Luận Văn Khai thác giá trị lịch sử, văn hoá các di tích thờ tướng quân nhà Trần ở huyện Thuỷ Nguyên – Hải Phò

Thảo luận trong 'Du Lịch' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    172
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    PHẦN MỞ ĐẦU
    1. Tính cấp thiết của khoá luận.
    Hiện nay, du lịch được xem là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế. Du lịch được gọi là “ngành công nghiệp không khói”, là một trong những ngành có đóng góp to lớn vào tổng thu nhập quốc dân .
    Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng du lịch rất dồi dào, đa dạng và phong phú, có thể nói không hề thua kém bất cứ một quốc gia nào trong khu vực. Việt Nam có điều kiện phát triển du lịch rất mạnh mẽ ở tất cả các loại hình du lịch như: Du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm đặc biệt là du lịch văn hoá. Trong loại hình du lịch nhân văn, các di tích văn hoá lịch sử và lễ hội chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng. Hệ thống các di tích văn hóa lịch sử hầu hết đều gắn liền với các lễ hội,các phong tục tập quán của cộng đồng, phản ánh cuộc sống, lao động của con người tại các làng quê, gắn liền với việc tái hiện lịch sử chống giặc ngoại xâm của cha ông, gắn với các danh nhân văn hoá lịch sử của dân tộc. Đồng thời phản ánh khát vọng trong đời sống tâm linh của con người, mang ý nghĩa giáo dục con người hướng tới cái Chân- Thiện- Mỹ.
    Để tạo ra được sự mới lạ, hấp dẫn với du khách trong chương trình du lịch hiện nay đang hướng tới khai thác những tuyến du lịch với các di tích ,lễ hội độc đáo đã được biết đến hoặc mới bắt đầu khai thác phục vụ du lịch.
    Các di tích thờ tướng quân nhà Trần ở huyện Thuỷ Nguyên - Hải Phòng cũng là một trong những điểm du lịch văn hoá cần được khai thác để phục vụ cho du lịch.
    Thuỷ Nguyên là một trong những huyện có bề dày truyền thống lịch sử văn hoá của Hải Phòng. Toàn huyện có tới 147 di tích lịch sử các loại, trong đó có 23 di tích lịch sử đã được xếp hạng cấp quốc gia, 28 di tích lịch sử được xếp hạng cấp thành phố. Trong số đó có nhiều di tích, văn hoá truyền thống đã trở thành nét văn hoá tiêu biểu của Hải Phòng. Trên cơ sở khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái, truyền thống văn hoá lịch sử,cụm di tích thờ tướng quân nhà Trần ở Thuỷ Nguyên sẽ có một sức hấp dẫn với khách du lịch nhất là những du khách có trình độ học vấn và muốn hiểu biết về lịch sử Việt Nam.
    Điểm du lịch văn hoá tại các di tích thờ tướng quân nhà Trần ở Thuỷ Nguyên cũng đã và đang được đưa vào khai thác. Tuy nhiên để khai thác triệt để tiềm năng du lịch ở đây đạt được những gì như mong muốn cần phải có một mục tiêu phát triển du lịch tại cụm di tích này. Việc đưa vào xây dựng tuyến du lịch văn hoá, lễ hội của cụm di tích ở Thủy Nguyên góp phần quan trọng vào sự phát triển văn hoá- kinh tế- xã hội của huyện. Đồng thời góp phần to lớn trong việc giáo dục truyền thống lịch sử văn hoá cho thế hệ trẻ, bảo vệ các di sản văn hoá, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân địa phương về giá trị của các di tích, lễ hội để phát huy những nét đẹp văn hóa của địa phương.
    Chính vì vậy, người viết đã chọn đề tài cho khóa luận tốt nghiệp là : “ Khai thác giá trị lịch sử, văn hoá các di tích thờ tướng quân nhà Trần ở huyện Thuỷ Nguyên – Hải Phòng phục vụ cho du lịch
    2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của khoá luận.
    -Tìm hiểu các giá trị lịch sử, văn hoá, lễ hội của các di tích thờ tướng quân nhà Trần ở Thuỷ Nguyên cũng như đánh giá hiện trạng phát triển du lịch tại các điểm di tích này.
