Tiểu Luận Khái quát hệ thống pháp luật trên thế giới

Thảo luận trong 'Luật Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    Đề tài thảo luận: Anh (chị) hãy giới thiệu khái quát các hệ thống pháp luật trên thế giới.





    I. Lý do chọn đề tài:
    Lý luận về nhà nước và pháp luật là môn khoa học pháp lý cơ sở, là nền tảng cho các khoa học pháp lý khác, có nhiệm vụ nghiên cứu những vấn đề cơ bản nhất của nhà nước và pháp luật trong lịch sử, nhằm nêu ra các quy luật phát triển chung của nhà nước và pháp luật, là hệ thống các tri thức khoa học về những vấn đề chung, cơ bản và quan trọng nhất của nhà nước và pháp luật.Trong phần lý luận về pháp luật chúng ta không chỉ biết về nguồn gốc, đặc trưng, bản chất, hình thức và kiểu pháp luật mà khái quát cao hơn nữa là hệ thống pháp luật. Nhóm 8 chọn đề tài này không chỉ bám sát với nội dung học tập và nghiên cứu về ngành học của mình mà còn để có một cái nhìn cụ thể và chi tiết hơn về hệ thống pháp luật trên thế giới.
    II. Nội dung thảo luận:
    1.Hệ thống pháp luật là gì?
    Hệ thống pháp luật là tổng thể các quy phạm pháp luật, các nguyên tắc, định hướng và mục đích của pháp luật có mối liên hệ mật thiết và thống nhất với nhau, được phân thành các chế định pháp luật, các ngành luật và được thể hiện trong các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ban hành theo những hình thức, thủ tục nhất định.
    2. Sự phân nhóm các hệ thống pháp luật trên thế giới.
    Phân chia các hệ thống pháp luật trên thế giới thành các nhóm khác nhau tạo điều kiện thuận lợi cho việc giới thiệu tổng quát về các hệ thống pháp luật trên thế giới, giúp cho các nhà luật học có được một bức tranh toàn cảnh về các hệ thống pháp luật trên thế giới.
    Trong lý thuyết về sự phân nhóm các dòng họ pháp luật, nhiều câu hỏi được đặt ra cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời thống nhất là: Có bao nhiêu dòng họ pháp luật trên thế giới? hoặc, các hệ thống pháp luật trên thế giới được chia thành mấy nhóm? Và làm thế nào để xếp một hệ thống pháp luật cụ thể nào đó thuộc dòng họ pháp luật nào?
    Tiêu chí phân nhóm là yếu tố quyết định đối với việc xác định số lượng các dòng họ pháp luật cũng như việc đưa một hệ thống pháp luật cụ thể vào một dòng họ nào đó.



    Các học giả đã và đang cố gắng tìm kiếm các tiêu chí để phân chia các hệ thống pháp luật trên thế giới thành các nhóm khác nhau.Sự khác nhau không chỉ ở số lượng các tiêu chí được sử dụng để phân nhóm mà còn khác nhau ở chính bản thân các tiêu chí được sử dụng để phân nhóm.
    Một số học giả đã cố gắng tìm kiếm một tiêu chí duy nhất để phân nhóm các hệ thống pháp luật. Theo đó, tiêu chí đã được học giả đề xuất để phân chia các dòng họ pháp luật như: các nguồn của pháp luật, nội dung bản chất của pháp luật, nguồn gốc lịch sử của pháp luật, nền văn hóa và các hình thái pháp luật v.v
    Một số học giả khác kết hợp nhiều tiêu chí khác nhau để phân nhóm các hệ thống pháp luật. Học giả người Pháp, Rene' David kết hợp hai tiêu chí để phân nhóm hệ thống pháp luật là kĩ thuật pháp lý và hệ tư tưởng. Theo đó, với tiêu chí kĩ thuật pháp lý, ông cho rằng nếu luật gia được đào tạo trong hệ thống pháp luật này khi hành nghề trong hệ thống pháp luật khác sẽ gặp nhiều khó khăn do “ sự khác biệt về thuật ngữ của hai hệ thống pháp luật ( các thuật ngữ không thể hiện cùng một khái niệm) hoặc bởi vì hệ thống thứ bậc của các nguồn luật và các phương pháp của mỗi hệ thống pháp luật khác nhau ở mức độ đáng kể” thì hai hệ thống này không được xếp vào cùng một nhóm. Với tiêu chí hệ tư tưởng, ông cho rằng “ hai hệ thống pháp luật không thể được xem là thuộc vào cùng một dòng họ, ngay cả khi chúng sử dụng cùng các khái niệm và kĩ thuật, nếu chúng được xây dựng dựa vào những nguyên tắc triết học, chính trị và kinh tế đối lập nhau và nếu chúng cố gắng tạo ra hai kiểu xã hội hoàn toàn khác nhau”.Dựa vào hai tiêu chí này, Rene' David phân chia các hệ thống pháp luật trên thế giới thành dòng họ pháp luật La Mã- Giéc manh, dòng họ common law, dòng họ pháp luật xã hội chủ nghĩa và một số hệ thống pháp luật nhỏ khác là luật Hồi giáo, luật Hindu, luật của một số nước vùng Đông Á và một nhóm pháp luật mới là pháp luật các nước châu Phi.
    Hai học giả khác người Đức là Zweigert và H. Kotz, mặc dù chỉ đưa ra tiêu chí phân nhóm là “ kiểu pháp luật” để phân nhóm pháp luật nhưng nội dung của tiêu chí này lại chứa đựng nhiều tiêu chí thành phần khác nhau, bao gồm:
    · Cở sở và sự phát triển lịch sử của hệ thống pháp luật.
    · Phương thức tư duy pháp lý nổi trội và đặc trưng về các vấn đề pháp lý.
    · Các chế định pháp lý đặc thù.
    · Các nguồn luật mà hệ thống pháp luật này chấp nhận và cách thức nó sử dụng các nguồn luật đó.
    · Hệ tư tưởng của hệ thống pháp luật.
