Tiến Sĩ Hoạt động truyền giáo của đạo Tin Lành ở Việt Nam và Trung Quốc (Từ khởi đầu đến đổi mới – cải cách

Thảo luận trong 'THẠC SĨ - TIẾN SĨ' bắt đầu bởi Nhu Ely, 2/3/14.

  1. Nhu Ely

    Nhu Ely New Member

    Bài viết:
    1,771
    Được thích:
    1
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu
    LUẬN ÁN TIẾN SĨ
    NĂM 2014

    MỞ ĐẦU

    1. Tính cấp thiết của luận án
    Đối với lịch sử phát triển của một tôn giáo, hoạt động truyền giáo là cơ sở quyết định việc tôn giáo đó có tạo được chỗ đứng vững chắc tại một miền đất mới hay không. Truyền giáo là phương pháp bảo vệ sự sinh tồn vững mạnh của một tôn giáo. Đặc biệt đối với đạo Tin Lành, hoạt động truyền giáo luôn được đặt lên hàng đầu vì đó là nhiệm vụ, trách nhiệm và sứ mệnh vinh quang (theo lời Chúa) của từng cá nhân tín đồ. Sứ mệnh truyền giáo được đề cao bởi mệnh lệnh của Chúa Giêsu ghi trong Kinh Thánh: “Nhưng khi Thánh-Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền năng, rồi làm chứng nhân cho ta tại Giê-ru-sa-lem, cả Giu-đê, Sa-ma-ri, và cho đến cùng trái đất” (Công vụ các sứ đồ 1:8); “Hãy đi khắp thế gian, giảng tin lành cho mọi người” (Mac 16:15); và “Hãy đi khiến muôn dân trở nên môn-đồ ta, làm báp-têm cho họ nhơn danh Cha, Con, và Thánh-Linh” (Ma-thi-ơ 28: 19-20)[57]. Do vậy, tìm hiểu về hoạt động truyền giáo của đạo Tin Lành là tìm hiểu về toàn bộ những hoạt động chủ yếu của tôn giáo này. Trong bối cảnh đạo Tin Lành đang phát triển đột biến tại Việt Nam hiện nay, việc nghiên cứu, tìm hiểu về truyền giáo của đạo Tin Lành mang ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc.
    Đạo Tin Lành là một tôn giáo lớn trên thế giới, đứng hàng thứ 3 về số lượng tín đồ và phạm vi hoạt động chỉ sau Islam giáo và Công giáo. Đạo Tin Lành có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống chính trị - xã hội, trong tâm lí, lối sống, phong tục tập quán của nhiều nước. Đặc biệt đạo Tin Lành là tôn giáo hoạt động khá năng động, nghi lễ, lối sống đạo nhẹ nhàng đơn giản, đề cao vai trò cá nhân, tinh thần dân chủ nên nó không chỉ phù hợp với tâm lí, lối sống của xã hội công nghiệp mà còn thích ứng với các cộng đồng dân tộc thiểu số. Vì vậy, mặc dù ra đời muộn hơn so với các tôn giáo lớn khác nhưng đạo Tin Lành đã phát triển rất nhanh chóng trên phạm vi toàn thế giới, đặc biệt ở những nước công nghiệp phát triển.
    Ở Việt Nam đạo Tin Lành bắt đầu du nhập và phát triển từ đầu thế kỉ XX. Thời kì đầu do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ yếu là do bị chính quyền thực dân Pháp ngăn cấm nên đạo Tin Lành phát triển chậm. Chỉ đến thời kì đế quốc Mỹ xâm lược miền Nam (1954 – 1975), đạo Tin Lành mới có môi trường thuận lợi để phát triển mạnh mẽ ở các khu vực tại miền Nam. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Việt Nam thống nhất, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, đạo Tin Lành ở miền Nam bị hạn chế. Thời gian gần đây, đạo Tin Lành đã phát triển trở lại với tốc độ nhanh đột biến, đặc biệt trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Hiện nay có những địa phương số người theo đạo Tin Lành tăng gấp vài ba lần, thậm chí có nơi tăng gấp cả chục lần so với năm 1975. Việc đạo Tin Lành phát triển nhanh đột biến trong thời gian qua đã và đang đặt ra nhiều vấn đề phức tạp cần phải giải quyết, thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, các cấp, các ngành có liên quan.
    Trung Quốc là quốc gia láng giềng với Việt Nam và là nước có ảnh hưởng sâu sắc đến văn hoá, xã hội nước ta, có cùng thể chế chính trị là chế độ xã hội chủ nghĩa. Hơn nữa Trung Quốc là một trong những con đường đạo Tin Lành đi qua khi truyền giáo vào Việt Nam.
