay phường Đống Đa đang là khu vực nằm trong quá trình đô thị hóa, sự chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất đô thị diễn ra mạnh và đã tác động không nhỏ đến tình hình đời sống người dân. Thường thì khi nói đến đô thị người ta thường nghĩ ngay đến mặt lợi nhiều hơn là mặt hại, trước tiên các đô thị sẽ cung cấp nhiều cơ hội việc làm, lương bổng, dịch vụ xã hội, năng suất lao động cao hơn; nó góp phần chuyển hướng phát triển kinh tế và là động lực dịch chuyển cơ cấu kinh tế ở cả khu vực đô thị và nông thôn. Nhưng bên cạnh đó mặt trái của quá trình đô thị hóa cũng được bộc lộ rất rõ, một trong số đó là quá trình chuyển đổi đất nông nghiệp ảnh hưởng trực tiếp tới người nông dân mất đất. Người dân ở khu vực 9, phường Đống Đa vốn gắn bó đời đời với diêm nghiệp (nghề muối) và các hoạt động nuôi trồng thủy sản nay đã bị mất đất sản xuất mà công tác đào tạo nghề, hỗ trợ tạo công ăn việc làm cho người dân sau khi quy hoạch đất đai chưa được thực hiện hiệu quả, đồng nghĩa với việc một số lượng lớn người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp kéo theo nó là một loạt các hệ quả khác nữa.
    Thành phố Quy Nhơn đang ngày càng phát triển, nhưng vấn đề việc làm của phần lớn người dân chịu ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa vẫn chưa được giải quyết, trong đó tình hình thất nghiệp, thiếu việc làm ổn định của người dân ở khu vực 9, phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn đã và đang là vấn đề trăn trở của các cấp chính quyền và nhân dân. Từ những lý do trên tôi chọn đề tài “Khảo sát vấn đề việc làm của người dân ở khu vực 9, Phường Đống Đa, Thành phố Quy Nhơn” để tiến hành nghiên cứu khoa học nhằm có sự đánh giá đúng đắn về thực trạng và đề ra một số giải pháp nhằm giải quyết vấn đề việc làm cho người dân ở khu vực này.

    2. Tổng quan về tình hình nghiên cứu
    Việc làm cho người lao động là một vấn đề luôn thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực khác nhau. Đã có nhiều đề tài nghiên cứu các cấp về vấn đề việc làm trên được tiến hành trên phạm vi cả nước trong đó có địa bàn tỉnh Bình Định. Trong đó các đề tài nghiên cứu về thực trạng việc làm của người dân sau tái định cư, việc làm của người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp của quá trình đô thi hóa, việc làm của người lao động ở nông thôn, việc làm của lao động nữ ở nông thôn . được quan tâm nhiều. Có thể kể đến một số để tài tiêu biểu như sau:
    Đề tài nghiên cứu khoa học “ Tìm hiểu thực trạng việc làm của người dân sau tái định cư ở phường Quang Trung, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định”, năm 2009,của sinh viên Nguyễn Đình Ngọc lớp CTXH_K28 trường Đại học Quy Nhơn, đề tài này đã đi sâu nhiên cứu những thực trạng, khó khăn, nguyên nhân đồng thời cũng đề ra nhiều biện pháp để giải quyết vấn đề việc làm cho người dân.
    Đề tài khóa luận tốt nghiệp “Thực trạng việc làm và giải quyết việc làm cho lao động nữ nông thôn ở xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định”, năm 2010, của sinh viên Võ Thị Thanh Tuyền lớp CTXH_K29 trường Đại học Quy Nhơn. Đề tài đã chỉ ra thực trạng việc làm của người phụ nữ nông thôn và đưa ra một số giải pháp hiệu quả nhằm giải quyết vấn đề việc làm cho người phụ nữ ở nông thôn.
    Các đề tài trên đã cung cấp những kiến thức về vấn đề việc làm của người lao động sau tái định cư và phụ nữ nông thôn tỉnh Bình Định. Với các đề tài sẽ cung cấp thêm những cơ sở lý luận, tạo tiền đề để tiến hành nghiên cứu thực trạng vấn đề việc làm hiện nay trên địa bàn khu vực 9, phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn. Đề tài “Khảo sát vấn đề việc làm của người dân ở khu vực 9, Phường Đống Đa, Thành phố Quy Nhơn” sẽ góp phần xây dựng thêm cơ sở lý luận cho công tác giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất trong quá trình đô thị hóa, đặc biệt khi đối tượng vốn là người lao động sống ở vùng ven thành phố.
    3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu
    3.1 Mục tiêu nghiên cứu
    Khảo sát thực trạng việc làm của người dân ở khu vực 9, phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn.
    3.2 Nhiệm vụ nghiên cứu
    · Khảo sát việc làm của người dân bị thu hồi đất nông nghiệp phục vụ cho quá trình đô thị hóa để thấy được các loại hình công việc, tính chất công việc cũng như những khó khăn trong công việc mà người dân gặp phải.
    · Đánh giá về nhu cầu việc làm của người dân của người dân bị thu hồi đất.