    Việc đưa các tiêu chí bộ phận này vào trong một tiêu chí chung là hình thái pháp luật có thể hiểu điều đó là sự kết hợp nhiều tiêu chí khác nhau để phân nhóm các hệ thống pháp luật chứ không phải sự dụng một tiêu chí đơn lẻ. Với việc sử dụng hệ tiêu chí này, Zweigert và Kotz đã phân chia các hệ thống pháp luật trên thế giới thành dòng họ pháp luật La Mã, dòng họ pháp luật Giéc –manh, dòng họ pháp luật Bắc Âu, dòng họ common law và hai học giả này cũng xác định các nhóm pháp luật khác là luật Hồi giáo, luật Hindu, pháp luật của một số nước vùng Đông Á.
    Dường như việc sử dụng nhiều tiêu chí khác nhau để sắp xếp các hệ thống pháp luật trên thế giới thành các dòng họ khác nhau đã trở nên phổ biến trong lý thuyết về phân nhóm các hệ thống pháp luật.Tuy vậy, việc sử dụng những tiêu chí nào và phân chia thành bao nhiêu dòng họ pháp luật là tùy thuộc vào quan điểm, mục đích của các học giả so sánh. Do đó, khó có thể khẳng định sự phân chia nào và việc dựa vào những tiêu chí nào để phân nhóm các hệ thống pháp luật là chính xác.
    Vì thế, cũng không thể khẳng định được rằng sử dụng bao nhiêu tiêu chí và phân chia các hệ thống pháp luật trên thế giới thành bao nhiêu dòng họ pháp luật là chính xác. Các tiêu chí đã được các học giả sử dụng để phân chia các hệ thống pháp luật trên thế giới có những giá trị nhất định đối với việc phân nhóm các hệ thống pháp luật.
    Ngoài những vấn dề về tiêu chí, mục đích và thời điểm phân nhóm, cũng cần phải lưu ý rằng sẽ có những hệ thống pháp luật có thể xếp vào bất cứ dòng họ pháp luật nào tùy thuộc vào các tiêu chí và cũng sẽ có những hệ thống pháp luật mà ở thời điểm nào đó khó có thể xếp vào dòng họ pháp luật nào cụ thể. Đó là những hệ thống pháp luật có tính chất hỗn hợp và những hệ thống pháp luật đang trong giai đoạn chuyển đổi.
    Các hệ thống pháp luật hỗn hợp là những hệ thống pháp luật mà pháp luật được áp dụng ở đó có nguồn gốc từ hai hay nhiều dòng họ pháp luật khác nhau.
    Các hệ thống pháp luật hỗn hợp của common law và civil law như Scotland, Nam Phi, Philipines, Lusianna (Mỹ), Quebec ( Cannada), Ai Cập, Srilanca Ở các hệ thống pháp luật này, các quy phạm pháp luật và các thiết chế cũng chịu nhiều ảnh hưởng của nhiều truyền thống pháp luật khác nhau như common law, civil law, Hồi giáo, Hindu. Các hệ thống pháp luật hỗn hợp này khác nhau về cấu trúc, thành phần pháp luật thành tố của các hệ thống pháp luật này cũng không hoàn toàn giống nhau. Sự hỗn hợp đó có thể là sự pha trộn giữa common law và civil law một cách thuần túy như Quebec hay Lussiana hoặc Scotland. Sự pha trộn đó cũng có thể là sự pha trộn giữa luật Hồi giáo và common law hoặc với civil law chẳng hạn như Malaysia và Indonesia hay Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, mức độ hỗn hợp của các thành phần pháp luật cũng không giống nhau. Với những hệ thống pháp luật hỗn hợp như vậy, sẽ khó có thể xếp chúng vào một dòng họ pháp luật nào.
    Các hệ thống pháp luật đang trong giai đoạn chuyển đổi cũng là những hệ thống pháp luật khó có thể xếp được vào dòng họ pháp luật nào.Những hệ thống pháp luật này đang trong giai đoạn chuyển đổi để định hình một hệ thống pháp luật của mình. Các hệ thống pháp luật XHCN ở Đông Âu sau sự tan rã của hệ thống XHCN và hệ thống pháp luật XHCN đang trong giai đoạn cải cách chính là những hệ thống pháp luật như vậy.Do đó sẽ là sai lầm nếu khẳng định rằng cách phân nhóm nào đó là không chính xác.
    Các học giả trên thế giới đã và đang cố gắng xây dựng những tiêu chí cho việc phân nhóm các hệ thống pháp luật thành các dòng họ pháp luật khác nhau, tuy nhiên kết quả của việc phân nhóm lại có những điểm khá tương đồng. Vì vậy, điều khá thú vị là cho đến nay, mặc dù sử dụng nhiều tiêu chí khác nhau, các dòng họ pháp luật được xác định vẫn rất quen thuộc đối với các nhà luật học là dòng họ common law, dòng họ civil law, dòng họ pháp luật XHCN và một số nhóm pháp luật khác gắn với các tôn giáo khác nhau là luật Hồi giáo, luật Hindu.
    3. Một số dòng họ cơ bản trên thế giới.
    3.1. Dòng họ civil law ( Dòng họ pháp luật châu Âu lục địa)
    Thuật ngữ “ civil law” trong lĩnh vực luật học có hai nghĩa phổ biến:
    - Thứ nhất, đó là tên gọi của hệ thống pháp luật lục địa châu Âu ( còn gọi là hệ thống pháp luật La Mã- Đức), là dòng họ pháp luật lớn nhất trên thế giới , tồn tại ở các nước lục địa châu Âu như: Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Áo, Bỉ, Lúc-xăm-bua, Hà Lan, Thụy Sĩ, Scotland, phần lớn các nước châu Phi, hầu hết các nước châu Mĩ Latinh, các nước phương Đông kể cả Nhật.
    - Thứ hai, có nghĩa là luật dân sự - ngành luật điều chỉnh các quan hệ tài sản và nhân thân giữa các cá nhân, thuộc lĩnh vực luật tư – điều chỉnh các quan hệ giữa tư nhân với tư nhân.
