Tiểu Luận Khảo sát hiện tượng các hình vị đồng âm trong Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, xuất bản năm

Thảo luận trong 'Ngôn Ngữ Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Đề tài: Khảo sát hiện tượng các hình vị đồng âm trong Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, xuất bản năm 2006

    MỞ ĐẦU
    1. Lịch sử vấn đề

    Theo lý thuyết tín hiệu học khởi thủy, tín hiệu ngôn ngữ là đơn nghĩa, tức là tương quan giữa cái biểu hiện và cái được bỉểu hiện - hình thành từ lưỡng phân tín hiệu ngôn ngữ, bắt đầu từ F. de Saussure trong “Giáo trình ngôn ngữ học đại cương” - là “một đối một”. Dần dần khi tín hiệu ngôn ngữ đi vào hoạt động (giao tiếp), theo sự phát triển của xã hội, của nhận thức, của ngôn ngữ mối tương quan đó đã trở thành “một đối hơn một”, và sản sinh ra các hiện tượng đa nghĩa, đồng nghĩa, đồng âm

    2. Lý do chọn đề tài

    Tiếng Việt thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập, không biến đổi hình thái. Số lượng vỏ âm thanh mà người Việt sử dụng làm vỏ ngữ âm cho hình vị tối đa chỉ có bốn vạn tiếng khác nhau (Nguyễn Tài Cẩn, Ngữ pháp tiếng Việt, Tiếng - Từ ghép - Đoản ngữ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1975, tr.46). Vì thế, để khắc phục mâu thuẫn giữa cái hữu hạn của số lượng cái biểu hiện (vỏ ngữ âm của từ) và cái vô hạn của cái được biểu hiện (hiện thực khách quan cần phản ánh), sự xuất hiện từ mới bằng phương thức dùng chất liệu sẵn có để tạo nên các từ phức như từ ghép (chính phủ, thủ tướng ), từ láy (mát mẻ, tươi tắn ) hay việc xuất hiện hiện tượng đa nghĩa (bạn, đi, ăn ), hiện tượng đồng âm (đài hoa, đài rađiô, lâu đài ) trong ngôn ngữ ngày càng nhiều là một tất yếu. Chính sự phát triển của xã hội, nhận thức của con người và nhu cầu giao tiếp xã hội là động lực thúc đẩy ngôn ngữ phải biến đổi.
    Như vậy, hiện tượng đồng âm là một hiện tượng cơ bản, quan trọng, hiển nhiên tồn tại trong ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng. Việc nghiên cứu hiện tượng này là một công việc phức tạp nhưng không kém phần thú vị. Nó ngày càng thu hút sự chú ý của những người say mê nghiên cứu các hiện tượng của ngôn ngữ.
    Ngoài ra, khoa học về ngôn ngữ cũng như Việt ngữ học đã đạt được nhiều thành tựu trong những năm gần đây nên hiện tượng đồng âm cũng đã được chú ý khảo sát, nhưng đi sâu để làm rõ vấn đề này thì hầu như chưa có. Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ qua các giáo trình ít nhiều đã đưa ra những giả thuyết, kết luận về sự phân bố, tỷ lệ, bình diện, tiêu chí phân định, đặc điểm của hiện tượng đồng âm. Vì vậy, chúng tôi-những người tham gia đề tài này cũng muốn góp phần làm sáng tỏ một số đặc điểm về hình vị đồng âm của tiếng Việt bằng cách cố gắng đưa ra những số liệu cụ thể về sự phân bố, tỷ lệ và đặc điểm của hình vị đồng âm trong tiếng Việt hiện đại trước hết là trong từ điển. Qua đó có thể chỉ ra được những trường hợp đã phân chia đồng âm hợp lí, những trường hợp còn chưa hợp lí nhằm mong muốn góp một phần nhỏ nâng cao chất lượng cuốn từ điển tường giải tiếng Việt hiện nay.
    Từ những điều trên, chúng tôi mạnh dạn tập sự nghiên cứu lĩnh vực này dưới tiêu đề “Khảo sát hiện tượng các hình vị đồng âm trong Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, xuất bản năm 2006”.

