Luận Văn Khảo sát hiện trạng và đề xuất biện pháp quản lý chất thải nguy hại cho KCN Biên Hòa II- tỉnh Đồng N

Thảo luận trong 'Môi Trường' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    167
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    CHƯƠNG 1
    MỞ ĐẦU

    1.1. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI

    Tỉnh Đồng Nai với dân số trên 2 triệu người nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là một trong các địa phương có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh chóng. Quá trình phát triển kinh tế tại địa phương gắn liền với việc hình thành các khu công nghiệp lớn, thu hút rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư. Song song với quá trình phát triển kinh tế là sự gia tăng, ảnh hưởng tác động tiêu cực đến môi trường, lượng chất thải phát sinh ngày càng nhiều, đa dạng và phức tạp. Đặc biệt là chất thải nguy hại từ các hoạt động công nghiệp.
    Vì vậy, Đồng Nai là một trong những tỉnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gặp phải và đối đầu sớm nhất với chất thải nguy hại. Khả năng quản lý và xử lý chất thải nguy hại của tỉnh chưa theo kịp yêu cầu thực tế. Việc sử dụng ngày càng nhiều chủng loại nguyên vật liệu và hóa chất trong sản xuất công nghiệp đã dẫn đến sự phát thải chất thải nguy hại vào môi trường dưới cả ba dạng : nước thải, khí thải và chất thải rắn. Do đó, việc nghiên cứu về chất thải nguy hại cùng với biện pháp quản lý và xử lý là vấn đề cần thiết và cấp bách.
    KCN Biên Hòa II – tỉnh Đồng Nai là một khu công nghiệp tiêu biểu đi đầu ở Tỉnh với cơ cấu ngành nghề đa dạng, tập trung nhiều doanh nghiệp lớn với quy trình công nghệ hiện đại, đồng thời phát sinh lượng chất thải công nghiệp nhiều và đa dạng có thể đặc trưng cho ngành công nghiệp Đồng Nai thu nhỏ. Do vậy, việc lựa chọn KCN Biên Hòa II làm mô hình quản lý và đề xuất là hợp lý và thích hợp với tình hình thực tế. Trên cơ sở đề xuất và áp dụng thành công mô hình quản lý chất thải nguy hại tại KCN Biên Hòa II có thể nhân rộng và áp dụng cho các KCN trên toàn tỉnh.
    Đề tài " Khảo sát hiện trạng và đề xuất biện pháp quản lý chất thải nguy hại cho KCN Biên Hòa II- tỉnh Đồng Nai" sẽ nghiên cứu, xây dựng qui trình quản lý CTNH đáp ứng được yêu cầu thực tế với hy vọng góp phần tham gia vào công tác quản lý chất thải nguy hại tại KCN Biên Hòa II nói riêng và các KCN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói chung.
    1.2. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI
    Khảo sát tình hình hoạt động, tình hình quản lý và xử lý chất thải nguy hại tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Biên Hoà II – Tỉnh Đồng Nai từ đó đề xuất biện pháp quản lý hiệu quả chất thải nguy hại cho KCN Biên Hòa II.
    1.3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
    Phạm vi nghiên cứu của luận văn là chất thải nguy hại tại các doanh nghiệp đang hoạt động thuộc KCN Biên Hòa II- tỉnh Đồng Nai.
    1.4. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
    Để đạt được mục tiêu trên, các nội dung nghiên cứu của luận văn bao gồm :
    - Nghiên cứu điều kiện tự nhiên và điều kiện xã hội trong khu vực thực hiện đề tài.
    - Khảo sát và đánh giá hiện trạng phát sinh CTNH và khả năng tác động đến môi trường.
    - Phân tích các hạn chế của văn bản pháp luật hiện hành về chất thải nguy hại.
    - Lập danh sách các nguồn thải CTNH tại KCN Biên Hòa II và xác định mức phát thải.