    Về mặt lịch sử hình thành, Khi những bộ tộc Đức (Germanic) xâm lăng các đế quốc Tây Âu, một số qui định của luật La Mã đã được thay thế bằng luật bộ tộc Đức. Tuy nhiên, vì tinh thần của luật Đức là căn cứ vào yếu tố cá nhân, không căn cứ vào yếu tố lãnh thổ, nên dân chúng của đế quốc La Mã cũ cùng con cháu họ vẫn được phép sử dụng luật La Mã. Giáo hội Công giáo La Mã cũng góp phần quan trọng trong việc duy trì luật pháp La Mã cũ vì giáo luật, tức là luật dùng trong các Toà án của giáo hội, đã được xây dựng theo luật La Mã. Vào thế kỷ thứ 11 và 12, khi tìm được nguyên văn Bộ Dân luật Corpus Juris Civilis, các học giả bắt đầu nghiên cứu và giải thích, hiện đại hóa những nội dung luật cũ cho phù hợp với tình hình xã hội thời đó .
    Họ mở trường luật ở Paris, Oxford, Prague, Heidelburg, Copenhague; họ làm luật sư cho giáo hội, cho các vua chúa, và cho các vùng lãnh thổ khắp Châu Âu. Nhờ cùng được đào tạo chung theo một nội dung , luật gia của các nước Châu Âu đã tạo nên những Bộ Dân Luật của nước họ xây dựng trên nền tảng chung là luật La Mã. Và trong trường hợp này nó được hiểu là hệ thống pháp luật trên thế giới mà nền tảng của nó là luật La Mã cổ đại.
    Quá trình hình thành và phát triển của dòng họ civil law trải qua 3 giai đoạn:
    *giai đoạn pháp luật tập quán – giai đoạn trước thế kỉ XIII,
    * giai đoạn pháp luật thành văn - từ thế kỉ XIII đến cuối thế kỉ XVIII,
    *giai đoạn pháp điển hóa pháp luật và pháp triển ra ngoài châu Âu – từv cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX đến nay.
    Nhìn một cách tổng quan, dòng họ civil law có đặc điểm cơ bản sau đây:
    · Chịu ảnh hưởng sâu sắc của luật La Mã.
    Các bộ luật lớn của lục địa Châu Âu như Bộ luật dân sự Napoleon năm 1804, Bộ luật dân sự Đức năm 1896 đều được hình thành trên cơ sở kết hợp luật tập quán địa phương và luật La Mã. Đặc biệt ở Đức, các đế chế Đức tồn tại thời kì giữa năm 962 và năm 1806 tự cho mình là sự kế thừa của đế chế La Mã. Luật La Mã được nghiên cứu tại các trường đại học của Đức, Pháp và các nước lục địa châu Âu và được coi là nguồn luật bổ sung, được áp dụng trực tiếp nếu luật pháp thành văn và tập quán pháp luật của họ chưa có quy định đối với quan hệ xã hội cần thiết phải điều chỉnh pháp luật.
    · Các hệ thống pháp luật thuộc dòng họ civil law được phân chia thành công pháp và tư pháp.
    Đây là đặc điểm cơ bản để phân biệt dòng họ civil law với dòng họ common law. Các hệ thống pháp luật thuộc dòng họ pháp luật này được phân chia thành Jus publicum ( công pháp), Jus privatum ( tư pháp).
    Công pháp bao gồm những ngành luật điều chỉnh các quan hệ xã hội giữa các cơ quan nhà nước với nhau hoặc giữa các cơ quan nhà nước với tư nhân.
    Công pháp bao gồm các ngành luật như luật hiến pháp, luật hành chính, luật hình sự, luật ngân hàng, luật tài chính công ( bao gồm các nhánh như luật thuế, luật kiểm toán công, luật ngân sách). Tư pháp bao gồm các ngành luật điều chỉnh các quan hệ giữa tư nhân với tư nhân. Tư pháp bao gồm các ngành luật như luật dân sự, luật hôn nhân và gia đình, luật thương mại, luật lao động.
    · Các hệ thống pháp luật thuộc dòng họ civil law coi trọng lí luận pháp luật.
    Ngay từ thế kỉ XII, XIII, khi các trường đại học của các quốc gia ở lục địa châu Âu ra đời, quan điểm của các giáo sư đại học lúc này đã là: cộng cụ, là mô hình tổ chức xã hội, là cái “ Sollen” ( cái cần phải làm) chứ không phải là “Sein” ( cái đang xảy ra trong thực tiễn). Quan điểm này được duy trì trong những thập kỉ tiếp theo. Các học thuyết pháp luật, các nguyên tắc pháp luật được coi là nguồn của pháp luật. Các bộ luật của các nước lục địa châu Âu

    thông thường đi từ cái chung đến cái riêng ( Các bộ luật thường có phần chung và phần riêng). Ở phần chung, các khái niệm được trình bày một cách rõ ràng, rành mạch. Phần chung làm cơ sở cho phần riêng và thông thường được xây dựng theo tư duy logic từ cái khái quát đến cái cụ thể, từ cái chung đến cái riêng, từ trìu tượng đến hữu hình, từ nguyên tắc chung đến các tình huống cụ thể, từ lý luận đến thực tiễn. Vì thế, các bộ luật lớn của các quốc gia lục địa châu Âu được coi là sản phẩm của những trí tuệ bác học. Bộ luật dân sự Đức năm 1896 được gọi là “ Professorenrecht” ( Luật giáo sư).
    · Các hệ thống pháp luật thuộc dòng họ civil law có trình độ hệ thống hóa, pháp điển cao.
    Ngoài các bộ luật thông thường như bộ luật hình sự, bộ luật tố tụng hình sự, bộ luật dân sự , bộ luật tố tụng dân sự, bộ luật lao động, bộ luật thương mại thì các quốc gia lục địa châu Âu đã xây dựng nhiều bộ luật khác như: bộ luật đất đai, bộ luật tổ chức hệ thống tòa án hành chính, bộ luật tố tụng hành chính, bộ luật hàng hải, bộ luật hàng không, bộ luật bầu cử, bộ luật thuế v.v
    Nhờ xây dựng được nhiều bộ luật, việc nghiên cứu, thực hiện và áp dụng trở nên dễ dàng hơn. Các quy phạm pháp luật trong các bộ luật thường rất cụ thể với các chế tài rõ ràng vì vậy có thể áp dụng trực tiếp vào các quan hệ xã hội mà không cần thông qua văn bản pháp luật trung gian như nghị định hoặc thông tư hướng dẫn thi hành.