    · Chỉ ra những cơ hội, tiềm năng của cộng đồng khu vực 9 trong việc giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất.
    · Đề xuất một số giải pháp nhằm giải quyết vấn đề việc làm cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp hiện nay.
    4. Khách thể và phạm vi nghiên cứu
    4.1 Đối tượng nghiên cứu
    Vấn đề việc làm của người dân bị thu hồi đất nông nghiệp phục vụ cho quá trình đô thị hóa của thành phố Quy Nhơn.
    4.2 Khách thể nghiên cứu
    Người dân ở khu vực 9, phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn.
    4.3 Phạm vi nghiên cứu
    · Với yêu cầu của một đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên, chúng tôi chỉ tập trung vào việc làm rõ thực trạng việc làm của người lao động ở khu vực bị tác động của quá trình đô thị hóa hiện nay.
    · Phạm vi khảo sát được tiến hành trên địa bàn khu vực 9, phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn.
    · Thời gian thực hiện đề tài được hành từ tháng 11/2010 đến tháng 4/2011.
    5. Ý nghĩa lý luận và ý nghĩa thực tiễn
    5.1 Ý nghĩa lý luận
    · Góp phần xây dựng hệ thống kiến thức đầy đủ hơn về vấn đề việc làm và giải quyết việc làm cho người dân bị ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa.
    · Làm tài liệu tham khảo cho những đề tài nghiên cứu sau này về vấn đề việc làm.
    5.2 Ý nghĩa thực tiễn
    Giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp phục vụ cho quá trình đô thị hóa có ý nghĩa kinh tế - văn hóa - xã hội hết sức sâu sắc, nhất là khi tỉnh Bình Định đang có sự phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Kết quả nghiên cứu sẽ mô tả bức tranh chung rõ nhất về thực trạng việc làm cũng như phần nào tình hình đời sống của người dân sau quy hoạch; chỉ ra những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của các dự án phát triển khu dân cư mới đến vấn đề việc làm của người dân, qua đó đề ra một số giải pháp mang tính định hướng nhằm giải quyết việc làm cho người dân, giúp cộng đồng phát huy hết những tiềm năng, thế mạnh của mình để hội nhập cùng sự phát triển của tỉnh nhà nói riêng và đất nước nói chung.
    6. Phương pháp nghiên cứu
    · Phương pháp thu thập và phân tích những tài liệu, luận văn về vấn đề việc làm; các báo cáo, tổng kết của phường Đống Đa liên quan đến vấn đề việc làm.
    · Phương pháp điều tra bằng bảng anket: có 90 bảng anket đã được phát ra tại cộng đồng dân cư khu vực 9, phường Đống Đa.
    · Phương pháp phỏng vấn sâu: có 25 cuộc phỏng vấn sâu.
    · Phương pháp quan sát: quan sát toàn cảnh khu vực 9; quan sát nhà cửa, vật dụng trong gia đinh của người dân; quan sát những biểu hiện, thái độ
    7. Giả thiết khoa học
    · Người dân khu vực 9 phường Đống Đa thành phố QN đang thực sự gặp khó khăn trong vấn đề việc làm sau khi bị thu hồi đất, phần lớn người dân không có việc làm ổn định, hay làm những công việc không phù hợp, chỉ mang tính tạm thời, bấp bênh và thu nhập thấp.
    · Người dân khu vực bị ảnh hưởng bởi quy hoạch dân cư có nhu cầu rất lớn về việc làm ổn định, phù hợp để sớm ổn định cuộc sống, trong đó nhu cầu về việc đào tạo nghề và hỗ trợ cho vay vốn là quan trọng.
    · Người dân khu vực 9 đang gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề việc làm của mình vì trình độ văn hóa thấp.
    · Cộng đồng khu vực 9 có nhiều tiềm năng để có thể giải quyết vấn đề việc làm cho người dân như: mở các lớp vừa đào tạo nghề vừa xản xuất các mặt hàng thủ công nghiệp thu hút được sự tham gia rất lớn của người dân, với việc xây dựng khu đô thị mới trong khu vực này với các ngành nghề dịch vụ và công nghiệp phát triển thì việc đào tạo tay nghề cho lớp trẻ sẽ đáp ứng được nhu cầu về nguồn lao động rất lớn trong tương lai rất gần.
    · Để giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng bởi quy hoạch cần có những giải pháp mang tính khả thi, sự tham gia, phối hợp đồng bộ giữa các cấp ngành trong tỉnh, các tổ chức nhận trách nhiệm xây dựng các công trình đầu tư trên địa bàn khu vực và bản thân cộng đồng.
    8. Cấu trúc đề tài
    Đề tài được cấu trúc thành ba phần: phần dẫn nhập, phần nội dung và phần kết luận. Trong đó phần nội dung bao gồm 3 chương:
    · Chương 1: Cơ sở lý luận
    · Chương 2: Thực trạng việc làm của người dân khu vực 9, phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn.
    · Chương 3: Một số giải pháp giải quyết vấn đề việc làm cho người dân khu vực 9, phường Đống Đa, Thành phố Quy Nhơn.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...