    3. Phương pháp nghiên cứu
    Hiện tượng đồng âm là phạm trù mà bất cứ nhà nghiên cứu nào cũng “có thể rất không thoả mãn” (Ladislav Zgusta, Giáo trình từ điển học, phòng Thông tin-Tư liệu, Viện ngôn ngữ học, H.,1978)
    Vì vậy, khi khảo sát hiện tượng hình vị đồng âm trong Từ điển tiếng Việt đầu tiên phải chỉ ra được mục tiêu, mục đích, cũng như các nhiệm vụ và phương pháp trong khi nghiên cứu.
    Đầu tiên, chúng tôi sẽ cố gắng tìm hiểu sự phân chia hình vị đồng âm trong cuốn Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, xuất bản năm 2006 bằng cách thông kê số liệu. Việc tiếp theo là tập trung phân tích, miêu tả, lí giải hiện tượng hình vị đồng âm, từ đó đưa ra ý kiến bổ sung cho hoàn thiện hơn bức tranh phân bố hình vị đồng âm tiếng Việt trong cuốn Từ điển Tiếng Việt. Các phân tích, mô tả, lí giải trên sẽ giúp chúng ta đưa ra một số đặc điểm cơ bản của hình vị đồng âm tiếng Việt.
    Theo Stephen Ullman: “các con số của chúng ta mang lại hình thức thống kê chính xác nhất có thể có được” sẽ rất hữu ích và “không hại gì” đến việc nghiên cứu đề tài này. “Ngôn ngữ học phải nhớ rằng các cuộc cách mạng gần đây trong bản thân khoa học đã dẫn đến một sự đánh giá lại ở một phạm vi rộng lớn quy luật tự nhiên các quy luật thống kê vốn xác lập để giải quyết những trường hợp không nắm được các phần tử riêng lẻ không thể quan sát trực tiếp được, và chỉ những con số bình quân đại thể mới có thể tính được thông qua sự quan sát hàng loạt các quy luật ấy đã mở rộng thêm nhiều phạm vi. Và đối với ngôn ngữ, số lượng không bao giờ làm mờ đi chất lượng” (Stephen Ullman, Các nguyên lý ngữ nghĩa học, Phòng Thông tin-Tư liệu, Viện ngôn ngữ học, tr.310). Chính cách khảo sát qua các con số cụ thể này sẽ phần nào đơn giản hoá được tính trừu tượng của hiện tượng đồng âm. Vì vậy, phương pháp nghiên cứu chính ở đây là phương pháp thống kê, định lượng nhằm thu thập đầy đủ các số liệu về hình vị đồng âm. Sau khi có được số liệu thống kê, chúng tôi tiến hành phương pháp phân tích ngĩa nhằm nghiên cứu sự khác biệt giữa các hình vị kết hợp cả các phương pháp định tính, phân tích, miêu tả Bằng phương pháp quy nạp và dựa trên các tư liệu để phân tích, miêu tả rồi sau đó đi đến kết luận. Các số liệu có được sẽ được phân tích trên nhiều bình diện kết hợp, bổ sung lẫn nhau.

    4. Những khó khăn khi thực hiện đề tài
    Như đã nói ở trên, việc nghiên cứu hiện tượng đồng âm là một công việc rất khó khăn vì đây là một phạm trù rộng lớn và trừu tượng, và “có thể rất không thoả mãn” bất cứ nhà nghiên cứu nào. Khi nhận được đề tài này chúng tôi đã cố gắng hết mình vì chúng tôi biết đây là dịp chúng tôi thể hiện kết quả học tập qua một quá trình nghiên cứu đồng thời tích lũy được thêm vốn kiến thức, phương pháp luận nghiên cứu trước khi bước vào cuộc sống và làm việc thực thụ. Với sự cố gắng đó, chúng tôi gặp không ít khó khăn. Đó là những khó khăn về nguồn tư liệu khảo sát, về việc tìm tư liệu tham khảo, về thời gian hạn chế và trên hết là khó khăn về năng lực làm việc, về vốn kiến thức còn hạn chế và về kinh nghiệm bản thân còn non nớt. Vì vậy, nhóm tham gia khảo sát hình vị đồng âm trong tiếng Việt rất mong được quý thầy cô xem xét và lượng thứ.
     
Đang tải...