    · Dòng họ civil law không coi tiền lệ pháp luật là hình thức pháp luật thông dụng và phổ biến như pháp luật thành văn.
    Khác với dòng họ common law, dòng họ civil law do chịu ảnh hưởng sâu sắc của học thuyết phân chia quyền lực nên không thừa nhận vai trò lập pháp của các cơ quan xét xử. Các luật gia lục địa châu Âu hầu như có quan điểm tương đối thống nhất rằng lập pháp là hoạt động của nghị viện, tòa án là cơ quan áp dụng luật để xét xử chứ không phải bằng hoạt động xét xử tạo ra luật. Án lệ là hình thức pháp luật không được khuyến khích phát triển và chỉ được áp dụng một cách hạn chế như là hình thức khắc phục khiếm khuyết của pháp luật thành văn.
    3.2. Dòng họ Common law ( Dòng họ pháp luật Anh – Mỹ )
    Dòng họ pháp luật này được nhắc đến với nhiều tên gọi khác nhau. Có tài liệu gọi dòng họ này là dòng họ pháp luật Anh – Mỹ ( Anglo – American legal family), có tài liệu gọi là dòng họ Anglo – Saxon ( Anglo – Saxon legal family), và cũng có tài liệu sử dụng tên “ dòng họ pháp luật án lệ ” ( case law family ) hoặc “dòng họ common law” ( Common law family). Tên thường được sử dụng cho dòng họ này là Common law.
    Common law ở đây được hiểu là luật không do cơ quan lập pháp làm ra mà được tạo ra bằng phán quyết của tòa án ( án lệ ) và bằng tập quán pháp. Nhóm hệ thống pháp luật này chịu sự ảnh hưởng của hệ thống pháp luật Anh, thừa nhận án lệ như là nguồn luật chính thống và nguồn luật cơ bản.
    Về lịch sử hình thành, nguồn gốc của hệ thống luật này bắt đầu từ năm 1066 khi người Normans xâm chiếm Anh quốc và Hoàng Đế William bắt đầu tập trung quyền lực vào tay triều đình mới.
    Thuật ngữ luật chung ( Common Law ) xuất phát từ quan điểm cho rằng các tòa án do nhà vua lập ra, áp dụng các tập quán chung ( Common Custom) của vương quốc, trái ngược với những tập tục luật pháp địa phương áp dụng ở các miền hay ở các tòa án điền trang, thái ấp phong kiến.
    Các nguyên tắc bền vững của luật chung đã được tạo ra bởi ba tòa án được vua Henry II (1133 - 1189) thành lập là Tòa án Tài chính (Court of Exchequer) để xét xử các tranh chấp về thuế; Tòa án thỉnh cầu Phổ thông ( Court of Common Pleas) đối với những vấn đề không liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhà vua; và Tòa án Hoàng Đế ( Court of the King’s Bench) để giải quyết những vụ việc liên quan trực tiếp đến quyền lợi của Hoàng gia.
    Thực chất, trước đó dưới thời của Hoàng đế William, những tập quán của Anh ít nhiều chịu ảnh hưởng của văn hóa Đức ở Châu Âu lục địa. Tòa án lúc đó là những người dân được triệu tập để cùng giải quyết tranh chấp và nếu không xử được người ta dùng phương pháp thử tội (ordeal) bằng việc bắt bị cáo cầm vào một miếng sắt nung đỏ, hoặc cầm một viên đá đã được ngâm trong nước sôi, hoặc hình thức thề độc. Nếu vết thương đó lành sau một thời gian xác định, anh ta sẽ bị tuyên là vô tội và ngược lại.Năm 1154, Vua Henry II đã tạo ra một hệ thống luật chung và sáng tạo ra một hệ thống tòa án thống nhất đầy quyền năng, ông đưa các thẩm phán từ tòa án Hoàng gia đi khắp nơi trong nước và sưu tầm, chọn lọc cách thức giải quyết các tranh chấp. Sau đó những thẩm phán này sẽ trở về thành Luân đôn và thảo luận về những vụ tranh chấp đó với các thẩm phán khác. Những phán quyết này sẽ được ghi lại và dần trở thành án lệ (precedent), hay theo Tiếng Latin là stare decisis. Theo đó, khi xét xử thẩm phán sẽ chịu sự ràng buộc bởi những phán quyết đã có từ trước đó. Thuật ngữ “Common Law” bắt đầu xuất hiện từ thời điểm đó.

    Như vậy trước khi Nghị viện ra đời trong lịch sử pháp luật của Anh, Common Law đã được áp dụng trên toàn bộ vương quốc trong vài thế kỉ.
    Đến thế kỷ thứ 15, khi đó xuất hiện một thực tiễn pháp lý là khi luật “Common Law” không đủ sức để giải quyết một vụ việc, và người đi kiện cho rằng cách giải quyết của Common Law là chưa thỏa đáng. Thí dụ, trong một vụ kiện về đất đai, người đi kiện cho rằng khoản tiền bồi thường mà theo cách giải quyết của Common law là không đủ bồi thường cho hành vi mà người xâm phạm đã cướp không của họ, họ yêu cầu rằng người vi phạm này còn phải bị đuổi và phải trả lại phần đất lấn chiếm đó. Chính điều này là cơ sở để xuất hiện hệ thống mới là hệ thống pháp luật công bình (system of equity), đồng thời xuất hiện thiết chế Tòa công bình, do viên Tổng chưởng lý (Lord Chancellor) đứng đầu. Về bản chất thì luật công bình vẫn chiếm ưu thế hơn so với luật Common Law trong trường hợp có sự xung đột. Điều này đã được nêu trong Đạo luật hệ thống tư pháp (Judicature Acts) năm 1873 và 1875.Ngày nay bên cạnh án lệ với tư cách là một loại nguồn pháp luật đặc thù của hệ thống Common Law, luật thành văn và các loại qui tắc khác cũng được coi là một bộ phận cấu thành của hệ thống pháp luật này. Khi xét xử những nước theo hệ thống pháp luật Common Law thường căn cứ vào hai câu hỏi lớn, đó là câu hỏi sự thật khách quan (question of fact) và câu hỏi về luật - theo nghĩa rộng(question of law). Trong bất cứ vụ việc nào, ngày nay khi xét xử các thẩm phán của Common Law vẫn dựa cả vào án lệ, luật viết và những căn cứ thực tế để xét xử.
