Chuyên Đề Khái niệm công tác quản lý nhà nước về luật sư

Thảo luận trong 'Khảo Cổ Học' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    1. Đặc thù của nghề luật sư và vấn đề quản lý luật sư
    1.1. Đặc thù của nghề luật sư
    Chức năng xã hội của luật sư là tham gia bảo vệ công lý, góp phần bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ các quyền tự do, dân chủ của công dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức thông qua việc tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và các dịch vụ pháp lý khác. Các nước trên thế giới và các nước trong khu vực đều có quan niệm chung coi nghề luật sư là một nghề đặc biệt so với các ngành nghề khác. Tính đặc thù của nghề luật sư được thể hiện ở chỗ:
    Thứ nhất, nghề luật sư không lấy điểm xuất phát là vốn và cũng không dựa vào vốn mà chủ yếu dựa vào kiến thức pháp luật và kỹ năng hành nghề của luật sư. Nghề luật sư gắn với pháp luật và việc thi hành pháp luật. Chính vì vậy luật sư trước hết là một chuyên gia pháp luật, là một cố vấn pháp luật mà ở họ có những kỹ năng nghề nghiệp thực thụ, các luật sư cần có kiến thức pháp luật, thông thạo kỹ năng nghề nghiệp để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
    Thứ hai, luật sư với tư cách là một người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể pháp lý nên luật sư có nhiệm vụ bảo đảm sự công bằng, khách quan của pháp luật. Thông qua việc tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, luật sư góp phần trực tiếp vào việc thực thi pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống. Vì thế, các nước trên thế giới đều cho rằng nghề luật sư là một nghề trong xã hội, là công cụ hữu hiệu góp phần đảm bảo công lý.
    Thứ ba, nguyên tắc của nghề luật sư là phải độc lập, liêm chính, nhân đạo và dũng cảm. Tính khách quan trong nghề luật sư được đề cao. Nghề luật sư là nghề không chịu sự chi phối của quyền lực. Vì vậy, nghề luật sư rất chú ý đến vai trò cá nhân, uy tín nghề nghiệp của luật sư và tính chất của nghề tự do trong tổ chức hành nghề luật sư. Đây là yêu cầu cần thiết để luật sư có thể hoàn thành tốt trách nhiệm của mình.
    Thứ tư, nghề luật sư là một nghề tự do, các luật sư độc lập trong hành nghề, tự chịu trách nhiệm về việc hành nghề của mình theo quy định của pháp luật. Hành nghề luật sư không chỉ đòi hỏi về mặt chuyên môn, tuân thủ pháp luật mà còn phải chịu sự điều chỉnh khắt khe bởi quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp.
    Thứ năm, tổ chức luật sư không nằm trong bộ máy nhà nước, hoạt động của luật sư không chỉ liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của công dân mà còn liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước bằng pháp luật và có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các cơ quan nhà nước đặc biệt là các cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó, có thể nói nghề luật sư mang tính "giám sát" hoạt động của các cán bộ và các cơ quan chức năng của nhà nước.
    Những điểm đặc thù trên đây của nghề luật sư là những yếu tố rất quan trọng quy định và chi phối nội dung, cách thức quản lý luật sư.
    1.2. Vấn đề quản lý luật sư
    Khi nghiên cứu pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư của các nước trên thế giới thấy rằng pháp luật của các nước thường không quy định cụ thể về khái niệm hay định nghĩa chung về quản lý luật sư. Tựu trung, các nước đều có quan niệm thống nhất là quản lý luật sư bao gồm hoạt động quản lý nhà nước về luật sư và tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, mối quan hệ giữa quản lý nhà nước với tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư đối với luật sư. Quan niệm về quản lý luật sư như vậy là phù hợp bởi xuất phát từ những đặc thù của nghề luật sư.
    Quản lý luật sư ở nước ta cũng được hiểu là hoạt động quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và hoạt động tự quản của các Đoàn luật sư. Pháp lệnh tổ chức luật sư năm 1987 đã có quy định những nội dung quản lý luật sư bao gồm nội dung quản lý nhà nước, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý về luật sư, đồng thời quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Đoàn luật sư với tư cách là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư trong việc quản lý luật sư. Có thể khẳng định rằng, Pháp lệnh tổ chức luật sư năm 1987 quan niệm còn giản đơn về quản lý luật sư, mới chỉ quy định sơ lược về nội dung quản lý nhà nước và nội dung tự quản của Đoàn luật sư mà chưa quy định mối quan hệ giữa quản lý nhà nước với tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư.
     

    Các file đính kèm:

Đang tải...