Thạc Sĩ Hoàn thiện Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở ở Việt Nam hiện nay

Thảo luận trong 'Chưa Phân Loại' bắt đầu bởi Thúy Viết Bài, 5/12/13.

  1. Thúy Viết Bài

    Thành viên vàng

    Bài viết:
    198,891
    Được thích:
    173
    Điểm thành tích:
    0
    Xu:
    0Xu

    MỞ ĐẦU

    1. Tính cấp thiết của đề tài

    Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đánh dấu một bước chuyển biến vô cùng trọng đại của dân tộc ta. Nó đập tan ách thống trị thực dân tàn bạo, xóa bỏ chế độ phong kiến lỗi thời đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, nhân dân được làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi dân chủ là một nội dung quan trọng. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực để nhân dân ta vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ cách mạng, vừa là bản chất và đặc trưng của chế độ mới. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986) đã khẳng định: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, đó là nền nếp hàng ngày của xã hội mới, thể hiện chế độ nhân dân lao động tự quản lý nhà nước của mình".
    Trong quá trình xây dựng đất nước, quyền dân chủ của nhân dân ngày càng được mở rộng, nhân dân thực hiện quyền làm chủ đất nước trước hết và chủ yếu thông qua các cơ quan dân cử. Trong những năm 80 - 90 của thế kỷ XX tình hình vi phạm quyền dân chủ, tệ quan liêu tham nhũng diễn ra trầm trọng dẫn đến tình trạng khiếu kiện tập thể, sự phản ứng mạnh mẽ của nhân dân, làm giảm mạnh lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền.
    Ngày 18/02/1998, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 30/CT-TƯ về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Cụ thể hóa một bước chỉ thị này, ngày 15/5/1998, Chính phủ ra Nghị định số 29/NĐ-CP ban hành kèm theo Quy chế thực hiện dân chủ ở xã và đã được sửa đổi, bổ sung thay thế bằng Nghị định số 79/NĐ-CP ngày 7/7/2003 (quy chế này áp dụng cho cả phường và thị trấn, sau đây gọi là Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở). Đây là những văn bản quan trọng do Đảng và Nhà nước ban hành nhằm tiếp tục phát huy quyền làm chủ của nhân dân, từng bước đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, chuyên quyền độc đoán, hống hách, xa rời quần chúng, tạo động lực mạnh mẽ trong nhân dân, góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN).
    Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, ngoài những mặt tích cực đạt được đã bộc lộ những điểm chưa hoàn chỉnh như: Tính dân chủ hóa, công khai hóa trong việc cung cấp những thông tin có liên quan trực tiếp đến đời sống hằng ngày của nhân dân ở cơ sở còn hạn chế. Việc thực hiện chế độ lấy ý kiến nhân dân trước khi ban hành chủ trương chính sách của chính quyền còn mang tính hình thức, kém hiệu quả, chưa quy định rõ ràng trách nhiệm của chính quyền trong việc thực hiện Quy chế dân chủ. Còn thiếu các phương thức cụ thể để thực hiện phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" một nội dung quan trọng của việc thực hiện quyền dân chủ ở cơ sở. Nhiều địa phương và người dân còn xem nhẹ nghĩa vụ phải thực hiện các nội dung của Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở; chưa có những chế tài cụ thể đối với những hành vi cản trở hoặc không thực hiện các nội dung của quy chế.
    Trước yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của đất nước. Việc triển khai nghiên cứu đề tài: "Hoàn thiện Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở ở Việt Nam hiện nay" là việc làm cần thiết có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn đáp ứng yêu cầu bức xúc hiện nay là xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của dân, do dân và vì dân.