    Dòng họ Common law là dòng họ pháp luật có cội nguồn từ hệ thống pháp luật Anh - quốc gia ở châu Âu nhưng dòng họ pháp luật này có một số điểm khác biệt căn bản với dòng họ pháp luật của đại đa số các nước ở châu Âu – dòng họ Civil law.
    - Thứ nhất, Common law là dòng họ pháp luật trong đó có các hệ thống pháp luật trực thuộc và ít, nhiều chịu ảnh hưởng của hệ thống pháp luật Anh và thừa nhận án lệ như nguồn pháp luật chính thống, tức là thừa nhận học thuyết tiền lệ pháp. Học thuyết tiền lệ pháp ở các hệ thống luật này đều ít, nhiều chi phối hệ thống luật án lệ theo hướng: các phán quyết đã tuyên của tòa án cấp trên nói chung có giá trị ràng buộc tòa án cấp dưới trong quá trình xét xử các vụ việc hiện tại. Học thuyết này được triển khai áp dụng trên thực tế thông qua việc xuất bản các phán quyết của tòa án có giá trị ràng buộc để tạo điều kiện thuận lợi và tạo nguồn tài liệu có hệ thống, đáng tin cậy cho việc áp dụng thống nhất tiền lệ pháp tại các tòa án trên toàn quốc trong công tác xét xử.
    - Thứ hai, thẩm phán trong các hệ thống pháp luật thuộc dòng họ common law đóng vai trò quan trọng trong việc sáng tạo và phát triển các quy phạm pháp luật. Nghiên cứu hệ thống pháp luật Anh cội nguồn của dòng họ Common law có thể thấy: pháp luật Anh không được pháp điển hóa như pháp luật của các nước thuộc dòng họ civil law, nước Anh không có những bộ luật chứa đựng toàn bộ những quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực quan hệ xã hội đặc thù nào đó. Nếu như các bộ luật trong dòng họ Civil law chứa đựng những quy phạm và nguyên tắc pháp lí mang tính khái quát cao, có chức năng cung cấp giải pháp pháp lí để giải quyết nhiều vụ việc thì ở Anh chức năng đó lại thuộc về các phán quyết của do thẩm phán tuyên. Các thẩm phán Anh cho rằng chức năng cơ bản của mình là phán xử, giải quyết tranh chấp. Vi vậy, các thẩm phán Anh thường đặc biệt chú ý tới những tình tiết đặc thù của vụ việc, nghiên cứu kĩ lưỡng vấn đề pháp lí cần giải quyết và phán xét trên cơ sở xác định chính xác tất cả những vụ việc đã được xét xử trong quá khứ có tình tiết tương tự với vụ việc đang được giải quyết ở hiện tại.
    - Thứ ba, nhìn chung các hệ thống pháp luật thuộc dòng họ common law không có sự phân biệt giữa luật công và luật tư như trong dòng họ civil law, trừ hệ thống pháp luật Anh.

    - Thứ tư, chế định pháp luật tiêu biểu của các hệ thống pháp luật thuộc dòng họ common law là chế định ủy thác – chế định đặc thù của hệ thống pháp luật Anh.
    _ Thứ năm, sau khi hình thành ở Anh quốc, common law đã lan sang khắp các châu lục từ châu Phi, châu Mỹ đến châu Úc, châu Á và làm thành dòng họ common law, một trong hai dòng ghọ pháp luật lớn nhất thế giới. Sự bành trướng của common law của Anh diễn ra trong suốt quá trình Hoàng gia Anh thực hiện chính sách thuộc địa hóa. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của common law của Anh đối với các thuộc địa không giống nhau và có thể chia các thuộc địa đó thành hai nhóm. Một là những miền đất khi người Anh xâm chiếm chưa có người sinh sống hoặc chỉ có thổ dân sinh sống nhưng chưa có cuộc sống văn minh ( ví dụ: Úc , Newzealand ). Common law mà thực dân Anh đưa vào những thuộc địa này được tiếp nhận một cách tự nhiên. Những thuộc địa này thường có hệ thống pháp luật rất gần gũi với hệ thống pháp luật Anh. Hai là những miền đất trước khi người Anh chinh phục đã có thủ lĩnh bản địa hoặc đã từng là thuộc địa của một cường quốc châu Âu, nay người Anh giành được hoặc được chuyển nhượng. Đối với những thuộc địa, người Anh áp dụng chính sách kiên định là tiếp tục duy trì pháp luật và thậm chí cả hệ thống tòa án bản địa chứ không thay thế bằng common law của Anh. Ví dụ, khi người Anh thế chân người Pháp ở Bắc Mỹ, người Anh đã phải thừa nhận người Bắc Mỹ gốc Pháp sống ở lưu vực sông St. Lawrence có quyền tiếp tục áp dụng luật tư của họ được xây dựng dựa trên tập quán pháp Paris, tương tự, khi thế chân người Hà Lan ở Nam Phi, người Anh đã không thay thế luật Hà Lan ( thuộc dòng họ civil law ) đã và đang áp dụng tới thời điểm đó ở miền đất này bằng common law của Anh, thế rồi sau khi Ấn Độ và nhiều nước châu Phi trở thành thuộc địa của Anh, người Anh cũng không thay thế luật Hồi giáo, luật Hindu và các tập quán bất thành văn của Phi bằng common law của Anh Điều đó lí giải tại sao một số nước thuộc địa của Anh ngày nay và một số quốc gia đã từng là thuộc địa của Anh lại có hệ thống pháp luật không thuộc dòng họ common law.Tuy nhiên cũng có một vài ngoại lệ diễn ra đối với những thuộc địa thuộc nhóm hai . Đó là khi hệ thống pháp luật ở những miền đất Anh xâm chiếm không hỗ trợ cho người Anh thực hiện mục đích thuộc địa hóa của mình, người Anh sẽ thay thế hệ thống pháp luật bản địa bằng common law của Anh. Hồng Kông và Singapore là những vì dụ tiểu biểu cho những thuộc địa kiểu này.
