Khảo sát nội dung văn hóa dân tộc trong sách Mỹ thuật lớp 1 chương trình giáo dục song ngữ trên cơ s

Thảo luận trong 'Nghiên Cứu Khoa Học' bắt đầu bởi Khoa Hoc, 10/11/15.

  1. Khoa Hoc

    Khoa Hoc New Member

    Bài viết:
    0
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    THÔNG TIN CHUNG

    Chủ nhiệm đề tài: ThS. Nguyễn Thị Bảo Hoa
    Đơn vị công tác: Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Dân tộc, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
    Thư điện tử: [email protected] ; Điện thoại: 0438684682
    Thư ký đề tài: ThS. Nguyễn Thị Kiều Oanh; Thành viên: ThS. Kiều Thị Bích Thủy.
    Thời gian thực hiện: Từ 08/2010 đến 10/2011

    Mục tiêu nghiên cứu


    Khảo sát nội dung văn hóa dân tộc trong sách Mĩ thuật lớp 1 chương trình Nghiên cứu thực hành giáo dục song ngữ (GDSN) trên cơ sở tiếng mẹ đẻ (TCSTMĐ), từ đó đề xuất một số khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng của tài liệu và đáp ứng mục tiêu nghiên cứu.

    Nội dung nghiên cứu

    - Hệ thống các quan niệm, khái niệm có liên quan đến đề tài: văn hoá, nội dung văn hóa dân tộc, giáo dục văn hóa dân tộc .;

    - Xác định được thực trạng nội dung văn hóa dân tộc trong sách Mĩ thuật 1 chương trình GDSN TCSTMĐ;

    - Đề xuất một số hướng điều chỉnh nội dung văn hóa dân tộc trong biên soạn sách Mĩ thuật 1 chương trình GDSN TCSTMĐ.

    Phương pháp nghiên cứu

    - Phương pháp nghiên cứu lí luận: tổng hợp, phân tích, hệ thống hoá các vấn đề có liên quan đến đề tài;
    - Phương pháp nghiên cứu thực tiễn: nghiên cứu định tính, định lượng, phương pháp chuyên gia, tổng kết kinh nghiệm;
    - Phương pháp bổ trợ: phương pháp thống kê toán học trong việc xử lí kết quả nghiên cứu.

    KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

    1/ Về lí luận

    Đề tài đã hệ thống các quan niệm, khái niệm có liên quan đến đề tài như là văn hoá, nội dung văn hóa dân tộc, giáo dục văn hóa dân tộc. Theo chủ nhiệm đề tài, văn hoá là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử. Văn hoá mang trong nó nội hàm rất rộng. Văn hóa dân tộc là tất cả những yếu tố mang tính đặc thù của một dân tộc, thông qua mỗi chu kỳ của sự phát triển, dân tộc đó tương tác với mình và với những dân tộc khác, cái còn lại được gọi là bản sắc văn hóa, nó phân biệt sự khác nhau giữa dân tộc này với dân tộc khác. Với cách nhìn như vậy thì nội dung văn hóa dân tộc được thể hiện ở mọi mặt trong đời sống vật chất và tinh thần của tộc người, là toàn bộ những gì do tộc người đó sáng tạo ra. Giá trị văn hóa chính là quan niệm về những cái cao cả, cái có ý nghĩa được cộng đồng đúc kết lại, thừa nhận và tôn vinh, ao ước hướng tới. Văn hoá bao trùm mọi giá trị của cuộc sống mà một cộng đồng, một nhóm dân tộc, một quốc gia chấp nhận. Mỗi nơi chấp nhận một bảng giá trị riêng, áp dụng một tập tục riêng. Giáo dục văn hoá dân tộc trong nhà trường ở vùng dân tộc có nghĩa là trao cho các em những hiểu biết về văn hoá trong đó có văn hoá tộc người của các em, từng bước giúp các em yêu quý văn hoá của dân tộc mình, tôn trọng văn hoá của các dân tộc anh em khác.

    Bên cạnh hệ thống quan niệm, khái niệm, đề tài cũng đã tổng quan một số đặc điểm của các dân tộc thiểu số (cụ thể là dân tộc Khmer, dân tộc Jrai và dân tộc Mông). Đó là những đặc điểm về ngôn ngữ, hoạt động sản xuất, ẩm thực, trang phục, cư trú, phương tiện vận chuyển, thủ tục ma chay, thờ cúng, lễ tết, văn nghệ, và học tập.
    Về môn Mỹ thuật 1, chương trình giúp các em hình thành và phát triển về thể chất, về trí tuệ và về ngôn ngữ tạo hình. Mĩ thuật 1, chương trình giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ (GDSN TCSTMĐ) được dạy hoàn toàn bằng tiếng dân tộc. Môn Mĩ thuật chuyển tải các nội dung văn hóa dân tộc bằng ngôn ngữ tạo hình, đó là đường nét, hình mảng, màu sắc . phù hợp với nhận thức trực quan của lứa tuổi học sinh lớp 1, phù hợp với văn hóa tộc người của học sinh từng dân tộc Khmer, Jrai, Mông, tạo điều kiện cho các em học sinh dân tộc dễ dàng tiếp thu kiến thức hoàn thành yêu cầu của môn học, thêm yêu quý văn hóa của dân tộc mình và tôn trọng văn hóa các dân tộc anh em.

