Thạc Sĩ Kết hợp dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp trong thực hiện quy chế dân chủ ở xã trên địa bàn thàn

Thảo luận trong 'Chưa Phân Loại' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    1. Tính cấp thiết của đề tài
    Ngay từ khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền về tay nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định:
    Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công cuộc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân [37, tr. 698].
    Thực hành dân chủ là công việc của quần chúng lao động ở cơ sở, trước hết là những người tiên tiến, tích cực, những cán bộ, đảng viên. Mỗi người phải nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ làm chủ của mình trong cuộc sống và quan hệ xã hội hàng ngày. Quan hệ công việc và cuộc sống hàng ngày giữa con người với con người trong chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta là quan hệ dân chủ, bình đẳng.
    Dân chủ là một lý tưởng lớn của loài người và là động lực quan trọng của sự phát triển xã hội, ở mỗi giai đoạn lịch sử đều được đánh dấu bởi những nấc thang giá trị, những nội dung và hình thức dân chủ nhất định. Kinh tế, xã hội phát triển càng cao, thì nên dân chủ càng có điều kiện và khả năng phát triển. Dân chủ mang tính nhân loại và có sự kế thừa, phát triển cả về nội dung, hình thức và phương pháp thực hiện ở mỗi chế độ xã hội.
    Ngày nay, trong quá trình đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi phát huy dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa VI của Đảng đã nêu rõ: "Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa. Dân chủ phải đi đôi với tập trung, với kỷ luật, pháp luật, với ý thức trách nhiệm công dân" [16].
    Để phát huy động lực dân chủ đòi hỏi phải có nhiều hình thức, phương pháp, lịch trình sáng tạo, trong đó điều quan trọng hàng đầu là phải nâng cao được chất lượng dân chủ đại diện, mở rộng và có cơ chế từng bước thực hiện chế độ dân chủ trực tiếp một cách thiết thực, đúng hướng và có hiệu quả. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa VIII) đã nhấn mạnh: "Tiếp tục phát huy tốt hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân qua các hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp để nhân dân tham gia và bảo vệ nhà nước, nhất là việc giám sát, kiểm tra của nhân dân đối với hoạt động của cơ quan và cán bộ công chức nhà nước" [19].
    Tuy nhiên, trong quá trình thực thi dân chủ những năm qua đã bộc lộ không ít khó khăn, thách thức do tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, của hội nhập kinh tế quốc tế và những hạn chế, yếu kém trong quản lý nhà nước của các cấp chính quyền; dân chủ ở cơ sở có lúc, có nơi bị vi phạm nghiêm trọng, tệ quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền, tham nhũng, sách nhiễu gây phiền hà cho dân vẫn tiếp diễn làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng và chính quyền.
    Trong bối cảnh mới của đất nước, vấn đề giữ vững và phát huy bản chất dân chủ của Nhà nước ta, của chế độ xã hội ta, phát huy quyền làm chủ của người dân, thu hút nhân dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, tham gia kiểm kê, kiểm soát nhà nước, khắc phục tình trạng suy thoái, quan liêu, mất dân chủ. Vì vậy, hơn lúc nào hết chúng ta phải có những biện pháp tích cực, cụ thể và đổi mới nhằm phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân trong các lĩnh vực của đời sống xã hội của địa phương.
    Từ những lý do trên, tôi chọn đề tài: "Kết hợp dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp trong thực hiện quy chế dân chủ ở xã trên địa bàn thành phố Hà Nội" làm đề tài luận văn thạc sĩ luật học.

    2. Tình hình nghiên cứu
    Trong thời gian qua, việc nghiên cứu của các nhà khoa học về vấn đề dân chủ và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã được quan tâm một bước đáng kể như: Luận văn thạc sĩ Chính trị học của tác giả Nguyễn Thị Tâm năm 2000 về: "Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở". Luận văn tiến sĩ Chính trị học của tác giả Nguyễn Thị Xuân Mai năm 2004 về: Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong các trường trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội hiện nay, thực trạng và giải pháp; Luận văn thạc sĩ Luật học của tác giả Nguyễn Thanh Bình năm 2005 về: Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Hoặc trong các tạp chí của Trung ương và các ngành cũng quan tâm đến vấn đề dân chủ ở cơ sở nhằm đưa ra những thông tin, những hoạt động của cơ sơ trong thực hiện dân chủ, như bài viết của Tiến sĩ Đỗ Minh Cương đăng trên Tạp chí Cộng sản, số phát hành 107, 2006 về: Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chế độ chính trị dân chủ nhân dân ở nước ta. Đặc biệt, trong cuốn "Thực hiện quy chế dân chủ và xây dựng chính quyền cấp xã ở nước ta hiện nay" của Tiến sĩ Nguyễn Văn Sáu và Giáo sư Hồ Văn Thông (đồng chủ biên), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, đã có cách nhìn sinh động trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và xây dựng chính quyền cấp xã trên một số hoạt động như quản lý xã hội, hoạt động kinh tế, quản lý tài chính, thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo
    Những công trình trên đều mang tính thời sự, xã hội đề cập đến việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trên cả bình diện của hệ thống chính trị từ hệ thống tổ chức đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội đến các tầng lớp nhân dân, đề cập và giải quyết những vấn đề cụ thể, như việc tuyên truyền thực hiện quy chế dân chủ, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp, đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền cấp xã đến các giải pháp về tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu đó chưa đề cập có hệ thống, toàn diện vấn đề kết hợp giữa dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Do vậy, có thể coi đề tài: "Kết hợp dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp trong thực hiện quy chế dân chủ ở xã trên địa bàn thành phố Hà Nội" là công trình mới được nghiên cứu ở cấp độ luận văn thạc sĩ luật học.

