Sách Khái Quát Nền Kinh Tế Mỹ

Thảo luận trong 'Sách Kinh Tế' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    1.TÁC GIẢ: Ấn phẩm của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 2/2001
    Christopher Conte, nguyên biên tập viên và phóng viên của Wall Street Journal
    Albert R. Karr, nguyên phóng viên của Wall Street Journal






    [​IMG]​2.NỘI DUNG:
    Chương 1: Tính liên tục và thay đổi
    Nước Mỹ bước vào thế kỷ XXI với một nền kinh tế lớn hơn bao giờ hết và cùng với nhiều số liệu đánh giá là thành công chưa từng có. Nó không những phải kinh qua hai cuộc chiến tranh thế giới và sự suy thoái toàn cầu trong nửa đầu thế kỷ XX, mà còn phải vượt qua những thách thức từ cuộc Chiến tranh Lạnh trong 40 năm với Liên Xô cho đến những đợt lạm phát sâu sắc, thất nghiệp cao, và thâm hụt ngân sách nặng nề của chính phủ trong nửa cuối thế kỷ XX. Nước Mỹ cuối cùng đã có được một giai đoạn ổn định kinh tế vào những năm 1990: giá cả ổn định, thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong vòng gần 30 năm qua, chính phủ công bố thặng dư ngân sách, và thị trường chứng khoán tăng vọt chưa từng thấy.
    Năm 1998, tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ - gồm toàn bộ sản lượng hàng hóa và dịch vụ trong nước - đạt trên 8,5 nghìn tỷ USD. Mặc dù chiếm chưa đến 5% dân số thế giới, nhưng nước Mỹ lại chiếm tới hơn 25% sản lượng kinh tế toàn thế giới. Nhật Bản, nước có nền kinh tế đứng thứ hai thế giới, cũng chỉ tạo ra gần một nửa sản lượng trên. Trong khi nền kinh tế Nhật Bản và nhiều nền kinh tế khác vật lộn với tăng trưởng chậm và các vấn đề khác vào những năm 1990 thì nền kinh tế Mỹ lại có được thời kỳ phát triển liên tục và kéo dài nhất trong lịch sử của mình.
    Tuy nhiên, cũng như các giai đoạn trước đây, bước vào thế kỷ XXI nền kinh tế Mỹ đang trải qua những biến động lớn lao. Một làn sóng đổi mới công nghệ trong tin học, truyền thông và sinh học đã tác động sâu sắc đến cách thức làm việc và nghỉ ngơi của người Mỹ. Cùng lúc đó, sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu, sự gia tăng tiềm lực kinh tế của Tây Âu, sự nổi lên của các nền kinh tế đầy tiềm năng ở châu Á, sự mở rộng các cơ hội phát triển kinh tế ở Mỹ Latinh và châu Phi và sự hội nhập toàn cầu đang tăng lên về kinh tế và tài chính đã tạo ra những cơ hội cũng như thách thức mới. Tất cả những thay đổi đó dẫn người Mỹ đến việc phải kiểm tra lại toàn bộ từ cách thức bố trí nơi làm việc cho đến vai trò của chính phủ. Có lẽ do vậy, nhiều người lao động, trong khi bằng lòng với hiện trạng của mình, đã nhìn về tương lai với một tâm trạng không chắc chắn.
    Nền kinh tế này cũng phải đối mặt với những thách thức đang diễn ra liên tục trong dài hạn. Mặc dù nhiều người Mỹ có sự bảo đảm về kinh tế và một số người tích lũy được rất nhiều của cải, nhưng còn một số lượng đáng kể - đặc biệt là các bà mẹ không chồng cùng con cái họ - tiếp tục sống trong cảnh nghèo khó. Chênh lệch về của cải, tuy không cao như một số nước khác, nhưng cũng lớn hơn so với rất nhiều nước. Chất lượng môi trường vẫn còn là mối lo ngại chính. Một số lượng đáng kể người Mỹ chưa có bảo hiểm y tế. Sự già đi của thế hệ đông đảo những người sinh ra trong giai đoạn bùng nổ dân số sau Chiến tranh thế giới thứ hai báo trước một gánh nặng đối với các hệ thống chăm sóc sức khỏe và lương hưu quốc gia vào đầu thế kỷ XXI. Sự hội nhập kinh tế toàn cầu mang đến những bất ổn nhất định bên cạnh các lợi thế. Đặc biệt, các ngành công nghiệp chế tạo truyền thống sa sút, quốc gia bị thâm hụt thương mại lớn và dường như không thể đảo ngược được trong buôn bán với các nước khác.