    2/ Về thực tiễn

    Nhóm đề tài đã tiến hành đánh giá thực trạng sử dụng nội dung văn hóa dân tộc thiểu số trong sách Mỹ thuật 1 chương trình GDSN TCSTMĐ. Sách Mĩ thuật 1 là sách thực nghiệm được viết lần đầu nên việc đánh giá là hết sức quan trọng. Nội dung giáo dục văn hóa dân tộc trong sách đã được coi trọng đúng mức, thể hiện quan điểm và sự nhận thức của người thiết kế và thực hiện chương trình đối với việc bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc thiểu số trong mối tương quan với văn hóa chung trong nền văn hóa đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Ở mỗi cuốn sách, ngoài những nội dung văn hóa chung của đại gia đình các dân tộc Việt Nam đã thể hiện đặc trưng riêng của từng vùng, từng dân tộc rất rõ nét, bên cạnh những điểm chung cũng đã bộc lộ ở mỗi cuốn sách những ưu điểm và thiếu sót. Những ưu điểm của chương trình là cuốn sách đã sử dụng các dữ liệu thuật ngữ chuyên môn phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa dân tộc Jrai, Mông, Khmer; các hình ảnh về sinh hoạt, phong cảnh, nhà cửa, cây cối và con người đưa ra trong sách phù hợp với từng địa phương, với học sinh trên địa bàn thực nghiệm; cuốn sách đã đưa ra một số bài vẽ của học sinh trong phần trưng bày kết quả học tâp, phần này học sinh rất thích vì thấy những bài vẽ của các bạn khóa trước được in trên sách giúp học sinh thấy gần gũi, tự tin hơn với việc hoàn thành bài vẽ của mình; họa tiết trang trí của dân tộc thiểu số tuy chưa nhiều nhưng cũng đã được quan tâm trong nội dung của phần vẽ trang trí; Hình ảnh trang phục độc đáo khác biệt của các dân tộc thiểu số được đưa ra trên sách khẳng định bản sắc văn hóa mỗi dân tộc, nâng cao lòng tự hào dân tộc trong mỗi học sinh. Những hạn chế, bất cập là còn một số dữ liệu thuật ngữ chuyên môn do dịch thuật chưa thực sự phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa dân tộc trong địa bàn thực nghiệm; hình ảnh về phong cảnh, nhà cửa, cây cối và con người trong Tài liệu còn đôi chỗ chưa phù hợp với thực tế văn hóa của dân tộc, với địa phương trong địa bàn thực nghiệm; Các hình vẽ trong nội dung hướng dẫn trình tự bài vẽ đưa ra trong sách theo quan điểm trước đây, làm cho học sinh phải thể hiện máy móc theo từng bước để hoàn thành bài vẽ, điều này hạn chế óc sáng tạo của học sinh; còn thiếu vắng các hình ảnh về một số trò chơi, lễ hội quen thuộc với học sinh dân tọc ở mỗi vùng; một số chủ đề HS ưa thích, hứng thú chưa được đề cập nhiều. Có hai nguyên nhân mà đề tài đã đưa ra là: 1/ Để có thể xây dựng một cuốn sách phù hợp với văn hóa dân tộc của địa phương thì việc tìm hiểu vốn sống, tâm lí, đặc điểm vùng miền là rất quan trọng, đòi hỏi người làm sách phải có thực tế và hiểu biết về văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số ở mức sâu sắc. Với môn Mĩ thuật việc đi đến từng vùng để tìm hiểu phong tục tập quán và có những ghi chép thực tế là rất quan trọng; 2/ Giáo viên thực nghiệm không được đào tạo chuyên sâu để dạy Mĩ thuật. Tiêu chuẩn đầu tiên cũng là tiêu chuẩn có tính chất bắt buộc của giáo viên chính là khả năng sử dụng tiếng mẹ đẻ. Tiêu chuẩn thuộc khả năng của môn Mĩ thuật đương nhiên xếp xuống hàng thứ yếu. Hơn nữa giáo viên dạy chương trình thực nghiệm lại phải tiếp cận, thực hiện rất nhiều những điểm mới, những thay đổi về phương pháp, cách tiếp cận . của tất cả các bộ môn trong chương trình. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả của dạy - học Mĩ thuật chương trình thực nghiệm. Bên cạnh đó quan điểm giám sát, kiểm tra của các cấp quản lí cũng chi phối sự quan tâm về quỹ thời gian cũng như việc tự bồi dưỡng và bồi dưỡng chuyên môn cho đối tượng giáo viên này.