    So với Việt Nam, đạo Tin Lành được du nhập vào Trung Quốc sớm hơn khoảng một trăm năm. Mốc thời gian đánh dấu đạo Tin Lành du nhập vào Trung Quốc là năm 1807. Giai đoạn đầu do triều đình nhà Thanh thực thi chính sách đóng cửa tự thủ, cấm người nước ngoài truyền giáo cùng với sự khác biệt về lối sống văn hóa nên đạo Tin Lành phát triển rất chậm. Sau hai cuộc chiến tranh nha phiến năm 1840 và 1860 các hệ phái Tin Lành Phương Tây đã phái hàng ngàn giáo sĩ đến Trung Quốc truyền giáo, xây dựng các cơ sở y tế, giáo dục, từ thiện xã hội. Tuy nhiên, kết quả phát triển đạo cũng chưa được như mong muốn của các giáo sĩ. Sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập năm 1949, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện việc dẫn dắt các tôn giáo đi theo chủ nghĩa xã hội, đạo Tin Lành đã dần đi vào ổn định và phát triển nhanh chóng. Điều đáng chú ý là vào thời kì này đạo Tin Lành ở Trung Quốc phát triển theo mô hình riêng, đặc biệt chỉ có ở Trung Quốc, đó là sự hình thành Phong trào Tin Lành Yêu nước Tam tự (tự trị, tự dưỡng, tự truyền). Nhưng điều này hiện nay đang đặt Chính phủ Trung Quốc đứng trước thách thức không nhỏ, vì trên thực tế ngoài bộ phận tín đồ đạo Tin Lành nằm trong Phong trào Tam Tự vẫn còn một bộ phận Hội Thánh tư gia không đăng kí với chính quyền đang phát triển một cách rất phức tạp và không kiểm soát nổi.
    Trong điều kiện hội nhập quốc tế, việc tìm hiểu, so sánh đạo Tin Lành ở nước ta với đạo Tin Lành ở nước láng giềng Trung Quốc, nhất là trong giai đoạn từ buổi đầu truyền giáo đến khi hai nước bắt đầu thực hiện chính sách đổi mới - cải cách mở cửa, tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt trong truyền giáo của đạo Tin Lành ở hai nước để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm trong việc ứng xử với tôn giáo này là việc làm cần thiết, có ý nghĩa lí luận và thực tiễn. Đây là giai đoạn hai nước có những bối cảnh biến động chính trị khá giống nhau, cùng từ chế độ nửa phong kiến nửa thuộc địa, trải qua cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, cho đến nay vấn đề này vẫn còn bỏ trống, chưa được quan tâm nghiên cứu. Từ lí do trên, tôi chọn đề tài: Hoạt động truyền giáo của đạo Tin Lành ở Việt Nam và Trung Quốc ( từ khởi đầu đến đổi mới – cải cách mở cửa) làm đề tài luận án tiến sĩ Tôn giáo học.
    2. Mục đích và nhiệm vụ của luận án
    2.1. Mục đích của luận án
    Trên cơ sở nghiên cứu hoạt động truyền giáo của đạo Tin Lành ở Việt Nam và Trung Quốc chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt trong quá trình truyền giáo của đạo Tin Lành ở hai quốc gia này giai đoạn từ buổi đầu đến khi hai nước bắt đầu thực hiện chính sách đổi mới - cải cách mở cửa. Từ đó thấy được hệ luận của việc truyền giáo đối với sự phát triển của đạo Tin Lành và mức độ ảnh hưởng qua lại giữa đạo Tin Lành với xã hội bản địa nơi nó đến truyền giáo.
    2.2. Nhiệm vụ của luận án
    Để thực hiện mục đích trên, luận án đặt ra nhiệm vụ:
    - Tìm hiểu bối cảnh chính trị, văn hoá, xã hội, tôn giáo ở mỗi nước khi đạo Tin Lành bắt đầu du nhập.
    - Trình bày quá trình truyền giáo của đạo Tin Lành ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc giai đoạn từ khi du nhập đến khi hai nước bắt đầu thực hiện chính sách đổi mới - cải cách mở cửa.
    - Tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt trong truyền giáo của đạo Tin Lành ở hai nước.
    - Chỉ ra được những hệ luận của truyền giáo đối với sự phát triển của đạo Tin Lành.
     
Đang tải...