    3.3. Dòng họ pháp luật Hồi giáo.
    Luật Hồi giáo không phải là hệ thống pháp luật gắn với nhà nước mà chỉ là một phần của Shariah. Luật Hồi giáo giống như luật giáo hội của nhà thờ Thiên Chúa giáo, là hệ thống các quy định mang tính tôn giáo của những người theo đạo. Các quy định của luật Hồi giáo hoàn toàn độc lập, không chịu sự chi phối của nhà nước, không quyền lực nào có thể thay đổi luật Hồi giáo.
    Luật Hồi giáo khác với luật Giáo hội ở chỗ luật Giáo hội không phải là hệ thống pháp luật đầy đủ, luật Giáo hội có nguồn gốc thần thánh – không phải do thượng đế đưa ra và luật Giáo hội có thể bị thay đổi.
    Luật Hồi giáo không phải là hệ thống các quy phạm pháp luật theo đúng nghĩa của thuật ngữ này. Luật Hồi giáo xa lạ với cách tiếp cận lịch sử coi pháp luật như hiện tượng được sinh ra và thay đổi để đáp ứng nhu cầu của đời sống xã hội. Luật Hồi giáo được coi là do thượng đế đặt ra một lần và không thay đổi, xã hội cần phải tuân theo luật của thượng đế. Luật Hồi giáo gồm hai bộ phận. Bộ phận thứ nhất là học thuyết tôn giáo với các giáo điều mà tín đồ phải tin. Bộ phận thứ hai là luật thần thánh quy định những gì mà tín đồ phải làm và không được làm. Theo Bergsstrasser, luật Hồi giáo là kết tinh của tinh thần Hồi giáo chính thống, là sự phản ánh rõ nét nhất của tư tưởng Hồi giáo, là mắt xích chính của Hồi giáo.
    Có ý kiến cho rằng đặc điểm nổi bật nhất của luật Hồi giáo là tính chất lỗi thời của nhiều chế định, tính vụn vặn và thiếu hệ thống hóa. Ngoài ra, có thể thấy luật Hồi giáo có những đặc điểm sau đây:
    - Khó có thể phân biệt giữa các quy định của pháp luật và các quy định tôn giáo, vì người Hồi giáo cho rằng pháp luật và tôn giáo chỉ là một. Luật Hồi giáo can thiệp cả vào những vấn đề mà hệ thống pháp luật khác xét thấy không cần điều chỉnh bằng pháp luật. Chẳng hạn, luật Hồi giáo quy định chi tiết cả việc tẩy uế trước khi cầu nguyện.
    - Luật Hồi giáo có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các lĩnh vực pháp luật truyền thống như hôn nhân – gia đình, thừa kế, hình sự. Còn trong các lĩnh vực pháp luật khác như hợp đồng, sở hữu thì sự ảnh hưởng của luật Hồi giáo có phần yếu hơn.
    - Khoa học pháp lí đạo Hồi ( ficha) nghiên cứu gốc rễ và giải thích bằng cách nào, từ những nguồn gì đã xuất hiện tổng thể những quy tắc tạo ra Shariah. Ngoài ra nó nghiên cứu nội dung – những quyết định của tòa án Shariah chứa những quy phạm luật Hồi giáo. Về cấu trúc, các khái niệm, phạm trù của mình, luật Hồi giáo khá đặc biệt so với các hệ thống pháp luật khác.
    - Quan niệm về hành vi pháp luật của luật Hồi giáo không giống như các hệ thống pháp luật khác. Hầu hết các hệ thống pháp luật trên thế giới đều quan niệm rằng hành vi pháp luật bao gồm những hành vi phải làm và những hành vi không được làm. Luật Hồi giáo chia hành vi của con người thành 5 loại và đây là nguyên tắc cơ bản để đánh giá hành vi của con người về phương diện pháp luật cũng như đạo đức:
    +Hành vi bắt buộc phải làm ( obligatoire ) như nghĩa vụ chăm sóc con cái, nghĩa vụ đóng thuế.
    +Hành vi nên làm ( Recommandes ) ví dụ thăm người bạn bị ốm, giúp đỡ người nghèo khó.
    +Hành vi làm cũng được không làm cũng được ( indiffrerentes ) ví dụ như tham dự các trò tiêu khiển có tính lành mạnh.
    +Hành vi bị khiển trách ( blamables ) ví dụ sai giờ hẹn, chậm trễ, nói lời không tế nhị, thiếu lễ phép, đi đứng không đúng tác phong. Kinh Koran phê phán những ai giao kết hợp đồng thương mại vào sáng ngày thứ 6 trước buổi cầu kinh buổi trưa. Mặc dù vậy, hợp đồng được kí kết vào sáng thứ 6 không bị mất hiệu lực và người giao kết hợp đồng cũng không phải chịu bất cứ chế tài nào.
    +Hành vi cấm ( interdites ) ví dụ như giết người, cướp của, lừa đảo, trộm cắp.
    - Chế định nghĩa vụ trong luật Hồi giáo rất phát triển. Dựa trên cơ sở có hay không sự chuyển giao tài sản là đối tượng của hợp đồng, nghĩa vụ xuất phát từ hợp đồng được chia làm hai nhóm:
    +) Nhóm nghĩa vụ liên quan đến việc chuyển giao tài sản là đối tượng của giao dịch dân sự bao gồm hợp đồng trao đổi, hợp đồng cho vay, hợp đồng mua bán.