    3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn
    * Đối tượng nghiên cứu:
    Đối tượng nghiên cứu của luận văn là những vấn đề lý luận và thực tiễn kết hợp dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp trong thực hiện quy chế dân chủ ở xã trên địa bàn thành phố Hà Nội.
    * Phạm vi nghiên cứu:
    Luận văn nghiên cứu trong phạm vi cấp xã trên địa bàn thành phố Hà Nội, thời gian từ năm 1998 đến 2006. Về nội dung, luận văn chỉ giới hạn nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn trực tiếp liên quan đến đề tài
    4. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn
    * Mục đích:
    Trên cơ sở làm rõ vấn đề lý luận về dân chủ, quy chế dân chủ ở cơ sở và thực trạng kết hợp giữa dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp trong thực hiện quy chế dân chủ ở xã trên địa bàn thành phố Hà Nội, luận văn đề xuất và luận chứng các giải pháp góp phần tăng cường sự kết hợp giữa dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp ở xã trên địa bàn thành phố Hà Nội.
    * Nhiệm vụ:
    Để thực hiện mục đích trên, luận văn có nhiệm vụ sau:
    - Phân tích cơ sở lý luận về dân chủ, quy chế dân chủ ở cơ sở cũng như những vấn đề lý luận liên quan đến việc kết hợp giữa dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, yêu cầu khách quan cần tăng cường sự kết hợp đó trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
    - Phân tích những thành tựu và hạn chế trong kết hợp dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp trong thực hiện quy chế dân chủ ở xã trên địa bàn thành phố Hà Nội những năm vừa qua.
    - Đề xuất và luận chứng các giải pháp tăng cường sự kết hợp giữa dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp trong thực hiện quy chế dân chủ ở xã trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay.
    5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
    Cơ sở lý luận: Luận văn được thực hiện trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề dân chủ nói chung và kết hợp dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở nói riêng.
    Về phương pháp nghiên cứu: Luận văn sử dụng các phương pháp của triết học Mác - Lênin, trực tiếp là phương pháp kết hợp giữa lý luận với thực tiễn, phân tích và tổng hợp, lịch sử và cụ thể. Ngoài ra, luận văn cũng sử dụng một số phương pháp của xã hội học, phương pháp hệ thống
    6. Những đóng góp mới về khoa học của luận văn
    - Luận văn là công trình nghiên cứu về dân chủ, song không nghiên cứu dân chủ nói chung cũng như dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp, mà nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn kết hợp giữa dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn cấp xã ở thành phố Hà Nội.
    - Luận văn góp phần đánh giá khách quan thực trạng kết hợp giữa dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp trong thực hiện quy chế dân chủ ở xã trên địa bàn thành phố Hà Nội, các số liệu mới nhất, cập nhật nhất hiện nay, luận văn đã đề xuất và luận chứng các giải pháp thực hiện sự kết hợp giữa dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp trong thực hiện quy chế dân chủ, phát huy sức mạnh của nhân dân trong thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN, xây dựng môi trường, lối sống và đời sống văn hóa của mọi người dân ở cơ sở, phát huy tinh thần tự nguyện, tính tự quản và năng lực làm chủ của nhân dân, thắt chặt mối quan hệ gắn bó giữa Đảng - Nhà nước và nhân dân.
    7. Ý nghĩa của luận văn
    Luận văn góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về dân chủ, về dân chủ ở cơ sở, về kết hợp giữa dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp trong quá trình thực hiện qui chế dân chủ ở cơ sở, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng, mở rộng các hình thức dân chủ của nhân dân trong giai đoạn hiện nay.
    Luận văn góp phần nâng cao nhận thức cho các cấp chính quyền và cho nhân dân về vai trò của dân chủ, quy chế dân chủ, sự cần thiết phải kết hợp giữa dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, từ đó phát huy tính tích cực, trách nhiệm xã hội, ý thức làm chủ của nhân dân.
    Luận văn là tài liệu có giá trị tham khảo trong việc tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tình hình thực hiện cũng như các giải pháp nhằm làm cho mối quan hệ giữa dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp có sự kết hợp hài hòa trong thực hiện qui chế dân chủ cũng như trong quá trình thực hiện công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng ở địa phương, cơ sở. Mặt khác, nó cũng đề cập đến mối quan hệ giữa Đảng - chính quyền và nhân dân là một chỉnh thể thống nhất thực sự là cầu nối giữa Đảng với dân, thực sự là nơi "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra".
    8. Kết cấu của luận văn
    Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 3 chương, 11 tiết
     
Đang tải...