    - Đánh giá hiện trạng công tác quản lý CTNH tại KCN Biên Hòa II.
    - Từ kết quả nghiên cứu, đề xuất biện pháp và quy trình quản lý CTNH hiệu quả tại KCN Biên Hòa II.
    1.5. PHƯƠNG PHÁP LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
    1.5.1. Phương pháp luận
    Chất thải nguy hại có tính độc hại cao đối với môi trường, do đó cần được quản lý một cách nghiêm ngặt. Đã có các quy định từ Trung ương đến địa phương đối với công tác này nhưng hiệu quả chưa cao. Do đó, trên cơ sở phân tích đánh giá những vấn đề tồn tại trong công tác quản lý chất thải nguy hại, đưa ra các giải pháp khắc phục để nhằm xây dựng quy trình quản lý hiệu quả hơn.
    1.5.2. Phương pháp nghiên cứu
    Nhằm thực hiện được nội dung nghiên cứu đã đề ra, đề tài đã sử dụng một số phương pháp nghiên cứu chủ yếu sau đây :
    - Phương pháp thu thập, tổng hợp các tài liệu có liên quan: mục tiêu của phương pháp này nhằm thu thập các số liệu, tài liệu liên quan đến đặc điểm tự nhiên, kinh tế – xã hội của khu vực nghiên cứu; các văn bản pháp quy về quản lý chất thải nguy hại; các tài liệu; kinh nghiệm thực tiễn trên thế giới cũng như ở Việt Nam có liên quan đến chất thải nguy hại. Nguồn sưu tầm từ các tài liệu đã công bố, từ các kinh nghiệm được đào tạo hay qua các chuyến tham quan, học hỏi, từ internet.
    - Phương pháp khảo sát hiện trạng : phương pháp này được sử dụng nhằm thu thập thông tin tổng quan về các cơ sở có phát sinh chất thải nguy hại trong KCN, nắm bắt được thực trạng và những tồn tại của công tác quản lý chất thải nguy hại trong KCN. Đã tiến hành khảo sát thực tế tại 22 doanh nghiệp KCN Biên Hòa II về hiện trạng quản lý CTNH.
    - Phương pháp xử lý số liệu: Từ kết quả điều tra thu được, đề tài sử dụng phần mềm Excel để thống kê các nguồn phát thải, lượng chất thải nguy hại phát sinh trong KCN Biên Hòa II. Trên cơ sở đó, xác định hệ số phát thải chất thải nguy hại.
    1.6. Ý NGHĨA KHOA HỌC, THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI
    1.6.1. Ý nghĩa khoa học
    Xây dựng được quy trình quản lý chất thải nguy hại hoàn thiện dựa trên kết quả phân tích hoạt động quản lý CTNH hiện tại, kết hợp giữa các cơ quan quản lý, các tổ chức, đơn vị kinh doanh và các tổ chức nghiên cứu khoa học có liên quan.
    1.6.2. Ý nghĩa thực tiễn
    Đề tài góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải nguy hại đối với các KCN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói chung và KCN Biên Hòa II nói riêng, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, tiến tới phát triển bền vững.
    1.7. ĐIỂM MỚI CỦA ĐỀ TÀI
    Phân tích hạn chế của văn bản pháp luật về quản lý chất thải nguy hại.
    Phân tích hạn chế của công tác quản lý chất thải nguy hại trong KCN Biên Hòa II hiện nay, xác định được nguyên nhân cơ bản dẫn đến hạn chế trong công tác quản lý chất thải nguy hại.
    Đề xuất quy trình quản lý chất thải nguy hại cụ thể, khả thi nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải nguy hại đối với các KCN trên địa bàn tỉnh.