    +) Nhóm nghĩa vụ không liên quan đến chuyển giao tài sản bao gồm hợp đồng vận chuyển hàng hóa, hợp đồng ủy thác.
    Luật Hồi giáo đòi hỏi các bên tham gia hợp đồng thành lập văn bản và phải có ít nhất hai người làm chứng.
    - Khái niệm tội phạm trong luật Hồi giáo xét từ góc độ hình phạt bao gồm hai loại: * Tội phạm có thể đền bù bằng tiền.
    * Tội phạm phải đền bù bằng thân thể hoặc cuộc sống.
    - Khác với các hệ thống pháp luật khác thường coi tội làm gián điệp hay tội giết người là nặng nhất, luật Hồi giáo coi các tội phạm chống lại niềm tin vào Allah là nặng nhất.Nếu phạm tội giết người thì tùy theo tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ mà kết án tử hình hoặc cho chuộc bằng tiền và tài sản. Theo luật Hồi giáo, giết một người đàn ông có thể chuộc bằng 50 con lạc đà, giết một người đàn bà có thể chuộc bằng 50 con lạc đà.
    - Tòa án Hồi giáo Shariah giải quyết các vụ án dân sự và hình sự. Trước tòa, đương sự phải có hai người đàn ông làm chứng. Nếu chỉ có một người đàn ông làm chứng thì đương sự có thể thề trước Allah.
    - Những người theo đạo Hồi cho rằng luật Hồi giáo là bất diệt, không bao giờ thay đổi, đây là loại hình pháp luật cuối cùng, hoàn thiện nhất và trong tương lai toàn thể nhân loại sẽ thừa nhận và tuân thủ nó. Bởi vì nguồn luật cơ bản của nó bắt nguồn từ thượng đế ( Kinh Koran ) và nhà tiên tri Mohamet (Suna). Theo quan điểm này, các văn bản pháp luật do nhà nước ban hành không thể làm thay đổi luật Hồi giáo mà chỉ có thể điều chỉnh những chi tiết mà luật Hồi giáo chưa cụ thể hóa hoặc còn bỏ trống.
    - Ở các nước Hồi giáo các bên tranh chấp không thường xuyên thuê luật sư đại diện và đào tạo luật ở các nước này chủ yếu dành cho các học giả, hơn là cho những người hành nghề. Ở Ả rập Xê út, những người muốn làm thẩm phán hoặc luật sư phải theo học một khóa thần học, chứ không được đào luật theo cách truyền thống. Theo luật các nước Hồi giáo, luật sư chuyên nghiệp được đào tạo chính quy không phải là người bào chữa duy nhất. Trên thực tế, người Hồi giáo thường tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho họ. 3.4.Dòng họ pháp luật xã hội chủ nghĩa.
    Dòng họ pháp luật XHCN ra đời năm 1917 cùng với sự ra đời của nhà nước Xô viết Nga – nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên trên thế giới.
    Cho đến nay, dòng họ pháp luật XHCN đã trải qua 3 giai đoạn phát triển:
    _ Giai đoạn 1: Từ năm 1917 đến 1945
    _ Giai đoạn 2: Từ năm 1945 đến 1991
    _ Giai đoạn 3: Từ năm 1991 đến nay
    Dòng họ pháp luật XHCN có các đặc điểm cơ bản sau đây:
    - Đây là hệ thống pháp luật gắn liền với hệ tư tưởng Mác – Lê nin về nguồn gốc, bản chất, hình thức nhà nước và pháp luật, gắn liền với Cách mạng tháng Mười năm 1917 của nước Nga và sự ra đời, phát triển của nhà nước XHCN.
    - So với các hệ thống pháp luật khác thì đây là hệ thống pháp luật ra đời muộn nhất. Hệ thống pháp luật Hồi giáo ra đời từ thế kỉ VII, hệ thống pháp luật Anh – Mỹ ra đời từ thế kỷ X, hệ thống lục địa châu Âu ra đời từ thế XIII, còn dòng họ pháp luật XHCN ra đời vào đầu thế kỉ XX.
    -Mặc dù đây là hệ thống pháp luật chịu nhiều ảnh hưởng của hệ thống pháp luật lục địa châu Âu nhất là các chế định pháp luật dân sự, tuy nhiên hệ thống pháp luật này không phân chia thành công pháp và tư pháp.
    -Dòng họ pháp luật XHCN cũng giống như hệ thống lục địa châu Âu, gắn liền với hệ thống tố tụng thẩm vấn.
    -Đây là hệ thống pháp luật coi trọng pháp luật thành văn và không có truyền thống áp dụng án lệ.
    - Dòng họ pháp luật XHCN bao gồm cả các nước châu Âu, châu Á, châu Mỹ Latinh vì vậy các nước thuộc dòng họ pháp luật XHCN có truyền thống pháp luật rất khác nhau.
    - Đường lối phát triển kinh tế ở các XHCN và trong thời kì đổi mới rất khác nhau, vì vậy pháp luật của các nước XHCN trước và trong thời kì đổi mới có nhiều đặc điểm khác nhau.
    Vì lý do trên đây khi nói đến các đặc điểm của pháp luật XHCN chúng ta phải chia làm hai giai đoạn:
    Giai đoạn 1: Pháp luật XHCN trong thời kì kinh tế hoạch hóa tập trung và cơ chế hành chính quan liêu bao cấp ( ở Trung Quốc từ khi thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đến năm 1958 đến năm 1986 ).
    Giai đoạn 2: Pháp luật XHCN trong thời kì xây dựng kinh tế thị trường (Trung Quốc từ năm 1979, Việt Nam từ năm 1986 đến nay ).


    4. Liên hệ với hệ thống pháp luật Việt Nam.
    Hệ thống pháp luật Việt Nam – hệ thống pháp luật XHCN có một số đặc điểm sau đây:
    - Có tính thống nhất và hài hòa.
    Các quy pháp luật không mâu thuẫn nhau mà tồn tại theo thứ bậc và phối hợp với nhau chặt chẽ: quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước cấp dưới ban hành phù hợp và không với những quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên là cơ sở để cho cơ quan nhà nước cấp dưới tiếp tục cụ thể hóa, chi tiết hóa. Tất cả các quy phạm pháp luật đó liên quan chặt chẽ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau, phối hợp với nhau trong điều chỉnh các quan hệ xã hội.