    2. Tình hình nghiên cứu
    Vấn đề dân chủ và thực hiện dân chủ nói chung được rất nhiều nhà khoa học và các tác giả khác quan tâm nghiên cứu, điển hình như: VI. Lênin: Bàn về dân chủ trong quản lý xã hội, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003; Thái Ninh - Hoàng Chí Bảo: Dân chủ tư sản và dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991; Hoàng Chí Bảo: Tổng quan về dân chủ và cơ chế thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta: quan điểm, lý luận và phương pháp nghiên cứu, Tạp chí Thông tin lý luận, số 9/1992; Nguyễn Đăng Quang: Một cách tiếp cận khái niệm dân chủ, Tạp chí Thông tin lý luận, số 9/1992; PGS.TS Vũ Minh Giang: Thiết chế làng xã cổ truyền và quá trình dân chủ hóa hiện nay ở nước ta, Tạp chí Thông tin lý luận, số 9/1992; Lê Văn Tuấn: Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ, Tạp chí Thông tin lý luận, số 9/1992; TS. Đỗ Trung Hiếu: Một số suy nghĩ về xây dựng nền dân chủ ở Việt Nam hiện nay (sách tham khảo), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004; Đào Trí Úc: Củng cố các hình thức dân chủ và sự vững mạnh của nhà nước ta, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 11/1998; Nguyễn Đăng Dung: "Dân chủ" làng xã - Những vấn đề cần phải đặt ra nghiên cứu, Tạp chí Cộng sản, số 6/1998; Lê Minh Thông: Tăng cường cơ sở pháp luật về dân chủ trực tiếp ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 1/2000; Lê Hồng Hạnh: Bàn về các đảm bảo pháp lý của dân chủ, Tạp chí Quản lý nhà nước, số 4(51), 2000; Trần Thị Băng Thanh: Vai trò của Nhà nước đối với việc thực hiện quyền dân chủ của nhân dân ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sĩ Triết học bảo vệ năm 2002 tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
    Nghiên cứu về Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở, các bài viết, công trình nghiên cứu chỉ dừng lại ở chỗ: Tìm hiểu và nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cấp xã. Đánh giá, tổng kết những thành tựu và những khó khăn sau hơn 6 năm thực hiện Quy chế dân chủ ở cấp xã như: Quy chế thực hiện dân chủ ở cấp xã một số vấn đề lý luận và thực tiễn (sách tham khảo), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000 do PGS. TS. Dương Xuân Ngọc chủ biên; sách chuyên khảo của tác giả TS. Nguyễn Văn Sáu - GS. Hồ Văn Thông (đồng chủ biên): Thực hiện quy chế dân chủ và xây dựng chính quyền cấp xã ở nước ta hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003; cuốn: Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong tình hình hiện nay một số vấn đề lý luận và thực tiễn do PGS.TS Nguyễn Cúc (chủ biên), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002; cuốn: Các đoàn thể nhân dân với việc bảo đảm dân chủ ở cơ sở hiện nay do TSKH. Phan Xuân Sơn (chủ biên), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Tâm lý xã hội trong quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004; PGS.TS. Vũ Văn Hiền (chủ biên): Phát huy dân chủ ở xã, phường và cuốn: Dân chủ ở cơ sở qua kinh nghiệm của Thụy Điển và Trung Quốc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004; Quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở một số tỉnh đồng bằng sông Hồng hiện nay (Đề tài cấp bộ năm 2002 - 2003) do Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì).
    Ngoài ra, còn có rất nhiều các bài viết đăng trên các báo, tạp chí về tình hình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của các địa phương trong cả nước như: Trương Quang Được: Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Tạp chí Cộng sản, số 12/2002; Phạm Gia Khiêm: Thực hiện Quy chế dân chủ với xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, Tạp chí Cộng sản, số 9/2000; Lê Khả Phiêu: Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng và thực hiện thiết chế dân chủ ở cơ sở, Tạp chí Cộng sản, số 4/1998; Đỗ Mười: Phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở, Tạp chí Cộng sản, số 20/1998; Trần Quang Nhiếp: Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở sau hai năm nhìn lại, Tạp chí Cộng sản, số 11/2000 .; Phạm Quang Nghị: Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở Hà Nam, Tạp chí Cộng sản, số 5/2000; Nhật Tân: Hà Nội sau 5 năm xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Tạp chí Cộng sản, số 32/2003; Nguyễn Đại Khởn: Kết quả và kinh nghiệm bước đầu sau 5 năm triển khai thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở ở tỉnh Nam Định, Tạp chí Tổ chức Nhà nước, số 7/2004; Lê Kim Việt: Qua ba năm thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở ở nông thôn, Tạp chí cộng sản, số 18/2002 .