    - Phác họa khái quát các di tích về lịch sử, kiến trúc, hiện vật, lễ hội
    - Đề xuất một số giải pháp về việc khai thác cụm di tích thờ tướng quân nhà Trần phục vụ cho phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống văn hoá của huyện Thuỷ Nguyên
    3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.
    - Đối tượng nghiên cứu là các điểm di tích thờ tướng quân nhà Trần ở huyện Thủy Nguyên với các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.
    - Khai thác giá trị của các di tích lịch sử văn hóa là một phạm vi rộng lớn, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, điều kiện kinh tế cũng như trình độ và phương pháp của người nghiên cứu. Do điều kiện và khả năng của người viết trong bước đầu tập sự nghiên cứu khoa học cho nên khóa luận chỉ giới hạn trong phạm vi nghiên cứu: tìm hiểu, khai thác giá trị một số di tích thờ tướng quân nhà Trần về phương diện văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần.
    4. Phương pháp nghiên cứu
    Đề tài này thuộc lĩnh vực nghiên cứu Khoa học xã hội và Nhân văn cho nên được sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau:
    - Phương pháp nghiên cứu các tài liệu văn bản
    - Phương pháp phân tích, hệ thống để phân tích ,nghiên cứu, đánh giá các giá trị văn hoá của cụm di tích trong mối liên hệ với môi trường sinh thái, lịch sử hình thành, đời sống văn hoá của cư dân, điều kiện lịch sử văn hoá, kinh tế xã hội của địa phương
    - Phương pháp điền dã: Tiếp xúc trực tiếp khảo sát đối tượng nghiên cứu là các điểm di tích, trao đổi trực tiếp với những nhân vật phụ trách hoặc có hiểu biết về các di tích.
    - Phương pháp đối chiếu so sánh để khắc họa những giá trị đặc trưng của các di tích này.
    5. Lịch sử nghiên cứu
    Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông thế kỉ XIII mãi mãi là những chiến công hiển hách của quân và dân Đại Việt trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Vai trò to lớn của các tướng quân nhà Trần với hào khí “ Đông A” đã làm nên những kỳ tích phi thường ba lần đánh bại quân xâm lược Nguyên – Mông bảo vệ giang sơn gấm vóc còn sáng mãi nghìn thu.
    Trên khắp mảnh đất của Thủy Nguyên Hải Phòng - vùng đất tiền tiêu duyên hải đều in rõ dấu chân của các tướng quân nhà Trần năm xưa đã được ghi nhiều trong sử sách. Có nhiều tài liệu đã viết về cuộc kháng chiến chống quân xâm lược ở thế kỉ XIII như: “ Đại Việt sử ký toàn thư" – Ngô Sĩ Liên; “ Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông thế kỉ XIII” – Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm.Có một số đề tài cũng đã viết về các di tích thờ tướng quân nhà Trần ở Quảng Ninh, Nam Định Nhưng cho đến nay theo tác giả được biết thì chưa có tài liệu nào viết riêng về các di tích thờ tướng quân nhà Trần ở Thủy Nguyên được công bố.
    Vì vậy vấn đề mà người viết lựa chọn để nghiên cứu, tìm hiểu là một vấn đề hoàn toàn mới không trùng lặp với bất kỳ tài liệu nào đã công bố.
    6. Đóng góp của khóa luận
    - Đóng góp cho bản thân: Là một bước rèn luyện, tập làm khoa học, nghiên cứu tìm hiểu một vấn đề khoa học.
    - Vấn đề được thu thập, nghiên cứu được coi như một cuốn tài liệu tham khảo cho các hướng dẫn viên, những người làm công tác văn hóa của và cho những nhà kinh doanh du lịch của Hải Phòng nói chung và Thủy Nguyên nói riêng.
    - Khi vấn đề nghiên cứu được thẩm định, bổ sung, hoàn chỉnh sẽ trở thành một tài liệu giới thiệu cho các di tích và khách khi đến tham quan, du lịch tại các điểm di tích này.
    7. Bố cục của khoá luận
    Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, phụ lục Nội dung của khoá luận chia làm ba chương:
    - Chương 1: Cơ sở lí luận về di tích lịch sử - văn hoá.
    - Chương 2: Khai thác giá trị văn hóa một số di tích thờ tướng quân nhà Trần ở Thuỷ Nguyên.
    - Chương 3: Đề xuất một số giải pháp nhằm khai thác và phát triển du lịch văn hóa ở huyện Thủy Nguyên.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...