    Xuyên suốt những biến động liên tục đó, nước Mỹ vẫn triệt để tuân theo một số nguyên tắc cơ bản trong các hoạt động kinh tế của mình. Thứ nhất, và là điều quan trọng nhất, nước Mỹ vẫn duy trì một “nền kinh tế thị trường”. Người Mỹ tiếp tục cho rằng một nền kinh tế nhìn chung vận hành tốt nhất khi các quyết định về sản xuất cái gì và định giá hàng hóa như thế nào được hình thành thông qua hoạt động trao đổi qua lại của hàng triệu người mua và người bán độc lập, chứ không phải bởi chính phủ hay những lợi ích cá nhân có thế lực nào. Người Mỹ tin rằng trong một hệ thống thị trường tự do, giá cả gần như phản ánh giá trị thật sự của đồ vật, và bởi vậy nó có thể là chỉ dẫn tối ưu cho nền kinh tế nên sản xuất cái gì cần thiết nhất.
    Ngoài việc tin rằng các thị trường tự do làm gia tăng hiệu quả kinh tế, người Mỹ còn coi chúng là cách thức nâng cao các giá trị chính trị của mình - đặc biệt là sự cam kết của họ đối với tự do cá nhân và đa nguyên chính trị cũng như sự chống đối của họ đối với việc tập trung quyền lực thái quá. Quả thực, các nhà lãnh đạo chính phủ đã đưa ra một cam kết mới với các lực lượng thị trường vào các thập kỷ 1970, 1980 và 1990 bằng việc dỡ bỏ những quy định bảo hộ các ngành hàng không, ngành đường sắt, các công ty vận tải, các ngân hàng, các tổ chức độc quyền điện thoại, và ngay cả ngành dịch vụ điện cũng phải xuất phát từ cạnh tranh thị trường. Họ gây áp lực mãnh liệt với các nước khác nhằm cải cách những nền kinh tế này vận hành nhiều hơn nữa theo các nguyên lý thị trường.
    Tuy nhiên, niềm tin của người Mỹ vào “doanh nghiệp tự do” không loại bỏ vai trò quan trọng của chính phủ. Đôi khi người Mỹ vẫn trông cậy vào chính phủ để ngăn chặn hoặc điều tiết các công ty xuất hiện khuynh hướng phát triển quá nhiều quyền lực đến mức không tuân theo các lực lượng thị trường. Họ dựa vào chính phủ để giải quyết những vấn đề mà kinh tế tư nhân bỏ qua, từ giáo dục cho đến bảo vệ môi trường. Và mặc dù ủng hộ tích cực các nguyên lý thị trường, nhưng thỉnh thoảng họ vẫn sử dụng chính phủ để nuôi dưỡng các ngành công nghiệp mới, và thậm chí để bảo vệ các công ty Mỹ trong cạnh tranh.
    Như có thể thấy từ cách tiếp cận đôi khi không nhất quán đối với hoạt động điều tiết của chính phủ, người Mỹ thường bất đồng về vai trò thích hợp của chính phủ trong nền kinh tế. Nhìn chung, từ những năm 1930 cho đến tận những năm 1970, chính phủ ngày càng có vai trò lớn hơn và can thiệp mạnh mẽ hơn vào nền kinh tế. Nhưng các khó khăn về kinh tế trong những năm 1960 và 1970 đã làm cho người Mỹ trở nên nghi ngờ về khả năng giải quyết nhiều vấn đề kinh tế và xã hội của chính phủ. Các chương trình xã hội cơ bản của giai đoạn này - bao gồm An sinh xã hội và Bảo hiểm y tế cung cấp thu nhập hưu trí và bảo hiểm y tế cho người già - vẫn được duy trì sau cả giai đoạn xem xét lại này. Nhưng sự phát triển về quy mô của chính phủ liên bang đã giảm đi vào những năm 1980.