    Nhìn chung, các bài viết đã lý giải về tính tất yếu phải xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, qua thực tiễn khảo sát việc thực hiện quy chế ở các địa phương, vùng miền trong cả nước để đưa ra những thành tựu đã đạt được của việc thực hiện quy chế dân chủ ở cấp xã cũng như rút ra những bất cập, hạn chế, vướng mắc của Quy chế, mà chưa có công trình nào nghiên cứu một cách có hệ thống pháp luật về thực hiện dân chủ ở cấp xã và hoàn thiện pháp luật thực hiện dân chủ ở cấp xã trên cơ sở lý luận và thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên, những tài liệu nêu trên có giá trị tham khảo tốt cho tác giả trong quá trình nghiên cứu và viết luận văn.
    3. Phạm vi nghiên cứu của luận văn
    Pháp luật về thực hiện dân chủ hiện nay có phạm vi điều chỉnh tương đối rộng, bao gồm nhiều loại như: Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở (xã, phường, thị trấn), quy chế thực hiện dân chủ ở cơ quan, doanh nghiệp . Luận văn chỉ tập trung nghiên cứu Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở (được ban hành kèm theo Nghị định số 29/NĐ-CP ngày 11/5/1998 của Chính phủ, đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 79/NĐ-CP ngày 7/7/2003). Trong đó, tập trung nghiên cứu những vấn đề lý luận về Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở, thực trạng quy chế và thi hành Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở từ năm 1998 đến nay. Trên cơ sở đó đề ra phương hướng và các giải pháp cơ bản nhằm hoàn thiện Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở trong điều kiện mới.
    4. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn
    Mục đích
    Trên cơ sở làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về dân chủ và Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở, từ thực trạng Quy chế và thi hành Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở ở Việt Nam hiện nay, luận văn đề xuất một số phương hướng và các giải pháp pháp lý cơ bản nhằm hoàn thiện Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở trong thời kỳ mới.
    Nhiệm vụ
    Từ mục đích trên, luận văn có nhiệm vụ:
    + Đưa ra khái niệm, phạm vi điều chỉnh và vai trò của Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở; xác định các tiêu chí hoàn thiện Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở.
    + Phân tích, đánh giá thực trạng Quy chế và thi hành Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở ở Việt Nam hiện nay.
    + Đối chiếu, liên hệ với những yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của đất nước, trên cơ sở quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, bước đầu đề xuất phương hướng và các giải pháp nhằm hoàn thiện Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở.
    5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
    - Luận văn được thực hiện trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về xây dựng nền dân chủ XHCN, về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN nói chung và về lý luận xây dựng pháp luật nói riêng.
    - Phương pháp nghiên cứu của luận văn là phương pháp nghiên cứu của chủ nghĩa duy vật biện chứng với các phương pháp nghiên cứu cụ thể: Lịch sử - cụ thể; phân tích - tổng hợp, kết hợp với các phương pháp nghiên cứu khác: Thống kê, so sánh .
    6. Đóng góp mới về khoa học của luận văn
    - Luận văn nghiên cứu xác định khái niệm quyền dân chủ, khái niệm thực hiện quyền dân chủ, tiêu chí hoàn thiện Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở.
    - Phân tích, đánh giá một cách tương đối có hệ thống toàn diện thực trạng và những nguyên nhân tồn tại của Quy chế và thực thi Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở.
    - Đề xuất một số phương hướng và giải pháp pháp lý cơ bản nhằm hoàn thiện Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở ở Việt Nam hiện nay và hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan trong điều kiện mới.
    7. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn
    - Luận văn góp phần giải quyết một số vấn đề lý luận và thực tiễn hiện nay đang đặt ra đối với hoạt động thực hiện quyền dân chủ ở cơ sở xã, phường, thị trấn.
    - Luận văn có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu và giảng dạy trong các trường chính trị, pháp lý cũng như nghiên cứu hoàn thiện pháp luật thực hiện quyền dân chủ ở cơ sở ở Việt Nam trong thời gian tới.
    8. Kết cấu của luận văn
    Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 3 chương, 7 tiết
     
Đang tải...