    1.8. GIỚI THIỆU CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
    Vấn đề quản lý, thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn công nghiệp đã được quan tâm giải quyết ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở các Quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Hà Lan
    Thông thường, ở các nước phát triển đều xây dựng cơ sở xử lý CTNH cho một vùng nào đó, nhưng yêu cầu về địa điểm đặt cơ sở xử lý CTNH phải cách xa khu vực đô thị, ít gây ảnh hưởng tới người dân. Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, xử lý tập trung CTNH sẽ dễ kiểm soát và tiết kiệm hơn nhiều so với việc từng công ty tự xử lý.
    Tại Việt Nam, trong thời gian gần đây, việc quản lý, thu gom, phân loại, xử lý chất thải công nghiệp, đặc biệt là chất thải nguy hại đang là mối quan tâm của các nhà quản lý từ Trung ương đến địa phương. Trong năm 1999, Quyết định 155/1999/QĐ-TTg ngày 16/7/1999 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, đây là công cụ pháp lý quan trọng để quản lý chất thải nguy hại, kèm theo Quyết định này là Quy chế quản lý chất thải nguy hại. Thực chất, quy chế quản lý chất thải của Việt Nam đã được xây dựng trên cơ sở công ước Basel về kiểm soát vận chuyển xuyên biên giới các loại chất thải nguy hại và tiêu hủy chúng.
    Tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có một số đề tài nghiên cứu có liên quan đến chất thải nguy hại là :
    - Kết quả nghiên cứu đề xuất về xây dựng hệ thống quản lý chất thải nguy hại cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Khoa Công nghệ môi trường và công nghệ sinh học- Trường Đại học Văn Lang, 2000). Để nâng cao hiệu quả quản lý chất thải công nghiệp nguy hại, báo cáo đã đề xuất hệ thống quản lý bao gồm cả hệ thống hành chính, các quy định, luật lệ, giảm thiểu chất thải, sản xuất sạch hơn trên cơ sở kinh nghiệm của các nước và phân tích các điểm cần bổ sung của luật lệ Việt Nam.
    - Nghiên cứu về Phân loại chất thải công nghiệp nguy hại (Khoa Công nghệ môi trường và công nghệ sinh học – Trường Đại học Văn Lang, 2000). Trên cơ sở kinh nghiệm của các nước và các qui định, luật lệ của Việt Nam về quản lý chất thải công nghiệp nguy hại, báo cáo trình bày một số phương pháp chung và đề xuất phương pháp phân loại chất thải công nghiệp nguy hại phục vụ công tác xây dựng hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý và chôn lấp.
    - Nghiên cứu một số công nghệ thích hợp nhằm quản lý chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Trung tâm Kỹ thuật Nhiệt đới, Trung tâm công nghệ môi trường, 2000). Báo cáo đã trình bày một số biện pháp thích hợp để quản lý chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại nhằm cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho các cơ quan quản lý môi trường đề ra các biện pháp quản lý chất thải nhằm góp phần hạn chế ô nhiễm và phòng chống sự cố môi trường.
    - Qui hoạch tổng thể về quản lý chất thải nguy hại cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Dự án VIE 1702/SF, 2002). Trên cơ sở thu thập thông tin, đánh giá công tác quản lý chất thải nguy hại tại các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dự án đã xây dựng chiến lược và giải pháp nhằm quản lý chất thải nguy hại phát sinh từ các ngành công nghiệp và từ đó đề xuất được những phương pháp thích hợp cho việc xử lý.
    Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có một số dự án nghiên cứu liên quan đến chất thải nguy hại nhằm cụ thể hoá quy chế quản lý chất thải nguy hại của Chính phủ và phù hợp với tình hình của địa phương :
    - Điều tra thống kê và đề xuất các giải pháp xử lý thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất quá hạn sử dụng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (TS Đặng Xuân Toàn - Trung tâm công nghệ môi trường, 2001).
    - Báo cáo (2582/2001/QĐ.CT.UBT) nhằm cụ thể hóa qui chế quản lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (PGS.TS Nguyễn Văn Phước, Khoa Môi trường- Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, 2001)
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...