    Chủ nghĩa thực dụng và tính linh hoạt của người Mỹ đã tạo ra một nền kinh tế năng động bất thường. Sự thay đổi - cho dù được tạo ra bởi sự thịnh vượng ngày càng tăng, đổi mới công nghệ hoặc gia tăng buôn bán với các nước khác - đã diễn ra liên tục trong lịch sử kinh tế Mỹ. Kết quả là từ một nước nông nghiệp, nước Mỹ ngày nay được đô thị hóa hơn rất nhiều so với cách đây 100 năm, thậm chí chỉ 50 năm. Dịch vụ ngày càng trở nên quan trọng so với ngành công nghiệp truyền thống. Trong một số ngành công nghiệp, sản xuất hàng loạt đã nhường chỗ cho sản xuất theo phương thức chuyên môn hóa chú trọng đến tính đa dạng của sản phẩm và thị hiếu thay đổi của khách hàng. Các tập đoàn lớn hợp nhất lại, tách ra, và tổ chức lại theo nhiều cách khác nhau. Các công ty và ngành công nghiệp mới chưa tồn tại vào giữa thế kỷ XX giờ đây đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế của quốc gia. Người thuê lao động trở nên ít gia trưởng hơn và người làm công được mong đợi phát huy tính tự chủ cao hơn. Các nhà lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp ngày càng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc phát triển lực lượng lao động với tay nghề cao và linh hoạt nhằm bảo đảm thành công của nền kinh tế đất nước trong tương lai.
    Cuốn sách này xem xét cơ chế vận hành và phát triển của nền kinh tế Mỹ. Nó bắt đầu với cái nhìn khái quát trong chương 2 và mô tả lịch sử phát triển nền kinh tế Mỹ hiện đại trong chương 3. Tiếp theo, chương 4 bàn về các hình thái khác nhau của doanh nghiệp kinh doanh, từ các doanh nghiệp nhỏ cho đến tập đoàn hiện đại. Chương 5 giải thích về vai trò của thị trường chứng khoán và các thị trường tài chính khác trong nền kinh tế. Hai chương kế tiếp mô tả vai trò của chính phủ trong nền kinh tế - chương 6 giải thích nhiều cách thức mà chính phủ định hình và điều tiết các doanh nghiệp tự do, chương 7 đề cập vấn đề chính phủ bằng cách nào quản lý nhịp độ chung của hoạt động kinh tế nhằm đạt được các mục tiêu ổn định giá cả, tăng trưởng và tỷ lệ thất nghiệp thấp. Chương 8 xem xét lĩnh vực nông nghiệp và sự phát triển chính sách nông nghiệp Mỹ. Chương 9 đề cập vai trò đang thay đổi của lao động trong nền kinh tế Mỹ. Cuối cùng, chương 10 mô tả sự phát triển các chính sách hiện tại của Mỹ liên quan đến thương mại và hoạt động kinh tế quốc tế.
    Như các chương này sẽ làm sáng tỏ, cam kết của Mỹ đối với các thị trường tự do vẫn được duy trì vào buổi bình minh của thế kỷ XXI, ngay cả khi nền kinh tế của Mỹ vẫn còn nhiều việc đang phải tiến hành.
    *************
    Khái quát về nền kinh tế Mỹ
    ã Chương 1: Tính liên tục và thay đổi
    ã Chương 2: Nền kinh tế Mỹ vận hành như thế nào
    ã Chương 3: Tóm lược lịch sử nền kinh tế Mỹ
    ã Chương 4: Doanh nghiệp nhỏ và tập đoàn
    ã Chương 5: Chứng khoán, hàng hóa và thị trường
    ã Chương 6: Vai trò của chính phủ trong nền kinh tế
    ã Chương 7: Chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá
    ã Chương 8: Ngành nông nghiệp Mỹ: Tầm quan trọng đang thay đổi
    ã Chương 9: Lao động ở Mỹ: Vai trò của người lao động
    ã Chương 10: Các chính sách ngoại thương và kinh tế toàn cầu
    ã Chương 11: Lời kết: Phía sau kinh tế học
    ã Chương 12: Chú giải các thuật ngữ kinh tế
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...