    Từ thực trạng sử dụng nội dung văn hóa dân tộc thiểu số trong sách Mỹ thuật 1 chương trình GDSN TCSTMĐ, đề tài đề xuất một số điều chỉnh nội dung văn hóa dân tộc trong việc xây dựng tài liệu. Việc chỉnh sửa này tuân thủ một số nguyên tắc để đảm bảo những nội dung văn hóa trong tài liệu phù hợp với văn hóa dân tộc thiểu số, với truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của mỗi dân tộc; đảm bảo yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của chương trình; đảm bảo tính đồng bộ; và đảm bảo tính khả thi. Những điều chỉnh được đề xuất như sau: 1/ Tăng cường các hình ảnh về trò chơi, lễ hội quen thuộc với học sinh dân tộc thiểu số trong tài liệu; 2/ Tăng cường sử dụng các dữ liệu thuật ngữ chuyên môn phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa dân tộc trong tài liệu; 3/ Thêm số lượng các bài vẽ của học sinh trong phần trưng bày kết quả học tập (đặc biệt là những chủ đề học sinh hứng thú: vẽ con vật, chân dung, đồ vật . phù hợp với văn hóa mỗi dân tộc); 4/ Tăng số lượng các hình ảnh về phong cảnh, nhà cửa, cây cối và con người phù hợp với địa phương trong tài liệu; 5/ Tăng cường họa tiết trang trí của dân tộc thiểu số trong phần vẽ trang trí; 6/ Nâng cao tính xác thực về hình ảnh trang phục dân tộc; 7/ Giảm các hình vẽ hướng dẫn trình tự vẽ các bài vẽ theo mẫu, vẽ tranh.

    3/ Một số khuyến nghị

    Căn cứ vào kết quả đề tài thu được, nhóm đề tài khuyến nghị 4 vấn đề sau:

    Một là, về biên soạn tài liệu Mĩ thuật 1 chương trình GDSN TCSTMĐ cần: 1/ Chỉnh sửa theo hướng đề tài đã đề xuất: phù hợp với đặc trưng văn hóa nhưng phải đảm bảo đúng yêu cầu về kiến thức và kĩ năng tránh hiện tượng quá tải hay quá nghiêng về khai thác văn hóa mà sao lãng yêu cầu của môn học; 2/ Nội dung văn hóa trong tài liệu Mĩ thuật triển khai ở trường vùng dân tộc cần đảm bảo sự cân đối giữa văn hóa trong đời sống của đồng bào và văn hóa trong chính nghệ thuật tạo hình của đồng bào. 3/ Việc khai thác vốn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số cần được nghiên cứu cẩn trọng.

    Hai là, về chỉ đạo của các cấp đối với việc triển khai thực hiện môn Mĩ thuật trong chương trình tiểu học ở vùng dân tộc cần: 1/ Chỉ đạo dạy đúng, dạy đủ thời gian quy định đối với môn học, không cắt xén chương trình; 2/ Người làm công tác quản lí cần nắm thật vững tinh thần của chương trình và tài liệu, để đưa ra những ý kiến xác đáng trong chỉ đạo thực hiện bộ môn. Đặc biệt ở vùng dân tộc, việc nhìn nhận sự cần thiết và những tác động tích cực trong các hoạt động Mĩ thuật ảnh hưởng không nhỏ đến những quyết định trong quản lí, chỉ đạo môn học. Điều này tác động trực tiếp đến chất lượng dạy - học, giáo dục mĩ thuật trong nhà trường.

    Ba là, về việc bồi dưỡng và tự bồi dưỡng của giáo viên giảng dạy môn Mĩ thuật ở vùng dân tộc cần: 1/ Nâng cao ý thức của giáo viên trong việc tự học, trau dồi kiến thức bồi dưỡng chuyên môn; 2/ Tăng cường bồi dưỡng chuyên môn và phương pháp dạy học tích cực cho giáo viên đứng lớp dạy Mĩ thuật ở vùng dân tộc.
    Bốn là, về việc chú trọng đến yếu tố văn hóa dân tộc trong biên soạn sách Mĩ thuật chương trình đại trà mới. Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, trong tổng số 54 dân tộc có tới 53 dân tộc là thiểu số. Việc xây dựng một cuốn sách dùng chung trong toàn quốc cần phải tính đến yếu tố vùng miền, mà đặc trưng là nội dung văn hóa dân tộc của mỗi vùng miền được thể hiện trong sách.

    Mĩ thuật là một hoạt động không thể thiếu trong nhà trường, đặc biệt là ở cấp tiểu học. Từ thực tiễn khai thác các yếu tố văn hóa dân tộc thiểu số của sách Mĩ thuật 1, chương trình GDSN TCSTMĐ, nhóm đề tài khuyến nghị việc triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau 2015 chú trọng đến yếu tố văn hóa dân tộc trong biên soạn sách Mĩ thuật cấp Tiểu học vùng dân tộc thiểu số.

    TỪ KHÓA: 1/ Giáo dục song ngữ; 2/ Mỹ thuật 1; 3/ Nội dung văn hóa; 4/ Dân tộc thiểu số

    Chi tiết xin liên hệ: Phòng Thư viện, số điện thoại: 04-39423754 hoặc theo địa chỉ thư điện tử: [email protected] 

    Theo vnies.edu.vn - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
     
Đang tải...