    - Được phân chia thành những bộ phận để điều chỉnh các nhóm quan hệ xã hội quan trọng nhất trong xã hội.
    Các yếu tố cấu thành hệ thống pháp luật là ngành luật, chế định pháp luật, quy định pháp luật. Việc phân chia này là tất yếu vì trong xã hội có nhiều loại quan hệ xã hội, mà mỗi loại lại có đặc điểm, tính chất riêng, do đó cần có các nhóm quy phạm pháp luật tương ứng để điều chỉnh.
    - Mang tính chất khách quan.
    Hệ thống pháp luật được xây dựng xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi của sự pháp triển xã hội chứ không phải do ý muốn chủ quan của bất cứ cá nhân, tổ chức nào. Ở nước ta hiện nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật để đạt được các tiêu chuẩn: toàn diện, đồng bộ, khoa học, có tính khả thi cao.
    Căn cứ vào đối tượng và phương pháp điều chỉnh có thể chia hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay thành các ngành luật cơ bản sau.
    ●Ngành luật hiến pháp ( ngành luật nhà nước )
    Luật hiến pháp là ngành luật chủ đạo trong hệ thống pháp luật Việt Nam, nó điều chỉnh các quan hệ xã hội quan trọng nhất gắn liền với việc xác định chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, chính sách đối ngoại và an ninh quốc phòng của Nhà nước, địa vị pháp lý của công dân cũng như tổ chức hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước.
    ●Ngành luật hành chính.
    Ngành luật hành chính là tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ quản lý phát sinh trong hoạt động quản lí hành chính của các cơ quan nhà nước. Đó là các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình quản lí của các cơ quan hành chính nhà nước, các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình các cơ quan nhà nước xây dựng và ổn định chế độ công tác nội bộ của chúng, các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình các cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động quản lí hành chính đối với các vấn đề cụ thể do pháp luật quy định.
    ●Ngành luật dân sự.
    Luật dân sự là ngành luật điều chỉnh các quan hệ tài sản mang tính chất hàng hóa, tiền tệ và một số quan hệ thân nhân phi tài sản trên cơ sở bình đẳng, độc lập, quyền tự định đoạt của các chủ thể tham gia vào các quan hệ đó.
    ● Ngành luật hình sự.
    Ngành luật hình sự là tổng thể các quy phạm pháp luật xác định những hành vi bị coi là tội phạm và quy định những hình phạt cần áp dụng với người phạm tội.
    ●Ngành luật tố tụng dân sự.
    Luật tố tụng dân sự là ngành luật điều chỉnh các quan hệ tố tụng phát sinh giữa tòa án với những người tham gia tố tụng trong quá trình tòa án giải quyết các vụ án dân sự để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, tập thể và cá nhân.
    ●Ngành luật tố tụng hình sự.
    Ngành luật tố tụng hình sự là tổng thể các quy phạm xã hội phát sinh trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử các vụ án hình sự.
    ●Ngành luật kinh tế.
    Luật kinh tế là ngành luật điều chỉnh các quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình tổ chức, quản lí và hoạt động sản xuất – kinh doanh giữa các doanh nghiệp với nhau và với các cơ quan quản lí nhà nước về kinh tế.

    ● Ngành luật lao động.
    Ngành luật lao động là tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ lao động và các quan hệ xã hội có liên quan chặt chẽ với quan hệ lao động bằng những phương pháp điều chỉnh khác nhau.
    ●Ngành luật hôn nhân và gia đình.
    Hôn nhân và gia đình là ngành luật điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình, tức là các quan hệ về nhân thân và các quan hệ về tài sản giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và các con và giữa những người thân thích ruột thịt khác.
    ● Ngành luật tài chính.
    Ngành luật tài chính là tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình hình thành, phân phối và sử dụng các quỹ tiền tệ của các chủ thể thực hiện hoạt động phân phối của cải dưới hình thức giá trị.
    ● Ngành luật ngân hàng.
    Luật ngân hàng là ngành luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình Nhà nước tổ chức và quản lí hoạt động ngân hàng, các quan hệ về tổ chức, hoạt động của các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng của các tổ chức khác.
    ● Ngành luật đất đai.
    Ngành luật đất đai là tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình chiếm hữu, sử dụng, quản lý và định đoạt số phận pháp lý của đất đai.
    Ngoài chịu sự điều chỉnh của các ngành luật nói trên, các quan hệ xã hội ở nước ta hiện nay còn chịu sự điều chỉnh của hai ngành luật khác là công pháp quốc tế và tư pháp quốc tế.
    Công pháp quốc tế là tổng thể các quy phạm pháp luật hình thành trên cơ sở sự thỏa thuận tự nguyện và bình đẳng giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế liên chính phủ, các phong trào giải phóng dân tộc để điều chỉnh quan hệ giữa các chủ thể này trong quá trình đấu tranh và hợp tác với nhau.
    Tư pháp quốc tế là ngành luật điều chỉnh các quan hệ dân sự, lao động, hôn nhân và gia đình, tố tụng dân sự phát sinh giữa các pháp nhân và công dân của các nước khác nhau trong quá trình giao tiếp với nhau.




    III.Kết luận:
    Thay vì việc nghiên cứu từng hệ thống luật, việc phân nhóm sẽ giúp cho chúng ta sắp xếp một cách có trật tự các hệ thống pháp luật trên thế giới, từ đó tiến hành những nghiên cứu các vấn đề cốt lõi của các dòng họ pháp luật thông qua việc nghiên cứu những hệ thống pháp luật điển hình của dòng họ pháp luật.

    ( Tài liệu tham khảo: “Giáo trình Luật so sánh’’ của Trường Đại học luật Hà Nội, “Giáo trình Lý luận về Nhà nước và pháp luật” của Nhà xuất bản giáo dục)
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...